Giải trừ quân bị có thể là một nỗ lực đa phương, song phương và đơn phương của một nước. Mức độ giải trừ có thể tùy theo cam kết tuy nhiên giải trừ hoàn toàn thường là mục tiêu thương lượng cuối cùng. Trên thực tế, các quốc gia theo đuổi mục tiêu không phải là một hành động giải trừ quân bị mà mục đích nhằm giữ vững sự ổn định trong hệ thống quốc phòng, còn gọi là kiểm soát vũ khí (arms control). Khác với giải trừ vũ khí, kiểm soát vũ khí là kiềm chế sự phát triển về số lượng của các loại vũ khí chứ không nhất thiết bao gồm việc cắt giảm hoặc xóa bỏ các loại vũ khí mà một quốc gia sở hữu.
Những nỗ lực thực tế đầu tiên nhằm hạn chế vũ khí trang bị theo thỏa thuận quốc tế chung đã được đưa ra tại các hội nghị tổ chức tại The Hague (1899-1907) nhưng không đạt được kết quả tích cực nào, tương tự sau Thế chiến I, Hội nghị Giải trừ quân bị Thế giới (1932 – 1935) cũng thất bại. Song sau đó trong suốt thế kỷ 20 đã diễn ra rất nhiều cuộc đàm phán liên quan đến giải trừ quân bị và có kết quả khả quan hơn, có thể kể đến: Hội nghị Washington (1922) và Hội nghị London (1930) về hạn chế vũ khí hải quân, Hiệp ước SALT 1 (1971) về hạn chế vũ khí chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, Hiệp ước ABM (1971), Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược START 1 và 2 (1991, 1993),…
Đến năm 2010, Mỹ và Nga tiếp tục ký Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) và vào tháng 2/2021, hai bên chính thức gia hạn hiệp ước New START. Điều này sẽ giúp thế giới an toàn hơn khi New START là hiệp ước duy nhất con lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc.
IR Analytica
_____________________
Tài liệu tham khảo
Brown, G. W., McLean, I., & McMillan, A. (2018). The concise Oxford dictionary of politics and international relations. Oxford University Press.
Plano, J. C., & Olton, R. (1982). International Relations Dictionary.
_____________________
Các bài viết khác: