1. Quan hệ song phương Mỹ – Hàn trong những năm gần đây
Quan hệ Mỹ – Hàn từ trước đến nay đa diện và phức tạp. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, quan hệ hai nước có sự đi xuống vì bất đồng trong chi phí hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn. Những năm gần đây, với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden, quan hệ song phương đã được thúc đẩy, thể hiện qua việc hai nước thành công gia hạn thỏa thuận chia sẻ chi phí hiện diện quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, cũng như ký kết hợp tác kinh tế và chip bán dẫn. Đồng thời, 85% người Hàn Quốc nói rằng họ coi trọng liên minh Mỹ – Hàn trong những cuộc thăm dò mới đây.[1] Thế nhưng, quan hệ song phương giữa hai nước vẫn còn nhiều khó khăn vì khác biệt trong chính sách đối ngoại.
1.1 Quan hệ chính trị – ngoại giao
Dù xác định nền tảng đối ngoại là Mỹ, Hàn Quốc hướng đến ngoại giao đa phương. Do đó, Hàn Quốc muốn tìm điểm tương đồng với Mỹ. Cuối năm 2022, Hàn Quốc đã công bố hiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm có tiếng nói chung với Mỹ và đồng minh. Ngày 11/4/2023, chính trị gia Lee Jae-myung nói rằng Hàn Quốc “phải hướng tới ngoại giao đa phương.”[2] Lý giải cho việc Hàn Quốc né tránh các sự kiện của khối QUAD do Mỹ dẫn đầu. Hơn nữa, thay vì làm sâu rộng hơn chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới được công bố, Hàn Quốc tập trung gia tăng Chính sách hướng Nam năm 2017 quan hệ với Đông Nam Á và Ấn Độ.[3] Ngoài ra, chính sách của Hàn Quốc không có cùng thái độ với Mỹ khi nhắc đến Trung Quốc dù chia sẻ “mối đe doạ chung”. Thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ Zack Cooper, cho rằng hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ “khá khó khăn” khi đề cập đến Trung Quốc”.[4]
Quan hệ Mỹ-Hàn đi xuống vì vấn đề niềm tin. Ngày 07/04/2023, một tài liệu mật rò rỉ trên mạng xã hội vào ngày 07/04/2023 chỉ ra rằng Mỹ gây sức ép cho Hàn Quốc để viện trợ vũ khí cho Ukraine và đang thực hiện các hành vi gián điệp đối với một số quan chức của Chính phủ Hàn Quốc.[5] Sự việc trên đã làm thuyên giảm lòng tin của người dân Hàn Quốc vào Mỹ vì hành động không tôn trọng của quốc gia này đối với một trong những đồng minh lâu đời nhất tại châu Á. Đồng thời, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng bị chỉ trích vì đã không xử lý vụ việc một cách cứng rắn. Theo khảo sát của hãng Gallup Korea thực hiện ngày 14/04/2023, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon Suk-yeol lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 30% sau 5 tháng.[6] Thậm chí, đảng cầm quyền và đảng đối lập đều chỉ trích, cho rằng tài liệu trên đã vi phạm chủ quyền và tổn hại đến mối quan hệ ngoại giao song phương.[7] Trong khi chính quyền Mỹ tuyên bố các tài liệu trên là “thêu dệt”, Tổng thống Hàn Quốc giải quyết bằng cách làm giảm độ quan trọng của câu chuyện này, để nó dần dần lắng xuống.[8]
1.2 Quan hệ kinh tế – công nghệ
Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ với tổng kim ngạch thương mại (hàng hóa và dịch vụ) vào năm 2022 là 227,4 tỷ USD.[9] Còn Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. (i) Quan hệ kinh tế song phương có cải thiện so với thời kỳ trước nhưng không nhiều. Vì Mỹ vẫn tập trung vào kinh tế quốc nội, Hiệp định thương mại tự do Mỹ – Hàn (KORUS FTA) cũng được cho là làm thâm hụt thương mại của Mỹ dao động. Hàn Quốc với định hướng đa phương, có dấu hiệu giảm phụ thuộc vào Mỹ. Dù vậy, (ii) Mỹ-Hàn đang thúc đẩy hợp tác phát triển chip và chất bán dẫn.
(i) Quan hệ kinh tế Mỹ – Hàn có cải thiện nhưng chưa nhiều, thể hiện ở các vấn đề xoay quanh KORUS FTA. KORUS FTA là tâm điểm của quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ – Hàn từ khi có hiệu lực năm 2012. Về phía Mỹ, hầu hết các nhóm doanh nghiệp trong nước ủng hộ hiệp định này vì gia tăng khả năng tiếp cận thị trường Hàn Quốc và cơ chế giải quyết tranh chấp chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học Mỹ cho rằng KORUS FTA làm tăng thâm hụt thương mại của Mỹ.[10] Lượng vốn FDI của Hàn Quốc tại Mỹ đã tăng hơn gấp ba lần kể từ khi KORUS FTA có hiệu lực, đạt 72,5 tỷ USD vào năm 2021. Ngược lại, lượng vốn FDI của Mỹ tại Hàn Quốc đã tăng ít hơn với 35% trong giai đoạn này, đạt 38,1 tỷ USD vào năm 2021. Từ 2021-2022, dù Mỹ xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 9,4 tỷ USD (+11%) lên 96,5 tỷ USD, nhưng nhập khẩu cũng thêm 23,5 tỷ USD (+22%) lên 132 tỷ USD.[11] Thâm hụt thương mại tăng thêm 14,1 tỷ USD (+66%). Có khả năng với nỗi lo về thâm hụt thương mại, Tổng thống Biden đã duy trì một số hạn chế nhập khẩu đơn phương của Mỹ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp lớn của Hàn Quốc, chẳng hạn như thép, máy giặt và tấm pin mặt trời.[12] Ngược lại, Hàn Quốc cũng đã tích cực tham gia các hiệp định kinh tế khu vực không bao gồm Mỹ như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa các quốc gia thương mại lớn ở châu Á.[13]
(ii) Hàn Quốc và Mỹ cũng đã tăng cường hợp tác để tái cấu trúc chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu. Tại hội nghị thượng đỉnh song phương vào tháng 5/2021, hai nước đã công bố kế hoạch hợp tác chuỗi cung ứng liên quan đến các ngành công nghiệp then chốt, bao gồm pin xe điện, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.[14] Các công ty Hàn Quốc cũng hứa đầu tư 25 tỷ USD của Mỹ vào các ngành này.[15] Theo sau đó là các công ty bán dẫn của Hàn Quốc tham gia đầu tư vào thị trường Mỹ; Hàn tham gia sáng kiến chiến lược CHIP 4 [16] và Diễn đàn kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) và quan hệ đối tác an ninh khoáng sản do Mỹ dẫn dắt.[17] Tương tự, FOIP của Hàn Quốc nhấn mạnh “tham gia vào các mạng lưới hợp tác với Mỹ…” trong chương hợp tác khoa học và công nghệ quan trọng.[18] Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã thăm nhà máy Samsung Electronics và tham quan cơ sở sản xuất chất bán dẫn trong chuyến công du thượng đỉnh tại Hàn Quốc. Samsung đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất chip bán dẫn với đầu tư lên đến 17 tỷ USD ở bang Texas (Mỹ) và có thể sẽ mở rộng đầu tư để xây dựng tổng cộng 11 nhà máy sản xuất chíp cũng tại Texas với tổng đầu tư lên đến gần 200 tỷ USD, dự kiến sản xuất chip vào năm 2025.[19] Các dấu hiệu hợp tác này cho thấy tiềm năng phát triển quan hệ song phương sâu rộng hơn nữa. Cụ thể, liên minh công nghệ Mỹ-Hàn có thể là phương tiện để củng cố và nâng cấp liên minh an ninh – quốc phòng của hai nước.
1.3 Quan hệ an ninh – quốc phòng
Hợp tác an ninh Mỹ-Hàn đã bắt đầu từ năm 1953 sau khi hai nước ký kết với nhau Hiệp ước phòng thủ chung. Trải qua 70 năm, mặc dù cũng có những giai đoạn thăng trầm nhưng hiện nay, quan hệ an ninh – quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc đang trên đà phát triển. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, củng cố liên minh với Mỹ là một trong sáu điểm thuộc sáng kiến “hòa bình thông qua sức mạnh” của Tổng thống Yoon Suk Yeol.[20] Họ cho biết phía Hàn Quốc đã lên kế hoạch cho hơn 20 cuộc tập trận quân sự chung giữa hai nước trong năm 2023 này.[21] Ngoài tập trận để duy trì thế phòng thủ và nâng cao năng lực chiến đấu, Mỹ còn hỗ trợ Hàn Quốc hiện đại hóa quân đội thông qua Chương trình bán vũ khí, thiết bị quân sự cho nước ngoài (FMS). Theo số liệu thống kê từ trang Statista về Xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong năm 2022 được đăng tải vào ngày 04/4/2023, Hàn Quốc đứng thứ 13 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí từ Mỹ với tổng giá trị nhập khẩu là 408 triệu USD.[22] Trong năm nay, cụ thể vào ngày 15/3, Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc gia Hàn Quốc (DAPA) tiết lộ chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch chi 582,8 triệu USD để mua tên lửa phòng không SM-6 và 2,85 tỷ USD để mua tiêm kích F-35A của Mỹ.[23] Trong một tuyên bố, DAPA nhấn mạnh việc mua tên lửa SM-6 sẽ giúp Hàn Quốc “cải thiện đáng kể” khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và Chống tác chiến trên không (AAW) của mình. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn phối hợp với Mỹ trong việc triển khai Sáng kiến Hoạt động Hòa bình Toàn cầu (GPOI).[24] Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào ngày 29/9/2022, bà đã khẳng định liên minh Mỹ-Hàn sẽ là trụ cột quan trọng của an ninh và sự thịnh vượng không chỉ ở khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.[25]
Đối với sự mở rộng quan hệ liên minh quân sự này, Triều Tiên được cho là nhân tố đóng vai trò quan trọng.[26] Mỹ nhiều lần tái khẳng định cam kết sẽ bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh, được thể hiện thông qua bài phát biểu của các lãnh đạo cấp cao của Mỹ (Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin).[27] Trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên đang gia tăng, vào đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết họ sẽ tăng cường triển khai các vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới bán đảo Triều Tiên.[28] Không chỉ thế, hai nước đã triển khai nhiều cuộc tập trận chung kể từ tháng 3, bao gồm các cuộc tập trận cả trên không, trên biển và trên bộ. Cuộc tập trận trên không diễn ra vào ngày 03/3 và 05/4 có sự tham gia của máy bay ném bom tầm xa B-1B và máy bay B-52 của Mỹ được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết là một “sự răn đe mở rộng” đối với Triều Tiên.[29] Đáng chú ý, hai nước còn tiến hành các cuộc tập trận chung “Lá chắn Tự do” và “Lá chắn Chiến binh” từ ngày 13-23/3 với quy mô lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây để tăng cường khả năng phòng thủ chung bất chấp lời cảnh báo từ phía Triều Tiên.[30] Bên cạnh đó, vào ngày 22/3, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thông báo hai nước sẽ có một cuộc tập trận bắn đạn thật với quy mô chưa từng có sẽ diễn ra vào tháng 6 trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn.[31] Mục đích của chuỗi sự kiện này là để hiện thực hóa sáng kiến “hòa bình thông qua sức mạnh” hay nói cách khác là thông qua khả năng răn đe chiến lược và tư thế phòng thủ kết hợp vững chắc giữa hai nước.[32]
2. Chuyến viếng thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 26/04/2023
Theo Nhà Trắng, vào ngày 26/4/2023, Tổng thống Yoon Suk Yeol Hàn Quốc và Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee sẽ thực hiện viếng thăm cấp nhà nước đến Mỹ.[33] Chuyến công du đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc đến thăm Mỹ kể từ nhiệm kỳ của Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.[34] Đồng thời, Đây là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai của một nguyên thủ nước ngoài đến Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.[35] Chuyến thăm diễn ra nhằm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh Mỹ – Hàn, khẳng định vai trò của mối quan hệ này trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho hai nước, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới.[36]
2.1 Bối cảnh chuyến thăm
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh liên minh Mỹ – Hàn đang có những căng thẳng liên quan đến các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Những tháng đầu năm 2023, Triều Tiên không ngừng có những động thái đe doạ khi liên tục phóng các tên lửa đạn đạo. Các động thái khiêu khích càng gia tăng khi Mỹ và Hàn Quốc triển khai cuộc tập trận chung quy mô lớn “Lá chắn Tự do” và cuộc diễn tập đổ bộ Ssangyong. Điển hình, ngày 12/03/2023, một ngày trước khi cuộc tập trận chung “Lá chắn Tự do” diễn ra, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa tàu ngầm với đường bay dài 1,500 kilomet với mục đích cảnh cáo. Trong suốt cuộc tập trận, quốc gia này cũng thực hiện thêm ba vụ phóng vũ khí hạt nhân khác. Triều Tiên gọi đây là những “biện pháp răn đe chiến tranh” nhằm đối phó lại “cuộc diễn tập [Lá chắn Tự do] mang tính xâm lược” của Mỹ và Hàn Quốc.[37] Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định dù những cuộc phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên không gây hại đến lãnh thổ và đồng minh của nước Mỹ nhưng đã làm cho khu vực trở nên bất ổn.[38]
Một vấn đề khác cũng được quan tâm hiện nay đó là quan hệ hợp tác an ninh Mỹ – Hàn đặt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Mặc dù là đồng minh của Mỹ nhưng Hàn Quốc luôn khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine mà thay vào đó là mở rộng viện trợ nhân đạo.[39] Tuy nhiên, vào tháng 3 vừa qua, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc cho Mỹ vay 500.000 viên đạn pháo 155mm mà được biết số đạn pháo này là để hỗ trợ Mỹ trong việc cung cấp cho Ukraine.[40] Ngoài ra, việc xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng 140% trong năm 2022 và một số vũ khí mà họ sản xuất được cho là tương thích với loại mà NATO gửi cho Ukraine. Theo Yang Uk, một chuyên gia về vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, mặc dù Hàn Quốc không trực tiếp chuyển giao vũ khí cho Ukraine nhưng vũ khí của nước này cũng có thể đến được Ukraine thông qua các nước khác.[41] Và một trong số những quốc gia đó có thể là Mỹ.
Chuyến thăm lần này nhấn mạnh tầm quan trọng và sức mạnh bền bỉ của quan hệ đồng minh Mỹ – Hàn cũng như củng cố những cam kết của Mỹ đối với Hàn Quốc. Hai bên cũng sẽ thảo luận quyết tâm chung trong việc làm sâu sắc và mở rộng mối quan hệ chính trị, kinh tế, an ninh và nhân dân hai nước.[42] Chuyến thăm còn là cơ hội để Mỹ và Hàn Quốc đạt được những mục tiêu của riêng quốc gia.
Đối với Hàn Quốc, chuyến thăm sẽ giúp củng cố mối liên minh chiến lược toàn diện với Mỹ, tạo tiềm lực kiềm chế ảnh hưởng của Triều Tiên và Trung Quốc. Việc Triều Tiên liên tục thử nghiệm các chương trình hạt nhân đặt bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng căng thẳng. Vì vậy, quốc gia này cần duy trì quan hệ đồng minh lâu năm nhằm hạn chế ảnh hưởng của Triều Tiên đến khu vực. Chuyến thăm sẽ là cơ hội tốt để hai bên thể hiện rõ quan điểm hữu nghị và chứng minh các tài liệu rò rỉ không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ này.
Đối với Mỹ, chuyến thăm là dịp để khẳng định cam kết của Mỹ với Hàn Quốc trong việc đảm bảo an ninh khu vực và thế giới. Đây sẽ là cơ hội để Tổng thống Joe Biden tranh thủ sự tín nhiệm từ Tổng thống Yoon Suk Yeol, người thường được biết đến với những quan điểm và động thái chính trị cứng rắn đối với Trung Quốc.[43] Thông qua chuyến thăm, Mỹ có thể sẽ thúc đẩy hợp tác về công nghiệp chất bán dẫn với Hàn Quốc hơn nữa thông qua liên minh “Chip 4” do Mỹ sáng lập nhằm chống lại khả năng độc quyền về chip của Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia đang diễn ra căng thẳng trong lĩnh vực chất bán dẫn.[44]
2.2 Phản ứng quốc tế về tình hình chuyến thăm
Trước chuyến thăm này, các quốc gia có những phản ứng: một số quốc gia tỏ ra trung lập khi không đưa ra bất kỳ phát ngôn nào, trong khi một số quốc gia khác bày tỏ sự lo ngại trước mối đe dọa về an ninh. Các quốc gia ấy cho rằng các cuộc tập trận quân sự và các sáng kiến chung có thể phát sinh từ chuyến thăm.
Chính phủ các nước Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Triều Tiên đều chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào có liên quan tới chuyến đi. Nhiều khả năng chính phủ các nước này sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào trước chuyến công du. Thay vào đó, họ sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến và đưa ra phản ứng về các sự kiện hoặc tuyên bố quan trọng được đưa ra trong chuyến đi. Nhìn chung, cả Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Triều Tiên đều đang có mối quan hệ phức tạp với Mỹ, Hàn Quốc và thường bày tỏ lo ngại về liên minh giữa hai nước. Đặc biệt trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn tiếp tục căng thẳng trong thời gian gần đây. Triều Tiên có thể sẽ phản ứng tiêu cực với chuyến thăm như thường lệ vì sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực luôn là mối đe dọa đối với an ninh của quốc gia này và bất kỳ nỗ lực nào nhằm củng cố liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc đều có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Về phản ứng của dư luận, các phương tiện truyền thông Trung Quốc và Nga đã đưa tin về chuyến thăm với một số thông tin tiêu cực.[45] Trước sự việc Mỹ bị rò rỉ tài liệu mật, phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu đã đăng một bài xã luận vào ngày 9/4 có tiêu đề “Hàn Quốc không thể thích cảm giác bị theo dõi”, chỉ trích Mỹ vì hoạt động gián điệp của nước này không chỉ thâm nhập sâu vào Nga mà còn giám sát chặt chẽ và nghe lén các quốc gia đồng minh. Bài xã luận cho rằng trong số các đồng minh của Mỹ, Hàn Quốc có thể được coi là khu vực bị gián điệp Mỹ theo dõi nhiều nhất, đồng thời nhấn mạnh sự ngờ vực và thiếu tôn trọng của Mỹ đối với ý chí và chủ quyền của Hàn Quốc.[46][47] Về phía Nga, tờ Rossiyskaya Gazeta – phương tiện truyền thông chính thức của Chính phủ Liên bang Nga – đã đưa tin rằng “Chính phủ Hàn Quốc thất bại trong việc bưng bít vụ bê bối nghe lén của Mỹ”. Theo bài báo, Tổng thống Yoon Suk Yeol và cấp dưới của ông đang cố gắng hết sức để bưng bít vụ bê bối vì không muốn làm hỏng mối quan hệ với Mỹ và chỉ có thể đưa ra câu trả lời trước truyền thông rằng nội dung của các cuộc trò chuyện bị nghe lén đã bị bóp méo. Bài báo chỉ ra rằng đây là một tuyên bố đầy gượng ép khi rõ ràng scandal đã vượt khỏi tầm kiểm soát và các đại biểu từ chối ủng hộ nỗ lực nhằm che đậy mọi thứ, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra này và kết luận “chính phủ của Tổng thống Yun Suk Yeol đã tự dồn mình vào chân tường”.[48] Trong khi đó, truyền thông Nhật Bản đưa tin một cách trung lập còn Triều Tiên thì không cung cấp bất kỳ thông tin nào.
2.3 Nhận xét, dự báo về chuyến thăm
Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Hàn Quốc nhằm gặp mặt các nhà lãnh đạo Mỹ chủ yếu được kỳ vọng sẽ mang ý nghĩa biểu tượng trong nỗ lực củng cố và phát triển khối liên minh Mỹ-Hàn đã kéo dài trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, trong bối cảnh căng thẳng an ninh và diễn biến kinh tế-xã hội phức tạp tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Hàn Quốc đang đứng trước nhu cầu phải điều chỉnh mối quan hệ chiến lược với Mỹ. Trong đó, khu vực Đông Nam Á có thể sẽ đóng vai trò quan trọng đối với các nỗ lực nhằm tăng cường liên kết kinh tế-chính trị-xã hội và thúc đẩy “tách rời” sự phụ thuộc khỏi Trung Quốc của Hàn Quốc và Mỹ. ASEAN và Việt Nam cần phải tranh thủ tận dụng những cơ hội có thể có được nhằm phát huy vị thế, vai trò trung tâm và chủ động của mình tại khu vực.
Đối với tình hình an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương
Chuyến thăm nước Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được kỳ vọng chủ yếu là động thái mang ý nghĩa biểu tượng nhằm tiếp tục thể hiện các cam kết mạnh mẽ và lâu dài từ chính phủ Hàn Quốc trong việc củng cố và phát triển chiến lược mối quan hệ với nước Mỹ. Về mặt chiến lược, từ trước đến trong nhiệm kỳ của của Tổng thống Yoon, Hàn Quốc và Mỹ đã và đang cùng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích, đặc biệt là ở khía cạnh an ninh tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thực tiễn chiến lược của hai nước cũng đã bộc lộ những điểm khác nhau tương đối rõ ràng về tầm nhìn chiến lược giữa Hàn Quốc và Mỹ, liên quan đến các yếu tố như vị thế quốc gia, lợi ích địa chính trị và khuynh hướng chiến lược đối ngoại tổng thể của hai nước trong lịch sử.
Tiêu biểu, sự khác biệt về quan điểm được thể hiện trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hàn Quốc ban hành vào tháng 12/2022. So với thái độ chỉ trích Trung Quốc trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, văn kiện của Hàn Quốc chỉ một lần đề cập đến Trung Quốc nhưng với thái độ tích cực như là “đối tác chiến lược để đạt được hòa bình và thịnh vượng”.[49] Theo Tobias Dahlqvist, nhà nghiên cứu tại hiệp hội CIPR[50] nhận định rằng Hàn Quốc trên hết đã và đang bám sát với quan điểm đối ngoại của một cường quốc tầm trung.[51] Trong đó, việc lựa chọn và diễn đạt ngôn từ cho thấy cách tiếp cận thận trọng của Tổng thống Yoon đến các vấn đề an ninh tại khu vực mà không trực tiếp tạo thêm mâu thuẫn với Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, Hàn Quốc đã từng bước thể hiện rõ ràng quan điểm, thái độ của riêng mình về thực trạng an ninh khu vực. Trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Hàn Quốc cũng đã thể hiện một thái độ kiên quyết hơn với khẳng định rằng sẽ tích cực thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên các giá trị dân chủ và nhân quyền trong khi chống lại bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào bằng vũ lực hoặc cưỡng chế.[52] Điều này cho thấy, quan điểm chiến lược của Hàn Quốc (cũng như là Nhật Bản) đang có xu hướng dịch chuyển lại gần quan điểm an ninh khu vực của Mỹ và gián tiếp chỉ trích Trung Quốc trước các hành vi được coi là “cưỡng bức”. Dù vậy, về mặt thực tiễn tại khu vực, đặc biệt là tại Đông Nam Á, các động thái và sáng kiến chính trị, đối ngoại của Mỹ và Hàn Quốc được cho là đã thiếu hiệu quả trong việc hiện thực hóa cũng như thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ các nước trong khu vực.[53] [54]
Chuyến thăm sắp tới của lãnh đạo Hàn Quốc đến Mỹ có thể phản ánh một nỗ lực mới và quyết liệt hơn trong mong muốn tái định hướng hợp tác chiến lược trong liên minh Mỹ-Hàn tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong đó, Hàn Quốc sẽ củng cố vai trò dẫn dắt của mình cũng như tăng cường sự đồng thuận chiến lược với phía Mỹ. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đã thể hiện những động thái chủ động trong việc củng cố tam giác Mỹ-Hàn-Nhật. Trong đó, tiêu biểu là thông qua cuộc gặp mặt đầu tiên của Tổng thống Yoon và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sau hơn một thập kỷ “đóng băng” ở cấp độ quan hệ lãnh đạo giữa hai nước.[55] Từ góc nhìn của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, vùng không gian chiến lược này có thể sẽ đón nhận các động thái tiếp cận đồng nhất hơn, hay mang tính phối hợp hơn giữa “tam giác” Mỹ-Hàn-Nhật với Hàn Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực hơn trong nỗ lực mở rộng và làm sâu sắc ảnh hưởng kinh tế-chính trị trong khu vực.
Đối với ASEAN và Việt Nam
Từ góc độ địa chính trị và tiềm năng phát triển kinh tế, khu vực ASEAN là trọng tâm mới của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương khi các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nỗ lực gia tăng sức ảnh hưởng ở đây.[56] Những chuyển biến mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể mang lại những hàm ý nhất định đối với tổ chức ASEAN cũng như đối với các nước thành viên ASEAN, bao gồm Việt Nam.
Về cơ hội, đứng trước khả năng về việc liên minh Mỹ-Hàn có những điều chỉnh về chính sách đối ngoại với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, các nước ASEAN có thể có được vị thế chủ động thông qua các nỗ lực tăng cường tương tác thực tiễn với Mỹ và Hàn Quốc. Thực chất, với sự ra đời của Tuyên bố chung ASEAN về bốn lĩnh vực ưu tiên trong Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) vào tháng 11/2022, các nước ASEAN đã thể hiện những đồng thuận nhất định và có bước chủ động trong nỗ lực xúc tiến sự liên kết giữa “tầm nhìn” của tổ chức với “chiến lược” quốc gia của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cụ thể, bốn lĩnh vực được ưu tiên xúc tiến bao gồm hợp tác hàng hải, thúc đẩy liên kết trong và ngoài khu vực, hợp tác nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 của Liên Hợp Quốc và xúc tiến hợp tác kinh tế.[57]
Đối với Việt Nam, xu hướng củng cố và sâu sắc hóa trong quan hệ song phương với các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể giúp Việt Nam củng cố vai trò định hướng, cũng như vai trò trung gian liên kết các hoạt động giữa “tam giác” Mỹ-Hàn-Nhật với các nước ASEAN. Trong những năm gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành hai đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam trong khu vực ASEAN, đồng thời cũng là hai “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam.[58] Quan hệ Mỹ-Việt Nam trong những năm vừa qua cũng đã có những dấu hiệu của việc nhanh chóng củng cố, sâu sắc hóa và toàn diện hóa.[59]
Về thách thức, các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang trở thành các bên liên quan “bất đắc dĩ” trong bối cảnh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ngày càng diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị lẫn an ninh với những vấn đề khác nhau liên tục diễn biến đan xen. Từ trường hợp của Hàn Quốc, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đứng trước nhu cầu phải bám sát với mục tiêu phát triển cân bằng và hài hòa mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, cũng như là với Hàn Quốc, Nhật Bản,… Những diễn biến mới trong nỗ lực củng cố mối quan hệ Mỹ-Hàn vẫn có thể mang lại những thách thức mới cho các nước ASEAN ở các khía cạnh, như: (1) Vai trò trung tâm của ASEAN và các nước Đông Nam Á có thể sẽ tiếp tục bị hạn chế, phân hóa trong tính toán lợi ích của liên minh các nước lớn; (2) Các nỗ lực tiếp cận các nước ASEAN từ Mỹ, Hàn Quốc (hoặc chiều ngược lại) gặp phải nhiều điểm bất tương thích về lợi ích, quan điểm chiến lược dẫn đến không đạt được hiệu quả; (3) Những chia rẽ bên trong ASEAN có thể trở nên sâu sắc hóa liên quan đến các quan điểm với các nước lớn, phản ứng với các diễn biến quốc tế mới, cũng như trong việc xây dựng tầm nhìn và động thái sâu sắc hơn của ASEAN đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tài liệu tham khảo:
[1] Một cuộc khảo sát năm 2021 của chính phủ Hàn Quốc báo cáo rằng hơn 90% người Hàn Quốc được hỏi cho biết họ tin rằng việc duy trì liên minh Mỹ-Hàn là “cần thiết”. Lee, et. al., KINU Unification Survey 2021. US-China Conflict & South Korean Public Opinion, Korea Institute for National Unification, 2021. Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, 90% người Hàn Quốc được hỏi nói rằng họ ủng hộ liên minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc, một con số không thay đổi nhiều so với tỷ lệ 92% được ghi nhận trong cuộc khảo sát năm 2019 của tổ chức này. Karl Friedhoff, Troop Withdrawal Likely to Undermine South Korean Public Support for Alliance with United States, Chicago Council on Global Affairs, August
[2] Sputnik Việt Nam. (2023, April 11). Phe đối Lập Hàn Quốc kêu gọi không chỉ Tập Trung Hợp tác với Hoa kỳ. Sputnik Việt Nam. Retrieved April 19, 2023, from https://sputniknews.vn/20230411/phe-doi-lap-han-quoc-keu-goi-khong-chi-tap-trung-hop-tac-voi—22377550.html
[3] Miyeon Oh, Beyond the Peninsula: Prospects for US-ROK Regional Cooperation in the Indo-Pacific, The Atlantic Council, September 2021.
[4]https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/U.S.-Congress-to-invite-South-Korea-s-Yoon-for-address-with-eye-on-China
[5] Kim, H.-jin, & Tong-hyung, K. (2023, April 13). US intelligence leak complicates summit with South Korea. AP NEWS. Retrieved April 19, 2023, from https://apnews.com/article/south-korea-us-leaked-documents-yoon-biden-5d88d7c6624865ca5d5b361ed8ce0d26
[6] Hưng, Đ. (2023, April 15). Tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Hàn Quốc giảm xuống dưới mốc 30%. VietnamPlus. Retrieved April 19, 2023, from https://www.vietnamplus.vn/ty-le-tin-nhiem-tong-thong-han-quoc-giam-xuong-duoi-moc-30/857282.vnp
[7] Bernal, G. (2023, April 13). South Korea’s steadfast US policy dealt a blow by reports of spying. South China Morning Post. Retrieved April 19, 2023, from https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3216809/south-koreas-steadfast-us-policy-dealt-blow-reports-spying
[8] Nđd
[9] Brock R. Williams, former CRS Specialist in International Trade and Finance. https://sgp.fas.org/crs/row/IF10733.pdf
[10] Congressional Research Service, Wong, L., & Manyin, M. E., U.S.-South Korea (KORUS) FTA and Bilateral Trade Relations (2023). Congressional Research Service, Page. 1
[11]Congressional Research Service, Wong, L., & Manyin, M. E., U.S.-South Korea (KORUS) FTA and Bilateral Trade Relations (2023). Congressional Research Service, Page. 1
[12]Congressional Research Service, Wong, L., & Manyin, M. E., U.S.-South Korea (KORUS) FTA and Bilateral Trade Relations (2023). Congressional Research Service, Page. 7
[13]Congressional Research Service, Wong, L., & Manyin, M. E., U.S.-South Korea (KORUS) FTA and Bilateral Trade Relations (2023). Congressional Research Service, Page. 1
[14] White House, “Remarks by President Biden and H.E. Moon Jae-in, President of the Republic of Korea,” May 12, 2021.
[15] Congressional Research Service, Wong, L., & Manyin, M. E., U.S.-South Korea (KORUS) FTA and Bilateral Trade Relations (2023). Congressional Research Service, Page. 13
[16] Sáng kiến Chip 4 là một phần của chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng chip ổn định và hạn chế sự tham gia của Trung Quốc. Mỹ đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số công nghệ về chip và chất bán dẫn của Bắc Kinh.
[17] Suri, M., & Sharma, A. (2023, January 25). South Korea’s economic security dilemma. The Diplomat. Retrieved April 19, 2023, from https://thediplomat.com/2023/01/south-koreas-economic-security-dilemma/
[18] Suri, M., & Sharma, A. (2023, January 25). South Korea’s economic security dilemma. The Diplomat. Retrieved April 19, 2023, from https://thediplomat.com/2023/01/south-koreas-economic-security-dilemma/
[19] Đình, H. (2023, March 19). Mỹ và đồng minh tăng tốc tái cấu trúc chuỗi cung ứng chíp bán dẫn. thanhnien.vn. Retrieved April 19, 2023, from https://thanhnien.vn/my-va-dong-minh-tang-toc-tai-cau-truc-chuoi-cung-ung-chip-ban-dan-185230319011440086.htm
[20] Choi, D. (2022, December 22). South Korea expects more military drills with us next year. Stars and Stripes. Retrieved April 19, 2023, from https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2022-12-22/south-korea-united-states-military-exercises-8507920.html
[21] Choi, D. (2022, December 22). South Korea expects more military drills with us next year. Stars and Stripes. Retrieved April 19, 2023, from https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2022-12-22/south-korea-united-states-military-exercises-8507920.html
[22] (2023, April 23). U.S. arms exports in 2022, by country. Statista. Retrieved April 19, 2023, from https://www.statista.com/statistics/248552/us-arms-exports-by-country/
[23] Nguyễn Tiến (2023, March 16). Hàn Quốc duyệt chi gần ba tỷ USD mua tiêm kích F-35. Retrieved April 19, 2023, from https://vnexpress.net/han-quoc-duyet-chi-gan-ba-ty-usd-mua-tiem-kich-f-35-4581942.html
[24] (2021, January, 20). U.S. Security Cooperation With Korea. U.S. Department of State. Retrieved April 19, 2023, from https://www.state.gov/u-s-security-cooperation-with-korea/
[25] (2022, September 30). Hàn Quốc và Mỹ củng cố liên minh. Báo Nhân dân. Retrieved April 19, 2023, from
https://nhandan.vn/han-quoc-va-my-cung-co-lien-minh-post717568.html
[26] (2012). Excerpt: The US-South Korea Alliance. Council on Foreign Relations. Retrieved April 19, 2023, from https://www.cfr.org/excerpt-us-south-korea-alliance#chapter-title-0-4
[27] Minh Khôi. (2022, September 29). Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm khu phi quân sự Bàn Môn Điếm. Báo Tuổi trẻ. Retrieved April 19, 2023, from
Thúc Anh & Khánh Vân. (2023, January, 31). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Hàn Quốc nhất trí tăng cường hợp tác an ninh. VietnamPlus. Retrieved April 19, 2023, from
[28] (2023, March 23). S Korea, US to hold joint military drills despite N Korea warning. Al Jazeera and News Agencies. Retrieved April 19, 2023, from https://www.aljazeera.com/news/2023/3/3/s-korea-us-to-hold-joint-military-drills-despite-n-korea-warning
[29] Nđd (28)
[30] Nđd (28)
[31] Shin, H. (2023, March 22). South Korea, US to hold largest live-fire drills amid North Korea tension. Reuters. Retrieved April 19, 2023, from
[32] Nđd (31)
[33] Voa News. (2023, March 08). South Korean President to Make an Official State Visit to the US in April. Retrieved April 19, 2023, from https://www.voanews.com/a/south-korean-president-to-make-official-state-visit-to-us-in-april/6995360.html
[34]The White House. (2023, March 07). Statement from White House Press Secretary Karine Jean-Pierre on the State Visit of President Yoon Suk Yeol and First Lady Kim Keon Hee of the Republic of Korea. Retrieved April 19, 2023, from https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/03/07/statement-from-white-house-press-secretary-karine-jean-pierre-on-the-state-visit-of-president-yoon-suk-yeol-and-first-lady-kim-keon-hee-of-the-republic-of-korea/
[35] VOV. (2023, March 08). Tổng thống Hàn Quốc chuẩn bị thăm Mỹ. Retrieved April 19, 2023, from https://vov.vn/the-gioi/tong-thong-han-quoc-chuan-bi-tham-my-post1006055.vov
[36] Nđd (34)
[37] Kim, E. (2023, March 13). North Korea Launches Strategic Cruise Missiles from Submarines. The Center for Strategic and International Studies (CSIS). Retrieved April 19, 2023, from https://www.csis.org/analysis/north-korea-launches-strategic-cruise-missiles-submarine#:~:text=On%20Sunday%2C%20North%20Korea%20launched,11%20days%20until%20March%2024.
[38] Wallace, A. (2023, March 19). North Korea launches missiles into the sea amid U.S. and South Korean military drills. CNBC News. Retrieved April 19, 2023. https://www.nbcnews.com/news/world/north-korea-missile-launch-us-south-korea-military-drills-kim-jong-un-rcna75619
[39] Shin, H. (2023, April 12). South Korea to lend 500,000 rounds of artillery shells to US -report. Reuters. Retrieved April 19, 2023, from https://www.reuters.com/world/south-korea-lend-500000-rounds-artillery-shells-us-report-2023-04-12/
[40] Nđd (39)
[41] Tiwari, S. (2023, March 7). At 17.3 Billion In Arms Sales, South Korea Emerges As One Of The Biggest Winners From Ukraine-Russia War. The EurAsian Times. Retrieved April 19, 2023, from https://eurasiantimes.com/at-17-3-billion-arms-sales-in-2022-south-korea-emerges/
[42] Nđd
[43] Borowiec, S. (2022, May 19). Biden visit to test South Korean leader’s tough talk on China. Al Jazeera English. Retrieved April 19, 2023, from https://www.aljazeera.com/economy/2022/5/19/after-tough-china-talk-south-korean-leader-faces-tricky-balance
[44] Kaur, D. (2023, February 28). Chip 4 Alliance: Senior officials finally meet to discuss the semiconductor supply chain. Techwireasia. Retrieved April 19, 2023, from https://techwireasia.com/2023/02/chip-4-alliance-the-first-meeting-of-senior-officials-finally-transpired/
[45] http://www.news.cn/world/2023-04/04/c_1211964188.htm 美国逼韩国干了这碗“毒药”,为了对付中国
[46] https://opinion.huanqiu.com/article/4CQTOFpjYUD
[47] https://www.voachinese.com/a/south-korea-us-classified-document-china-reaction-20230410/7043495.html
[48]https://rg.ru/2023/04/12/pravitelstvo-iuzhnoj-korei-ne-mozhet-zamiat-skandal-s-proslushivaniem-specsluzhbami-ssha.html
[49] (2022). Strategy for a Free, Peaceful, and Prosperous Indo-Pacific Region. MOFA ROK https://www.mofa.go.kr/eng/brd/m_5676/view.do?seq=322133
[50] “Hiệp hội các nhà nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (Consortium of Indo-Pacific Researchers). https://indopacificresearchers.org/
[51] Dahlqvist, Tobias (2023). South Korea’s new Indo-Pacific strategy: Careful wording towards China suggests continuous hedging. CIPR. https://indopacificresearchers.org/south-korea-indo-pacific-strategy/
[52] (2022). Strategy for a Free, Peaceful, and Prosperous Indo-Pacific Region. MOFA ROK. pp. 8-9
[53] Harris, Tobias; Bard, Abigail; et al. (2021). Southeast Asia: The Next Frontier of the U.S.-South Korea Alliance. CAP. https://www.americanprogress.org/article/southeast-asia-the-next-frontier-of-the-u-s-south-korea-alliance/
[54] Yeo, Andrew (2020). South Korea and the Free and Open Indo-Pacific Strategy. CSIS. https://www.csis.org/analysis/south-korea-and-free-and-open-indo-pacific-strategy
[55] Aum, Frank; Galic, Mirna (2023). What’s Behind Japan and South Korea’s Latest Attempt to Mend Ties? USIP. https://www.usip.org/publications/2023/03/whats-behind-japan-and-south-koreas-latest-attempt-mend-ties
[56] Harris, Tobias; Bard, Abigail; et al. (2021). Southeast Asia: The Next Frontier of the U.S.-South Korea Alliance. CAP. https://www.americanprogress.org/article/southeast-asia-the-next-frontier-of-the-u-s-south-korea-alliance/
[57] (2022). ASEAN Leaders’ Declaration on Mainstreaming Four Priority Areas of the ASEAN Outlook on the Indo-Pacific. 40th ASEAN Summit. p. 1
[58] Trúc Thanh Lê (2022). Vượt Nhật Bản, Việt Nam sẽ trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. BNGVN. https://ngkt.mofa.gov.vn/vuot-nhat-ban-viet-nam-se-tro-thanh-doi-tac-thuong-mai-lon-thu-ba-cua-han-quoc/
[59] (2023). Blinken visits Hanoi, pledges to take US-Vietnam relations to ‘even higher level’. First Post. https://www.firstpost.com/world/blinken-visits-hanoi-pledges-to-take-us-vietnam-relations-to-even-higher-level-12458892.html