Căn cứ Subic trong quan hệ Mỹ Philippines (Kỳ 2)

Tags: Mỹ – Philippines, Biển Đông, Đông Nam Á

Xem Kỳ 1 tại ĐÂY.

NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRONG QUAN HỆ MỸ PHILIPPINES

Thực tế, những vấn đề xoay quanh căn cứ Subic chỉ là một phần của mối quan hệ đồng minh phức tạp giữa Mỹ và Philippines. Từ năm 2016 dưới nhiệm kỳ của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, quan hệ Mỹ Philippines này trải qua nhiều biến động. Chính sách ngoại giao với Mỹ của Philippines trong thời kỳ này có thể được xem là mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa dân tộc, đồng thời thể hiện nỗ lực cân bằng ngoại giao với một mặt vẫn thể hiện các động thái duy trì và phát triển quan hệ đồng minh với Mỹ, mặt khác xây dựng mối quan hệ bền vững hơn với Trung Quốc. Các điều chỉnh trong chiến lược này này xuất phát từ những bất mãn về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực nói chung và Philippines nói riêng của một bộ phận trong giới tinh hoa quyền lực cũng như trong quần chúng.[1]

1. Những động thái từ Philippines

Những chuyển biến ngoại giao được bộc lộ rõ ràng nhất trong nhiệm kỳ của tổng thống Duterte. Từ giữa năm 2020, Philippines có những động thái thể hiện lập trường ngoại giao công khai và cứng rắn hơn, bên cạnh đó bày tỏ ít nhiều sự ủng hộ đối với các chính sách đối ngoại mà Mỹ đề ra trong khu vực. Cụ thể, vào tháng 7 và tháng 9/2020, Bộ ngoại giao Philippines liên tục đưa ra thông cáo kêu gọi chính phủ Trung Quốc thừa nhận và tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc, đối lập với sự tránh né thường thấy của chính phủ Philippines khi đề cập đến các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trước đó. Tháng 11/2020, Philippines trì hoãn mục tiêu hủy bỏ thỏa thuận VFA (U.S.-Philippines Visiting Forces Agreement) và tiến tới khôi phục thỏa thuận này vào tháng 7/2021. Tháng 9/2021, Philippines tiếp tục lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ liên minh quân sự mới thành lập AUKUS (giữa Mỹ, Anh và Úc) – thỏa thuận quốc phòng vốn vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Trung Quốc. Mới nhất, vào tháng 4/2022, Philippines và Mỹ chính thức nối lại hoạt động tập trận quân sự với chiến dịch có tên gọi là Balikatan.[2]

Những chuyển biến ngoại giao trên từ Philippines khiến giới phân tích phương Tây trở nên lạc quan, mặc dù vẫn tồn tại những hoài nghi nhất định cho triển vọng của quan hệ Mỹ Philippines. Nhìn từ góc độ quốc gia, những động thái trên của Philippines có thể được lý giải bởi những thất bại trong nỗ lực cải thiện ngoại giao với Trung Quốc, vốn là một trụ cột trong những chính sách đề ra bởi tổng thống Duterte. Điều này được cho là xuất phát từ sự “thiếu nỗ lực” từ Trung Quốc trong việc cải thiện quan hệ song phương, cũng như là thái độ chống Trung Quốc dần lan rộng từ quần chúng đến cả giới quyền lực Philippines liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền.[3] Bên cạnh đó, có những ý kiến khác cho rằng điều này không hề đánh dấu sự chuyển biến về quan điểm chiến lược của tổng thống Duterte, mà thực chất là kết quả của những va chạm quyền lực diễn ra ngày càng quyết liệt giữa các bộ phận trong giới tinh hoa chính trị có quan điểm ngày càng đối lập nhau (tiêu biểu nhất là giữa nội các tổng thống và giới lãnh đạo quân sự Philippines). Điều này cũng đặt ra một quan ngại mới cho Mỹ về sự tồn tại mạnh mẽ của xu hướng chính trị “thân Trung Quốc” tại Philippines, vốn luôn chờ đợi thời cơ để giành quyền áp đảo.[4],[5]

2. Philippines vẫn sẽ giữ vững mục tiêu đa dạng và cân bằng hóa ngoại giao

Thực chất, nhiệm kỳ của tổng thống Duterte là kết quả của sự phân cực chính trị nội tại nước này và trên hết chính là những nhận thức và tính toán sai lầm của Mỹ trong mối quan hệ song phương.[6] Tương tự những vấn đề từng xoay quanh căn cứ Subic, khủng hoảng trong mối quan hệ Mỹ Philippines có một nền tảng lịch sử hết sức lâu dài với nhiều mâu thuẫn không hề được điều hòa, sự bất bình đẳng và sự dựa dẫm, thờ ơ của cả hai bên vào danh nghĩa “đồng minh”. Vì thế, trước tình hình chính trị phức tạp của Philippines, nước Mỹ đáng lẽ nên đóng vai trò chủ động và tích cực hơn trong việc điều chỉnh những chính sách, động thái cho phù hợp với lợi ích và thực trạng quan hệ hai nước.[7]

Chiến thắng của tân tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. – người có quan điểm đối ngoại được xem là khá tương đồng với Rodrigo Duterte tiếp tục là minh chứng cho nhận định này.[8] Thực tế, tân tổng thống Marcos Jr. đã nhiều lần khẳng định sự ủng hộ đối với quan điểm đối ngoại cân bằng của Duterte, cụ thể là chú trọng cải thiện quan hệ với Trung Quốc và hạn chế sự ảnh hưởng của Mỹ. Theo bài phân tích của ông Gregory PolingMichael Green trên trang của CSIS, có thể sẽ xuất hiện những nỗ lực mới của chính quyền Marcos Jr. để một lần nữa tiếp tục cải thiện quan hệ với Trung Quốc và “sẵn sàng chịu rủi ro” trong quan hệ với Mỹ. Cũng phải thừa nhận rằng, những chính sách cân bằng ngoại giao của tổng thống Duterte ít nhiều cũng đã có những thành công nhất định.[9]

Quan ngại về an ninh cũng là một lý do quan trọng làm động lực chính trị chủ đạo cho sự xa lánh của Philippines đối với Mỹ. Marcos (và trước đó là Duterte) đã nhiều lần quan ngại về độ tin cậy của các cam kết an ninh của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như với Philippines. Xuất phát từ những diễn biến an ninh khó lường ghi nhận trong mười năm trở lại đây, đặc biệt là sự bùng nổ chiến sự Nga – Ukraine và căng thẳng với phương Tây gần đây, càng có nhiều câu hỏi đặt ra về năng lực thực sự của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước sự mở rộng về quyền lực cứng mạnh mẽ hơn hết của Trung Quốc.

3. Quan điểm của chính phủ Mỹ về đồng minh Philippines

Xuất phát từ những quan ngại của Philippines về an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và an ninh quốc gia, Mỹ cần phải chứng minh tại khu vực này, hay ít nhất là với người Philippines rằng nước Mỹ đủ khả năng về vật lực, tài lực và cả ý chí chính trị để theo đuổi những cam kết an ninh đã đặt ra với Philippines và với châu Á-Thái Bình Dương.[10],[11] Nếu Mỹ không thể giải quyết được khuất mắt này trong một thời gian nhất định, rất khó có thể thay đổi được xu hướng đối ngoại mới đang ngày càng chiếm ưu thế trong nội bộ Philippines. Mặt khác, cũng cần phải lưu ý rằng thực trạng đối ngoại và đối nội của Philippines trong giai đoạn tới (nhiệm kỳ của tổng thống Marcos Jr.) sẽ không cho nước này sự linh động ngoại giao như nhiệm kỳ của tổng thống Duterte.[12]

Trong một báo cáo được trình lên Quốc hội Mỹ, các nhà nghiên cứu đã không ngần ngại chỉ ra quan điểm đối ngoại của tổng thống Duterte là một trở ngại “mang tính thiểu số” đối với quan hệ mang tính chất đồng minh giữa Mỹ và Philippines.[13] Báo cáo trên cho rằng nước Mỹ đã và vẫn giữ ưu thế về ảnh hưởng trên hàng loạt các khía cạnh xã hội, kinh tế lẫn công quyền. Đặc biệt là các hợp tác về an ninh, quân sự và chống khủng bố từ phía Mỹ vẫn sẽ là những hỗ trợ mà Philippines xem là tất yếu.[14] Báo cáo từ đó khẳng định sự đồng thuận của quần chúng Philippines và giới chính trị đối với quan hệ Mỹ Philippines vẫn còn rất lớn. 

4. Subic và triển vọng của mối quan hệ đồng minh

Xoay quanh những động thái nhằm tăng cường kiểm soát của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông, cũng như những nỗ lực của nước này để gia tăng ảnh hưởng kinh tế, chính trị lên các nước trong khu vực, việc tái vũ trang hóa hải cảng Subic gần đây có thể được xem là biểu hiện cho tầm nhìn và chiến lược ủng cố an ninh khu vực của Philippines trong thời gian mới. Rolen Paulino, một quan chức lãnh đạo khu vực vịnh Subic vào tháng 5/2022 phát biểu rằng hải cảng chiến lược này sẽ tiếp nhận những tàu chiến của hải quân Mỹ và Nhật như là một phần trong các thỏa thuận hợp tác về an ninh hàng hải đã ký trước đó bởi Philippines.[15] Được biết, Mỹ đã có thỏa thuận với Philippines vào năm 2014, với việc quân đội Mỹ được phép xây dựng các cơ sở bên trong các căn cứ của Philippines.

Với việc triển khai tại căn cứ Subic, quân đội Philippines và các đồng minh có thể rút ngắn thời gian và khoảng cách tiếp cận các khu vực tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Trong khi đó, sự hiện diện của hải quân Mỹ còn được giới chức Philippines xem là cách để cân bằng cán cân quân sự tại Biển Đông.[16] Đây là chiến lược đối ngoại được đề ra bởi tân tổng thống Marcos. Một mặt, tổng thống Philippines chủ trương mục tiêu “không gây hấn” và duy trì đối thoại mềm dẻo với Trung Quốc,[17] mặt khác nước này tuyên bố sẽ kiên định với các vấn đề về quyền lợi và chủ quyền lãnh thổ của Philippines.[29]

PHẢN ỨNG CỦA DƯ LUẬN PHILIPPINES 

Trong quá khứ, nhiều quan điểm trái chiều đã được đưa ra về sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ ở Philippines.  

Olongapo, thành phố liền kề với căn cứ, đã hứng chịu nhiều sự cố, tai nạn và tội ác do sự hiện diện của Căn cứ Hải quân Subic. Người dân ở đây liên tục phản đối những tác động tiêu cực mà họ phải chịu do sự tồn tại của căn cứ và điều đó đã được thể hiện mạnh mẽ trong các phong trào chống căn cứ địa. Về mặt lịch sử, Căn cứ Hải quân Subic có ảnh hưởng chủ yếu tiêu cực đến thành phố này, những vụ việc người Philippines bị lính Mỹ giết ở Olongapo đã xảy ra nhiều lần. Kể từ những năm 1950, các phong trào phản đối những sự cố này đã liên tục tăng mạnh. Người dân Philippines tham gia vào các phong trào chống căn cứ với mục đích mong muốn sửa đổi Thỏa thuận căn cứ quân sự (MBA) bất bình đẳng. Trước các phong trào này, chính phủ Philippines đã thương lượng với chính phủ Mỹ để sửa đổi MBA. Vào cuối những năm 1980, song song với làn sóng dân chủ hóa, quan điểm của người dân rằng các căn cứ quân sự của Mỹ đại diện cho chế độ thực dân ngày càng trở nên rõ ràng và các phong trào chống căn cứ địa ở Olongapo ngày càng leo thang. Họ phản đối việc vũ khí hạt nhân được đưa đến Subic và đưa ra luật cấm vũ khí hạt nhân ở Philippines. Được hỗ trợ bởi quá trình dân chủ hóa ở Philippines, các phong trào chống căn cứ ở Olongapo ngày càng trở nên mạnh mẽ và thiết lập mối liên kết với giới tinh hoa chính trị ở Manila, những người phản đối căn cứ này. Thượng viện Philippines đã từ chối phê chuẩn thỏa thuận mới có nội dung nhằm giữ quân đội Mỹ và các căn cứ quân sự của Mỹ ở trong nước sau khi MBA hết hạn. Các phong trào chống căn cứ ở Olongapo chắc chắn đã có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Philippines, các sửa đổi của MBA là kết quả của các phong trào chống căn cứ và quá trình dân chủ hóa nói chung trong cả nước. Có thể thấy, thành phố Olongapo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc rút các căn cứ quân sự của Mỹ khỏi Philippines.[19]

Tuy vậy, một số lượng lớn cư dân Philippines ở Olongapo vẫn ủng hộ sự hiện diện tiếp tục của Căn cứ Hải quân Subic mà lý do phần lớn đến từ những cân nhắc về lợi ích kinh tế. Việc có các căn cứ này trong khu vực đảm bảo cho cư dân Philippines việc làm và thu nhập cao, cung cấp viện trợ vật chất và hỗ trợ tài chính, đồng thời giúp thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và ngăn chặn các hành động xâm lược. Lợi ích kinh tế từ các căn cứ của Mỹ giúp họ có thể cho con cái đến trường, cải thiện lối sống, và trong trường hợp thiên tai xảy ra, Hải quân Mỹ thường là cơ sở đầu tiên cứu hộ với hàng hóa cứu trợ và thiết bị cứu sinh tiên tiến. Họ cũng lo lắng vấn đề việc làm và và an ninh quốc gia sẽ bị đe dọa nếu Căn cứ Hải quân Subic chuyển ra khỏi Philippines.[20] Theo phân tích của CIA, nhiều người Philippines vẫn cảm thấy các căn cứ quân sự của Mỹ là cần thiết và nên được duy trì. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong các cuộc điều tra dư luận, không chỉ ở Manila mà còn ở các khu vực xung quanh các căn cứ, bao gồm cả thành phố Olongapo. CIA cũng chỉ ra rằng các nhóm chống căn cứ cố gắng lôi kéo những người không có quan điểm mạnh mẽ về căn cứ của Mỹ.[21] Chính phủ Philippines, muốn duy trì các căn cứ của Mỹ, cũng lo ngại rằng những người như vậy có thể bị thuyết phục tham gia vào phong trào chống căn cứ.[33] Không phải tất cả người dân ở thành phố Olongapo đều tìm cách dỡ bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ. Richard Gordon, thị trưởng thành phố Olongapo vào thời điểm đó, đã phản đối mạnh mẽ việc rút các căn cứ quân sự này. Ông đặc biệt lo sợ rằng tình trạng thất nghiệp tràn lan sau khi Căn cứ Hải quân Subic đóng cửa sẽ gây thiệt hại cho người dân thành phố Olongapo. Ông đã vận động các công nhân Philippines đang làm việc tại căn cứ Subic biểu tình ở Manila và tham gia vào các cuộc biểu tình nhằm tìm cách duy trì hoạt động của căn cứ này ở Philippines.[22] Có thể thấy, không có sự nhất trí rõ ràng nào liên quan đến căn cứ ở Olongapo. Các chiến dịch chống đối căn cứ khốc liệt vẫn diễn ra trong khi những người khác như Gordon, Thị trưởng thành phố Olongapo, đấu tranh để giữ lại các căn cứ này. Trong tình hình đó, giới tinh hoa chính trị theo chủ nghĩa dân tộc đã có cơ hội để tiến hành các bước chuẩn bị pháp lý cho việc rút quân của Mỹ cũng như trao trả các căn cứ và vùng đất xung quanh cho Philippines.

Thời gian gần đây, do căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, người dân Philippines bắt đầu coi trọng chiến lược ở khu vực vịnh Subic hơn. Hiện nay, khi phải đối mặt với những hành động đe dọa của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, người dân Philippines hy vọng rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ giúp duy trì “thế cân bằng” trong khu vực tranh chấp.

Nhìn chung,……

Có thể hiểu rằng, những động thái triển khai các lực lượng quân sự mới nhất của Philippines nhằm tái lập căn cứ Subic là một phần trong tầm nhìn và chiến lược an ninh của Philippines trong thời kỳ mới. Đó có thể là sự tiếp nối các quan điểm đối ngoại – quốc phòng từ người tiền nhiệm của chính phủ Tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trong bối cảnh thích ứng với những chuyển biến tại khu vực Biển Đông. Với nước Mỹ, việc tái lập căn cứ này và thái độ cởi mở ít nhiều của chính quyền mới có thể đánh dấu một bước ngoặt biểu tượng sau khoảng 30 năm đầy trăn trở của mối quan hệ đồng minh quân sự. Những rủi ro an ninh mới dần rõ nét tại khu vực kể từ sau Chiến tranh Lạnh có thể vừa là những cơ hội, vừa là những thách thức cho mối quan hệ Mỹ Philippines mà cả hai nước trong bối cảnh mới cần phải thích ứng và điều chỉnh chiến lược đối ngoại theo hướng ngày càng bền vững hơn.


Tài liệu tham khảo

1. Green, Michael J.; Poling, Gregory B. (2021). Memorandum for the President: The U.S. Alliance with the Philippines. CSIS. https://www.csis.org/analy

2. Grossman, Derek (2021). Duterte’s Dalliance With China Is Over. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2021/11/02/duterte-china-philippines-united-states-defense-military-geopolitics/ 

 3. Grossman, Derek (2021). China Has Lost the Philippines Despite Duterte’s Best Efforts. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2021/05/03/philippines-south-china-sea-bri-duterte-xi-united-states-vfa-military-agreement-alliance/ 

4. Green, Michael J.; Poling, Gregory B. (2021). Memorandum for the President: The U.S. Alliance with the Philippines. CSIS. https://www.csis.org/analysis/us-alliance-philippines 

5. Grossman, Derek (2021). Duterte’s Dalliance With China Is Over. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2021/11/02/duterte-china-philippines-united-states-defense-military-geopolitics/ 

 6. Green, Michael J.; Poling, Gregory B. (2021). Memorandum for the President: The U.S. Alliance with the Philippines. CSIS. https://www.csis.org/analysis/us-alliance-philippines 

 7. Green, Michael J.; Poling, Gregory B. (2021). Memorandum for the President: The U.S. Alliance with the Philippines. CSIS. https://www.csis.org/analysis/us-alliance-philippines 

 8. Venzon, Cliff (2022). Marcos officially declared Philippines’ next president. Nikkei Asia.  https://asia.nikkei.com/Politics/Philippine-elections/Marcos-officially-declared-Philippines-next-president 

 9. Poling, Gregory B (2022). The Return of the Marcoses and the U.S.-Philippines Alliance. CSIS. https://www.csis.org/analysis/return-marcoses-and-us-philippines-alliance 

10. Green, Michael J.; Poling, Gregory B. (2021). Memorandum for the President: The U.S. Alliance with the Philippines. CSIS. https://www.csis.org/analysis/us-alliance-philippines 

11. Nguyễn Văn Du, Ngô Chí Nguyện (2020). Hệ thống liên minh an ninh song phương giữa Mỹ và các nước đồng minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Lịch sử và hiện tại. Tạp chí Lý luận Chính trị. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/3283-he-thong-lien-minh-an-ninh-song-phuong-giua-my-va-cac-nuoc-dong-minh-tai-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-lich-su-va-hien-tai.html 

12. Poling, Gregory B (2022). The Return of the Marcoses and the U.S.-Philippines Alliance. CSIS. https://www.csis.org/analysis/return-marcoses-and-us-philippines-alliance 

13. Lum, Thomas (2022). The Philippines: Background and U.S. Relations. US Congressional Research Service. Pp- 1.

14. Lum, Thomas (2022). The Philippines: Background and U.S. Relations. US Congressional Research Service. Pp 5-14.

15. Kyodo News (2022). Philippines starts using Subic Bay as naval base to counter China. https://english.kyodonews.net/news/2022/05/04c097b7a0f9-philippines-starts-using-subic-bay-facing-s-china-sea-as-naval-base.html 

16. Kyodo News (2022). Philippines starts using Subic Bay as naval base to counter China. https://english.kyodonews.net/news/2022/05/04c097b7a0f9-philippines-starts-using-subic-bay-facing-s-china-sea-as-naval-base.html 

17. Kyodo News (2022). Philippines starts using Subic Bay as naval base to counter China.  https://english.kyodonews.net/news/2022/05/04c097b7a0f9-philippines-starts-using-subic-bay-facing-s-china-sea-as-naval-base.html 

18. Riyaz ul Khaliq (2022). No compromise on ‘sacred’ sovereignty, says Philippines’ president-elect. Anadolu Agency.

19. Shimizu, Ayae (2019). The Political Dynamics and Impacts Surrounding Subic Naval Base in the Philippines. The Influence of Sub-state Actors on National Security pp 111–129. Springer Polar Sciences. https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-3-030-01677-7_7

 20. Lolarga, Erlinda Eileen G. (1991). Filipinos’ Attitudes and Perceptions toward Subic Naval Base: Social Psychological Implications. Philippine Journal of Psychology.

21. CIA 1987. “The Philippines: Exploring View on the US Military Bases Information as of 24 August 1987” https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP90T00114R000200970001-0.pdf. 

22. Yeo, A. 2011. Activists, alliances, and anti-U.S. base protests, 39–40. Cambridge: Cambridge University Press. 

23. Simbulan, R. 2009. Forging a Nationalist Foreign Policy: Essays on U.S. Military Presence and the Challenges to Philippine foreign policy, Ibon, Quezon City: 2. https://www.pssc.org.ph/wp-content/pssc-archives/

24. Khaliq, R. (May 26, 2022). No compromise on ‘sacred’ sovereignty, says Philippines’ president-elect.

IR Analytica

2 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *