Tình hình chính trị Hàn Quốc sau thiết quân luật và tác động đến Việt Nam

1. Cập nhật tình hình chính trị Hàn Quốc sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ:

1.1. Vụ việc thiết quân luật

Đêm ngày 3/12/2024, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố ban hành thiết quân luật. Trong bài tuyên bố quyết định ban hành thiết quân luật, ông Yoon tuyên bố lý do là nhằm “… loại bỏ những lực lượng trung thành với Bắc Triều Tiên đang chống phá nhà nước (Hàn Quốc) […]”. Xuyên suốt phần đầu của phát biểu, ông Yoon cáo buộc chính Quốc hội Hàn Quốc và đảng Dân chủ đối lập chính là những “thế lực chống phá” này.[1]

Ngay sau khi thiết quân luật được ban bố, cảnh sát và quân đội đã tiến hành phong tỏa lối vào khuôn viên tòa nhà quốc hội. Tuy nhiên, hành động bất ngờ của tổng thống Yoon đã nhanh chóng nhận được phản ứng gay gắt từ cả quần chúng lẫn giới chính trị gia. Nhiều người dân đã tụ tập biểu tình phản đối tại khu vực quanh tòa nhà quốc hội.[2] Về phần mình, các nhà lập pháp cũng đã nhanh chóng đến tòa nhà quốc hội. 1 giờ sáng ngày 3/12/2024 (giờ địa phương), với sự đồng thuận của toàn bộ 190 đại biểu quốc hội có mặt – trong tổng số 300 đại biểu quốc hội – quốc hội đã thông qua nghị quyết vô hiệu hóa lệnh thiết quân luật của tổng thống Yoon Suk-yeol. Sau khi quốc hội thông qua nghị quyết này, cảnh sát và quân đội dần rút khỏi khu vực tòa nhà quốc hội. Đến 4:30 sáng cùng ngày (giờ địa phương), tổng thống Yoon Suk-yeol chính thức gỡ bỏ thiết quân luật chỉ sau 6 tiếng đồng hồ.[3]

1.2. Quá trình điều tra

Hành động của tổng thống Yoon Suk-yeol đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận cũng như giới chính trị gia. Đây có thể được xem là hành động liều lĩnh của một lãnh đạo đang trong bế tắc. Tuy nhiên, những cuộc điều tra sau đó đã phát hiện dấu hiệu cho thấy ông Yoon đã (cố gắng) câu kết với một bộ phận quân đội nhằm thực hiện ý đồ đảo chính.

Cụ thể, theo lời khai của Hong Jang-won – phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia – vào ngày 6/12, tổng thống Yoon cũng đã gọi điện cho yêu cầu ông “bắt họ, dọn sạch mọi thứ”. Ông Hong sau đó đã nhận được danh sách những người cần được bắt giữ được tổng thống Yoon chuyển cho Sở chỉ huy Phản gián Quốc phòng (DCC). Danh sách này gồm có nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền Hàn Quốc.[4] Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Quốc hội về quốc phòng diễn ra vào ngày 10/12/2024, nhiều sĩ quan chỉ huy cấp cao trong quân đội Hàn Quốc đã làm chứng chống lại ông Yoon. Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm – Trung tướng Kwak Jong-geun – kể lại sau khi thiết quân luật được ban bố, cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Kim Yong-hyun đã yêu cầu ông không để quá 150 nhà lập pháp vào trong trụ sở quốc hội (con số tối thiểu để quốc hội thông qua yêu cầu dỡ bỏ lệnh giới nghiêm). Thậm chí đích thân tổng thống Yoon cũng đã gọi điện yêu cầu ông yêu cầu ngăn cản nỗ lực vô hiệu hóa sắc lệnh thiết quân luật. Tuy nhiên, trước sự phản đối của cấp dưới, ông đã không thi hành mệnh lệnh. Hơn thế nữa, Trung tướng Kwak còn tiết lộ mình đã được báo trước về kế hoạch ban bố thiết quân luật trước đó 2 ngày.[5] Trước nhiều thông tin về âm mưu đảo chính dần được phát hiện, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun đã từ chức một tuần sau vụ thiết quân luật và bị bắt giữ vài ngày sau đó. Cảnh sát trưởng Cơ quan Cảnh sát Quốc gia và Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul cũng đã bị bắt giữ vì dính líu vào vụ việc này.[6] Một số chỉ huy cấp cao trong quân đội cũng đã bị đình chỉ công tác.[7]

1.3. Quyết định luận tội

Về phần mình, tổng thống Yoon Suk-yeol đã bị cấm rời khỏi lãnh thổ Hàn Quốc nhằm phục vụ cho công tác điều tra. Tuy nhiên, cho đến ngày 22/12, ông Yoon vẫn chưa từ chức bất chấp áp lực ngày càng tăng từ người dân, đảng Dân chủ đối lập, quân đội và thậm chí là đảng cầm quyền Quyền lực Nhân dân của mình. Trong đợt bỏ phiếu quốc hội luận tội tổng thống Yoon lần thứ nhất diễn ra vào ngày 7/12, đại biểu từ đảng cầm quyền đã tẩy chay bỏ phiếu và rời khỏi cuộc họp. Bởi việc luận tội tổng thống cần sự đồng thuận của hai phần ba tổng số đại biểu quốc hội, ông Yoon đã thoát khỏi việc bị luận tội lần đó. Tuy nhiên, đảng của ông đã gây áp lực yêu cầu ông Yoon phải “từ chức một cách êm thấm” để “giảm thiểu hoang mang”.[8]             

Trong cuộc bỏ phiếu luận tội ông Yoon lần hai vào ngày 14/12/2024, trước sự hiện diện của toàn bộ 300 đại biểu quốc hội, với 204 phiếu thuận và 85 phiếu chống (3 phiếu trắng và 8 phiếu không hợp lệ), quốc hội đã thông qua bản đề xuất luận tội ông Yoon. Quốc hội đã kết tội ông Yoon lạm dụng quyền lực khi ông ban bố thiết quân luật mà không có lý do chính đáng, cũng như vi phạm quy chế vì đã không báo trước cho quốc hội. Khác với lần trước, đợt bỏ phiếu lần này đã nhận được sự tán thành của một số đại biểu thuộc đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon. Sau khi đề xuất luận tội được thông qua, ông Yoon đã ngay lập tức bị đình chỉ quyền lực, và thủ tướng Han Duck-soo trở thành tổng thống tạm quyền.[9] Sau khi được quốc hội thông qua, quyết định luận tội ông Yoon sẽ được Tòa án Hiến pháp xem xét thông qua trong thời hạn 180 ngày. Để được thông qua, 6 trên 9 thẩm phán trong Tòa án Hiến pháp phải công nhận quyết định luận tội. Nếu được thông qua, tổng thống Yoon sẽ bị cách chức và một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ ngày tổng thống Yoon bị cách chức.[10]

Quá trình luận tội tổng thống Yoon Suk-yeol không chỉ giới hạn ở cấp bậc thể chế, mà người dân cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình luận tội ông Yoon thông qua các cuộc biểu tình, đâm đơn kiến nghị và gây sức ép lên các chính trị gia. Trong đợt bỏ phiếu luận tội lần thứ nhất, hàng trăm nghìn người đã tập trung trước tòa nhà quốc hội để ủng hộ việc luận tội.[11] Đến đợt bỏ phiếu luận tội lần thứ hai, quy mô của các cuộc biểu tình lại càng được mở rộng. Tại Seoul, cảnh sát ước tính có khoảng 208,000 người biểu tình tập trung quanh tòa nhà quốc hội ủng hộ luận tội ông Yoon, nhưng con số người biểu tình có thể lên đến 1 hoặc 2 triệu người.[12] Trong một cuộc khảo sát thực hiện bởi Gallup Korea từ ngày 10 – 12/12, tỷ lệ ủng hộ ông Yoon giảm xuống mức kỷ lục 11%, trong khi 85% người được khảo sát có cái nhìn tiêu cực về vị tổng thống này –  phân nửa trong số đó dẫn vụ thiết quân luật làm nguyên nhân chính cho quan điểm này. 75 phần trăm người được khảo sát ủng hộ luận tội ông Yoon, trong khi chỉ 21 phần trăm số người khảo sát phản đối.[13]

2. Đánh giá về tình hình chính trị nội bộ Hàn Quốc:

2.1. Về chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol và đảng Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP)

Khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2022 với tỷ lệ chênh lệch chỉ 0,7%, tổng thống Yoon đã hứa sẽ điều hành một chính phủ với tư duy cởi mở hơn, tuyên thệ sẽ sửa chữa những gì ông cảm thấy là những thiếu sót của chính quyền tiến bộ trước đây do cựu tổng thống Moon Jae In lãnh đạo. Tuy nhiên, hình ảnh tổng thống mà Yoon dựng nên khi đắc cử tổng thống vào năm 2022 đã hoàn toàn sụp đổ khi những chính sách đưa ra đã thu hút sự phản đối và bất bình của người dân, cho thấy sự mất kết nối của ông với đời sống dân chúng cùng với việc lạm dụng quyền lực tổng thống của mình. Từ việc không thể kiểm soát giá cả lạm phát của thực phẩm quốc nội, quyết định tăng số lượng đầu vào của các trường y, cắt giảm ngân sách lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, và lạm dụng quyền phủ quyết tổng thống để chống lại đảng đối lập. Tất cả đã dẫn tới việc tổng thống Yoon và Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đã mất gần như tất cả sự ủng hộ của người dân lẫn Quốc hội khiến cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2025 ngày càng ảm đạm hơn cho ông. Celeste Arrington, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Đại học George Washington, nói rằng tổng thống Yoon giờ đây đã bị giáng chức thành một tổng thống vịt què và phải dựa vào quyền phủ quyết của tổng thống để chống lại các dự luật do phe đối lập được thông qua.[14]

Ngày 3/12/2024, hành động tuyên bố thiết quân luật của tổng thống Yoon đã gây chấn động cho người dân và cả trong đảng cầm quyền của ông. Vài giờ sau đó, 190 công chức có mặt tại Quốc hội đã đồng thuận dỡ bỏ lệnh thiết quân luật qua việc bỏ phiếu, trong đó có cả sự đồng thuận của thành viên đảng PPP. Sau sự kiện, hàng ngàn người dân và đảng đối lập kêu gọi ông Yoon từ chức và đảng của ông chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Hai năm kể từ khi nhậm chức Tổng thống, Yoon Suk-yeol đã để lại nhiều ấn tượng xấu trong lòng người dân khi được ghi nhận có một tỷ lệ ủng hộ duy trì ở mức 30-40%.[15] Sau vụ việc đưa ra thiết quân luật của mình, con số này tiếp tục giảm xuống còn 11%, mức thấp nhất từng được ghi nhận trong các đời tổng thống Hàn Quốc.[16] Đảng phái chính trị của ông Yoon, giảm 3% sự ủng hộ xuống còn 24% trong khi Đảng Dân chủ Đồng hành (DPK, hay còn được gọi là DP) đối lập với PPP đã đạt được sự ủng hộ lên tới 40%.

Ngày 04/12, lãnh đạo của đảng PPP, Han Dong-hoon, đã có một cuộc họp báo yêu cầu tổng thống Yoon rời khỏi đảng tuy nhiên chống lại việc luận tội tổng thống ngay lập tức, cho rằng nó sẽ gây thêm bất ổn nội bộ chính trị.[17] Sau khi lệnh thiết quân luật được rút lại, Quốc hội đã thông qua dự luật thành lập một ban cố vấn đặc biệt thường trực để điều tra Tổng thống Yoon và các quan chức chủ chốt của ông, bao gồm Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh Thiết quân luật dẫn tới việc bắt giữ Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun – người đã đóng vai trò cố vấn quan trọng cho Yoon.[18]

Ngày 5/12, một cuộc khảo sát của Realmeter, một công ty thăm dò ý kiến ​​địa phương, cho thấy gần 74% người Hàn Quốc được khảo sát muốn Yoon bị luận tội.[19] Vào ngày 6 tháng 12, lãnh đạo PPP Han Dong-hoon đã thay đổi lập trường của mình, yêu cầu tổng thống Yoon buộc phải dừng nhiệm kỳ ngay lập tức. Mặc dù lời kêu gọi xuống chức của lãnh đạo PPP, cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về việc luận tội Yoon ngày 7/12 đã cho thấy động thái hoàn toàn trái ngược của đảng cầm quyền. Trong cuộc bỏ phiếu, tất cả trừ 3 trong số 108 thành viên PPP đã rời khỏi tòa nhà trước khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, cho thấy ý định rõ ràng chống lại việc luận tội này. Một cuộc bỏ phiếu thứ hai được diễn ra vào ngày 14/12, thông qua việc luận tội tổng thống Yoon, với 12 đại diện PPP ghi nhận bỏ phiếu đồng ý cho việc luận tội. Yoon Suk-yeol sau đó đã bị cách chức khỏi văn phòng Chính phủ và thay vào đó thủ tướng Han Duk-soo trở thành tổng thống lâm thời. Những hành động của đảng PPP đang cho thấy một sự bất đồng thậm chí ở trong đảng phái chính trị của mình, khi lãnh đạo và thành viên liên tục có những lập trường, tuyên bố thay đổi liên tục về hành động và cách xử lý sự kiện thiết quân lập của tổng thống Yoon.

Tuy nhiên, 2 tuần kể từ khi Yoon tuyên bố thiết quân luật, tổng thống lâm thời Han Duk-soo cũng đã bị luận tội thông qua một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội. Kể từ khi nhậm chức tổng thống lâm thời, Han Duk-soo đã khiến các nghị sĩ đảng DP đối lập tức giận khi ông từ chối bổ nhiệm ngay ba thẩm phán để lấp chỗ trống tại tòa án hiến pháp, nơi sẽ quyết định có chấp thuận bỏ phiếu luận tội Yoon hay không. Han giải thích rằng việc bổ nhiệm thẩm phán nằm ngoài quyền hạn của ông. Hành động này của Han đã bị cáo buộc là “hành vi nổi loạn” bởi lãnh đạo đảng DP Lee Jae-myung, người đang hành động thay mặt dân chúng để thanh trừng những thành phần gây bất ổn chính trị.[20] Ngày 26/12, đảng DP đã trình bày kiến nghị luận tội tổng thống Han, cáo buộc tổng thống lâm thời cấu kết với Yoon Suk-yeol và cũng phần nào chịu trách nhiệm cho lệnh thiết quân luật. Ngày 27/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội tổng thống lâm thời Han Duck-soo, với tỷ lệ phiếu bầu áp đảo 192-0 (hoàn toàn tán thành).[21] Điều này đã khiến cho các thành viên của đảng PPP tập hợp quanh chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik để phủ quyết cuộc bỏ phiếu và đồng thời kêu gọi chủ tịch Woo từ chức. Ông Han Duk-soo đã đồng ý xuống chức sau cuộc bỏ phiếu và ông Choi Sang Mok, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, sẽ được bổ nhiệm trở thành tổng thống lâm thời.

Sự kiện thiết quân lập của Yoon Suk-yeol đã khiến cho tình hình chính trị Hàn Quốc rơi vào hỗn loạn. Scott Snyder, Chủ tịch của Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ, nhận định rằng những cuộc điều tra để luận tội Yoon Suk-yeol đã khiến cho tình hình chính trị trong nước ngày càng trở nên bất ổn. Đảng DP đang nỗ lực để thúc đẩy việc luận tội Yoon trong khi Chủ tịch PPP Han Dong-hoon mong muốn tránh việc luận tội tổng thống và thay vào đó kêu gọi sự từ chức của tổng thống Yoon.[22]. Đảng PPP đang có những chia rẽ trong nội bộ và tổng thống lâm thời bị bài trừ trong vòng 2 tuần đã cho thấy một cơ cấu kiểm soát chưa được hiệu quả trong Quốc hội và văn phòng Chính phủ.

2.2. Về pháp quyền và dân chủ Hàn Quốc

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, Yoon Suk-yeol đã có nhiều hành động gây tranh cãi về tính pháp quyền cũng như dân chủ của quốc gia.Trước đó, trong số các dự luật do DP và các đảng đối lập thông qua, tổng thống Yoon đã sử dụng quyền phủ quyết tổng thống của mình nhằm chống lại dư luật yêu cầu điều tra vào các cáo buộc rằng vợ ông đã tham gia vào hoạt động thao túng cổ phiếu. Trước đó chưa từng có tổng thống nào phủ quyết dự luật kêu gọi điều tra đặc biệt liên quan đến các thành viên gia đình hoặc trợ lý của tổng thống.[23] Việc phủ quyết của ông đã tạo ra nhìn nhận rằng Đệ nhất Phu nhân đứng trên tất cả luật pháp, rằng không ai có quyền triệu tập hay truy tố những vụ việc có liên quan tới bà. Trong khi đó lãnh đạo của đảng DP, Lee Jae-myung, đã bị truy tố nhiều lần trong vòng ba năm qua vì tội danh liên quan đến tham nhũng, hối lộ và vợ của Lee cũng bị truy tố và phạt vì tội vi phạm Đạo luật Bầu cử công chức.[24]Tình trạng tham nhũng trong chính trị Hàn Quốc không còn là một điều gì mới mẻ khi các đời tổng thống kể từ khi giành được nền dân chủ vào năm 1987. Kim Dae-jung, tổng thống có nhiệm kỳ từ 1998-2003, có hai người con bị nhận bản án tội danh tham nhũng. Roh Moo-hyun, nhiệm kỳ 2003-2008, đã bị cáo buộc sau cuộc điều tra tham nhũng vì nhận khoản hối lộ 6 triệu USD.[25] Lee Myung-bak trở thành vị tổng thống thứ tư của Hàn Quốc bị kết án vì tội danh tham nhũng với mức phạt 15 năm tù. Park Geun-hye, nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, đã bị Quốc hội luận tội và kết án 24 năm tù vì tội tham nhũng và lạm quyền.[26] Moon Jae-in, nhiệm kỳ từ 2017-2022, được nhắc đến như một nghi phạm trong một cuộc điều tra tham nhũng trong nước.[27] Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nhận định rằng những cáo buộc tham nhũng là những rủi ro mà các lãnh đạo chính trị thường xuyên phải đối mặt, nhưng cũng là một động thái trừng phạt khi họ mất trách nhiệm đạo đức và sự ủng hộ của chính quyền. Điều này dẫn tới một nền chính trị quốc nội luôn hiện diện sự bất hoà và phân cực giữa các đảng phái chính trị.[28]

Sự kiện tuyên bố thiết quân lập của tổng thống Yoon vào ngày 3/12 đã vi phạm nghiêm trọng đến pháp quyền và nền dân chủ Hàn Quốc khi lệnh thiết quân lập này được đưa ra mà không thông qua Quốc hội hay trưng cầu ý kiến của dân chúng. Các quan chức ở Washington và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng của Yoon sau đó cho biết họ không được thông báo trước về quyết định của Yoon.[29] Mặc dù lệnh thiết quân luật yêu cầu hạn chế về hoạt động chính trị và quyền tự do báo chí, người dân Seoul đã tụ tập để yêu cầu chấm dứt thiết quân luật, một số người yêu cầu Yoon từ chức, và các phương tiện truyền thông trong nước tiếp tục đưa tin mà không bị hạn chế cho thấy nền dân chủ cũng như pháp quyền đã trở nên lung lay đến như thế nào trong nền chính trị Hàn Quốc.

Ngày 5 tháng 12, một cuộc khảo sát của Realmeter, một công ty thăm dò ý kiến ​​địa phương, cho thấy gần 74% người Hàn Quốc được khảo sát muốn Yoon bị luận tội.[30] Vào ngày 6 tháng 12, lãnh đạo PPP Han Dong-Hoon yêu cầu tổng thống Yoon buộc phải dừng nhiệm kỳ của mình ngay lập tức. Mặc dù lời kêu gọi xuống chức của lãnh đạo PPP, cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về việc luận tội Yoon ngày 7/12 đã cho thấy động thái hoàn toàn trái ngược  của đảng cầm quyền so với lời kêu gọi của mình. Trong cuộc bỏ phiếu, tất cả trừ 3 trong số 108 thành viên PPP đã rời khỏi tòa nhà trước khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, thực chất là tẩy chay nỗ lực này. Tổng số phiếu cuối cùng thiếu năm phiếu so với 200/300 phiếu cần thiết.[31]

Tóm lại, nền chính trị của Hàn Quốc, cụ thể là tổng thống Yoon Suk Yeol và Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đã cho thấy những hành động hoàn toàn không theo ý kiến của người dân hay pháp luật quốc gia, trái ngược hoàn toàn với những gì được phát biểu trên truyền hình, cho thấy một nền dân chủ và pháp quyền trở nên mong manh hơn bao giờ hết nếu như Quốc hội không có giải pháp nào thỏa đáng cho vấn đề. Việc xét xử sự kiện thiết quân luật đã khiến cho nội bộ chính trị Hàn Quốc rơi vào tình thế khó khăn. Nếu như việc điều tra luận tội bị cản trở hoặc không được thông qua, điều đó sẽ cho thấy sự suy yếu trong nền dân chủ Hàn Quốc. Mặt khác, việc luận tội tổng thống cho thấy một động thái tham vọng khác ngoài thực hiện ý muốn của người dân. Nếu Yoon bị luận tội, lãnh đạo của đảng đối lập DP Lee Jae-Myung có khả năng trở thành tổng thống mới và có thể thoát khỏi những cáo buộc trước đó của mình.[32]

3. Tác động đối với Việt Nam

Nhà nước Việt Nam thể hiện quan điểm sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol đưa ra quyết định ban bố thiết quân luật vào ngày 3/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng thể hiện quan điểm quan tâm đối với các diễn biến của tình hình chính trị nội bộ và kỳ vọng chính phủ Hàn Quốc tiếp tục trở lại trạng thái bình thường.[33]

Trước thông tin Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu quyết định luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol vừa rồi, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia có quan hệ đối tác hoặc đồng minh với Hàn Quốc sẽ tập trung quan tâm đối với tương lai tình hình quan hệ với Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các khía cạnh quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc sau bất ổn chính trị tại Hàn Quốc trong thời gian sắp tới vẫn sẽ tương đối tốt đẹp và ổn định. Việt Nam và Hàn Quốc đang cùng nhau triển khai và thúc đẩy các kế hoạch nằm trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc đến năm 2030.[34] Đáng nổi bật trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc đó chính là các lĩnh vực về kinh tế – thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân. Về kinh tế – thương mại, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai trên toàn cầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2023 vừa qua đạt mốc 79,43 tỷ đô la Mỹ.[35] Đối với Hàn Quốc, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc trong hai năm liên tục 2022 và 2023.[36] Trong lĩnh vực đầu tư, Hàn Quốc là quốc gia có tổng vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực bao gồm điện tử, công nghệ cao, trí thông minh nhân tạo, bán dẫn, năng lượng tái tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tính đến tháng 6/2024, vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam đã đạt mức 87 tỷ đô la Mỹ với hơn 10,000 dự án đầu tư – con số này chiếm khoảng 75% vốn đầu tư được đăng ký tại Việt Nam và 25% tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam. Riêng lĩnh vực hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Việt Nam cũng là đối tác được Hàn Quốc ưu tiên. Tổng thống Yoon Suk-yeol đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoản vay ODA trị giá 200 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn 2024 – 2027. Trong năm 2024, Hàn Quốc đã tiến hành tăng thêm 50% nguồn vốn ODA cho Việt Nam, cụ thể lên đến 52 triệu USD. Trong đó, tổng số khoản viện trợ không hoàn lại sẽ được tăng lên mức cao nhất ước tính đến gần 5 tỷ đô la Mỹ trong năm 2024.[37] [38] Có thể thấy, tầm quan trọng về kinh tế trong nhận thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong giai đoạn quan hệ hiện tại đang ngày càng được phát triển sâu rộng. Với mức độ hợp tác thực chất và phức tạp như hiện tại, các lĩnh vực hợp tác song phương của Hàn Quốc với Việt Nam tiếp tục vẫn sẽ được duy trì ổn định và tăng trưởng theo hướng đi lên trước những bất lợi chính trị hiện tại.

Trong các vấn đề quốc tế và khu vực, Hàn Quốc và Việt Nam cũng xem nhau là những đối tác hết sức quan trọng. Trong cuộc gặp gỡ gần nhất giữa Thủ tướng Hàn Quốc Han Duk-soo và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, chính phủ Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là quốc gia đối tác đối ngoại chủ chốt tại khu vực Đông Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Trong vấn đề Biển Đông, quan điểm của chính quyền tổng thống Yoon Suk-yeol có lợi cho cho các nước có tranh chấp tại Biển Đông trong đó có Việt Nam. Trong bài phát biểu tại sự kiện Diễn thuyết Singapore lần thứ 47 với chủ đề “Tầm nhìn thống nhất Bán đảo Triều Tiên hướng đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do, Hòa bình và Thịnh vượng” diễn ra vào tháng 10/2024 vừa qua, tổng thống Yoon nhấn mạnh sẽ chủ động tham gia vào các cuộc tập trận đa phương với các quốc gia thuộc ASEAN đồng thời tiến hành kết nối ngoại giao với Trung Quốc để tìm kiếm những lợi ích chung dựa trên một trật tự quốc tế thượng tôn luật pháp.[39] Tổng thống Yoon trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thượng đỉnh ASEAN ở Lào liên tiếp khẳng định ủng hộ quan điểm của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.[40] Mặc dù không có quan hệ hợp tác quốc phòng trên biển thường xuyên với Việt Nam, chính quyền của ông Yoon và Philippines có những thỏa thuận đáng chú ý về việc hỗ trợ, mua bán phương tiện quân sự thực hiện công tác hiện đại hóa quân sự và hải quân của Philippines.[41] Việc ông Yoon có nguy cơ bị phế truất do đó sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với vai trò cũng như sự cam kết của Hàn Quốc đối với một số vấn đề của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề Biển Đông trong tương lai. Mặc dù vậy, với những thỏa thuận cam kết đã ký với nhiều bên và vấn đề uy tín quốc gia song song với các lợi ích so sánh về phát triển trong một bầu không gian an ninh – chính trị ổn định, Hàn Quốc ở mức tối thiểu sẽ phải thể hiện được trách nhiệm của mình với vấn đề an ninh và chính trị tại khu vực đã hứa hẹn.

Tuy nhiên, không ngoại trừ kịch bản khi ông Yoon bị phế truất và lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung sẽ có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử đột xuất để trở thành tổng thống Hàn Quốc tiếp theo. Theo Giáo sư Chính trị và Quốc tế học Stephen Nagy thuộc đại học International Christian University, nếu trở thành tân tổng thống Hàn Quốc, ông Lee có thể đảo ngược đường lối đối ngoại với Trung Quốc hiện tại của tổng thống Yoon Suk-yeol theo hướng nhân nhượng và mềm mỏng.[42] Điều này đồng nghĩa Hàn Quốc sẽ dần trở nên mơ hồ và không cắn rắn trong việc thể hiện quan điểm và vai trò của mình trong các vấn đề của khu vực và quốc tế có liên quan đến Trung Quốc.

Rối loạn chính trị kéo theo sau khi ban bố thiết quân luật bất ngờ được đưa ra tại Hàn Quốc cho thấy những hệ lụy về lũng đoạn nền chính trị quốc gia. Sự kiện vừa qua tại Hàn Quốc và những hệ quả của nó mang nhiều hàm ý và có giá trị thực tiễn đối với nhiều nhà nước, trong đó có Việt Nam.

Nhìn rõ hơn hết từ sự kiện thiết quân luật vừa rồi của Hàn Quốc đó chính là sự vững chắc về giá trị dân chủ tại nhà nước Hàn Quốc. Thiết quân luật được đưa ra đơn phương từ nhánh quyền lực hành pháp, cụ thể là tổng thống Yoon Suk-yeol, nhưng sau đó đã bị vô hiệu bởi quyết định của cơ quan lập pháp là Quốc hội với 190 thành viên bỏ phiếu thuận phản đối sắc lệnh của Tổng thống. Ngay sau đó, Quốc hội cũng đã tiến hành tổ chức bỏ phiếu nhất trí luận tội tổng thống Yoon với 204 phiếu thuận. Theo Giáo sư thỉnh giảng chuyên ngành Quốc tế học Benjamin A. Engel tại Đại học Dankook, việc tổng thống Yoon đưa ra sắc lệnh thiết quân luật được đánh giá là khá tương đồng với những lần Hàn Quốc thiết quân luật được ban bố vào những thập niên gần cuối thế kỷ trước. Mặc dù vậy, tiến sĩ Hàn Quốc học Rachit Goel tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru nhận định rằng trong sự kiện thiết quân luật lần này, Hàn Quốc đã không để cho lịch sử lặp lại. Sự phát triển trong cơ chế nhà nước của Hàn Quốc kể từ các sự kiện thiết quân luật được thể hiện trong các thủ tục bỏ phiếu quyết định đã thành công bảo vệ các nguyên tắc thể chế cũng như nền tảng về dân chủ trong nhà nước Hàn Quốc. Ngoài ra, vai trò của người dân trong sự kiện dân chủ lần này cũng là điểm nổi bật. Phản ứng quyết liệt của người dân Hàn Quốc được thể hiện qua các cuộc tập trung, biểu tình công cộng, gửi vòng hoa.[43] [44] Tiến sĩ Khoa học chính trị Darcie Draudt-Véjares thuộc chương trình Châu Á tại Viện Hòa bình quốc tế Carnegie Endowment đánh giá cao tốc độ phản ứng của cộng đồng người dân và tổ chức bên ngoài khu vực nhà nước Hàn Quốc trước sắc lệnh thiết dân luật. Áp lực, khả năng tập trung lực lượng đối với chính phủ và tốc độ phản ứng của các chủ thể này trong xã hội dân sự đến từ các ứng dụng tiện ích kết nối qua mạng như mạng xã hội, diễn đàn và mạng lưới các tổ chức như công đoàn, học sinh, học giả.[45]

Mặc dù khác biệt về thể chế chính trị, dân chủ luôn được xem là một giá trị lý tưởng mà nhà nước và người dân Việt Nam hướng tới giống như nhà nước và người dân Hàn Quốc. Quan sát từ sự kiện thiết quân luật diễn ra tại Hàn Quốc vừa qua, Việt Nam cần phải liên tục tích cực xây dựng và phát triển bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật tiến bộ để gìn giữ nền tảng về dân chủ của xã hội. Tại Việt Nam, mô hình thể chế lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đó chính là nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Đây là mô hình đã giúp Việt Nam giữ vững nội bộ bộ máy lãnh đạo chính trị tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Điều này khiến cho quyền lực được phân chia cân bằng, hạn chế tập trung quyền lực và các hệ lụy tiêu cực đến từ vấn đề tập quyền như tham nhũng. Tính linh hoạt và phản ứng nhanh từ hệ thống tổ chức Nhà nước của Hàn Quốc chính là những điều mà hệ thống nhà nước Việt Nam có thể học tập để tiến hành giám sát, kiểm soát và phòng ngừa các trường hợp quyền lực bị lạm dụng tiêu cực. Bên cạnh đó, bài học về lắng nghe và tiếp thu quan điểm của nhân dân đối với lãnh đạo nhà nước cũng hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh về chính trị và xã hội. Quyết định bỏ phiếu và ủng hộ luận tội của Quốc hội Hàn Quốc đã kịp thời làm hài lòng và dập tắt sự phản ứng phản đối và rộng rãi dữ dội của người dân. Việc tiếp thu nhanh chóng và điều chỉnh kịp thời các sai phạm và bất hợp lý trong quản lý, đặc biệt là các trường hợp nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia sẽ đảm ảo tình hình xã hội nhanh chóng được ổn định. Đồng thời, các nguy cơ bất ổn chính trị kéo dài hoặc bị lợi dụng bởi các thế lực chính trị có ý định chống phá sẽ được ngăn chặn đúng thời điểm. 

Một vấn đề khác sau sự kiện thiết quân luật tại Hàn Quốc đó chính là tình trạng phân cực trong chính trị nội bộ quốc gia, cụ thể là giữa phe bảo thủ cầm quyền hiện tại và phe dân chủ đối lập. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Guido Alberto Casanova Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Italy, nền dân chủ Hàn Quốc hiện tại mắc phải hiện tượng bè phái và cạnh tranh cực đoan giữa các phe phái chính trị khiến cho việc đạt được các thỏa thuận chung trong các vấn đề quan trọng hiện tại thường xuyên rơi vào tình trạng bế tắc. Điều này làm ảnh hưởng đến tính vững chắc của một nền dân chủ do giới lãnh đạo chính trị dần quan trọng hóa việc cạnh tranh giữa các đảng phái, từ đó dẫn đến trình trạng bỏ bê quản lý và xây dựng đất nước.[46] Chính tư tưởng cạnh tranh cực đoan và bức xúc về tình trạng Quốc hội bị kiểm soát bởi đảng Dân chủ Hàn Quốc đã khiến ông Yoon tiến hành ban bố thiết quân luật. Theo ông Yoon, thiết quân luật là điều cần thiết để ông “xóa bỏ các thành phần chống phá nhà nước có xu hướng thân Bắc Triều Tiên và các thành phần có tư tưởng cộng sản”.[47] Vấn đề phân cực và cạnh tranh tiêu cực ở thời điểm hiện tại đã bám sâu vào trong nền chính trị Hàn Quốc, vốn bắt nguồn từ tư tưởng cục bộ chính trị theo khu vực và bè phái giữa các nhóm chính trị gia. Trầm trọng hóa thêm vấn đề này còn là vấn đề về tham nhũng liên quan đến tư lợi cá nhân của các nhân vật trong bộ máy chính trị Hàn Quốc và sự can thiệp quá mức cũng như quyền lực của quân đội Hàn Quốc.[48] Về mặt phân bổ, bộ máy lãnh đạo lãnh đạo tập thể của Việt Nam được chia thành 4 vị trí chủ chốt (“tứ trụ”). Giáo sư Alexander Vulving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Cornell mô tả bộ máy chính trị Việt Nam được cân bằng quyền lực giữa hai lực lượng vũ trang bao gồm quân đội và công an trên nền tảng của chính đảng về tư tưởng Lênin. Cụ thể, Giáo sư danh dự Carl Thayer chuyên gia nghiên cứu Việt Nam được nhận Huân chương Sao Vàng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các vị trí chủ chốt này thường được bổ nhiệm 4 nhóm các nhân vật có nguồn gốc bao gồm: nhóm Hưng Yên, nhóm Nghệ An, nhóm Hà Tĩnh, nhóm miền Nam, nhóm quân đội và nhóm công an.[49] Từ thực tiễn này, Việt Nam cần phải nghiêm túc trong công tác quản lý và tuyển chọn nhân lực trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Thêm vào đó, công tác giáo dục và tuyển chọn nhân lực trong bộ máy Đảng và Nhà nước cũng cần phải phát giác, định hướng kịp thời để ngăn chặn tình trạng bè phái và thiên vị để nội bộ Đảng phát triển bền vững và đoàn kết.


Tài liệu tham khảo:

[1] Da-gyum, J. (2024, December 3). Full text of South Korean President Yoon Suk Yeol’s emergency martial law declaration. The Korea Herald. https://news.koreaherald.com/view.php?ud=20241203050125

[2] Gyoung-ho, K., Tae-hyeong, K., So-young, S., So-ah, B. & Young-won, K. (2024, December 4). [Photo] A night of tense standoff between martial law forces and ordinary Koreans. Hankyoreh.  https://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_national/1170898.html

[3] Lee, M. E. H. (2024, December 3). Martial law, then a reversal: An astonishing six hours in South Korea. The Washington Post. https://archive.is/dGpEI

[4] Sang-yun, K. & Su-hyeon, P. (2024, December 6). NIS deputy names leaders targeted by Yoon after martial law declaration. The Chosun Daily. https://www.chosun.com/english/national-en/2024/12/06/PQCEUXABFRBNTEYSOJRH4XEJYI/

[5] Arin, K. (2024, December 10). ‘Drag lawmakers out’: Yoon’s chilling order to commander. The Korea Herald. https://www.koreaherald.com/article/10016814

[6] The Korea Times. (2024, December 13). Court issues arrest warrants for chiefs of nat’l police, Seoul police. The Korea Times. https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2024/12/113_388415.html

[7] Regan, H. & Bae, G. (2024, December 11). South Korea’s ex-defense minister attempts to take his own life as presidential office raided in martial law fallout. CNN World. https://edition.cnn.com/2024/12/10/asia/south-korea-defense-minister-suicide-attempt-intl-hnk/index.html

[8] Seo, Y. & Szekeres, E. (2024, December 7). South Korea president survives impeachment but party will seek his resignation. CNN World. https://edition.cnn.com/2024/12/06/asia/south-koreas-president-yoon-sun-yeol-intl-hnk/index.html

[9] Kim, J. & Jett, J. (2024, December 14). South Korean president is impeached over martial law declaration. NBC News. https://www.nbcnews.com/news/world/south-korean-president-second-impeachment-vote-martial-law-rcna184087

[10]TK. (2024, December 14). Breaking News Analysis: Yoon Suk-yeol is Impeached. The Blue Roof. https://www.blueroofpolitics.com/post/breaking-news-analysis-yoon-suk-yeol-is-impeached/.

[11] Eun-jung, K. (2024, December 7). (News Focus) Yoon survives impeachment vote, but political future remains uncertain. Yonhap News Agency. https://en.yna.co.kr/view/AEN20241207004800315.

[12] TK. (2024, December 14).Breaking News Analysis: Yoon Suk-yeol is Impeached. The Blue Roof. https://www.blueroofpolitics.com/post/breaking-news-analysis-yoon-suk-yeol-is-impeached/ & Boram, P. (2024, December 14). (LEAD) (Yoon Impeachment) In embrace and tears, citizens celebrate ‘people’s victory’ over Yoon’s impeachment. Yonhap News Agency. https://en.yna.co.kr/view/AEN20241214005651315.

[13] Yun-hwan, C. (2024, December 13). Yoon’s approval rating sinks to all-time low of 11 pct: poll. Yonhap News Agency. https://en.yna.co.kr/view/AEN20241213005100315.

[14] Ewe, K. (2024, December 4). Yoon Suk Yeol: South Korea’s scandal-hit president who declared martial law. Retrieved December 24, 2024, from https://www.bbc.com/news/articles/cx2nyp3pxrko

[15] President Yoon’s approval rating hits nine-month low. (2024, February 2). Retrieved December 24, 2024, from https://koreajoongangdaily.joins.com/news/2024-02-02/national/politics/President-Yoons-approval-rating-hits-ninemonth-low/1973331

[16] The Korea Times. (2024, December 13). Yoon’s approval rating sinks to all-time low of 11%: poll. The Korea Times. Retrieved December 24, 2024, from https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2024/12/113_388364.html

[17] NEWS WIRES. (2024, December 5). South Korea’s ruling party to fight Yoon impeachment as president clings to power. France 24. Retrieved December 24, 2024, from https://www.france24.com/en/asia-pacific/20241205-south-korea-s-ruling-party-says-it-will-block-impeachment-motion-against-president-yoon

[18] Park, J. (2024, December 12). The costs of President Yoon Suk yeol’s defiance. Council on Foreign Relations. Retrieved December 24, 2024, from https://www.cfr.org/blog/costs-president-yoon-suk-yeols-defiance

[19] Jae-Hee, C. (2024, December 5). 7 in 10 Koreans want Yoon Suk Yeol impeached: survey – The Korea Herald. The Korea Herald. Retrieved December 24, 2024, from https://www.koreaherald.com/article/10012466

[20] McCurry, J. (2024, December 27). South Korean lawmakers impeach acting president Han Duck-soo. The Guardian. Retrieved December 29, 2024, from https://www.theguardian.com/world/2024/dec/27/south-korean-lawmakers-impeach-acting-president-han-duck-soo

[21] Vũ, N. (2024, December 27). Quốc hội Hàn Quốc luận tội quyền Tổng thống Han Duck Soo, bộ trưởng Tài chính lên nắm quyền. TUOI TRE ONLINE. Retrieved December 29, 2024, from https://tuoitre.vn/quoc-hoi-han-quoc-luan-toi-quyen-tong-thong-han-duck-soo-bo-truong-tai-chinh-len-nam-quyen-20241227150200832.htm

[22] Snyder, S. (2024, December 27). [2024 In Review] Yoon Suk yeol’s Declaration of Martial Law, Investigation, and Impeachment – Korea Economic Institute of America. Korea Economic Institute of America. Retrieved December 29, 2024, from https://keia.org/the-peninsula/2024-in-review-yoon-suk-yeols-declaration-of-martial-law-investigation-and-impeachment/

[23] Haye-Ah, L. (2024, January 5). (3rd LD) Yoon vetoes 2 special probe bills, including one involving first lady. Yonhap News Agency. Retrieved December 24, 2024, from https://en.yna.co.kr/view/AEN20240105002253315

[24] Minji, L. (2024, November 14). (LEAD) Opposition leader’s wife fined for election law violations. Yonhap News Agency. Retrieved December 24, 2024, from https://en.yna.co.kr/view/AEN20241114006751315

[25] BBC News. (2016, November 24). Why South Korea’s corruption scandal is nothing new. Retrieved December 24, 2024, from https://www.bbc.com/news/world-asia-38078039

[26] Gan, N. (2024, December 4). The troubled history of martial law, coups and toppled presidents many hoped South Korea had left behind. CNN. Retrieved December 24, 2024, from https://edition.cnn.com/2024/12/04/asia/south-korea-yoon-impeachment-presidents-fate-intl-hnk/index.html

[27]Min-do, K., & Gwang-joon, J. (2024, September 2). Opposition decries investigation of Moon Jae-in for bribery as ‘political retribution.’ Hankyoreh. Retrieved December 24, 2024, from https://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_national/1156553.html

[28] Gan, N. (2024, December 4). The troubled history of martial law, coups and toppled presidents many hoped South Korea had left behind. CNN. Retrieved December 24, 2024, from https://edition.cnn.com/2024/12/04/asia/south-korea-yoon-impeachment-presidents-fate-intl-hnk/index.html

[29]Nadjibulla, V., & Williams, E. (2024, December 10). Democracy under pressure: Yoon’s failed martial law and South Korea’s political turmoil. Asia Pacific Foundation of Canada. Retrieved December 24, 2024, from https://www.asiapacific.ca/publication/explainer-yoons-failed-martial-law-decree-future-impacts

[30] Jae-Hee, C. (2024, December 5). 7 in 10 Koreans want Yoon Suk Yeol impeached: survey – The Korea Herald. The Korea Herald. Retrieved December 24, 2024, from https://www.koreaherald.com/article/10012466

[31]Nadjibulla, V., & Williams, E. (2024, December 10). Democracy under pressure: Yoon’s failed martial law and South Korea’s political turmoil. Asia Pacific Foundation of Canada. Retrieved December 24, 2024, from https://www.asiapacific.ca/publication/explainer-yoons-failed-martial-law-decree-future-impacts

[32] Nadjibulla, V., & Williams, E. (2024, December 10th). Democracy under pressure: Yoon’s failed martial law and South Korea’s political turmoil. Asia Pacific Foundation of Canada. Retrieved 2024, December 10th from https://www.asiapacific.ca/publication/explainer-yoons-failed-martial-law-decree-future-impact

[33] Kiều Anh. (2024, December 5). Việt Nam phản ứng về diễn biến chính trị ở Hàn Quốc và công tác bảo hộ công dân. Voice of Vietnam (VOV). Retrieved 2024, December 10, from https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-phan-ung-ve-dien-bien-chinh-tri-o-han-quoc-va-cong-tac-bao-ho-cong-dan-post1140084.vov

[34] Ninh Sơn, Vũ Phong & Hòa An. (2024, Jun 6th). Việt Nam – Hàn Quốc: Hợp tác toàn diện, hiệu quả, lâu dài. Báo Nhân Dân. Retrieved 2024, December 2, from https://special.nhandan.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-tham-han-quoc/index.html

[35] Vietnam News. (2024, Feb 8th). Việt Nam: South Korea’s third largest trade partner in 2023. Vietnamnews. Retrieved 2024, December 2th from https://vietnamnews.vn/economy/1650361/viet-nam-south-korea-s-third-largest-trade-partner-in-2023.html

[36] Như trên

[37] Hải Minh. (2024, Mar 19th). Hàn Quốc sẽ tăng 50% vốn ODA cho Việt Nam năm 2024. Báo Điện tử Chính phủ. Retrieved 2024, December 2 from https://baochinhphu.vn/han-quoc-se-tang-50-von-oda-cho-viet-nam-nam-2024-102240319183128461.htm

[38] Giang Hoang. (2024, Mar 20th). South Korea Boosts Aid to Vietnam by 50% In 2024, Eyes Tech and Climate Projects. VnEconomy. Retrieved 2024, December 2 from https://en.vneconomy.vn/south-korea-boosts-aid-to-vietnam-by-50-in-2024-eyes-tech-and-climate-projects.htm

[39] Yusof Ishak Institute (ISEAS). (2024). The 47th Singapore Lecture by His Excellency Yoon Suk Yeol, President of the Republic of Korea. ISEAS. Retrieved 2024, December 3 from https://www.iseas.edu.sg/events/singapore-lecture/the-47th-singapore-lecture-by-his-excellency-yoon-suk-yeol/

[40] Thuy Dung. (2024, October 10th). South Korea supports Viet Nam and ASEAN’s stance on East Sea. Government News. Retrieved December 3, 2024 from https://en.baochinhphu.vn/south-korea-supports-viet-nam-and-aseans-stance-on-east-sea-11124101015072715.htm

[41] Lariosa, A. (2023, Sep 18th). A Korean Expansion: the Future Of The Philippine Fleet. Naval News. Retrieved 2024, December 4 from https://www.navalnews.com/naval-news/2023/09/a-korean-expansion-the-future-of-the-philippine-fleet/

[42] Nagy, Stepen R. (2024, December 9th). Political Divide in South Korea Prompts Martial Law Declaration, Calls for Resignation. Asia Pacific Foundation of Canada. Retrieved 2024, December 11th from https://www.asiapacific.ca/publication/dispatch-south-korea-political-divide-prompts-martial-law-declaration

[43] AFP News Agency. (2024, December 8th). South Koreans protest as President Yoon escapes impeachment over martial law fiasco [Video file]. https://youtu.be/Am6pjHOil7I?si=F6jhBK3gX1WnpD0F

[44] Arirang News. (2024, December 12th). [K-enter] K-Pop Songs Transform into Protest Songs against President Yoon [Video file].  https://youtu.be/vwjq7DilLp8?si=0CDIxKBrLHXeIG6Q

[45] https://carnegieendowment.org/emissary/2024/12/south-korea-democracy-yoon-protests?lang=en

[46] Casanova, G. A. (2024, Apr 8th).  South Korean democracy is grappling with political polarisation. Italian Institute For International Political Studies. Retrieved 2024,  December 15 from https://www.ispionline.it/en/publication/south-korean-democracy-is-grappling-with-political-polarisation-169266

[47] Reuters. (2024, December 4th). Why did South Korean declare martial law and what’s next for President Yoon. Reuters. Retrieved 2024, December 15 from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/what-we-know-about-south-koreas-martial-law-declaration-2024-12-04/

[48] Jin Kai. (December 18th, 2024). Political Polarization, Factionalism, and Military Influence: A Cautionary Tale from South Korea’s Recent Turmoil. The Diplomat. Retreived 2024, December 23th from https://thediplomat.com/2024/12/political-polarization-factionalism-and-military-influence-a-cautionary-tale-from-south-koreas-recent-turmoil/

[49] BBC Việt Nam. (2024,, Oct 22nd). Lý do bầu chủ tịch nước mới mà không để Tổng Bí thư Tô Lâm kiêm nhiệm. BBC News Tiếng Việt. Retrieved 2024, December 23th, from https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c5yjylyllvzo?fbclid=IwY2xjawHURtJleHRuA2FlbQIxMAABHYGooOkjB5gdkMJmnAsUuvxOAmrkCddtrqIU62KfEkcY1W7-fzRsRywkQg_aem_MPVKhxdAQztikGV1jlU8PA

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *