Nhận định Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nga

Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ vừa diễn ra vào ngày 16/6, đánh dấu cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên của 2 nước kể từ cuộc họp giữa Putin với tổng thống tiền nhiệm Donald Trump tại Helsinki vào tháng 7/2018. Tháp tùng Tổng thống Putin có Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Valery Gerasimov, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Tham gia phái đoàn Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Trợ lý Ngoại trưởng Victoria Nuland và nhiều cố vấn cấp cao khác. Hội nghị diễn ra trong vòng 3 giờ đồng hồ, nội dung xoay quanh những vấn đề đang gây sức ép lên mối quan hệ song phương, đồng thời, thảo luận về những lĩnh vực có thể hợp tác để thúc đẩy lợi ích chung. Trả lời với các phóng viên sau cuộc họp, nguyên thủ hai bên đều đánh giá cao bầu không khí hội nghị mang tính tích cực và xây dựng. Tuy nhiên, có ít dấu hiệu từ 2 nhà lãnh đạo thể hiện rằng hội nghị tạo được nhiều tiến triển và sự tin tưởng giữa hai bên vẫn ở mức thấp. Đánh giá chung, hội nghị khó có thể tạo được đột phá cho quan hệ Nga – Mỹ, tuy nhiên, là cần thiết để hai bên có không gian thảo luận về các biện pháp kiểm soát đối đầu và tránh leo thang căng thẳng. Giới học giả cũng có cái nhìn tích cực với sự kiện này, hy vọng rằng đây sẽ đặt nền tảng cho một mối quan hệ ổn định, minh bạch và dễ dự báo hơn.  

Bối cảnh diễn ra Hội nghị

Thượng đỉnh Mỹ – Nga diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Tính chất mâu thuẫn trong quan hệ Nga – Mỹ vốn đã có từ lâu, mâu thuẫn trong lợi ích xuất phát từ sự tranh giành ảnh hưởng, vị thế trên hệ thống quốc tế. Việc Mỹ và NATO ngày cảng mở rộng các đồng minh về phía Đông bằng cách kết nạp các quốc gia thành viên của Nga và triển khai vũ khí, lực lượng quân sự sang khu vực sát biên giới Nga luôn bị Nga xem là một mối đe dọa, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Về phía Mỹ, Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga trong nhiều vấn đề như sáp nhập Crimea, mưu sát chính trị Sergei Skripal và Alexei Navalny, nhân quyền, tự do báo chí, kiểm soát vũ khí hạt nhân, tấn công mạng, can thiệp bầu cử Mỹ,… và thường xuyên áp đặt các lệnh trừng phạt. Nga luôn bác bỏ các cáo buộc và cho rằng mình là nạn nhân của xu hướng bài Nga của phương Tây. Giữa hai quốc gia không có các kênh đối thoại diễn ra thường xuyên, các hiệp định ký kết chung cũng bị hủy bỏ, bao gồm Hiệp ước về kiểm soát hạt nhân (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở, khiến Hiệp ước New START là Hiệp ước chung duy nhất còn lại. Trong 3 tháng trước khi diễn ra hội nghị, tiếp tục diễn ra nhiều động thái khiến mối quan hệ càng trở nên căng thẳng. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài ABC ngày 17/3, Biden gọi Putin là “kẻ giết người”, khiến Nga lập tức triệu tập Đại sứ Nga tại Washington là Anatoly Antonov về nước. Tiếp đó là một loạt các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ mới với các cá nhân và công ty Nga về cáo buộc vụ tấn công mạng tập đàn SolarWinds và các hành động nước này trục xuất nhà ngoại giao của nước kia. 

Với tình hình trên, rõ ràng một cuộc gặp gỡ cấp cao là cần thiết để kiểm soát tình hình giữa hai nước. Tuy nhiên, để làm rõ hơn lý do tại sao cần phải diễn ra một cuộc gặp mặt Mỹ – Nga vào lúc này, cần nhìn vào bức tranh lớn hơn bao gồm cả nhân tố Trung Quốc trong tam giác chiến lược Mỹ – Nga – Trung. Tam giác Mỹ – Nga – Trung không phải là một câu chuyện mới mà cán cân quyền lực giữa ba cường quốc này đã luôn là một yếu tố chi phối trật tự quan hệ quốc tế từ thời kỳ chiến tranh Lạnh. Sau sự sụp đổ của Liên Xô cộng với việc sự trỗi dậy của nhiều “cực” khác nhau trong quan hệ quốc tế như EU, Nhật, Ấn Độ,… vai trò của Nga trong tam giác trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước một nước Mỹ ngày càng cứng rắn bảo vệ bá quyền của mình, mối quan hệ Nga – Trung đang trở nên thân thiết hơn, các chính sách của Nga cũng hướng ra bên ngoài nhiều hơn, dấu hiệu cho thấy sự trỗi dậy của tam giác này.  So với Nga, Mỹ nhận thức về Trung Quốc như một mối đe dọa lớn hơn cả. Do vậy, chính quyền Biden cũng sẽ nỗ lực để hợp tác với Nga trong những vấn đề thuộc lợi ích chung. Đối với Nga, ở cả Mỹ và Trung Quốc đều tồn tại các lợi ích, cụ thể với Trung Quốc là về nhu cầu năng lượng và chia sẻ đối thủ chung, còn với Mỹ là vấn đề châu Âu. Một cục diện hiện ra mà trong đó Mỹ và Trung là hai cực đang cạnh tranh với nhau, nỗ lực lôi kéo Nga về hướng có lợi cho mình, còn Nga sẽ đóng vai trò “đi dây” giữa hai đối thủ. Hội nghị thượng đỉnh lần này là dịp để Mỹ có không gian thảo luận với Nga về các kênh thúc đẩy hợp tác và ổn định mối quan hệ đang nhiều biến động, nhằm hạn chế khả năng Nga sẽ ngày càng ngả về phía Trung Quốc trong tương lai. 

Thượng đỉnh Nga – Mỹ cũng diễn ra trong bối cảnh có rất nhiều động thái đáng lưu ý của Mỹ. Thứ nhất là một loạt các cuộc gặp gỡ giữa Mỹ với G7, NATO và Liên minh châu Âu, một động thái cho thấy Biden muốn nghe sự tham vấn của các đồng minh, cũng như tập hợp lực lượng hậu thời kỳ biệt lập của Donald Trump. Thứ hai, giữa Tập Cận Bình và Biden mới diễn ra điện đàm vào ngày 10/2 và các cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng nhưng chưa ai đưa ra lời mời cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung. Thứ ba, diễn ra chuyển thăm Đài Loan của phái đoàn Mỹ, chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Nhật Bản Suga. Theo chuyên gia Nhật Bản Nakazawa, tất cả những động thái này dường như đều liên quan chặt chẽ đến chiến lược đối phó với Trung Quốc của Mỹ, báo hiệu sắp tới đối đầu Mỹ – Trung có thể sẽ ngày càng gia tăng.

Nội dung cuộc họp

Đến với cuộc họp, phía Nhà Trắng trả lời với báo chí rằng chính quyền Biden không kỳ vọng sẽ đạt được kết quả to lớn, nhưng có ba điểm mà phía Mỹ muốn làm rõ. Thứ nhất, Mỹ muốn xác định những lĩnh vực thuộc lợi ích chung mà hai bên có thể hợp tác, xây dựng một thế giới an toàn hơn. Thứ hai, xác định những lĩnh vực thuộc an ninh tối quan trọng của Mỹ mà nếu bị xâm phạm Mỹ sẽ ngay lập tức đáp trả. Thứ ba, làm rõ tầm nhìn của tổng thống Mỹ, các giá trị Mỹ và ưu tiên của nước Mỹ. Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Putin, Tổng thống Biden đã làm rõ thông điệp là chương trình nghị sự của ông không chống lại Nga mà là vì người dân nước Mỹ, nhưng Mỹ sẽ đáp trả bất kỳ hành động nào tổn hại đến lợi ích của Mỹ và đồng minh. Về phía Nga, Tổng thống Putin cho biết ông kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Thụy Sĩ sẽ giúp khôi phục các mối liên hệ cá nhân, thiết lập đối thoại trực tiếp giữa hai nước. Nhìn chung, đây là cuộc họp để hai bên xác định “làn ranh đỏ” và các kỳ vọng về nhau, cùng hợp tác về những điều thống nhất và nêu rõ quan điểm về bất đồng nhằm kiểm soát đối đầu, xây dựng một mối quan hệ ổn định, dễ dự báo hơn. 

Nội dung của Hội nghị bao gồm những nội dung chính: (1) Ổn định chiến lược hạt nhân, (2) Xung đột khu vực, (3) Vấn đề Bắc Cực, (4) An ninh mạng, (5) Nhân quyền, (6) Ứng phó và khôi phục sau đại dịch, và (7) Ngoại giao

Thứ nhất, về vấn đề ổn định chiến lược hạt nhân, lãnh đạo hai bên đều nhận định đây là trách nhiệm chung của cả hai để xây dựng một môi trường an toàn hơn. Trong những năm gần đây, các thỏa thuận ổn định hạt nhân giữa Mỹ và Nga đang ở mức thấp nhất. Năm 2002, George Bush rút Mỹ khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo, vốn để hạn chế số lượng các hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Năm 2007, Nga rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu. Năm 2021, cả hai quốc gia cùng đã rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Sau khi đắc cử, Biden đã gia hạn hiệp ước START mới trong 5 năm tiếp theo, nhằm hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân và bệ phóng mà Nga và Mỹ triển khai. Trong Hội nghị, hai bên đã bắt đầu thảo luận về một hiệp ước hạn chế hạt nhân với thời hạn dài hơn thay thế hiệp ước START sau khi START kết thúc vào năm 2026.

Thứ hai, về vấn đề xung đột khu vực, cuộc thảo luận xoay quanh tương lai của Ukraine. Hai bên tham gia thảo luận về khả năng Ukraine gia nhập NATO, đồng thời, Mỹ thể hiện sự quan ngại đối với việc các phiến quân Nga được cử đến biên giới Ukraine trong khoảng thời gian gần đây tăng lên ngày càng nhiều. Trong cuộc họp báo, Putin tiết lộ không có nhiều điều để thảo luận về Ukraine, hai bên nhất trí sẽ làm theo Gói thỏa thuận Minsk để giải quyết vấn đề Ukraine. 

Thứ ba, về vấn đề Bắc Cực, Mỹ thể hiện sự quan ngại về việc Nga quân sự hóa vùng cực. Tuy nhiên, theo Putin, đây là lo ngại không có cơ sở, Nga chỉ đang khôi phục lại những cơ sở hạ tầng thời từ thời Xô Viết và hoàn toàn tuân thủ các quy định của luật quốc tế. Putin cũng đề xuất hai bên nên thúc đẩy hợp tác cùng nhau trong vấn đề này. 

Thứ tư, về vấn đề an ninh mạng, Mỹ đưa ra một danh sách bao gồm 16 lĩnh vực chiến lược mà nếu các cuộc tấn công mạng diễn ra Mỹ sẽ buộc phải tiến hành các biện pháp trả đũa nghiêm trọng, gồm có năng lượng, nước, lương thực, viễn thông, hệ thống cung cấp nước,… Putin đồng ý hai bên sẽ tăng cường tham vấn lẫn nhau trong vấn đề này. Mặt khác, Nga cũng cho rằng đa phần các cuộc tấn công mạng này đến từ phía Mỹ chứ không phải Nga như các cáo buộc và Nga cũng đã cung cấp hết khả năng thông tin cho Mỹ về các cuộc tấn công mạng nhưng không hề được Mỹ hồi âm. Nước Nga cũng đã nhận nhiều cuộc tấn công mạng, và chúng đến từ nước Mỹ. An ninh mạng là một vấn đề ngày càng cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, qua những lời trao đổi của hai nguyên thủ, chưa có sự tin tưởng và chưa thực sự hướng đến biện pháp giải quyết. 

Thứ năm, về vấn đề nhân quyền, hai bên thảo luận về tương lai của Alexei Navalny, một chính trị gia phe đối lập, người công bố các video và tài liệu về tham nhũng của các quan chức nhà nước Nga, tổ chức các cuộc biểu tình chính trị và thúc đẩy các chiến dịch tranh cử của mình. Tòa án Nga đã ra tuyên bố Navalny và tổ chức của ông là thành phần cực đoan và phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp Nga. Mỹ cho rằng đây là trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Nga chỉ khẳng định rằng Alexei Navalny tự biết mình vi phạm luật pháp của Nga và biết rõ mình sẽ bị bắt khi trở về, ngoài ra không đưa thêm bình luận nào. Mặt khác, Nga thể hiện sự quan ngại về tình trạng súng ống của Mỹ. 

Thứ sáu, về vấn đề ứng phó với đại dịch, vấn đề này được đưa ra thảo luận nhưng cũng chỉ diễn ra ngắn gọn. Nga đã chấp nhận yêu cầu cầu cứu trợ của Mỹ và gửi các thiết bị y tế, máy thở nhằm hỗ trợ chống dịch. Tuy nhiên, chi tiết về vấn đề vẫn chưa được thảo luận. 

Thứ bảy, về vấn đề ngoại giao, Putin tiết lộ sẽ có các cuộc họp tham vấn diễn ra ở cấp ngoại trưởng và đồng ý việc các đại sứ trở lại nhiệm vụ.

Nhìn chung, Hội nghị diễn ra ngắn hơn dự kiến, với sự thảo luận về nhiều chủ đề, nhưng các thảo luận chỉ diễn ra sơ bộ, chưa đi vào cụ thể và chưa có chiều sâu. Nhìn ở khía cạnh tích cực, hội nghị diễn ra với không khí xây dựng, không có sự thù địch. Hai bên đối thoại, tìm kiếm lập trường chung và đóng góp mang tính xây dựng. Kết thúc hội nghị, Mỹ và Nga thống nhất sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát hạt nhân, vấn đề Bắc Cực và an ninh mạng. 

Phản ứng quốc tế

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nga chính là tâm điểm chính trong chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Joe Biden từ khi bắt đầu nhiệm kỳ. Đã có rất nhiều dư luận và phản ứng từ các bên trước, trong và sau khi diễn ra hội nghị. Đối với NATO, Tổng thư ký Stoltenberg đã bày tỏ sự hoan nghênh cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Vladimir Putin tại Geneva. Dẫn lời Tổng thống Joe Biden, NATO “đã cảm ơn ông vì cuộc gặp ngay thời điểm này với ông Putin” và “NATO nghĩ việc làm của ông hoàn toàn phù hợp”. Được biết mối quan hệ của NATO và Nga ngày càng khó dung hòa và đạt mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Các hành động quân sự của Nga, điển hình là cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus trong thời gian sắp tới và hành động quân sự của Châu Âu, điển hình là đóng quân áp sát biên giới Nga khiến tình hình an ninh của các bên bị đe dọa và gia tăng căng thẳng. Dưới góc nhìn của các lãnh đạo NATO, so với Trung Quốc, Nga mới là một đối thủ thực sự còn Trung Quốc vẫn được cân nhắc vì những lợi ích hợp tác kinh tế. 

Trong cuộc bàn luận với Tổng thống Putin, Tổng thống Biden đã khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine và kêu gọi Ukraine và Nga cam kết Thỏa thuận Minsk đã được ký kết 2015 nhưng chưa từng được thực hiện. Song Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thể hiện sự thất vọng khi người đồng cấp đã không gặp ông trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Nga liên quan trực tiếp tới lợi ích của nước này. 

Còn đối với Israel, dù không nằm trong nội dung thảo luận chính nhưng quốc gia này đã theo dõi cuộc gặp sát sao bởi vì nó diễn ra sau hai sự kiện lớn là lễ nhậm chức của Tổng thống Biden vào đầu năm và Thủ tướng Naftali Bennett vào 13/6. Theo ông Leonid Litinetsky, nhà lập pháp và chính trị gia của Israel, cuộc gặp sẽ giúp chính quyền mới của ông Bennett định hình mối quan hệ với Mỹ và Nga cũng như đánh giá tình hình phi hạt nhân hóa tại Iran, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Israel trong khu vực bán đảo Ả Rập. 

Về phía Trung Quốc, trước khi Hội nghị diễn ra, Ngoại trưởng Vương Nghị đã kêu gọi hai nước Nga – Mỹ thúc đẩy quá trình cắt giảm vũ khí hạt nhân và tiếp tục đối thoại thỏa thuận hạt nhân với Iran mà Tổng thống Donald Trump đã rút ra trước đó và thay vào đó là các biện pháp trừng phạt Iran. Ngoài ra Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khá bất ngờ trước sự chủ động tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh với đối thủ là Nga dưới hình thức gặp mặt trực tiếp vì từ cuộc họp cấp bộ trưởng trước đó giữa Mỹ – Trung tại Alaska cả hai nước vẫn chưa có động thái ngoại giao hay lên kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh. Các tờ báo như Thời báo Hoàn Cầu và Xinhua cũng đưa ra nhận định cuộc gặp sẽ không thể thay đổi và ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Trung Quốc. Trả lời tờ báo Hoàn Cầu, Danil Bochkov, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga đã khẳng định mối quan hệ Trung – Nga đủ mạnh để chống lại những động thái mới mẻ của Mỹ và mối quan hệ của Nga Trung không thay đổi dưới nhân tố Mỹ vì đã phát triển hợp tác trên hầu hết các phương diện từ quân sự đến không gian. Sau Hội nghị Thượng đỉnh, Trung Quốc hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Nga về việc tham gia đối thoại song phương về ổn định chiến lược. Trung Quốc kêu gọi Mỹ – Nga giải trừ vũ khí hạt nhân và cắt giảm đáng kẻ kho vũ khí hạt nhân một cách rõ ràng, minh bạch và có ràng buộc pháp lý nhằm duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu và thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới. Ngoài ra người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lý Cảnh khẳng định vai trò tiên phong của Trung Quốc trong nỗ lực cắt giảm vũ khí hạt nhân với vị trí đứng ra kêu gọi và sẵn sàng đối thoại với 5 nước có vũ khí hạt nhân (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp). Tuy nhiên trên thực chất, Trung Quốc là nước đang phát triển vũ khí hạt nhân với số lượng đầu đạn hạt nhân là 350, cao thứ ba trong 5 nước có vũ khí hạt nhân. Lời nói và hành động của Trung Quốc không chỉ đi từ mong muốn thúc đẩy hòa bình mà còn là sự gia giảm vũ khí hạt nhân số lượng lớn của hai nước Nga – Mỹ để hướng tới sự cân bằng vũ khí hạt nhân với Trung Quốc. 

Đánh giá

Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nga kết thúc sau 3 tiếng bàn luận, quan hệ của Mỹ – Nga không có những thay đổi đột phá và nổi bật, dù vậy sự kiện lần này được coi là “chìa khóa quan trọng” đối với Tổng thống Putin và Tổng thống Biden nói riêng và mối quan hệ đối ngoại của cả hai. Bầu không khí cuộc gặp được hai vị nguyên thủ nhận định là “thẳng thắn” và “tích cực”, Tổng thống Biden nhận xét “ngôn ngữ và giọng điệu tại cuộc đối thoại rất tốt” trong khi đó Tổng thống Putin đánh giá “Mỹ và Nga đã nói cùng một ngôn ngữ đồng thời người đồng cấp Biden là một người rất cân bằng, chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm ngoại giao”. Hai bên đã tìm ra được những lĩnh vực có thể phát triển hợp tác song phương như đưa đại sứ trở lại mỗi nước, vấn đề biến đổi khí hậu, hợp tác tại khu vực Bắc Cực, bàn luận về tình hình hạt nhân tại Iran, Bắc Triều Tiên và các vấn đề khủng bố, Afghanistan, đặc biệt cả hai bước đầu đã đưa ra Tuyên bố chung về sự ổn định chiến lược. Đây sẽ bước đệm cho những hợp tác sau này giữa Mỹ – Nga.

Nếu xét về mong muốn ban đầu trước Hội nghị của cả hai bên thì sau Hội nghị đã cơ bản đạt được. Đối với Mỹ, Tổng thống Mỹ đã thể hiện mong muốn một quan hệ “ổn định và dễ đoán” hơn với Nga đồng thời dẫn dắt mối quan hệ với Nga để phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ thay thay vì “nhượng bộ” và “tặng quà” cho Nga như một số quan điểm đưa ra từ Đảng Cộng Hòa. Trong Hội nghị, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh lập trường Mỹ không chống Nga mà những hành động của Mỹ nhằm mục đích vì người dân nước Mỹ từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác hai bên cùng có lợi đồng thời mang lại lợi ích cho thế giới. 

Về phía Nga, Tổng thống Putin đánh giá cuộc hội đàm với Tổng thống Biden không có bất cứ sự thù địch nào và diễn ra đúng nguyên tác và mang tính xây dựng. Dù có nhiều đánh giá và quan điểm khác nhau nhưng cả hai đều thể hiện mong muốn hiểu nhau bằng việc thẳng thắn đưa ra các quan điểm và nỗ lực đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Từ đó thấy được mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ của Nga đã đạt sau hội nghị tuy nhiên vẫn còn rất nhiều chương trình và triển khai phải làm để thật sự đánh giá được sự bền vững của quá trình cải thiện mối quan hệ Mỹ – Nga. Ngoài ra theo Keith Darden, PGS trường Dịch vụ quốc tế tại Đại học Hoa Kỳ cho biết, Nga đã hưởng lợi qua sự thúc đẩy Thỏa thuận Minsk của Mỹ trong vấn đề Ukraine. Thỏa thuận Minsk là thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực phía Đông Ukraine được ký kết năm 2015 tuy nhiên tới nay vẫn chưa được Ukraine thực hiện và cũng không có hạn định cho thỏa thuận. Việc Mỹ cùng Nga thúc đẩy những phương thức ngoại giao liên quan đến thỏa thuận Minsk sẽ mang đến lợi ích cho cả hai bên nhưng chưa chắc Ukraine sẽ hài lòng với quyết định này.

Nhiều nhà chính trị gia và học giả đã đưa ra những nhận xét tích cực cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói “chính sách ngoại giao chỉ mang lại hiệu quả khi các bên đồng ý đối thoại với nhau” và trong trường hợp của Mỹ và Nga khi cả hai đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán nghĩa là nguy cơ xung đột đang tạm lùi về phía sau và sẽ có cơ hội mở ra sau đó. Tương đồng với nhận định trên, ông Daniel DePetris, nhà nghiên cứu tại Defense Priorities cũng nhận xét dù đạt được ít thành tựu lớn nhưng cuộc họp diễn ra đã là một sự thành công trong mối quan hệ cả hai nước. Tuyên bố chung của hai bên về sự ổn định chiến lược cũng được các nhà nghiên cứu thảo luận. Ông Matthew Rojansky, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Kennan tại Washington cho rằng thực tế cuộc họp báo đã diễn ra đúng như kế hoạch dù kết quả đạt được vẫn ở mức thấp nhưng mối quan hệ Mỹ – Nga đã ổn định và dễ dự đoán hơn, hoàn toàn đúng với tiêu chí đề ra của Tổng thống Biden. Không những thế quá trình trọng tâm ổn định chiến lược với New START sẽ có thể giúp hai quốc gia tiếp cận vào các lĩnh vực và vấn đề khó khăn khác. Còn theo ông Samuel Charap, nhà khoa học chính trị tại Rand Corporation nhận đình Mỹ muốn sự ổn định để tránh bị chiếm ưu thế bới những vấn đề của Nga trong chương trình nghị sự từ đó chú trọng bàn bạc về những câu chuyện khác quan trọng hơn đối với Mỹ. Ngoài New START, Mỹ sẽ tiết kiệm thời gian của mình khi Nga trở nên tập trung hơn. 

Thế nhưng, cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng cuộc gặp với Tổng thống Putin là phí thời gian và không thực chất vì Putin sẽ không bao giờ chịu hợp tác với Mỹ một cách có ý nghĩa. Trên thềm diễn ra sự kiện một số nghị sĩ Mỹ mà đặc biệt là Hạ nghị sĩ Cộng Hòa Michael McCaul đại diện bang Texas đã chỉ trích cuộc gặp Mỹ – Nga, cho rằng đó là sự nhượng bộ của Mỹ trước những hành vi đe dọa và gây phương hại tới Mỹ như các cuộc tấn công mạng hay vụ đầu độc lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Việc gặp Nga tương tự việc Mỹ đã hợp pháp hóa các hoạt động của nước này thay vì điều cần làm là áp lệnh trừng phạt và cấm vận để cảnh cáo Nga. Ngoài ra, Melinda Haring, Phó Giám đốc Trung tâm Á Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương phê bình cách tiếp cận “ngây thơ” của Tổng thống Joe Biden. Bà nghĩ rằng Mỹ không thể đặt Nga vào một chiếc hộp nhỏ và nhượng bộ một chút thì Nga sẽ hành xử theo ý Mỹ trong vong 4 năm sắp tới. So với Trung Quốc, Nga là một mối đe dọa ngắn hạn lớn hơn nhiều. Ngoài ra so với những điểm đồng thuận sau Hội nghị, Mỹ – Nga vẫn đứng trước rất nhiều vấn đề với quan điểm đối lập nhau. Tổng thống Putin đã từ chối bàn luận khi đề cập đến các vấn đề về cáo buộc đầu độc chính trị ia đối lập Navalny, vấn đề Ukraine trong khi đó vấn đề Ukraine vẫn là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn tới căng thẳng trong mối quan hệ Nga – Mỹ. Nếu chỉ dừng những thỏa thuận và tuyên bố sau Hội nghị mà chậm trễ trong việc triển khai và duy trì kênh đối thoại giữa các bên, quan hệ Mỹ – Nga luôn có nguy cơ trở về vạch xuất phát. 

…Kết luận

Mặc dù có nhiều quan điểm và đánh giá tích cực và tiêu cực sau Hội nghị tuy nhiên nhìn chung Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Nga đã thành công và đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu của hai bên. Dù vẫn đứng trước những khác biệt trong lập trường về các vấn đề quan trọng nhưng bước đầu cả hai đã đồng ý ngồi lại và bàn luận với nhau để nỗ lực tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác cũng như nối lại kênh đối thoại. Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Biden “tặng quà” cho Putin tuy nhiên nhận định này là không đúng với bối cảnh của Mỹ trên thế giới.  Bởi vì hiện tại Tổng thống Joe Biden cần phải làm khi đứng trước nguy cơ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc chống lại Mỹ. Hơn ai hết, Tổng thống Biden đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với Tổng thống Putin và ông không ảo tưởng rằng sẽ lay chuyển được vị nguyên thủ quốc gia này như một số người tiền nhiệm. Ông đã công nhận Putin là một “đối thủ xứng tầm” với Mỹ, khác với quan điểm thời Obama chỉ coi Nga là cường quốc khu vực thay vì cường quốc toàn cầu. Biden đã thành công trong quá trình định ra một nguyên tắc cạnh tranh chung cho Mỹ và Nga nhằm mang đến một mối quan hệ dù vẫn là đối thủ nhưng mang tính bình ổn, dễ đoán và quan trọng vẫn có không gian để hợp tác. Vì điều Mỹ không muốn nhất bây giờ là Nga và cả Trung Quốc sẽ coi Mỹ là kẻ thù chung và chống lại Mỹ cũng như Mỹ sẽ khó có thể biến Nga trở thành đồng minh để chống Trung Quốc. Đồng thời, NATO khó có thể dung hòa mối quan hệ với Nga vì sự khác biệt lợi ích. Còn về phía Nga, Nga sẽ chấp nhận với viễn cảnh có cả 2 đối thủ chiến lược trên trường quốc tế với Mỹ là một cực và Trung Quốc là cực thứ hai trong tam giác chiến lược Mỹ – Nga – Trung.

IR Analytica

____________________________________

Nguồn tổng hợp:

https://tass.com/world/1303871

https://www.politico.com/news/2021/06/16/biden-putin-geneva-494812

https://www.politico.eu/article/geneva-summit-us-russia-relations-heat-up-joe-biden-vladimir-putin/

https://www.irishtimes.com/opinion/editorial/the-irish-times-view-on-us-russia-relations-managed-confrontation-1.4594258

https://www.reuters.com/world/europe/putin-says-relations-with-us-lowest-point-years-2021-06-11/

https://www.reuters.com/world/putin-says-he-wants-biden-summit-help-establish-dialogue-ifax-2021-06-13/

https://www.reuters.com/world/middle-east/china-urges-us-russian-nuclear-cuts-progress-iran-talks-2021-06-11/

https://edition.cnn.com/2021/03/18/europe/biden-putin-killer-comment-russia-reaction-intl/index.html

https://www.nbcnews.com/think/opinion/biden-putin-summit-comes-u-s-russia-share-something-common-ncna1271043

https://thediplomat.com/2021/06/the-modern-china-russia-us-triangle/

https://foreignpolicy.com/2021/06/14/biden-putin-russia-china-great-power-competition/

https://www.whitehouse.gov/briefing-room/press-briefings/2021/06/15/background-press-gaggle-by-senior-administration-officials-en-route-geneva-switzerland/

Vladimir Putin Press Conference Transcript After Meeting With Biden in Geneva (English Translation)

https://www.globaltimes.cn/page/202105/1224891.shtml

https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/t1884561.shtml

https://m.jpost.com/international/sipri-number-of-fatalities-caused-by-armed-conflict-falls-in-2020-670945/amp

____________________________________

Các bài viết liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *