Tags: Mỹ – Philippines, Biển Đông, Đông Nam Á
TỔNG QUAN VỀ CĂN CỨ SUBIC
1. Vị trí địa lý của vịnh Subic
Vịnh Subic là một vịnh trong khu vực Biển Đông nằm về phía tây bắc của cửa vịnh Manila trên đảo Luzon – hòn đảo lớn nhất ở Philippines. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, vịnh Subic trở thành một trong những khu vực biển quan trọng trong quá trình vận chuyển quốc tế giữa các nước Đông Nam Á nói riêng và các nước khác nói chung. Nơi đây là vị trí trung gian giữa hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và đảo Guam của Mỹ; bên cạnh đó, vịnh cũng nằm ở vị trí gần với hai eo biển của Biển Đông là Luzon và Malacca. Nhờ đó, vịnh Subic đã trở thành một bến cảng lý tưởng cho các hoạt động quân sự, giao thương của Philippines.
Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi của vịnh Subic cũng đồng thời trở thành mục tiêu của Mỹ trong quá trình nước này duy trì sự hiện diện và triển khai các chính sách đối ngoại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này đã từng là nơi tập trung quân sự lớn của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam (1955-1975) cũng như Chiến tranh Lạnh trong nửa sau của thế kỷ XX. Ngày nay, vịnh Subic vẫn mang một tầm quan trọng lớn với Mỹ trong sự đối đầu với Trung Quốc và duy trì lợi ích của mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại vịnh Subic, quan hệ Mỹ – Philippines đã được thiết lập và tiến triển thông qua nhiều hoạt động ký kết giữa hai nước.
2. Những điểm chính trong quan hệ Mỹ – Philippines tại vịnh Subic
Mỹ bắt đầu hiện diện tại Philippines
Hiệp định Paris năm 1898 được ký kết giữa Tây Ban Nha và Mỹ đánh dấu sự chấm dứt quyền kiểm soát Tây Ban Nha và mở ra thời kỳ cai trị của Mỹ đối với các khu vực như Cuba, Puerto Rico, Guam và đặc biệt là Philippines. Riêng với vịnh Subic là một khu vực mang tính địa chiến lược cao, Mỹ đã nhanh chóng cho tiến hành xây dựng các căn cứ hải quân và thực hiện các hoạt động quân sự tại đây.
Tuy nhiên, đến ngày 4/7/1946, dưới áp lực của các cuộc nổi dậy chống Mỹ từ nhân dân Philippines, Mỹ đã trao trả sự độc lập hoàn toàn cho quốc gia này sau khi hai nước ký kết Hiệp định Manila. Đây là sự kiện cho thấy một bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước, từ đây mở ra một mối quan hệ bình đẳng Mỹ – Philippines đi cùng với nhiều thỏa thuận được ký kết trong tương lai.
Duy trì và xúc tiến hợp tác bằng những thoả thuận
Thỏa thuận đầu tiên được ký kết giữa hai bên là Thỏa thuận Căn cứ Quân sự (Military Bases Agreement) ký kết vào năm 1947 cho phép Hải quân Mỹ được giữ lại tất cả các cơ sở quân sự của mình ở Philippines trừ Xưởng hải quân Cavite theo hợp đồng thuê trong 99 năm. [1] Bên cạnh đó, Mỹ cũng có quyền tiếp cận 23 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines mà không phải trả bất kỳ chi phí nào trong thời hạn như đã giao ước giữa hai bên.[2]
Tuy nhiên, các đặc quyền này đối với Mỹ như trong thỏa thuận làm dấy lên những quan ngại của người dân Philippines về những vấn đề liên quan đến vi phạm chủ quyền. Ngay từ năm 1951, Thượng nghị sĩ Philippines Claro M. Recto đã công kích các dàn xếp an ninh và quân sự Mỹ-Philippines cáo buộc rằng họ đã chế nhạo nền độc lập của Philippines. Đến năm 1956, Tổng thống Philippines Ramon Magsaysay và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã tìm cách làm giảm một số phản đối nghiêm trọng nhất của Philippines về Thoả thuận 1947. Họ đã đưa ra một tuyên bố chung tại Manila khẳng định chủ quyền đầy đủ của Philippines đối với các vùng lãnh thổ căn cứ.[3]
Cụ thể, một “biên bản thỏa thuận” được ký kết bởi Đại sứ Mỹ Charles A. Bohlen và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Felixberto Serrano, trong đó quy định rằng việc sử dụng các căn cứ của Mỹ trong khuôn khổ hoạt động phải có sự tham vấn trước với chính phủ Philippines. Cùng với đó, hai nước cũng ký kết thêm Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines năm 1951 và Hiệp ước Manila 1954 nhằm đưa ra những quy định cụ thể về cách mà Mỹ được sử dụng các căn cứ. Ngoài ra, Thoả thuận Bohlen-Serrano cũng đưa ra những sửa đổi đối với Thỏa thuận 1947 là thời hạn thuê vịnh Subic của Mỹ sẽ bị cắt giảm từ 99 năm xuống còn 25 năm và những quy định trong thỏa thuận sẽ được làm mới và xem xét mỗi 5 năm. Việc sửa đổi Thỏa thuận 1947 kéo dài đến năm 1983 bao gồm thêm các điều khoản như Mỹ phải thông báo về mức độ lực lượng quân sự thường trú tại Philippines vào bất kỳ thời điểm nào; Philippines phải được thông báo trước về bất kỳ những thay đổi lớn về thiết bị và hệ thống vũ khí của Mỹ… Có thể nói, việc sửa đổi này cũng như thái độ thể hiện sự hợp tác thiện chí của Mỹ đã làm giảm bớt những lo ngại của người dân Philippines về vấn đề chủ quyền của quốc gia.
Mỹ rút quân khỏi vịnh Subic
Trước khi Thỏa thuận Căn cứ Quân sự 1947 hết hiệu lực vào tháng 11/1991, Mỹ và Philippines đã có cuộc đàm phán từ tháng 8 cùng năm để thoả thuận về dự thảo hiệp ước cho Mỹ thuê Căn cứ Hải quân Vịnh Subic trong vòng mười năm tiếp theo. Tuy nhiên, kết quả của cuộc đàm phán đã không thành công khi Thượng viện Philippines đã bác bỏ việc gia hạn thỏa thuận cho thuê căn cứ, và Chính phủ Philippines đã thông báo cho Mỹ rằng họ sẽ có một năm để hoàn tất việc rút quân. Cuộc rút quân đã diễn ra suôn sẻ với lực lượng Mỹ cuối cùng khởi hành khỏi vịnh Subic vào ngày 24/11/1992.
Việc kết thúc Thỏa thuận Căn cứ quân sự 1947 cũng là kết thúc sự hiện diện của Mỹ trong vòng 94 năm tại Philippines. Sự kiện này cũng làm dấy lên hai luồng quan điểm tại Philippines. Tổng thống Philippines Corazon Aquino cho rằng việc rút quân của Mỹ sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các lực lượng vũ trang “bởi vì [Philippines] cần tiền để hiện đại hóa quân đội, hải quân và không quân”.[4] Với phía ủng hộ sự hiện diện của Mỹ, những người này đề cập rằng Philippines sẽ mất 40.000 việc làm và gói viện trợ hàng năm trị giá 203 triệu đô liên quan trực tiếp đến căn cứ Subic, đặc biệt là vào thời điểm khu vực này vẫn bị ảnh hưởng từ vụ phun trào tàn khốc của núi lửa Pinatubo vào tháng 6/1991. Ở phe đối lập, những người này lên án rằng Thoả thuận 1947 đã đại diện cho sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân tại Philippines; sự hiện diện quân sự của người Mỹ sinh ra mại dâm và AIDS; cũng như Thỏa thuận 1947 đã vi phạm Hiến pháp năm 1987 của Philippines về lệnh cấm sự hiện diện của vũ khí hạt nhân. [5]
Sự trở lại của Mỹ
Trong một bài viết đăng tải bởi Viện nghiên cứu chính sách ngoại giao (FBRI), tác giả Felix K. Chang cho rằng từ những năm 1960, Philippines đã trở nên quá lệ thuộc vào đồng minh Mỹ về năng lực quốc phòng đã khiến cho năng lực quốc phòng thực tế của nước này đã giảm sút đáng kể. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn bởi những bước tiến về lực lượng quân sự của TQ từ những năm 1990 và hiện nay là sự chuyển hướng trong quan hệ đối ngoại quân sự Mỹ-Philippines hiện nay.[6] Năm 1999, Thượng viện Philippines đã phê chuẩn Hiệp định Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ, cho phép các lực lượng Mỹ trở lại nước này để tiến hành các cuộc tập trận chung với quân đội Philippines. Hơn nữa, các cuộc tấn công ngày 11/9 vào Mỹ đã đẩy nhanh việc khôi phục quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines. Hai chính phủ đã ký một Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau mới (Mutual Logistics Support Agreement) vào năm 2002 để tạo điều kiện cho việc triển khai quân sự của Mỹ.
Vào năm 2014, Mỹ và Philippines đã ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA). Đây là thỏa thuận kéo dài 10 năm cho phép tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, với sự luân chuyển nhân viên quân sự giữa hai nước cũng như gia tăng hỗ trợ của Mỹ dành cho các hoạt động nhân đạo và hàng hải với Philippines. Trong bối cảnh mới khi Philippines đã phải vật lộn để tăng cường phòng thủ lãnh thổ khi đối mặt với hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, Thỏa thuận EDCA là một cột mốc mới trong mối quan hệ đồng minh hiệp ước lâu năm và sẽ giúp giải quyết các vấn đề quân sự mà cả hai bên đang gặp phải.
Tuy nhiên, Tổng thống Rodrigo Duterte sau đó đã kêu gọi đánh giá lại EDCA và giảm số lượng Quân đội Mỹ và các cuộc tập trận chung ở Philippines vào năm 2016. Kết quả là Philippines cuối cùng đã cho phép EDCA tiếp tục được tiến hành như đã ký kết, nhưng Mỹ sẽ bị giới hạn quyền hành tại khu vực và trì hoãn việc xây dựng cơ sở cho đến năm 2018. Một vài dự án khác đã bị trì hoãn vào năm 2019, cộng với những bất ổn liên quan đến VFA và hạn chế của dịch COVID-19 đã tiếp tục trì hoãn tiến độ của EDCA trong khoảng thời gian tiếp theo.
Lợi ích từ vịnh Subic đối với Mỹ
Từ góc nhìn của chính phủ Mỹ, vịnh Subic vẫn luôn được xem là vị trí có tính chiến lược, về mặt kinh tế và đặt biệt là lĩnh vực quân sự. Đặt biệt là từ trong và sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, hàng loạt các chuyên gia quân sự Mỹ vẫn liên tục nhấn mạnh vai trò tất yếu của các căn cứ quân sự tại Philippines trong chiến lược nhằm kiểm soát Châu Á – Thái Bình Dương. Vào nửa sau thế kỷ XX, Căn cứ Subic trở thành mắt xích quân sự quan trọng để tiếp tế, hỗ trợ cho Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam và thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đỉnh điểm là vào năm 1967 đến 1968, 215 tàu hải quân các loại, 4.2 triệu quân nhân Mỹ và 63 triệu USD đã được trung chuyển hoặc đầu tư tại địa điểm chiến lược này.[7], [8]
Từ năm 1979, hải quân Liên Xô được triển khai tại vịnh Cam Ranh tại Việt Nam, trực tiếp giáp Biển Đông và cùng với quân Trung Quốc đặt vào thế tranh chấp ảnh hưởng với quân Mỹ tại Philippines.[9] Với Mỹ, vịnh Subic có giá trị như căn cứ trung gian liên kết sự hiện diện quân sự của nước này ở Đông Thái Bình Dương, tập trung vào hậu cứ của Trân Châu Cảng và sự hiện diện của Liên Xô dấy lên sự lo ngại về việc Mỹ sẽ bị mất khả năng tiếp cận với Vịnh Subic, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng về sức mạnh an ninh – quân sự của họ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ không còn như trước.
Theo chuyên gia phân tích chính sách, giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng James A Gregor, trong chính sách chiến lược của Mỹ tại Tây Nam Á, vịnh Subic trong vành đai các căn cứ quân sự Mỹ tại Philippines có vai trò lớn bởi những lý do sau đây: giúp Mỹ thay thế các sáng kiến quân sự của Liên Xô ở Đông Nam Á; củng cố và tăng thêm sự ổn định cho khu vực Biển Đông; và cung cấp cho Mỹ khả năng thể hiện sức mạnh quân sự của mình.[10]
Trong báo cáo địa chính trị của tác giả Riccardo Rossi, từ sau năm 1991, giá trị chiến lược mà Mỹ đặt vào quần đảo của Philippines dần bắt nguồn từ tranh chấp giữa Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) nhằm kiểm soát khu vực địa hàng hải giữa phía đông và phía nam của khu vực Thái Bình Dương.[1] Sự tranh chấp giữa hai nước lớn dẫn đến việc Mỹ đã triển khai và liên tục thực hiện đường lối chính sách đối ngoại cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương được gọi là “Pivot to Asean” từ thời kỳ của tổng thống Obama đến chính quyền Biden. Mục tiêu chính của chính sách đối ngoại riêng cho khu vực nhằm chống lại và hạn chế sự mở rộng chiến lược – quân sự của Trung Quốc trong giới hạn của chuỗi đảo đầu tiên. Trong khuôn khổ này, Mỹ đã coi Chính phủ Philippines là một đối tác trong việc thực hiện chiến lược kiềm chế chương trình quân sự hóa của Trung Quốc nhằm vào một số khu vực ở Biển Đông.
Xem kỳ 2 tại ĐÂY.
Tài liệu tham khảo
1. Được trích dẫn từ “Naval Bases in the Philippines”. Naval History and Heritage Command, https://www.history.navy.mil/browse-by-topic/organization-and-administration/historic-bases/philippine-bases.html#:~:text=In%201947%2C%20the%20Republic%20of,under%20a%2099%2Dyear%20lease.
2. “The 1947 agreement granted the United States “the right to retain the use” of 16 bases (including Clark Field and Subic Bay) in the Philippines and to use 7 other bases if Washington decided that “military necessity” required such action. Access to these 23 specifically named bases was provided rent-free for a period of 99 years (until the year 2045)”. James A Gregor, “The Key Role of U.S. Bases in the Philippines” https://www.heritage.org/report/the-key-role-us-bases-the-philippines#
3. James A Gregor, “The Key Role of U.S. Bases in the Philippines” https://www.heritage.org/report/the-key-role-us-bases-the-philippines#
4. William Branigin. “BASE TREATY REJECTED BY PHILIPPINES – The Washington Post.” Washington Post, www.washingtonpost.com, 17 Sept. 1991, https://www.washingtonpost.com/archive/politics/1991/09/17/base-treaty-rejected-by-philippines/e90c9f09-9de3-4b1c-94ec-116ff06c63cf/.
5. Felix, Chang K. “GI Come Back: America’s Return to the Philippines – Foreign Policy Research Institute.” Foreign Policy Research Institute, www.fpri.org, 7 Oct. 2013, https://www.fpri.org/article/2013/10/gi-come-back-americas-return-to-the-philippines/.
6. Asia.Felix, Chang K. “GI Come Back: America’s Return to the Philippines – Foreign Policy Research Institute.” Foreign Policy Research Institute, www.fpri.org, 7 Oct. 2013, https://www.fpri.org/article/2013/10/gi-come-back-americas-return-to-the-philippines/.
7. Anderson, Gerald (January 2009). Subic bay : from Magellan to Pinatubo. CreateSpace Independent Publishing Platform. ISBN 978-1441444523. Pp.130-145
8. Karnow, Stanley (1990). In Our Image: America’s Empire in the Philippines. Ballantine books. ISBN 0345328167.
9. Wilson, George C. (1979). Soviet Use of Cam Ranh Bay as Sub Base Arouses U.S. Concern. The Whasington Post online archive. https://www.washingtonpost.com/archive/politics/1979/05/10/soviet-use-of-cam-ranh-bay-as-sub-base-arouses-us-concern/7d1338d4-1812-4994-b713-2ff4d16b6104/
10. The Key Role of U.S. Bases in the Philippines. https://www.heritage.org/report/the-key-role-us-bases-the-philippines
11. The Geostrategic Role of the Philippines in Supporting U.S. Interests in the Southwest Asia-Pacific Area. https://www.specialeurasia.com/2022/01/24/philippines-usa-geopolitics/
1 comment