Nhà nước phúc lợi là mô hình nhà nước mà trong đó chính phủ cam kết sẽ đảm bảo an ninh kinh tế và an ninh xã hội cho công dân, bảo vệ họ khỏi các rủi ro gây ra từ tuổi già, thất nghiệp, tai nạn, ốm đau,..thông qua các biện pháp như tạo và bảo vệ việc làm, cung cấp dịch vụ y tế, đảm bảo chế độ chăm sóc và lương hưu cho người già,… Khái niệm “Nhà nước phúc lợi” khởi điểm từ nước Đức, dưới thời kỳ Bismarck khi ông áp dụng một loạt các biện pháp an sinh xã hội mới nhằm giành sự ủng hộ của lực lượng lao động và giảm dòng người lao động di cư đến Mỹ vì mức lương cao hơn. Kể từ sau đó, khái niệm này lan đến nhiều quốc gia khác như Anh, Bắc Âu, Mỹ,… và trở thành một chủ đề nghiên cứu trong giới học thuật. Nhà nước phúc lợi hình thành dựa trên những nguyên tắc chủ đạo: (1) Công bằng trong cơ hội, (2) Công bằng trong phân phối của cải, và (3) Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ các cá nhân không được đảm bảo mức sống tối thiểu. Theo nhà khoa học chính trị Esping-Andersen, có 3 chế độ “nhà nước phúc lợi” được phân loại dựa vào vai trò của nhà nước trong việc đáp ứng các nhu cầu kinh tế – xã hội của người dân: Nhà nước phúc lợi tự do (Liberal Welfare State), Nhà nước phúc lợi bảo thủ (Conservative Welfare State), Nhà nước phúc lợi dân chủ xã hội (Social Democratic Welfare State). Hiện nay, nhiều nước đang thực hiện mô hình nhà nước phúc lợi, bao gồm các nước Bắc Âu, Đức, Pháp, Hà Lan,…