Cạnh tranh Mỹ – Trung từ góc nhìn của Mỹ

Tags: Mỹ – Trung

A. Nhận thức của Mỹ về mối đe dọa Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung

Trung Quốc sở hữu ý chí chính trị muốn thay đổi hệ thống quốc tế, thiết lập vị trí trung tâm cho mình và thách thức khả năng đứng đầu của Mỹ

Bài phát biểu của chủ tịch nước Tập Cận Bình về công cuộc phục hưng đất nước và giấc mơ Trung Hoa tại Quốc hội khóa 12 năm 2013 đánh dấu một sự thay đổi trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Đối với Trung Quốc, trật tự do Mỹ lãnh đạo sẽ kìm hãm sự phát triển và khả năng lãnh đạo của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế. Điều này dẫn đến nhận thức của Trung Quốc xem Mỹ là một thách thức dài hạn và hình thành mối quan hệ cạnh tranh chiến lược, thể hiện ở nhiều mặt. Ở khía cạnh cạnh tranh ý thức hệ, Trung Quốc bài xích rõ rệt với các hệ giá trị tư tưởng của phương Tây, thể hiện qua công cuộc tuyên truyền được lên kế hoạch tỉ mỉ cả trong lẫn ngoài nước. Trong năm 2013, Trung Quốc ban hành Nghị định số 9, liệt kê ra 7 hiểm họa chính mà Trung Quốc đang phải đối mặt và trong đó, chỉ trích những giá trị tự do, dân chủ mà Mỹ quảng bá. Theo sau Nghị định số 9 là Nghị định 30, yêu cầu các trường đại học tại Trung Quốc cần phải ngăn chặn những luồng tư tưởng tự do từ phương Tây. Báo chí của Trung Quốc cũng được chính phủ hỗ trợ tích cực để “nói lên tiếng nói của Trung Quốc” và mở rộng tầm ảnh hưởng. Sự tham gia của Trung Quốc vào các diễn đàn, thể chế quốc tế ngày càng gia tăng. Một chiến lược khác mà Trung Quốc đang thực thi để giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Mỹ chính là nắm bắt lấy những “cửa sổ cơ hội”, thiết lập quan hệ mật thiết với những khu vực không nằm trong trọng tâm thiết lập tầm ảnh hưởng của Mỹ, nhằm xây dựng một trật tự do Trung Quốc dẫn dắt. Năm 2017, trước Đại hội Đảng lần thứ 19, chủ tịch Tập Cận Bình nhận định thế giới đang bước vào 1 kỷ nguyên mới với những sự thay đổi trong cơ cấu phân bố quyền lực, một tình huống diễn biến theo hướng có lợi và tạo điều kiện tốt để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng và vị thế. 

Không chỉ ý chí chính trị, Trung Quốc còn sở hữu tiềm lực mạnh mẽ được tích lũy trong thời gian dài thông qua phát triển công nghệ quốc gia và các hoạt động thương mại quốc tế

Như một quy luật lịch sử, sau mỗi cuộc khủng hoảng thế giới, quốc gia nào nắm trong tay thế mạnh về công nghệ sẽ trở thành những cường quốc thống trị và định hình trật tự thế giới. Nắm được quy luật này, kể từ năm 2006, Trung Quốc bắt đầu khởi xướng Kế hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ trung và dài hạn (LMP). Nằm trong kế hoạch này, 3 mục tiêu lớn được đặt ra nhằm phát triển Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ và thiết lập vị trí thống trị, nâng cao vị thế của Trung Quốc. Ba mục tiêu này bao gồm: (1) Sáng tạo những công nghệ đột phá bởi người Trung Quốc và mang thương hiệu của Trung Quốc, (2) Phát triển những ngành công nghệ cốt lõi và (3) Triển khai 16 “siêu dự án” được tài trợ bởi nhà nước nhằm nghiên cứu những công nghệ mà Trung Quốc chưa làm chủ được. Chủ trương của Trung Quốc là không chỉ “theo kịp” mà còn phải “vượt qua” những quốc gia khác. Năm 2016, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển những công nghệ hiện đại và có tính áp dụng đa dạng cả trong lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực quân sự: mạng internet tốc độ cao, viễn thông 5G, mạng cảm biến, robot với khả năng tự lập trình và trí thông minh nhân tạo. Những công nghệ này không chỉ phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp, quân sự mà còn được chính quyền Trung Quốc tích hợp, nhằm tạo ra một hệ thống kiểm soát và theo dõi toàn diện. Với những công nghệ này, Trung Quốc tham vọng có thể “xuất khẩu” mô hình nhà nước toàn trị và những công nghệ kiểm soát đến các chính quyền tương tự. Không chỉ đầu tư phát triển tiềm lực công nghệ, Trung Quốc cũng ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong chuỗi cung ứng thế giới với khả năng sản xuất với chi phí cạnh tranh. Nền kinh tế Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tổng giá trị 27,31 nghìn tỷ dollar. Trung Quốc cũng sở hữu năng lực quân sự với các công nghệ, vũ khí tiên tiến và số lượng căn cứ quân sự khắp biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tiềm lực của Trung Quốc được nhiều chính khách Mỹ đánh giá là vượt trội hơn Liên Xô những năm 90. 

B. Những hành động của Trung Quốc thể hiện sự cạnh tranh chiến lược

Cạnh tranh Mỹ – Trung được thể hiện qua 6 vấn đề chính

Vấn đề kinh tế:

Trung Quốc muốn định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu, thiết lập cho mình một vị trí đặc quyền ở trung tâm, và tích lũy của cải và quyền lực thông qua thương mại, tài chính, đầu tư và các hoạt động thương mại toàn cầu. Trọng tâm hiện tại của PRC là nâng cao vị thế công ty Trung Quốc ngay tại trong nước và thế giới để tạo của cải cho người dân và nâng cao sức mạnh nhà nước. Trung Quốc sử dụng công ty như công cụ xây dựng và thống trị cơ sở hạ tầng, kiểm soát các hoạt động nông nghiệp, dầu mỏ, khoáng sản thông qua kiểm soát cảng chính, các tuyến đường hậu cần đường biển và đường hàng không, cũng như sản xuất và truyền tải điện, viễn thông, ngân hàng và các công cụ cơ sở hạ tầng “mềm” khác để hệ thống hoạt động. Nhìn chung, Trung Quốc sử dụng nhiều nguồn lực của mình để chi phối hoạt động của các doanh nghiệp, cung cấp các gói thỏa thuận chính trị – thương mại – tài chính buộc các đối tác nới lỏng yêu cầu thủ tục minh bạch và trao đặc quyền cho các chủ thể thuộc phía Trung Quốc.

Vấn đề công nghệ:

Nắm rõ được quy luật lợi thế của quốc gia làm chủ công nghệ, ngay từ những năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã có sự đầu tư bài bản với 3 giai đoạn khác nhau nhằm phát triển từng bước ngành công nghệ trong nước. Ở giai đoạn 4 năm đầu (2006-2010), Trung Quốc thực hiện bước chuyển đầu tiên từ một nước thụ động nhận nguồn vốn, công nghệ nước ngoài sang phát triển tiềm lực quốc gia. Một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển các công nghệ cốt lõi –  về cơ bản đây là những công nghệ mà Trung Quốc chưa sở hữu. Giai đoạn đầu này đã bước đầu đặt Trung Quốc vào vị trí đối đầu với Mỹ – vốn đang là cường quốc công nghệ. Giai đoạn từ 2010-2014, Trung Quốc tập trung phát triển các ngành công nghệ chiến lược (SEI). Chiến lược của Trung Quốc trong giai đoạn này là phát triển các ngành công nghệ mới nổi, ít có đối thủ cạnh tranh. Có thể kể đến các lĩnh vực như mạng viễn thông, năng lượng sạch, xe điện. Ở giai đoạn hiện nay, có thể thấy, việc đầu tư sớm vào mạng viễn thông đang giúp Trung Quốc chiếm nhiều ưu thế trong cuộc cách mạng 5G. Giai đoạn từ năm 2016 cho đến nay, Trung Quốc theo đuổi chiến lược phát triển theo định hướng đổi mới (IDDS) nhằm bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0, 5.0 và phát triển các công nghệ ứng dụng được trong cả lĩnh vực kinh tế – quân sự. 

Khu vực châu Âu là một trong những nơi cạnh tranh chiến lược công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong nhiều năm, các công ty công nghệ Trung Quốc đã đầu tư vào thị trường rộng lớn châu Âu. Việc mở rộng thị trường và giành chỗ đứng vững chắc ở khu vực châu Âu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế hấp dẫn mà còn phục vụ cho việc gia tăng dấu ấn toàn cầu của các thương hiệu Trung Quốc. Ở thị trường châu Âu, hai công ty viễn thông lớn của Trung Quốc như Huawei và ZTE đóng vai trò quan trọng trong hệ thống mạng lưới 3G/4G. Ngoài ra, theo báo cáo của hiệp hội GSMA, Huawei và ZTE chiếm 40% thị phần cung cấp thiết bị viễn thông di động tại EU. 

Mặc dù Mỹ đã kêu gọi, gây sức ép lên các đồng minh châu Âu trong vấn đề an ninh mạng, các giải pháp mà khối EU đưa ra (như ban hành các điều luật kiểm soát gắt gao hơn các nhà viễn thông Trung Quốc) lại chưa đủ quyết liệt. Thay vào đó, các động thái này càng tăng thêm cơ hội cho Trung Quốc thực hiện các biện pháp ngoại giao song phương, đơn lẻ, gây chia rẽ nội bộ khối. Mới đây nhất, dưới tác động của cạnh tranh Mỹ – Trung, châu Âu bị đặt vào tình thế lựa chọn cách phản ứng với các nhà cung cấp từ Trung Quốc trong bối cảnh các nước châu Âu chuẩn bị cho lắp đặt hệ thống 5G. Đơn cử, việc Anh loại Huawei khỏi hệ thống mạng 5G đã khiến quan hệ giữa Trung Quốc với nước này xấu đi trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo sẽ có động thái trả đũa các hãng xe của Đức nếu nước này rút Huawei khỏi mạng lưới 5G. Mặt khác, Đức lại là một trong những nhân tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh này. Đức sở hữu thị trường công nghệ lớn nhất EU, nếu Trung Quốc hợp tác thành công với Đức sẽ tạo nên hiệu ứng đòn bẩy, giúp các công ty công nghệ Trung Quốc có lợi thế hợp tác với phần còn lại của châu Âu. 

Vấn đề về quân sự

Dưới góc nhìn của phía Mỹ luôn tồn tại sự căng thẳng quân sự trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng với giai đoạn hiện nay khi niềm tin hai bên suy giảm và mâu thuẫn từ chính quyền hai bên diễn ra càng làm tình hình quân sự hai bên chuyển biến xấu đi và sang thế đối đầu trực diện. Dù đây là vấn đề nổi bật nhưng quân sự vẫn chỉ là một trong những vấn đề mà hai bên cạnh tranh và nó sẽ không thể định hình những bước tiếp theo trong quan hệ Mỹ – Trung. Cuộc đối đầu quân sự diễn ra nghiêm trọng nhất là tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đối với Mỹ từ lâu đây là khu vực hàng hải và không phận chiếm ưu thế nào còn đối với Trung Quốc đây là bước đệm cho Trung Quốc gia tăng sức mạnh hàng hải để trở thành một cường quốc biển. Mục tiêu của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ được Nguyên Bộ trưởng bộ Quốc phòng, Robert Gates tuyên bố rằng “Quân đội Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động, tấn công nhằm bảo vệ cho các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực này và các lợi ích liên quan của Mỹ”. Còn với Trung Quốc, nhiệm vụ của nước này là hạn chế tối đa sự can thiệp từ các nước bên ngoài ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Trong khoảng thời gian sắp tới, nếu Trung Quốc tiếp tục bành trướng thì dự đoán bản chất của sự cạnh tranh quân sự Mỹ – Trung bên ngoài khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ chủ yếu là chính trị – quân sự. Nó sẽ tập trung phần lớn vào các vấn đề như bảo mật cách tiếp cận cho các lực lượng quân sự (địa điểm và căn cứ), định hình nhận thức khu vực, tìm kiếm ảnh hưởng, theo đuổi bảo vệ đường biển (SLOC), và đặc biệt là củng cố hoặc xây dựng quan hệ đối tác an ninh khu vực.

Ngoài lý do đối đầu quân sự với Mỹ, Trung Quốc xem rằng việc sở hữu một quân đội mạnh và vũ khí tối tân là một yếu tố chắc chắn cần đạt được nhằm thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc vẫn chưa đủ để dành chiến thắng trước Mỹ nếu cuộc chiến nổ ra giữa hai bên tuy nhiên nếu Mỹ không có bất kỳ thay đổi trong chiến lược của mình thì Trung Quốc vẫn có thể tận dụng thời cơ phát triển và đuổi kịp Mỹ. Dù đứng sau Mỹ nhưng quân đội Trung Quốc vẫn đủ khả năng tiến hành cuộc chiến trong phạm vi khu vực và khiến các nước xung quanh e dè và nghi ngờ sự tin cậy của Mỹ, với sự cản trở về mặt địa lý trong việc đảm bảo an ninh trước những hiểm họa từ Trung Quốc

Vấn đề đồng minh

Trong khuôn khổ “giấc mộng Trung Hoa”, nhằm thực hiện tham vọng vươn lên dẫn đầu, Trung Quốc đã có những bước đi gây áp lực lên các đồng minh thân cận của Mỹ. Hai biện pháp mà Trung Quốc thường sử dụng với các đồng minh Mỹ là dụ dỗ ép buộc

Dưới sự lãnh đạo của chính quyền tổng thống Trump, nước Mỹ đang cho thấy sự trở lại của chủ nghĩa biệt lập với câu khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã có hàng loạt động thái chỉ trích gay gắt các đồng minh lâu năm như EU hay NATO. Đồng thời, ông Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi các thể chế, thỏa thuận như WHO, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước hạt nhân INF với Nga, hay thỏa thuận kinh tế TPP. Các động thái này làm dấy lên lo ngại về vai trò lãnh đạo của Mỹ trên góc độ toàn cầu và sự cam kết của Mỹ với các đồng minh của mình.

Trong khi Mỹ tìm cách rút khỏi các thể chế để bảo toàn lợi ích quốc gia, Trung Quốc lại đang gia tăng tiếng nói trong các thể chế và tích cực tham gia vào các thể chế mới. Đơn cử, chính phủ Trung Quốc đã thể hiện nguyện vọng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – vốn là di sản của cựu tổng thống Obama. Trước đó, khi ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP, Úc và Nhật – hai đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương – đã thúc đẩy 11 nước còn lại nhanh chóng đàm phán hoàn tất hiệp định, đổi tên thành CPTPP mà không có sự tham gia của Mỹ. Các tình huống này cho thấy viễn cảnh vai trò dẫn dắt các đồng minh của Mỹ bị xói mòn. 

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc sử dụng các khoản viện trợ kinh tế, khoản vay giá rẻ để thu hút các quốc gia. Cùng với việc Trung Quốc là “công xưởng thế giới” – đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các quốc gia – bao gồm cả Mỹ đang cho thấy mức độ gia tăng phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây chính là “củ cà rốt” được Trung Quốc sử dụng.  

Vấn đề truyền thông

Trong các chính sách ngoại giao của Trung Quốc, truyền thông được xác định là một trong ba mặt trận thiết yếu của Tam chủng chiến pháp  (san zhong zhanfa; 三种战法; Three Warfares) được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Quân sự Trung ương đề ra trong vào tháng 11.2003 cùng hai mặt trận còn lại về tâm lý (sử dụng các mối đe dọa liên quan về quân sự, kinh tế) và pháp lý (điều luật, tập quán quốc tế).

Trung Quốc sử dụng các kênh chính phủ và các quỹ tài trợ, đầu tư nhằm xây dựng hình ảnh, phục vụ cho lợi ích giao thương thuận lợi ở khu vực, thể hiện rõ ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean. Với các công cụ ngoại giao và đầu tư, cho vay, cam kết hỗ trợ, ưu đãi để thực hiện ký kết nhiều hợp đồng với các quốc gia trong khu vực, tạo sự tín nhiệm từ các địa phương. Tuy nhiên, phương pháp chính của Trung Quốc là nuôi dưỡng và đào tạo các lãnh đạo doanh nghiệp hay các lãnh đạo chính trị địa phương bằng cách cấp học bổng cho học sinh sinh viên đến học tại các Viện Khổng Tử. Về sau, các học sinh sinh viên sẽ trở thành lãnh đạo doanh nghiệp hay học giả đứng đầu trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc ở địa phương, mà với món nợ được nuôi dưỡng và học tập tại Trung Quốc, sẽ khó để họ chỉ trích, hoặc họ sẽ làm ngơ hoặc sẽ ủng hộ trước các quyết định đến từ phía doanh nghiệp Trung Quốc, vừa giúp Trung Quốc cải thiện hình ảnh, vừa thuận lợi trong trao đổi thương mại. Tương tự với các chuyến công du xa xỉ mà Trung Quốc đề nghị đến các quan chức của các quốc gia này, các quan chức đó cũng giúp Trung Quốc đạt được mục đích như trên dù cố ý hay không cố ý. Trong những nỗ lực xây dựng hình ảnh, ngoại giao chiến lang (đào tạo đội quân những nhà ngoại giao hoạt động tích cực nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc) cũng là một hình thức được đẩy mạnh. Hình thức này tuy đem lại hiệu quả đối với nhân dân trong nước, nhưng bị đánh giá lại vô tình tạo ra tình huống cô lập Trung Quốc trong môi trường quốc tế, gây phản tác dụng. 

Trong cuộc cạnh tranh ý thức hệ giữa Trung và Mỹ, truyền thông được Trung Quốc xem là một khía cạnh chủ chốt. Trong một bài phát biểu vào năm 2015, Tập Cận Bình đã nhận định rằng Mặt trận Thống nhất, bộ phận đảm nhận công tác tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc, là “vũ khí phép thuật quan trọng” để củng cố quyền lực Đảng cộng sản. Với khẳng định “Trung Quốc cần được thế giới lắng nghe”, chính quyền Trung Quốc đã đầu tư hàng triệu dollars Mỹ để xây dựng tổ chức mạng lưới thông tin Voice of China, liên kết với các đầu báo và nhà xuất bản Trung Quốc để đẩy mạnh việc đưa những thông tin từ Trung Quốc đến cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thực hiện biện pháp giới hạn số lượng các phóng viên phương Tây đến Trung Quốc càng ít càng tốt và đưa càng nhiều càng tốt các phóng viên bản địa của mình đến Mỹ. 

Vấn đề tranh giành ảnh hưởng tại thể chế đa phương

Sau khi Mỹ dần rút ra khỏi những tổ chức quốc tế và để lại vị trí cường quốc lãnh đạo thế giới thì đây cũng là lúc Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng nhằm khẳng định vai trò thay thế của nước này trên trường quốc tế, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc. Dựa vào Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đề ra 5 ưu tiên cần thực hiện. Ưu tiên đầu tiên, Trung Quốc tìm cách thay đổi góc nhìn về quyền con người so với cách nhìn truyền thống của Mỹ. Thay vì quyền con người là là quyền tự nhiên của mỗi con người  và không bị tước bỏ bởi bất kỳ ai hay bất kỳ chính thể nào thì Trung Quốc cho rằng  tùy vào hoàn cảnh tại khu vực đó mà chính quyền của một quốc gia sẽ đưa ra phán quyết phù hợp nhất. Đây được coi là một cách Trung Quốc biện minh cho những hành vi vi phạm nhân quyền tại Tây Tạng và Tân Cương cũng như giới hạn sự can thiệp của các nước khác . Ưu tiên thứ hai, Trung Quốc điều chỉnh cụm từ “dân chủ” của Mỹ được đề cập là quyền công dân và quyền chính trị không thể chối bỏ được thành quyền tự do về kinh tế và xã hội. Điều này giúp gia tăng quyền lực của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc và thách thức những quy chuẩn của hệ thống luật quốc tế. Ưu tiên thứ ba, Trung Quốc khẳng định chủ quyền quốc gia là tuyệt đối không thể xâm phạm và tái thành lập chính quyền quốc gia như chủ thể duy nhất có quyền quyết định tất cả vấn đề nội bộ quốc gia nhằm mục tiêu “dân chủ hóa” quan hệ quốc tế và cân bằng vị thế của các nước nhỏ so với những cường quốc lớn. Ưu tiên thứ tư, Trung Quốc chọn cách giải quyết các vấn đề chính trị bằng đối thoại song phương thay vì tuân theo khuôn mẫu của hệ thống luật pháp quốc tế. Cuối cùng, Trung Quốc kết hợp các mục tiêu quốc gia và các kế hoạch quốc tế, 

Liên Hợp Quốc trở thành nơi Trung Quốc áp dụng các chính sách đối ngoại và gia tăng sức ảnh hưởng khi thiếu vắng hình ảnh lãnh đạo của Mỹ. Bằng việc tiên phong trong việc định hình nhân sự, quy chế, chính sách và soạn thảo các văn bản quan trọng của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc mong muốn tái cấu trúc hệ giá trị của Mỹ đã xây dựng , một trong số đó Trung Quốc cố gắng hợp pháp hóa hệ thống toàn trị và khẳng định tính ưu việt so với hệ thống dân chủ mà Trung Quốc cho là không còn phù hợp. Mối quan tâm của Trung Quốc hướng về các nước trong khối G77, chiếm 70% thành viên của Liên Hợp Quốc với mục tiêu khẳng định vị thế dẫn đầu và kết nối với các quốc gia này nhằm tạo điều kiện thuận lợi thi triển Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) và Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (Digital Silk Road) từ đó bổ trợ  thắt chặt mối quan hệ giao hảo với các quốc gia đang phát triển. Mặc dù Trung Quốc tận dụng cơ hội vắng mặt của Mỹ và sở hữu một chiến lược rõ ràng, nhất quán và được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng phía Mỹ cho rằng Trung Quốc triển khai sức mạnh mềm thất bại khi các nước khác không có ánh nhìn thiện cảm, thậm chí Trung Quốc còn vấp phải sự phản đối từ các nước dân chủ, phát triển như Mỹ, EU, Úc, Nhật,…

Đề xuất cho phía Mỹ

Về phía Mỹ, để hoạch định được chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ cần hiểu được vấn đề quan trọng của Trung Quốc là an ninh và ổn định của Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP). Chính sách Trung Quốc hoạch định đều sẽ xoay quanh quỹ đạo này. Ở góc độ công nghệ – quân sự, Mỹ nên (i) tập trung phát triển các công nghệ quân sự mới, (ii) khuyến khích xây dựng và sử dụng các giải pháp thay thế cho công nghệ Trung Quốc. 

Đối với (i) tập trung phát triển các công nghệ mới, Mỹ nên thay thế các khoản chi quá mức vào các hoạt động nền tảng cũng như hệ thống vũ khí cũ. Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Michèle Flournoy cho rằng công nghệ quân sự tân tiến quyết định đến thành bại của quốc gia nếu có xung đột nổ ra. Thế nên tập trung phát triển công nghệ quân sự – quốc phòng mới bằng cách khuyến khích sáng tạo, chiêu mộ nhân lực có khả năng, tăng cường các thử nghiệm thực địa, Quốc hội Mỹ và chính phủ cũng nên làm cầu nối cho các công ty công nghệ tiên tiến bước vào phát triển ở lĩnh vực quân sự vốn có nhiều rào cản. Dù trong tình hình hiện tại, ngân sách liên bang được sử dụng để phản ứng và phục hồi sau đại dịch, vẫn nên thực hiện cân bằng để đảm bảo an ninh, tránh cắt giảm quá nhiều dẫn tới không duy trì được khả năng răn đe với Trung Quốc. 

Về (ii) khuyến khích xây dựng và sử dụng các giải pháp thay thế cho công nghệ Trung Quốc, Mỹ nên thực hiện trao các học bổng khuyến khích đặc biệt trong mảng này để chiêu mộ nhân lực, qua đó cải tiến và đảm bảo năng lực trong sản xuất trong nước, không phụ thuộc vào Trung Quốc và đảm bảo tính bảo mật công nghệ. Đồng thời, thực hiện khen thưởng, ưu đãi cho các giải pháp công nghệ trong cách lĩnh vực trọng yếu đến từ các quốc gia khác không phải Trung Quốc. Xây dựng các tiêu chuẩn hợp tác và rộng mở cho các mạng lưới thông tin, phát triển mở rộng mạng 5G, tiến đến làm giải pháp thay thế cho hệ sinh thái internet của Trung Quốc đang được mở rộng thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới thanh toán thương mại và điện tử. Với các phương pháp trên, Mỹ sẽ bảo vệ được khả năng cạnh tranh của mình trong lĩnh vực công nghệ khi liên tục có các sáng kiến mới, ngăn chặn sự lan rộng, thậm chí đẩy lùi được công nghệ Trung Quốc. Thông qua mạng lưới thông tin được phát triển từ Mỹ, bảo mật thông tin cho mình và các quốc gia đồng minh khác vì các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ phải giao nộp dữ liệu nếu có yêu cầu từ chính phủ. Tuy nhiên, thay vì cấm các quốc gia khác tiếp cận công nghệ hay hợp tác với Trung Quốc, Mỹ nên cố gắng tạo sân chơi công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia.

Về chính trị – ngoại giao, Mỹ không những nên quan tâm quan hệ song phương mà còn các mối quan hệ đa phương trong khu vực. Mỹ nên thực hiện (i) hỗ trợ các đồng minh, quốc gia cùng chí hướng, (ii) nâng cao hình ảnh và cam kết của mình với các diễn đàn trong khu vực, (iii) tiếp tục ủng hộ các giá trị nước Mỹ theo đuổi và iv) tận dụng lợi thế sẵn có và ủng hộ các đồng minh. 

Về (i) hỗ trợ các đồng minh, quốc gia cùng chí hướng, Mỹ nên phát triển các chương trình chống suy thoái, củng cố bộ máy quản trị đất nước và cải tiến hệ thống pháp luật cho các quốc gia đồng minh, đặc biệt là các quốc gia khu vực Mỹ Latinh, vừa giúp chống lại được sự phát triển từ phía Trung Quốc vừa cải thiện mối quan hệ song phương của Mỹ với quốc gia tiếp nhận theo giáo sư Evan Ellis. Các quốc gia có hệ thống pháp luật và bộ máy quản trị ổn định sẽ cải thiện khả năng đánh giá tình hình, không dễ bị tổn thương mà hướng về phía Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng chất vấn công ty Trung Quốc trước các vấn đề môi trường, lao động đang làm suy yếu đất nước của họ. 

Về (ii) nâng cao hình ảnh và cam kết của mình với các diễn đàn trong khu vực, Mỹ có thể thực hiện gia tăng thỏa thuận thương mại, kinh tế, quân sự, hợp tác chống dịch, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt và các vấn đề môi trường, hỗ trợ các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, cải tiến và củng cố ngoại giao. Với những giải pháp trên, Mỹ có thể dần đàn lấy lại vị trí dẫn đầu trong các diễn đàn, thể hiện được sự cam kết của mình. Qua đó, cho các quốc gia thấy Mỹ là đối tác tốt của họ, không chỉ là họ là đối tác tốt của Mỹ; Mỹ sẽ đứng về phái họ trong các vấn đề xung đột với Trung Quốc. 

Về (iii) tiếp tục ủng hộ các giá trị nước Mỹ theo đuổi, Mỹ cần tiếp tục bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, kêu gọi nhân quyền, xem xét các sáng kiến hỗ trợ cho người HongKong và tránh sự trả đũa của chính sách Trung Quốc lên phía họ; ủng hộ và bảo vệ Đài Loan trước sự răn đe và ép buộc của Trung Quốc xem xét chuyển chuỗi cung ứng sang Đài Loan. Những đề xuất trên nhằm chỉ ra trật tự quốc tế sẽ rất bất lợi nếu Trung quốc nắm quyền vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về iv) tận dụng lợi thế sẵn có và ủng hộ các đồng minh, Mỹ có lợi thế về mạng lưới đồng minh và đối tác khắp nơi trên thế giới có cùng chí hướng là tôn trọng tự do thương mại, sử dụng lợi thế đó làm giải pháp cho cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời thực hiện hỗ trợ tài chính và ưu đãi cho các đối tác có giải pháp thay thế cho Trung Quốc, cùng nhau hợp tác ngăn chặn sự vận động hành lang và ảnh hưởng của Trung Quốc đến các thể chế, quyết định quốc tế. Những đề nghị cho hành động của Mỹ trong chính trị-ngoại giao vừa ngăn chặn được sự lan rộng sức ảnh hưởng của Trung Quốc, vừa củng cố mối quan hệ song phương và đa phương cũng như cải thiện hình ảnh của Mỹ nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi trong ý thức hệ của mình.

Ngoài ra còn các đề xuất khác như i) tăng cường nghiên cứu và điều trần, ii) thực hiện các đánh giá đầu tư nước ngoài. Về i), Quốc hội Mỹ nên thực hiện các phiên điều trần có sự tham gia của quan chức chính phủ cũng như các học giả, tổng hợp các ý kiến và tìm ra cách khả thi để phản ứng với hành động của Trung Quốc. thông qua điều trần, có thể vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của các đồng minh và đối tác, vừa hướng sự chú ý của thế giới đến mọi hành động của Trung Quốc. Tiếp đó là Quốc hội nên hỗ trợ nghiên cứu và công bố nhiều nghiên cứu, làm giàu nguồn tài liệu tham khảo về các vấn đề này. Về ii) thực hiện các đánh giá đầu tư nước ngoài, Mỹ nên duy trì, củng cố và cải tiến các tổ chức đánh giá đầu tư nước ngoài như Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Các tổ chức đóng vai trò đánh giá các đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ phía Trung Quốc để giảm thiểu các nỗ lực mua lại công ty đang gặp khó khăn trong giai dịch bệnh, đồng thời tạo hệ quy chiếu chung, ngăn chặn các đối tác hợp tác với Trung Quốc mà không xảy ra xung đột.

IR Analytica

_________________________________________

Tổng hợp từ các nguồn:

(2013). President Xi’s speech at the first session of the 12th National People’s Congress.

Liu He, chief editor. A Comparative Study of the Two Global Crises [in Chinese]. Beijing: Zhongguo Jingji, 2013. Pp. 39-42

Tong, K. (August 26, 2020). Playing a long game on Hong Kong. Brookings. https://www.brookings.edu/articles/playing-a-long-game-on-hong-kong/

Braw E. (April 15, 2020). China Is Bargain Hunting—and Western Security Is at Risk. https://foreignpolicy.com/2020/04/15/china-is-bargain-hunting-and-western-security-is-at-risk/

(September 30, 2019). Xi Focus: Xi Jinping and China’s new era. Xinhua, https://www.chinadaily.com.cn/a/201909/30/WS5d92051ca310cf3e3556e6bf.html

(August 25, 2019). China-US new cold war can be avoided. Global Times. http://www.globaltimes.cn/content/1162594.shtml

Hảo, T. (August 4, 2020). Liệu Mỹ cùng các đồng minh có ‘thoát’ Trung?. Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/lieu-my-cung-cac-dong-minh-co-thoat-trung-663108.html

(June 24, 2020). Michèle Flournoy testifies before the U.S.-China Economic and Security Review Commission, “The Chinese View of Strategic Competition with the United States”. Westexec Advisor. https://westexec.com/michele-flournoy-testifies-before-the-u-s-china-economic-and-security-review-commission-the-chinese-view-of-strategic-competition-with-the-united-states/

Kharpal A. (March 4, 2019). Huawei says it would never hand data to China’s government. Experts say it wouldn’t have a choice. CNBC. https://www.cnbc.com/2019/03/05/huawei-would-have-to-give-data-to-china-government-if-asked-experts.html

Ellis, E. (10 August 2018). US Smart to Assist Latin America With Democratic Governance. Newsmax. https://www.newsmax.com/evanellis/democratic-governance-latin-america-strategy/2018/08/10/id/876479/

Feng, E. (March 30, 2019). China’s Global Construction Boom Puts Spotlight On Questionable Labor Practices. NPR. https://www.npr.org/2019/03/30/707949897/chinas-global-construction-boom-puts-spotlight-on-questionable-labor-practices

_________________________________________

Các bài viết liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *