Nhận định Hội nghị Thượng đỉnh G7

Từ ngày 11 đến ngày 13.06.2021, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 47 giữa nhóm các nước G7 đã chính thức diễn ra tại vùng Cornwall phía Tây Nam thuộc Vương quốc Anh khi nước này giữ chức chủ tịch của G7. Sau thời gian gián đoạn một năm do đại dịch khiến chính quyền Mỹ không thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh năm 2020 như dự kiến ​​ban đầu, sự kiện năm nay được kỳ vọng sẽ đánh dấu sự trở lại hợp tác toàn cầu giữa các nền dân chủ lớn trên thế giới nhằm thảo luận các biện pháp tái thiết và phục hồi thế giới sau đại dịch. Hơn thế nữa, sự kiện Thượng đỉnh G7 cũng là chuyến công du nước ngoài của tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi nhậm chức, qua đó sẽ cho thấy những chỉ dấu quan trọng về chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden.   

Bối cảnh

Trong thời gian gần đây, nhóm các nền công nghiệp hàng đầu G7 bị đánh giá là đang mất dần vị thế vốn có của mình trong một số vấn đề so với G20 – một diễn đàn toàn cầu có tổ chức và mục tiêu tương tự nhưng với số lượng thành viên rộng hơn. Tỷ trọng tương đối của các nước G7 trong nền kinh tế thế giới ngày càng giảm, trong khi GDP G20 liên tục tăng nhờ Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác. G20 đã trở thành nhóm chỉ đạo chính về các vấn đề kinh tế và tài chính toàn cầu vào năm 2008, khi nhóm này có thể phản ứng hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, những bất đồng giữa các nền dân chủ G20 và các thành viên G20 kém dân chủ hơn, chẳng hạn như Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đã làm giảm tính hiệu quả của nhóm nước này

Hội nghị thượng đỉnh năm nay cũng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các nước phương Tây đang triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19, từng bước kiểm soát đại dịch và tháo dỡ các lệnh hạn chế. Trong đó, phải kể đến, chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh trở lại các động thái ngoại giao trên phạm vi toàn cầu sau khi tiến hành các chương trình tiêm chủng đại trà. Do đó, Hội nghị thượng đỉnh năm nay còn là cơ hội để 7 nền dân chủ lớn trên thế giới tái khẳng định sự thống nhất của họ trước các thách thức đến từ bên trong nội bộ và cả bên ngoài.

Một số diễn biến và nội dung chính của hội nghị:

Những người tham gia hội nghị lần này bao gồm các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia thành viên G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) và đại diện của Liên minh châu Âu (EU). Các nhà lãnh đạo của nhóm G7 trước đó đã gặp nhau tại Vịnh Carbis để chuẩn bị cho chương trình nghị sự của ba ngày hội nghị. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cùng đại diện EU cũng tham gia vào tất cả các cuộc thảo luận với tư cách khách mời. Vương quốc Anh, với tư cách nước chủ trì, cũng đã mời các nhà lãnh đạo Úc, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo với tư cách khách mời. Theo ghi nhận, Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần thứ 47 là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Thủ tướng Ý Mario Draghi, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên mà Tổng thống Hàn Quốc được mời. Trong khi nhiều khả năng hội nghị thượng đỉnh này sẽ là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng có sự tham dự của Thủ tướng Đức Angela Merkel, bởi bà không có dự định tái tranh cử trong cuộc bầu cử liên bang Đức sẽ được tổ chức vào tháng 9/2021. 

Sau 3 ngày diễn ra, mặc dù truyền thông đưa tin không khí của hội nghị có phần căng thẳng, các thành viên G7 đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực: thương mại toàn cầu, củng cố hệ thống quốc tế chống lại các đại dịch trong tương lai và đối phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cuộc gặp gỡ này cũng là dịp để các nhà lãnh đạo tìm ra tiếng nói chung cho vấn đề Nga và Trung Quốc, đồng thời củng cố các giá trị, nguyên tắc chung của nhóm nước G7. Có thể thấy, những kết quả đạt được và các thông cáo chung được đưa ra phần nhiều mang dấu ấn của chính quyền Mỹ.

Cụ thể, trong từng lĩnh vực, hội nghị đã đạt được các thỏa thuận sau…

Về vấn đề kinh tế, để giảm thiểu tác động của đại dịch, G7 lần đầu tiên đã cung cấp các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, bao gồm duy trì việc làm, trợ cấp thu nhập và duy trì hoạt động kinh doanh, với tổng trị giá hơn 12 nghìn tỷ đô la. G7 nhận thấy tầm quan trọng của việc khởi động lại du lịch quốc tế một cách an toàn đối với nền kinh tế toàn cầu, bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển. Điều này yêu cầu các nỗ lực đa phương bao gồm hướng dẫn sức khỏe cộng đồng mới về du lịch quốc tế của WHO, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế và Tổ chức Hàng hải Quốc tế.

Cũng trong hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo của 7 nền kinh tế phát triển này cũng sẽ đưa ra phê chuẩn cuối cùng đối với thỏa thuận kinh tế đã được ký vào cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính của nhóm G7 vào ngày 4-5/6. Nổi bật trong đó là một cam kết quy định mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15% để ngăn chặn các quốc gia là “thiên đường thuế” hỗ trợ hợp tác cho các tập đoàn liên quốc gia. Một số quốc gia, chẳng hạn như Pháp và Ý, đã áp dụng thuế kỹ thuật số quốc gia. Thỏa thuận G7 quy định rằng các loại thuế kỹ thuật số hay tương tự sẽ được giảm bớt, song song với việc áp dụng các quy tắc thuế quốc tế mới.

Về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa thể chấm dứt, vấn đề về vắc-xin cùng các biện pháp đối phó vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo. Ngày 12/6, các nhà Lãnh đạo G7 đã thảo luận về Sứ mệnh 100 ngày cần thiết để có vắc xin, phương pháp điều trị, chẩn đoán an toàn và hiệu quả trong vòng 100 ngày kể từ khi xác định được mối đe dọa từ đại dịch trong tương lai. Cố vấn trưởng về khoa học của Chính phủ Anh, Patrick Vallance và Melinda French Gates đã đề xuất các chính phủ, ngành công nghiệp, các tổ chức quốc tế nên làm việc cùng nhau để tăng tốc độ phản ứng của thế giới đối với đại dịch. Tổng Giám đốc Tổ chức Kinh tế thế giới (WTO) đã đề nghị từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các công ty nghiên cứu và sản xuất vắc-xin vào tháng 7 nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine ở các nước đang phát triển. Nam Phi, Ấn Độ và Mỹ đã lên tiếng ủng hộ nhưng các công ty dược phẩm cho rằng động thái này sẽ có thể ảnh hưởng tới hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi G7 đảm bảo sự phân phối vắc xin COVID-19 một cách bình đẳng trên toàn cầu và ngăn chặn đại dịch trong tương lai. Ông đề xuất một kế hoạch 5 điểm để ngăn chặn đại dịch, bao gồm mạng lưới các trung tâm nghiên cứu bệnh động vật trên toàn thế giới, phát triển năng lực sản xuất toàn cầu cho các phương pháp điều trị và vắc xin, thiết kế hệ thống cảnh báo toàn cầu, thỏa thuận các giao thức toàn cầu cho tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và giảm bớt các rào cản thương mại.Các quốc gia G7 cũng đã đồng ý cam kết cung cấp 1 tỷ vắc xin cho các quốc gia khác. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi nhóm tăng cường thử nghiệm, chẩn đoán và sản xuất vắc xin COVID-19 để giúp tài trợ cho chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới về những vấn đề này.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G7 cũng kêu gọi một cuộc điều tra mới, minh bạch của WHO về nguồn gốc của vi-rút Corona. Chính quyền ông Joe Biden là người khởi xướng kêu gọi mở rộng cuộc điều tra của các cơ quan tình báo của đất nước về nguồn gốc của đại dịch.

Về vấn đề môi trường, những vấn đề còn tồn đọng như khủng hoảng khí hậu thế giới và đánh thuế lượng carbon của các doanh nghiệp tiếp tục được bàn bạc nhằm thống nhất giữa các nước G7 và đạt được mục tiêu kiểm soát được khí thải công nghiệp và đưa lượng khí thải về mức số 0 vào năm 2050. G7 cũng dự kiến giảm gần một nửa lượng khí thải vào năm 2030 so với năm 2010. Riêng Anh cam kết cắt giảm ít nhất giảm 58% vào 2030 so với mức năm 2010.

Cách tiếp cận mới của G7 nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng tái tạo và công nghệ bền vững, chấm dứt hỗ trợ trực tiếp của chính phủ đối với lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài và loại bỏ dần ô tô chạy bằng xăng và diesel. Chính phủ Anh sẽ xây dựng vấn đề này với các quốc gia khác trước thềm Hội nghị cấp cao COP26. Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo là bước đệm quan trọng trên con đường tiến tới COP26 mà Anh sẽ tổ chức tại Glasgow vào tháng 11.

G7 cũng thông qua Hiệp ước về Thiên nhiên tại cuộc họp chiều 12/6 nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học vào năm 2030 – bao gồm hỗ trợ mục tiêu toàn cầu nhằm bảo tồn hoặc bảo vệ ít nhất 30% đất liền và 30% đại dương trên toàn cầu vào cuối thập kỷ này. Ngoài hành động trong nội bộ, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết tăng cường đóng góp cho tài chính khí hậu quốc tế để đáp ứng mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm, giúp các nước đang phát triển đối phó với tác động của biến đổi khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng xanh, bền vững.

Trong vấn đề Trung Quốc, các lãnh đạo G7 có cách tiếp cận khác nhau đối với Trung Quốc: Trong khi Mỹ, Pháp, Anh đòi hỏi cứng rắn hơn thì Đức, Ý vẫn muốn tìm lĩnh vực để hợp tác bên cạnh đối trọng với Mỹ. Nhóm bảy nền dân chủ đã tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc bằng cách cung cấp cho các quốc gia đang phát triển một kế hoạch cơ sở hạ tầng có thể cạnh tranh với sáng kiến ​​BRI làm việc thứ hai của hội nghị thượng đỉnh. Nhà Trắng cho biết tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác hy vọng kế hoạch sáng kiến ​​Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn (B3W) sẽ xây dựng một mối quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng minh bạch để giúp hỗ trợ 40 nghìn tỷ đô la mà các quốc gia đang phát triển cần vào năm 2035.

Trong khi hầu hết các nước, bao gồm cả các thành viên G7, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhóm này cùng với các đồng minh phương Tây khác đã có tuyên bố chung về vấn đề Đài Loan – vấn đề được xem là “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc. Các lãnh đạo còn được cho là lần đầu tiên nhắc đến vấn đề Đài Loan khi kêu gọi hòa bình và ổn định xuyên eo biển Đài Loan, theo Kyodo News. Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Đài Loan Xavier Chang cho biết Đài Loan đang tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc tế, và các nước thành viên G7 chia sẻ các giá trị cơ bản như dân chủ, tự do và nhân quyền.

Về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, ông Biden đã đề cập đến những cáo buộc cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số tại khu vực tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Ông đưa ra hướng bàn bạc cho các nước trong nhóm có những hành động và tuyên bố chung đủ để kiềm chế, ngăn chặn hiện tượng xâm hại nhân quyền của chính quyền Trung Quốc. Theo nhiều nhà hoạt động xã hội và các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc, hiện có khoảng 1 triệu người đang bị bắt giữ tại các trại giam giữ ở khu vực này và rất nhiều trong số này đang phải chịu trừng phạt, hãm hiếp và triệt sản đầy dã man. Tuy nhiên, chống lại truyền thông quốc tế, chính quyền Trung Quốc đến hiện nay vẫn từ chối và có nhiều hành động phản kháng mang tính trả đũa đặc biệt là đối với Liên minh Châu Âu. 

Nhìn chung, nội dung của hội nghị thượng đỉnh G7 đã bao hàm và đánh động được nhiều khía cạnh từ kinh tế, môi trường đến chính trị, nhân quyền. Thông cáo đã đề ra được những kế hoạch triển vọng mang tính thực tiễn cao và cho thấy hiệu quả của buổi họp. Các thành phần tham gia đã tích cực đóng góp ý kiến, đặc biệt dưới sự chủ trì của Thủ tướng Boris Johnson và của những lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden. Nội dung cho thấy sự thống nhất tiếng nói chung của bảy nước cũng như sự quan tâm, đóng góp, hỗ trợ của họ đối với các nước đang phát triển và sự phát triển chung của toàn cầu. 

Về phía mối quan hệ với Nga, nhóm 7 quốc gia đã chỉ đích danh và yêu cầu Nga dừng các cuộc tấn công mạng và dừng sử dụng phần mềm ransomware từ bên trong biên giới của mình. Thông cáo này mang đậm dấu ấn chính quyền Biden khi kêu gọi phía Nga “dừng các hành vi gây bất ổn và các hoạt động ác ý” và tiến hành một cuộc điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học trong nước. Vấn đề này đang được chú ý sau một cuộc tấn công mạng vào Colonial Pipeline, đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất ở Mỹ và một đường ống khác làm gián đoạn các hoạt động ở Bắc Mỹ và Úc của công ty đóng gói thịt JBS USA. Những cáo buộc của Mỹ và phương Tây dành cho Nga gần đây còn liên quan đến vụ hỗ trợ tài chính cho sự kiện Belarus ép máy bay hạ cánh và bắt giữ nhà báo hồi tháng 5 càng khiến cho quan hệ của Nga với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ dần trở nên căng thẳng. 

Về vấn đề Ukraine, G7 nhắc lại sự ủng hộ đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận. Các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi Nga giảm bớt căng thẳng và hành động phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của mình, đồng thời rút quân đội Nga khỏi biên giới phía đông Ukraine và trên bán đảo Crimea. Các nước G7 quan điểm rằng Nga là một bên trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, không phải là bên hòa giải. Đồng thời, các nước khẳng định sự ủng hộ đối với Tiến trình Normandy để đảm bảo thực hiện thỏa thuận Minsk, kêu gọi Nga và các lực lượng vũ trang mà nước này ủng hộ ngừng bắn. Sự ủng hộ được nhấn mạnh nhằm củng cố nền dân chủ và thể chế của Ukraine, khuyến khích những tiến bộ trong cải cách.

Hàm ý của Mỹ

Những diễn biến và kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G7 đã cho thấy rõ những mục tiêu, trọng tâm nhất quán trong chính sách đối ngoại của chính quyền tổng thống Joe Biden. 

Dưới thời tổng thống Trump, chính sách ngoại giao cứng rắn vì lợi ích của nước Mỹ là trên hết đã gây tổn hại đến các mối quan hệ đồng minh thân cận của cường quốc này. Trong đó, việc ông Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích các đồng minh an ninh trong khối NATO đã sớm khiến quan hệ Mỹ với các nước Châu Âu đi xuống. Đồng thời, việc ông Trump rút khỏi các hiệp định đa phương như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã khiến Mỹ bị suy giảm vai trò lãnh đạo, dẫn dắt trên phạm vi toàn cầu. Khoảng trống mà chính quyền ông Trump để lại trên trường quốc tế lại sớm tạo điều kiện cho Trung Quốc thể hiện vị thế của một “cường quốc xét lại”. Do đó, một trong những trọng tâm trong nhiệm kỳ của tổng thống Biden là tái lập vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn Trung Quốc và Nga. Và để thực hiện được điều đó, ông Biden hướng đến việc giữ vững, củng cố quan hệ với các đồng minh và mở rộng ra là những quốc gia chia sẻ chung quan điểm với Mỹ. Ngay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, tổng thống Biden đã thể hiện những lập trường đối lập với chính quyền của ông Trump, từ đó xây dựng lại lòng tin từ các đồng minh Châu Âu. Trên cơ sở đó, có thể thấy ông Biden đã sử dụng (1) vấn đề khí hậu và (2) các giá trị dân chủ để làm điểm tựa đàm phán tại G7.

  1. Ngoại giao khí hậu:

Như đã đề cập ở trên, trong khi tổng thống Trump rút Mỹ khỏi các thỏa thuận về khí hậu và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, Trung Quốc đã khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực này khi đặt ra chỉ tiêu đưa mức phát thải carbon về 0 vào năm 2060, đồng nghĩa với việc Trung Quốc “sẽ sử dụng thời gian ngắn nhất trong lịch sử” để chuyển đổi từ nước phát thải carbon nhiều nhất thành nước trung hòa carbon. Đồng thời, Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác, đối thoại với các quốc gia Châu Âu như Pháp, Đức trong lĩnh vực này. Về phía Mỹ, ngay khi vừa nhậm chức, ông Biden đã tuyên bố Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, có hiệu lực từ ngày 19/2, đồng thời trì hoãn các dự án khoan dầu, khí ở Bears Ears, Grand Staircase-Escalante cùng các dự án liên quan khác – cho thấy nỗ lực giải quyết các thách thức khí hậu. Trên cơ sở đó có thể thấy, vấn đề khí hậu đã nhanh chóng trở thành mặt trận cạnh tranh tầm ảnh hưởng mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua là một trong những cơ hội để ông Biden tăng cường đề xuất các hợp tác khí hậu để cho thấy vai trò của mình trong lĩnh vực này. Trong hội nghị Mỹ – Nga sắp tới, các chuyên gia cũng dự báo lĩnh vực khí hậu có thể trở thành điểm tựa để 2 quốc gia, vốn đang căng thẳng ngoại giao, từng bước đàm phán mở rộng ra thêm các vấn đề khác mang tính nhạy cảm hơn. 

  1. Các giá trị dân chủ: 

Một thực tế cho thấy rằng, trong nội bộ các nước G7 vẫn tồn tại những cách tiếp cận khác nhau với Trung Quốc do lợi ích kinh tế, chưa kể đến những vấn đề như Brexit chưa được xử lý hoàn toàn. Do đó, việc tìm ra một nền tảng chung để kết nối các đồng minh G7 và cho thấy một mặt trận thống nhất do Mỹ lãnh đạo như ông Biden nhiều lần cam kết là một việc cần thiết. Trong khi đó, bản thân các quốc gia G7 là diễn đàn nổi bật của các nền dân chủ, đại diện cho một nền tảng thúc đẩy các giá trị tự do và dân chủ.Trước đó, thủ tướng Anh cũng ám chỉ rằng sự hiện diện của Úc, Ấn Độ và Hàn Quốc với tư cách là khách mời tại hội nghị thượng đỉnh sẽ là một bước hiệu quả để thiết lập định dạng D10 – một liên minh các nền dân chủ. Vì vậy, xuyên suốt trong các bài phát biểu trước, trong và sau hội nghị G7, tổng thống Biden đã nhiều lần nhấn mạnh việc nước Mỹ đã quay trở lại và sẵn sàng hợp tác cùng với các nền dân chủ, các quốc gia cùng chia sẻ những giá trị chung với nước Mỹ, đương đầu với các thách thức. Trong phiên thảo luận thứ hai trong ngày 12.06, tổng thống Biden đã đề xuất G7 lên tiếng vấn đề Trung Quốc “vi phạm nhân quyền” tại Tân Cương và được thông qua. Tuyên bố chung sau cùng của G7 cũng chỉ trích đích danh Trung Quốc và Nga, dù ngôn từ sử dụng ở mức độ nhẹ hơn so với mong muốn của Mỹ. Như vậy, ông Biden đã cho thấy những nỗ lực thiết lập một mặt trận gồm các nước dân chủ G7 để tạo nên thế đối lập với các quốc gia độc tài, ở đây chính là Trung Quốc, Nga và cả Belarus (theo cách gọi của Mỹ và Phương Tây). 

Mặc dù ông Biden có thể đã đem đến một hình ảnh tích cực hơn so với thời ông Trump, song các những kết quả hội nghị G7 đạt được vẫn còn khá khiêm tốn so với những tham vọng của Mỹ khi cách biệt lợi ích vẫn còn tồn tại. Tuy vậy, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh NATO và thượng đỉnh Mỹ – Nga diễn ra theo sau sự kiện này, việc các nhà lãnh đạo G7 xuất hiện cùng nhau một cách tích cực, cũng như dành một số lời khen cho ông Biden vẫn có thể xem là một tín hiệu lạc quan, củng cố niềm tin cho các chương trình nghị sự tiếp theo của tổng thống Mỹ đương nhiệm. 

Phản ứng của Trung Quốc

Trước những cáo buộc của các quốc gia sau Hội nghị G7, Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm trên chính trường quốc tế. Trung Quốc thực hiện (1) đáp trả G7 và Mỹ, và (2) phản ứng trước các ý kiến về “mối đe dọa Trung Quốc.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh đã đã hàm ý nói rằng nỗ lực kiểm soát của các quốc gia trong khối G7 là tuyệt vọng. Ông cho rằng, trong tình hình quan hệ quốc tế bây giờ, đã qua giai đoạn “một vài nhóm quốc gia quyết định” và bày tỏ niềm tin các vấn đề toàn cầu nên thông qua sự tham vấn của tất cả các quốc gia. Phát ngôn của Trung Quốc đã thể hiện sự đáp trả với nhóm G7 khi Trung Quốc bị xem như là mối đe dọa toàn cầu. Trung Quốc gọi đây là “chủ nghĩa đa phương giả” và chỉ “phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ hoặc khối chính trị.” Điều này cho thấy Trung Quốc xem hành vi chỉ trích Trung Quốc chỉ nhằm được mục đích chính trị của các quốc gia trong khối. Trung quốc đã cáo buộc hành động của Mỹ và Châu Âu “vượt xa chuẩn mực phát triển quan hệ song phương” và “tâm lý Chiến tranh lạnh”. Trung Quốc cũng cho rằng kế hoạch thay thế Sáng kiến Vành đai và Con đường là “cuộc đối đầu kích động và chắc chắn sẽ thất bại.” Ngoài ra, nhằm đáp trả lại Mỹ, phát ngôn viên của Trung Quốc đã chỉ ra những yếu kém của Mỹ trong xử lý tình hình đại dịch và sự chia rẽ chính trị trong nước là dấu hiệu của nền dân chủ đang thất bại. 

Sau khi bị xem là một “thách thức mang tính hệ thống,” Trung Quốc đã nói rằng bản chất họ không phải là thách thức với bất kỳ quốc gia nào, nhưng nếu quốc gia nào là thách thức với họ, họ sẽ đáp trả lại. Theo cách nói này, Trung quốc đang ám chỉ đến Mỹ. Vì ngay sau đó, Trung Quốc cho rằng các quốc gia Châu Âu sẽ không chung tay thực hiện “cuộc chiến chống lại Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng cho rằng vấn đề của Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc. Các hành vi ở Biển Đông là lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Phản ứng của Trung Quốc thể hiện sự phản đối trước hành vi đi theo “học thuyết mối họa Trung Quốc.” Trung Quốc cam kết là phát triển vì hòa bình, người phát ngôn của Phái đoàn Trung Quốc tại EU nói rằng các chi phí quốc phòng Trung Quốc chi ra nhằm để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong khi đó các quốc gia NATO có cơ sở quân sự và điều quân đi khắp nơi trên thế giới, đầu tư chi phí quân sự gấp 5.6 lần Trung Quốc. Trung Quốc cũng cam kết theo nguyên tắc không là quốc gia phát động vũ khí hạt nhân trước dù trong bất kỳ tình huống nào. Thế nên, Trung Quốc đã kêu gọi các quốc gia NATO nên dừng các “học thuyết về mối đe dọa Trung Quốc” để thao túng và tạo ra cạnh tranh địa chính trị. 

Đánh giá

Trước khi Hội nghị diễn ra

Trước khi hội nghị diễn ra, các nhà quan sát đã có những kỳ vọng tập trung vào hai quốc gia là Mỹ và Anh. Dù vậy, bởi vì hội nghị chưa diễn ra, các đánh giá vẫn còn mang tính chung chung và còn mơ hồ, có thể tóm gọn trong 3 ý sau:

Thứ nhất, các nhà quan sát cho rằng cả Anh và Mỹ đều mong muốn giữ hình ảnh một người tử tế và quan tâm đến các vấn đề toàn cầu. Mỗi bên đều có mục đích của mình,  Johnson muốn một nước Anh vươn ra toàn cầu và là đồng minh với Mỹ. Trong khi Biden muốn mọi người ủng hộ Mỹ chống lại Trung Quốc. 

Thứ hai, mặt khác, các dự đoán cho rằng Mỹ và Anh sẽ có thể có các bất đồng. Mỹ sẽ kêu gọi giảm bớt căng thẳng trong các đàm phán hậu Brexit đặc biệt là tại Bắc Ireland. Vì trước đó, cố vấn an ninh quốc gia của Biden – Jake Sullivan đã nói rằng Tổng thống có tranh cãi về thực hiện Nghị định Thư Bắc Ireland. Và dự đoán rằng nước Anh sẽ phải nhượng bộ. Qua đó mối quan hệ giữa Mỹ và Anh sẽ có những căng thẳng xoay quanh vấn đề đàm phán hậu Brexit. 

Thứ ba, nhìn ở hướng tích cực, các chuyên gia của ODI vẫn mong chờ rằng G7 dưới sự chủ trì của nước Anh sẽ định ra một tầm nhìn tham vọng và tích cực hơn để giải quyết những thách thức toàn cầu.  Mà ở đây là các vấn đề về vaccines trong đại dịch Covid-19, môi trường và nhân quyền. Mặc dù suốt một năm qua, bối cảnh hợp tác đa phương ở mức thấp vì bị lấn át bởi lợi ích quốc gia.

Sau khi hội nghị diễn ra

Các đánh giá về hội nghị G7 chia làm các luồng quan điểm đối lập nhau. Một số cho rằng, Hội nghị G7 lần này đã thể hiện sự thống nhất giữa các quốc gia trong khối G7 với nhau, đặc biệt khi nhắc Trung Quốc. Nhóm còn lại cho rằng dù nỗ lực, G7 đã thể hiện sự chia rẽ khi các tuyên bố còn mập mờ và lợi ích các quốc gia còn khác nhau.

Về mặt tích cực, kết quả của Hội nghị G7 thể hiện sự thống nhất. Theo phó giáo sư của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore Li Mingjiang, “chưa bao giờ thấy một mặt trận thống nhất như đã được thể hiện trong thông cáo chung này, trong lịch sử của G7.” Các quốc gia đã cùng nhau thể hiện nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc cung cấp vaccines, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và công nghệ. Điều đó cho thấy những điểm yếu trong chiến lược sử dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Như các hành động trừng phạt Úc, và đóng băng các thỏa thuận đầu tư với các quốc gia châu Âu. Việc các quốc gia thống nhất sẽ gây áp lực lên Trung Quốc. Hội nghị này đã đưa ra tầm nhìn nhằm thay thế Trung Quốc trong lĩnh vực sức khỏe và cơ sở hạ tầng toàn cầu. Theo giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa Tang Xiaoyang, khi Biden chọn gặp các đồng minh châu Âu trong chuyến đi chính thức của mình, ông đã có các nỗ lực và chính sách đều tập trung nhằm hạn chế Trung Quốc.

Các thỏa thuận của G7 còn chưa được rõ ràng. Thể hiện qua chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất và vấn đề nhân quyền. Về chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu, đây được đề xuất nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và đã được đưa vào tuyên bố của hội nghị. Dù vậy, chương trình này không có cam kết về khoản tiền cụ thể mà các quốc gia sẽ đóng góp. Về vấn đề nhân quyền, các quốc gia kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là liên quan đến Tân Cương,” nhưng lại không có hành động nào nhằm thực chất ngăn cản các công ty phương Tây đầu tư hay tham gia vào các dự án sử dụng lao động cưỡng bức. Thay vào đó, các quốc gia chỉ tuyên bố sẽ thành lập nhóm công tác để “xác định các lĩnh vực cần tăng cường hợp tác và nỗ lực tập thể nhằm xóa bỏ việc sử dụng tất cả các hình thức lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Do đó, tuyên bố này được đánh giá là mập mờ. 

Tuy nhiên, các đánh giá khác cho rằng Mỹ và các quốc gia châu Âu có lợi ích khác nhau về Trung Quốc. Theo Thời báo Hoàn Cầu, các mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu không đoàn kết như cách nó thể hiện. Bởi vì chỉ Mỹ nghiêm túc đối đầu với Trung Quốc, trong khi đó các quốc gia châu Âu chỉ chiếu lệ, tức không thực chất. Trung Quốc hoàn toàn có khả năng gây ảnh hưởng lên các khối này. Theo Emilian Kavalski, giáo sư về quan hệ Trung Quốc-Châu  Âu tại Đại học Nottingham Ningbo, sự khác biệt đó đã có từ lâu, mặc dù là một số quốc gia châu Âu muốn độc lập kinh tế khỏi Trung Quốc nhưng khả năng  thống nhất trong vấn đề Trung Quốc đã phải cân nhắc nhiều hơn. Dù vậy, trong vấn đề phục hồi đại dịch và biến đổi khí hậu, các quốc gia cần phải hợp tác cấp cao với Trung Quốc nếu muốn thực hiện mục tiêu của mình. Thế nên các quốc gia trong khối G7 cần phải kiềm chế sự cực đoan của mình.

Các đánh giá thể hiện sự đối lập vì mức độ xem xét khác nhau. Những ý kiến tích cực về G7 là nhận thức các thành tố bề mặt khi xem xét trên các nội dung tuyên bố nói chung. Các đề xuất và cam kết của các quốc gia mà không có sự bất đồng hay bãi bỏ nào. Ngược lại, các ý kiến còn lại xem xét các điều khoản được đề xuất và chi tiết các thỏa thuận giữa các quốc gia. Qua đó chỉ ra các thỏa thuận còn thiếu sót hoặc chưa thực chất trong điều khoản.

Qua đó, đa số các vấn đề được kỳ vọng đề đã được nhắc đến trong hội nghị G7. Tuy nhiên, vấn đề về Brexit không đề cập đến. Có thể thấy Mỹ và Anh không có các căng thẳng như đã dự đoán. Tuy nhiên, các đánh giá càng khẳng định mong muốn hợp tác đồng minh của Anh với Mỹ. Các hiệp định và thỏa thuận về tầm nhìn chung, giải quyết các vấn đề toàn cầu được thống nhất và thông qua. Dù rằng theo các nhà phân tích, Anh và Mỹ có những khác biệt khi tiếp cận Trung Quốc. Nhưng Anh vẫn hợp tác với Mỹ để ra tuyên bố về Trung Quốc.

IR Analytica

__________________________

Tổng hợp từ các nguồn:

https://www.reuters.com/article/germany-politics/end-of-merkel-era-begins-as-german-cdu-picks-new-party-leader-idINKBN29L0AC

https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-britain-g7-idUSKBN2AD0PN

https://www.reuters.com/world/europe/g7-demand-action-russia-cybercrimes-chemical-weapon-use-2021-06-13/

https://www.reuters.com/world/g7-counter-chinas-belt-road-with-infrastructure-project-senior-us-official-2021-06-12/

https://www.reuters.com/world/china-urges-nato-stop-exaggerating-china-threat-theory-2021-06-15/

https://www.gov.uk/government/news/prime-minister-to-host-virtual-meeting-of-g7-leaders

https://www.dw.com/en/g7-final-communique-calls-for-new-covid-origin-probe-pledges-1-billion-vaccines-as-it-happened/a-57871205

https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/06/13/carbis-bay-g7-summit-communique/

https://cafod.org.uk/Campaign/Reclaim-our-common-home/What-is-the-G7-Summit-2021

https://www.theguardian.com/us-news/video/2021/jun/13/g7-biden-says-democracies-in-contest-with-autocrats-as-g7-summit-ends-video

 http://www.chinamission.be/eng/fyrjh/t1884123.htm

http://www.chinamission.be/eng/fyrjh/t1883812.htm

https://edition.cnn.com/2021/06/10/uk/g7-summit-analysis-cmd-gbr-intl/index.html

https://edition.cnn.com/2021/06/13/politics/takeaways-from-biden-at-the-g7/index.html

https://odi.org/en/topics/g7-summit-2021/

https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3137267/g7-summit-unprecedented-united-front-piles-pressure-china

https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3137119/g7-summit-after-political-theatre-us-britain-and-eu-must-get-back

https://www.globaltimes.cn/page/202106/1226061.shtml

G7 summit, June 2021: Asserting democratic values in the post-crisis context, European Parliamentary Research Service

https://www.nytimes.com/live/2021/06/13/world/g7-summit#china-warns-that-a-small-bloc-of-nations-does-not-dictate-global-policy

https://www.nytimes.com/2021/06/13/us/politics/g7-summit-ends.html

__________________________

Các bài viết liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *