Sự trở lại của Donald Trump và một số dự báo về các điểm nóng trên thế giới

Với vị thế của Mỹ, chính sách đối ngoại của nước này có ảnh hưởng quan trọng đối với diễn biến tiếp theo của các cuộc xung đột đang diễn ra trên toàn thế giới. Theo Comfort Ero, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của International Crisis Group, Mỹ vẫn là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, tuy nhiên, vai trò của Mỹ trong việc giải quyết xung đột đã giảm đi cùng với đó là sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang ngày càng gia tăng và các cường quốc tầm trung đang trỗi dậy.[1] Sự trở lại của Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai này có thể đánh dấu sự tái định hình chính sách của Mỹ đối với các vấn đề đang diễn ra tại Nga – Ukraine, Trung Đông, cũng như mối quan hệ với Trung Quốc, Đài Loan và châu Âu. Sau đây là những kịch bản có thế xảy ra ở các điểm nóng trên thế giới cũng như trong quan hệ đối ngoại của Mỹ:

1. Nga – Ukraine

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sắp đạt được mốc thời gian 3 năm xảy ra xung đột giữa hai nước. Trong đó, Nga vẫn giữ được thế chủ động và tiếp tục tiến sâu hơn vào trong lãnh thổ Ukraine. Về phía Ukraine, Zelensky đang phải đối mặt với những áp lực do sự thiếu hụt về quân số, lãnh đạo tinh nhuệ hy sinh trong cuộc xung đột, và những nguồn viện trợ thiếu hiệu quả đến từ các đồng minh. Mykola Bielieskov, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, nói rằng Ukraine hiện đang phải đối mặt với áp lực thời gian để giải quyết những vấn đề cốt lõi khiến cho các nỗ lực chống trả đang ngày càng suy yếu và đưa Nga một chiến thắng quyết định trong cuộc xung đột này.[2] Ông cũng nhấn mạnh vấn đề viện trợ cho Ukraine là cấp bách nếu như Trump muốn kết thúc cuộc xung đột này trên bàn đàm phán với việc Ukraine có được một vị thế đàm phán có lợi hơn. Việc bắt giữ hai quân lính Triều Tiên và yêu cầu trao đổi tù nhân chiến tranh gần đây của Ukraine là một trong những sự kiện có thể phần nào giúp Ukraine giải quyết một trong những vấn đề quân sự hiện tại.[3]

Kịch bản 1: Kết thúc xung đột bằng một thỏa thuận hòa bình

Donald Trump từng tuyên bố sẽ khiến cuộc xung đột này kết thúc trong vòng 24 giờ sau khi đắc cử nhưng kể từ khi thắng cuộc bầu cử ông đã có điều chỉnh tuyên bố của mình, nói rằng ông sẽ chỉ đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán trong ngày đầu tiên nhậm chức.[4] Trước đó vào tháng 6, hai cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Trump là Keith Kellogg và Fred Fleitz, đã trình bày với Trump về một kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine bao gồm việc Ukraine sẽ chỉ được nhận vũ khí từ Mỹ nếu tham gia đàm phán hòa bình với Nga và bất kỳ hành động từ chối đàm phán nào của Nga cũng sẽ dẫn đến việc tăng cường hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.[5] Mặc dù không có thông tin chính thức thể hiện Trump đã đồng ý với kế hoạch này nhưng Keith Kellogg cho biết họ đã nhận được những phản hồi tích cực từ Trump. Kết quả một cuộc khảo sát của Pew Research Center được công bố vào tháng 5 đã cho thấy gần một nửa (49%) cử tri của Đảng Cộng hòa tin rằng Mỹ đang viện trợ quá nhiều cho Ukraine.[6] Ứng cử viên Phó Tổng thống JD Vance cũng đã từng tuyên bố rằng ông thực sự không quan tâm đến những gì sẽ xảy ra với Ukraine, Ukraine cần nhiều hơn những thứ mà Mỹ có thể cung cấp và thực tế đó sẽ buộc họ định hình lại chính sách của Mỹ  trong tương lai đối với Ukraine.[7] Theo Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại viện nghiên cứu Rusi, mong muốn của Trump về một thỏa thuận (có thể là một thỏa thuận nhanh chóng) không phải là một dấu hiệu cho sự ủng hộ lâu dài của Mỹ dành cho Ukraine.[8] Với sự trở lại của Donald Trump, khả năng cao đàm phán sẽ được thúc đẩy để kết thúc xung đột.

Việc thúc đẩy đàm phán khi Nga đang chiếm ưu thế trên thực địa làm dấy lên sự quan ngại về một kịch bản bất lợi cho Ukraine. Orysia Lutsevych, người đứng đầu diễn đàn Ukraine tại viện nghiên cứu Chatham House bày tỏ mối lo ngại rằng sự tái đắc cử của Trump có thể là một tin tốt cho Nga.[9] David Roger Marples, giáo sư về Lịch sử Nga và Đông Âu tại Đại học Alberta, cũng có một nhận định tương tự. Marples nói rằng việc Trump trở thành tổng thống sẽ tạo cơ hội đàm phán để Nga dỡ bỏ những lệnh trừng phạt lên mình và hạn chế những tổn thất gây ra do cuộc xung đột.[10] Trump cũng đã thể hiện động thái ủng hộ cuộc đàm phán với Nga trong cuộc họp báo vào ngày 7/1/2025, trong đó Trump đã thể hiện sự đồng cảm của mình với việc không cho công nhận Ukraine trở thành thành viên NATO và rằng ông muốn tổ chức một cuộc gặp gỡ với Putin trong thời gian tới.[11]

Kịch bản này nếu trở thành hiện thực sẽ tạo nên một tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế về việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề lãnh thổ. Theo đó, nguyên tắc chủ quyền sẽ bị ảnh hưởng và những nơi đang có căng thẳng về vấn đề này có khả năng sẽ gia tăng sức nóng hơn. Chiến thắng của Nga ở Ukraine có thể thúc đẩy Trung Quốc, Iran hoặc Triều Tiên hành động tương tự. Theo Jeffrey Mankoff, Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Đại học Quốc phòng Quốc gia của Mỹ, kết quả của Nga-Ukraine được coi là yếu tố quan trọng trong việc định hình một trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh. Cách giải quyết cuộc xung đột này có thể tạo ra tiền lệ hoặc làm thay đổi cán cân quyền lực trên toàn cầu.[12]

Tuy nhiên, đây là một kịch bản khó xảy ra vì Tổng thống Zelensky sẽ không chấp nhận một thỏa thuận như thế. Ông đã nhiều lần tuyên bố Ukraine sẽ không nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Tổng thống Zelensky cũng từng tuyên bố thứ Ukraine cần là vũ khí chứ không phải sự hỗ trợ trong các cuộc đàm phán.[13] Trong một cuộc phỏng vấn với đài KBS của Hàn Quốc, Tổng thống Zelensky cho biết lập trường của Ukraine không phải là thỏa hiệp lãnh thổ mà là tìm kiếm những con đường ngoại giao tiềm năng dựa vào việc Mỹ duy trì cam kết của mình.[14]

Kịch bản 2: Đóng băng xung đột nhưng không có thỏa thuận hòa bình

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận hòa bình, có khả năng hai bên sẽ đóng băng xung đột bằng một lệnh ngừng bắn tạm thời. Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đã từng ủng hộ phương án đóng băng xung đột trên các ranh giới hiện tại với một khu phi quân sự dọc theo chiến tuyến.[15] Fleitz, cựu chuyên gia phân tích của CIA hiện làm việc tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ thuộc Viện Chính sách Nước Mỹ trên hết cũng nói về một kế hoạch liên quan đến việc Mỹ sẽ đóng băng xung đột Nga-Ukraine nhưng đồng thời Ukraine cũng không nhượng bộ bất kỳ lãnh thổ nào và Mỹ có thể loại tư cách thành viên NATO của Ukraine để Nga ngồi vào bàn đàm phán.[16]

Cả Nga và Ukraine đều có lý do để lựa chọn phương án này. Một lệnh ngừng bắn tạm thời có thể giúp hai quốc gia giảm đi thiệt hại mà cuộc xung đột gây ra. Về phía Nga, việc loại bỏ tư cách thành viên NATO của Ukraine có thể làm giảm đi mối đe dọa an ninh đối với nước này khi ngăn được sự mở rộng của NATO về phía Đông. Ngoài ra, đây được xem là một kịch bản có lợi cho Nga vì Nga có thể tận dụng thời gian tạm dừng chiến đấu để củng cố lại quân đội của mình. Nhưng cũng chính vì vậy, rủi ro cuộc xung đột có thể bùng lên trở lại là không hề nhỏ. Về phía Ukraine, nếu Mỹ cắt giảm viện trợ và sự ủng hộ của châu Âu không đủ lớn thì đây có thể là giải pháp giúp Ukraine không bị mất thêm lãnh thổ. Nếu như Zelenskyy quyết định giảm độ tuổi tuyển quân của mình từ 25 xuống 18 tuổi theo như đề nghị của Tổng thống Biden, ông có thể tăng gấp đôi quy mô quân đội Ukraine và tiếp tục chiến đấu và cầm cự trước khi có thêm viện trợ.[17] Tuy nhiên, điều này cũng sẽ thu hút nhiều sự bất bình trong lòng người dân Ukraine, trong đó 52% người dân đang mong muốn tiến đến thương lượng và kết thúc cuộc xung đột theo như cuộc khảo sát của Gallup vào tháng 11/2024.[18] Chuyên gia quân sự Jack Watling đã gọi đây là kịch bản Brest-Litovsk, trong đó Ukraine cố gắng đảm bảo một thỏa thuận từ một vị trí yếu thế và phải đối mặt với mối đe dọa về một cuộc tấn công mới buộc nước này phải nhượng bộ nhiều hơn, như đã xảy ra với Nga khi đàm phán hiệp ước Brest-Litovsk năm 1918 với Đức quốc xã và các đồng minh.[19]

Tuy nhiên, xác suất để kịch bản này xảy ra có thể sẽ không cao vì Ukraine sẽ ít có khả năng lựa chọn phương án này. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha đã từng tuyên bố rằng Ukraine cần một nền hòa bình thực sự chứ không phải sự xoa dịu dẫn đến nhiều chiến tranh hơn.[20] Theo nhận định của Mick Ryan, thành viên cấp cao về nghiên cứu quân sự tại Chương trình An ninh quốc tế của Viện Lowy, Ukraine có thể sẽ chọn chiến đấu mà không có sự hỗ trợ của Mỹ thay vì chọn một hiệp định đình chiến không bền vững. Một hiệp định ngừng bắn sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận tiền tuyến tại thời điểm ký kết (vốn đang có lợi cho Nga) mà theo đánh giá của nhà nghiên cứu về Nga và Đông Âu John Lough thì điều này sẽ khiến triển vọng về việc giành lại lãnh thổ của Ukraine trở nên mong manh.[21] Ngoài ra, John Lough cho biết việc thỏa thuận ngừng bắn sẽ khiến uy tín của Zelensky đối với người dân Ukraine bị giảm đi, làm suy yếu tính hợp pháp của Zelensky đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về việc cung cấp khả năng phòng thủ đáng tin cậy cho các quốc gia Baltic và Trung Âu của châu Âu.[22]

Kịch bản 3: Xung đột vẫn tiếp tục

Theo Angela Stent, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu, giáo sư danh dự tại Đại học Georgetownnhà nghiên cứu Mick Ryan, diễn biến trên thực địa ở Nga và Ukraine sẽ định hình các quyết định của Donald Trump. Hai nhà nghiên cứu dự đoán Trump sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp một cuộc đàm phán nhanh chóng, thành công để chấm dứt cuộc xung đột và trong trường hợp không thể đạt được giải pháp nhanh chóng để giải quyết xung đột, Trump có thể quay sang tăng cường hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.[23][24] Trong giới phân tích cũng có những quan điểm khá lạc quan về vấn đề hỗ trợ Ukraine khi Donald Trump đắc cử. Oleksandr Merezhko, người đứng đầu ủy ban đối ngoại tại quốc hội Ukraine, cho biết ông không nghĩ rằng sự trở lại của Trump sẽ là một điều tồi tệ cho Ukraine mặc dù có thể sẽ có những khó khăn, thách thức. Theo Oleksandr Merezhko, Trump là một doanh nhân thực dụng, là người suy nghĩ theo hướng chi phí và lợi ích nên Ukraine sẽ cần phải nỗ lực để thuyết phục ông ấy tiếp tục ủng hộ mình.[25] Ông cho biết đối với Donald Trump hay JD Vance thì lợi ích của Mỹ là trên hết nên Ukraine cần phải chứng minh rằng việc ủng hộ Ukraine là hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Mỹ.[26] Theo đánh giá từ Dịch vụ Nghiên cứu Quốc gia của EIU, nếu cuộc xung đột vẫn tiếp diễn và nguồn viện trợ cho Ukraine vẫn được duy trì hoặc tăng cường bởi Mỹ hoặc châu Âu thì có khả năng Ukraine sẽ có thể đạt được một thỏa thuận có lợi hơn trên bàn đàm phán.[27]

Trump đã từng yêu cầu các quốc gia thành viên EU, đồng thời là thành viên NATO, tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đe dọa sẽ để Nga làm bất cứ điều gì họ muốn nếu châu Âu không thực hiện được điều này.[28] Và vào cuộc họp báo vào ngày 7/1/2025 gần đây, Trump đã yêu cầu nâng chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO lên thành từ 2% lên mức 5% GDP. Mức tăng trưởng này dấy lên những phản ứng đối lập đến từ các bộ trưởng quốc phòng của Đức, Pháp, Anh, Ý và Ba Lan — năm quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất châu Âu — cho biết họ có kế hoạch tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng nhưng việc đáp ứng mục tiêu chi tiêu NATO của Tổng thống Trump sẽ rất khó khăn và khiến cho việc viện trợ Ukraine bị cản trở nhiều hơn nữa. Phó Giáo sư, Đại học Quốc gia Odesa Mechnikov Volodymyr Dubovyk cũng nhận xét rằng Trump sẽ mong muốn ủy thác vấn đề Ukraine cho châu Âu.[29] Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump Robert O’Brien dự đoán cách tiếp cận của Trump trong vấn đề Nga-Ukraine là tiếp tục cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine do các nước châu Âu tài trợ và giữ cánh cửa đàm phán với Nga.[30] Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell đã thể hiện cam kết ủng hộ Ukraine của EU thông qua trong chuyến thăm Kyiv sau chiến thắng của Donald Trump. Ông khẳng định sự hỗ trợ này là điều cần thiết để Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu chống lại Nga, trong đó bao gồm việc tăng cường hỗ trợ quân sự, tài chính, tăng cường năng lực đào tạo và cho phép tấn công vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ của Nga.[31]

Tuy nhiên, bất chấp sự cam kết của EU thì việc các quốc gia châu Âu thay Mỹ viện trợ chính cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga vẫn còn tồn tại nhiều thách thức bao gồm tiềm lực quốc phòng hay khả năng thực tế mà châu Âu có thể hỗ trợ cho Ukraine cũng như sự chia rẽ và thiếu đồng thuận của các nước trong cách tiếp cận với vấn đề Nga – Ukraine và tái thiết lại ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu. Mặc dù sự viện trợ của châu Âu cho Ukraine vẫn tăng liên tục từ khi cuộc xung đột xảy ra nhưng nhiều lời hứa đã không được thực hiện hoặc ít nhất là chậm trễ. Theo đánh giá của Nghiên cứu viên cao cấp tại New Europe Center Leo Litra,EU không đủ khả năng sản xuất vũ khí và các trang thiết bị quân sự với quy mô lớn để có thể duy trì sức mạnh cho tiền tuyến của Ukraine. Chẳng hạn, về đạn pháo, đến cuối năm 2024, ước tính châu Âu sẽ sản xuất được 1,4 triệu quả, trong khi con số đó đối với Nga có thể lên đến 3,5 triệu. Các lĩnh vực sản xuất quốc phòng khác cũng có tình hình tương tự với việc Nga chiếm ưu thế hơn hẳn so với châu Âu.[32] Tình trạng này phản ánh một thực tế là châu Âu chỉ có thể duy trì chiến lược phòng thủ ở Ukraine. Emma Graham-Harrison, phóng viên cấp cao phụ trách các vấn đề quốc tế tại Guardian và Observer cũng cho biết châu Âu không có kho vũ khí hoặc năng lực sản xuất ở quy mô mà Ukraine cần. Hiện tại, Mỹ đang là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu (chiếm 43% trong tổng số).[33] Vì thế, EU sẽ phải đối mặt với một thách thức rất lớn nếu như phải lấp đầy khoảng viện trợ của Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia thành viên EU không có đủ hệ thống phòng không và theo đánh giá của chuyên gia về chính sách quốc phòng châu Âu Sophia Besch, một số năng lực nhất định như tình báo, giám sát và trinh sát vẫn phải phụ thuộc vào Mỹ và EU khó có thể giải quyết được vấn đề này trong trung hạn.[34] Thách thức thứ hai mà châu Âu phải đối mặt trong việc hỗ trợ Ukraine là sự chia rẽ và thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các nước thành viên. Hungary đã phản đối khoảng 41% các nghị quyết của EU về Ukraine.[35] Do những khoản tài trợ bổ sung cần có sự ủng hộ nhất trí của các nước thành viên nên việc thiếu sự đồng thuận sẽ ngăn EU hỗ trợ hiệu quả và nhanh chóng cho Ukraine. Ngoài ra, sự bất ổn chính trị trong nội bộ các nước châu Âu cũng là một vấn đề cần đề cập, có thể làm cho việc duy trì hoặc tăng cường viện trợ cho Ukraine gặp nhiều thách thức hơn. Các hệ thống đảng phái có xu hướng tạo ra các liên minh cầm quyền mong manh và chia rẽ ở Đức và Pháp, tương tự cũng diễn ra ở những quốc gia khác của châu Âu.[36] Trong trường hợp các khoản viện trợ của châu Âu cung cấp không đủ để Ukraine có thể chống trả Nga, khả năng cao cuộc xung đột sẽ kết thúc với việc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận các điều kiện của Nga.

Do đó đối với Ukraine, David Roger Marples, giáo sư về Lịch sử Nga và Đông Âu tại Đại học Alberta, cho rằng việc đàm phán dường như không hề khả thi. Các thoả thuận đảm bảo an ninh quốc phòng trong quá khứ như Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 đã bị Nga phá vỡ ngay lập tức. Và phương Tây đã khiến cho Ukraine cảm thấy khó chịu khi những gói viện trợ không được đảm bảo và bất ổn nội bộ trong khối NATO đồng nghĩa với sự viện trợ nhận được sẽ ngày càng suy giảm.[37] Tuy nhiên việc tiếp tục xung đột vẫn không đảm bảo hoàn toàn khả năng lật ngược hay giành được phần thắng nghiêng về phía Ukraine. Eugene Rumer, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, nhận định rằng hiện tại Ukraine còn hai con đường để tiến về trước trong cuộc xung đột này. Một là tiếp tục cuộc xung đột dài đẵng và Nga dần dần có một bước đột phá lớn khiến Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp thuận tất cả điều khoản đàm phán của Putin. Hai là thỏa hiệp và chấp nhận một số nhưng không phải là tất cả điều kiện mà Putin đưa ra để đổi lấy việc Ukraine được giữ vững chủ quyền và tư cách là một quốc gia độc [38]

2. Trung Đông

Tương tự vấn đề Nga – Ukraine, Trump cho biết những gì đang xảy ra tại Trung Đông phải sớm kết thúc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Donald Trump đã có nhiều hành động ủng hộ Israel, bao gồm công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, thúc đẩy hiệp định Abraham nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và bốn quốc gia Ả Rập và thể hiện lập trường cứng rắn với Iran. Tuy Trump được cho rằng có xu hướng ủng hộ Israel nhưng một vài nhà phân tích cho rằng có thể Trump mong muốn cuộc chiến này sẽ kết thúc trước khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20/1.[39] Boaz Bismuth, một thành viên của quốc hội Israel (Knesset), thuộc đảng Likud của Netanyahu, cho rằng cuộc bầu cử của Trump diễn ra đúng thời điểm vì khi chiến tranh kết thúc, chúng ta sẽ cần phải định hình lại khu vực Trung Đông và Trump sẽ là người phù hợp nhất để để làm điều đó. Sự trở lại của Trump sẽ tạo cơ hội cho sự mở rộng Hiệp định Abraham. Ngoài ra, theo Mustafa Barghouti, lãnh đạo Sáng kiến ​​Quốc gia Palestine, khi Trump lên nắm quyền, có khả năng ông sẽ cho phép Israel sáp nhập một số phần của Bờ Tây mà Israel hiện đang chiếm đóng và điều này sẽ đánh dấu sự kết thúc của giải pháp hai nhà nước.[40] Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại đó, Fawaz Gerges cho biết tâm lý chung trong thế giới Ả Rập là không quá quan tâm đến câu chuyện bầu cử này vì họ cho rằng dù ai là tổng thống thì chính sách đối ngoại của Mỹ cũng gắn liền với Israel.[41]

Không còn là dự đoán, động thái của phía Mỹ cũng nghiêng hẳn về lập trường thỏa thuận ngừng bắn. Trong tháng đầu năm 2025, Mĩ gấp rút chuẩn bị để có thể đạt được một thỏa thuận về vấn đề ngừng bắn ở Gaza trước lễ nhậm chức của Donald Trump vào ngày 20/1. Vào ngày 10 và 11/1 vừa qua, đặc phái viên Trung Đông của Trump là Steve Witkoff đã có chuyến gặp mặt Thủ tướng Qatar và Israel nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao con tin và ngừng bắn ở Gaza. Nói về mức độ khả quan của thỏa thuận này, William Burns, giám đốc CIA, cho biết các cuộc đàm phán hiện đang diễn ra nghiêm túc và có khả năng hoàn tất trong vài tuần tới. Chính quyền hiện tại sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ cho đến ngày 20/1, đồng thời duy trì sự phối hợp tốt với chính quyền mới. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh việc Tổng thống đắc cử Trump đang bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận trước lễ nhậm chức.[42] Cuối cùng, đến ngày 18/1 vừa qua, sau những nỗ lực đàm phán liên tục với Ai Cập, Qatar và Mỹ làm trung gian, lực lượng Israel và Hamas đã chính thức chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin ở dải Gaza. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ sáng 19/1 với giai đoạn đầu là trao trả tù nhân và giai đoạn sau là Israel rút quân khỏi Gaza. Có thể nói, ngay trước thềm nhậm chức, Trump đã ghi dấu ấn nhờ hành động quyết liệt để kết thúc cuộc chiến này, tại Mỹ, Claudia Tenney – một thành viên thuộc đảng Cộng hòa tự tin cho biết rằng nước Mỹ và thế giới sẽ an toàn hơn với việc Trump làm Tổng thống Mỹ, dẫn chứng cụ thể trước mắt chính là việc dù chưa nhậm chức, Trump đã thành công thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza, một điều mà chính quyền của Tổng thống Biden không làm được.

Trong mối quan hệ với Iran, các chuyên gia dự đoán quan hệ song phương Mỹ-Iran sẽ căng thẳng hơn dưới nhiệm kỳ của Donald Trump. Hasan Alhasan, nghiên cứu viên cấp cao về chính sách Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Bahrain cho rằng có khả năng Trump sẽ quay lại lập trường gây sức ép tối đa đối với quốc gia này.[43] Ở nhiệm kỳ đầu, cách tiếp cận đó được thực hiện với mục tiêu làm suy yếu nền kinh tế Iran và hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Với sự trở lại lần này của Trump, Tiến sĩ Majid Rafizadeh, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ, dự đoán có thể Iran sẽ phải đối mặt với một giai đoạn thiệt hại về kinh tế, bị cô lập về ngoại giao và leo thang căng thẳng với Israel.[44]

3. Bán đảo Triều Tiên

Đối với quan hệ Mỹ – Hàn, Giáo sư Mason Richey dự đoán rằng có khả năng Trump sẽ thay đổi một số điểm trong chính sách của Joe Biden đối với liên minh này vào nhiệm kỳ sắp tới như yêu cầu Hàn Quốc chi trả nhiều hơn cho sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, thay đổi về quân số và nhiệm vụ của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), giảm các hành động răn đe mở rộng và tích hợp đối với Triều Tiên.[45] Sự cam kết không chắc chắn của Trump đối với liên minh Mỹ-Hàn cùng với chương trình hạt nhân và thái độ thù địch ngày gia tăng của Triều Tiên được nhận định sẽ có khả năng khiến Hàn Quốc quan tâm hơn đến việc phát triển khả năng răn đe hạt nhân độc lập của mình.[46] Được biết các bộ liên quan của Hàn Quốc đang tiến hành nghiên cứu về cách thức và điều kiện mà họ có thể phát triển vũ khí hạt nhân và các nhân vật chính trị lớn bao gồm cả Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng đã nhiều lần đề cập đến khả năng này.[47] Về mặt kinh tế, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đang bị chao đảo và gặp biến động sau khi Trump tái đắc cử. Theo Ha Joon Kyung, giáo sư kinh tế tại Đại học Hanyang, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do trước giờ kinh tế thương mại Hàn Quốc luôn có sự phụ thuộc nhất định vào Mỹ. Trump – người luôn chủ trương theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết”, được dự đoán sẽ tiến hành tăng thuế và cắt giảm nguồn đầu tư của Mỹ đến các nước đồng minh và Hàn Quốc cũng không phải là quốc gia đồng minh ngoại lệ.

Trong mối quan hệ với Triều Tiên, một kịch bản được dự đoán có khả năng xảy ra là Donald Trump sẽ tái khởi động việc đàm phán với quốc gia này.[48] Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, Robert C. O’Brien cho rằng Mỹ sẽ nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên dưới nhiệm kỳ mới của Trump.[49] Cuộc đàm phán trước đây tập trung vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên để hướng đến việc phi hạt nhân hóa quốc gia này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng tuyên bố sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, đồng thời sửa đổi Hiến pháp để củng cố chính sách hạt nhân và ngày càng thắt chặt quan hệ với Nga. Do đó, khả năng Triều Tiên quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận về hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt là rất thấp.[50] Scott Snyder, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Kinh tế Hàn Quốc Mỹ (KEI) dự đoán nếu kịch bản đàm phán xảy ra thì đó sẽ là lúc phi hạt nhân hóa bị loại ra khỏi chương trình nghị sự.[51] Theo Jenny Town, giám đốc chương trình Triều Tiên tại Trung tâm Stimson, các xu hướng địa chính trị hiện tại đang có lợi cho Triều Tiên, đồng thời quốc gia này cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sự phát triển về năng lực cùng với sự ủng hộ mới này sẽ khiến chính quyền của Trump gặp khó khăn trong việc đưa ra những điều kiện để Triều Tiên chấp nhận nhượng bộ và ngồi vào bàn đàm phán.[52] Kịch bản thứ hai chính là căng thẳng giữa các nước ngày càng leo thang do chiến lược “bên miệng hố chiến tranh”. Những hành động khiêu khích, đe dọa thử vũ khí của Triều Tiên hay các cuộc tập trận chung của Mỹ – Nhật – Hàn đều có thể là chất xúc tác khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng. Ngoài ra, nếu liên minh quân sự Mỹ-Hàn suy yếu, khả năng răn đe bị suy giảm và các hoạt động ngoại giao không đạt được kết quả thì Triều Tiên cũng sẽ có khả năng khởi xướng các cuộc xung đột với Hàn Quốc.

4. Vấn đề Đài Loan

Sự trở lại của Donald Trump được cho là sẽ gây ra nhiều thách thức đối với Đài Loan cả vềan ninh lẫn kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn. Về ngành công nghiệp bán dẫn, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg[53], Trump cáo buộc Đài Loan “đánh cắp việc làm trong ngành chip” của Mỹ. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, Trump thường xuyên, nhấn mạnh vấn đề cơ hội việc làm trong ngành bán dẫn khi giải quyết các câu hỏi liên quan đến Đài Loan, bao gồm cả việc ông sẵn sàng bảo vệ Đài Loan.[54] Wen-Ti Sung, thành viên không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ gây ra sự bất ổn đáng kể cho Đài Loan.[55] Cùng quan điểm này, Han Kuo-yu, một nhà lập pháp Quốc dân đảng và là chủ tịch Viện Lập pháp, cảnh báo rằng an ninh chính trị và thách thức kinh tế của Đài Loan sẽ chỉ lớn hơn chứ không nhỏ hơn trong thời gian sắp tới. Một nhà lập pháp khác của KMT Lai Shyh-bao cũng nhấn mạnh việc không được đánh giá thấp tác động của Trump đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan. Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, quốc phòng của Đài Loan cũng là một trong hai vấn đề chính cần được đề cập. Một lần, khi trả lời câu hỏi quan trọng về việc có nên bảo vệ Đài Loan hay không, Trump tuyên bố, “Đài Loan nên trả tiền cho chúng ta để được bảo vệ”. Trước tình hình Đài Loan không có bất kỳ căn cứ quân sự nào của Mỹ, Trump đã kêu gọi Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng từ mức 2,5% GDP hiện tại lên tới 10% để tăng cường khả năng răn đe trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc. Về Đài Loan, chính phủ đã tăng chi phí quốc phòng lên mức chưa từng có (19,7 tỷ đô la) trong khi tỷ lệ GDP lại giảm nhẹ từ 2,5% xuống 2.45%.[56] Ngoài ra, theo nhà khoa học chính trị và phó hiệu trưởng Đại học Côn Sơn Ting Jen-Fang, Đài Loan sẽ phải tự gánh vác nhiều hơn trong vấn đề bảo vệ mình trong tương lai.[57] Trước đó, Trump đã từng né tránh câu hỏi liệu ông có bảo vệ Đài Loan trước những hành động quân sự của Trung Quốc hay không.[58] Động thái này làm dấy lên sự quan ngại về cam kết của Trump trong việc bảo vệ Đài Loan. Tuy nhiên, Miles Yu, người trước đây từng phục vụ trong chính quyền Trump và là giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson ở Washington khẳng định Donald Trump không nói rằng Mỹ sẽ không bảo vệ Đài Loan và việc bảo vệ Đài Loan đã được quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan nên sẽ rất khó để thay đổi.[59] Bất chấp những thách thức liên quan đến Trump đang lờ mờ hiện ra, chính trị trong nước của Đài Loan vẫn chưa chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu của Trump.[60]

5. Quan hệ với Trung Quốc

Quan hệ Mỹ-Trung có khả năng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn dưới nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump. Đầu tiên phải kể đến đó là chính sách áp mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Theo một phân tích được UBS công bố đầu năm nay, mức thuế này có thể làm giảm khoảng một nửa mức tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​của Trung Quốc.[61] Tuy nhiên lần này, Trung Quốc đã chuẩn bị một kho vũ khí lớn hơn.[62] Ngoài ra, để đáp trả những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm cắt đứt sự phát triển của Trung Quốc về chất bán dẫn tiên tiến, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng sang Mỹ vào tháng 12. Đó có thể chỉ là khởi đầu. Sự trả đũa gay gắt hơn từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ và đẩy lạm phát lên cao. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ thương mại của Trump cũng được đánh giá là sẽ mang lại những cơ hội cho Trung Quốc. Theo Shen Dingli, nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Thượng Hải, sự trở lại của Trump sẽ mang lại cả cơ hội và rủi ro lớn hơn cho Trung Quốc còn việc nhiều rủi ro hay cơ hội hơn thì sẽ phụ thuộc vào cách hai bên tương tác với nhau. Tong Zhao, thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment for International Peace cho biết mặc dù một cuộc chiến thương mại mới có thể xảy ra nhưng ông tin rằng các chính sách thuế quan cứng rắn của Trump sẽ không được ưa chuộng ở châu Âu và điều này sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế với châu Âu cũng như chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường hợp tác công nghệ và tách Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng với các quốc gia phương Tây.[63] Đứng trước những hành động của Trump, Wang Wen, trưởng khoa Viện Trùng Dương tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng nên coi sự trở lại của Trump như là một động lực thúc đẩy, một “vũ khí kì diệu” để tiếp cận các đối tác quốc tế. Bên cạnh kinh tế, khoa học và công nghệ cũng là một chiến trường quan trọng khác trong quan hệ Mỹ-Trung. Trong nhiệm kỳ trước của mình, Trump đã đưa ra các sáng kiến để hạn chế hợp tác với các nhà khoa học và học giả Trung Quốc ở Mỹ và hạn chế đầu tư của các công ty và cá nhân Trung Quốc vào đất đai và cơ sở hạ tầng của Mỹ. Ông tuyên bố rằng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, những nỗ lực nhằm hạn chế khả năng gián điệp của Trung Quốc ở Mỹ sẽ được mở rộng, FBI và DOJ sẽ săn lùng gián điệp Trung Quốc. Về chính trị – ngoại giao, chính quyền Trump trước đây đã áp dụng lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trên nhiều mặt trận khác nhau. Bên cạnh cuộc chiến thương mại của chính quyền với Trung Quốc, Trump đã có lập trường cứng rắn về yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, thách thức vị thế của Trung Quốc và tăng cường sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã cho biết họ “rất coi trọng” dự đoán của Trump trên một chương trình trò chuyện,[64] và cho rằng nhà lãnh đạo của hai quốc gia sẽ có thể hòa hợp miễn là mối quan hệ này là “con đường hai chiều”.[65] Tuy nhiên, Trump cũng có khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận biệt lập và đơn phương hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Điều này có thể dẫn đến sự rút lui khỏi các diễn đàn đa phương, có khả năng giảm viện trợ quân sự nước ngoài và sự hỗ trợ ngoại giao cho các đồng minh trên khắp thế giới. Chiến lược ít can thiệp hơn của Trump có thể làm nghiêng cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho Trung Quốc ở các khu vực chiến lược như châu Á-Thái Bình Dương.[66] Bên cạnh đó, Neil Thomas, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á cho biết Trung Quốc đang giữ im lặng để chờ xem Trump sẽ có động thái cứng rắn và nhanh chóng như thế nào đối với Trung Quốc sau khi ông chính thức nhậm chức.[67]

6. Quan hệ với Châu Âu

Sự trở lại của Donald Trump được dự đoán sẽ mang lại nhiều thách thức cho châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và an ninh, quốc phòng. Về kinh tế, châu Âu được dự đoán là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách thuế quan của Trump. Theo Chuyên gia kinh tế Maxime Darmet, tổn thất từ xuất khẩu của châu Âu dự kiến ​​sẽ cao hơn Trung Quốc vì Trung Quốc có các biện pháp kích thích tài khóa bù đắp được phần lớn thiệt hại từ cuộc chiến thương mại.[68] Ngoài ra, Maxime Darmet dự đoán chính sách thuế quan của Trump sẽ có tác động đến các quyết định đầu tư tại châu Âu và Trump có thể nhắm mục tiêu vào máy móc, thiết bị, ô tô, hóa chất, dược phẩm và nông sản, vốn là những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất từ ​​châu Âu sang Mỹ.[69] Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức (IW) đã ước tính rằng nền kinh tế Đức có thể thiệt hại 180 tỷ euro trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của Donald Trump.[70] Không chỉ bị ảnh hưởng từ việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ mà chính sách thuế quan của Trump còn khiến châu Âu phải đối mặt với các thách thức đến từ việc cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc. Cụ thể, một phần hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ được chuyển hướng sang châu Âu và một phần sẽ được chuyển đến các thị trường khác, làm gia tăng sự cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của châu Âu.[71] Về an ninh quốc phòng, Irina Busygina, Nghiên cứu viên của Trung tâm Davis về Nghiên cứu Nga và Âu Á nhận định chiến thắng của Trump và đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự bất ổn đối với an ninh châu Âu. Đầu tiên, sự trở lại của Trump sẽ làm tăng thêm mối lo ngại về sự cam kết của Mỹ đối với NATO. Trump luôn nêu rõ rằng châu Âu cần phải chịu trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của chính mình, vì thế, theo Evie Aspinall, Giám đốc, Nhóm Chính sách Đối ngoại Anh, việc ông đắc cử sẽ là lời cảnh tỉnh rằng châu Âu cần phải nhanh chóng tăng quy mô đầu tư vào an ninh tập thể của khu vực. Mặc dù những khoản đầu tư của châu Âu vào quốc phòng đã tăng lên đáng kể từ năm 2021[72] nhưng để vượt qua những thách thức an ninh trong nhiệm kỳ sắp tới của Trump thì sự đoàn kết, thống nhất giữa các nước sẽ là một vấn đề quan trọng mà châu Âu cần phải giải quyết. Chẳng hạn, một số quốc gia châu Âu có thể thực hiện các thỏa thuận song phương với Mỹ để tìm kiếm sự bảo đảm an ninh và mua sắm các thiết bị quốc phòng.[73] Điều này sẽ làm suy yếu các nỗ lực hợp tác về quốc phòng của châu Âu vì khi các quốc gia hành động riêng lẻ và phụ thuộc vào Mỹ thì tính đoàn kết nội khối và khả năng tự chủ của châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng sẽ bị ảnh hưởng. Sahil V. Shah, Cố vấn chính sách cấp cao về Iran cho rằng việc lựa chọn ưu tiên quan hệ song phương với Mỹ có thể gây ra sự chia rẽ cho châu Âu. Sự thiếu phối hợp sẽ dẫn đến sự trùng lặp (chẳng hạn các nước cùng đầu tư vào các hệ thống, thiết bị giống nhau thay vì chia sẻ nguồn lực), sự trùng lặp tạo ra sự phụ thuộc để lấp đầy những khoảng trống trong năng lực quốc phòng và điều này sẽ khiến châu Âu không thể tự chủ trong quốc phòng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lực khi cần đối phó với các mối đe dọa một cách độc lập.[74]Các nhà nghiên cứu của Bruegel có trụ sở tại Brussel nhận định Liên minh châu Âu không có tiếng nói chung và sẽ không dễ để các quốc gia thành viên có thể có cùng mục tiêu về quốc phòng.[75] Irina Busygina cho rằng trong khi Trump có khả năng thực hiện các động thái mạnh mẽ và nhanh chóng thì sự chậm trễ trong việc cải cách quốc phòng của EU có thể gây bất lợi cho an ninh châu Âu.[76] Hiện tại, mối quan hệ giữa Trump với EU đang có sự căng thẳng, được biết, Trump có tham vọng giành quyền sở hữu Greenland – đây là một quốc gia tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch, và vấp phải sự chỉ trích, phản đối gay gắt đến từ các đồng minh ở châu Âu như Đan Mạch, Đức, Pháp,… Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot đều nhận xét rằng tuyên bố của Trump đang xâm phạm đến nguyên tắc chủ quyền và EU sẽ không để điều đó xảy ra. Khả năng Trump tiếp cận Greenland vẫn còn bỏ ngỏ nhưng đối với Trump, đây là nơi có vị trí chiến lược quan trọng cả về an ninh và kinh tế đối với Mỹ.[77]

7. Tác động đến Việt Nam

Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra, Việt Nam đã giữ vững lập trường trung lập của mình và mong muốn hai bên giải quyết xung đột thông qua đàm phán. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Học viện An ninh nhân dân, đã khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là chấm dứt vũ lực và nối lại hoà bình thông qua những kênh đối thoại. Cả Nga và Ukraine đều là đối tác quan trọng với Việt Nam.[78] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề xung đột Nga-Ukraine: “Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng tham gia các nỗ lực trung gian hòa giải quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, bền vững cho xung đột Nga-Ukraine, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc”[79] Lập trường trung lập cùng với nền kinh tế đang trên đà ngày càng phát triển đã khiến cho Việt Nam ngày càng trở thành mối quan hệ thu hút sự chú ý của Trump. Joshua Kurlantzick, nghiên cứu viên về Đông Nam Á và Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã nhận xét rằng Việt Nam nhờ vào nền kinh tế phát triển ổn định cùng với lực lượng lao động đông đảo và đa dạng ngành nghề sản xuất đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong những năm gần đây. Điều này không chỉ đến từ các công ty của Mỹ mà còn từ dòng vốn đầu tư lớn từ các công ty lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản, một số trong số đó đã chuyển nguồn vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và hiện đang xem xét đổi sang Việt Nam.[80] Chính quyền Trump cũng đã cho thấy dự định về kế hoạch đưa Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Theo Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại – Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực năng lượng và khai thác khoáng sản, qua đó củng cố quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.[81] Miguel A. Ferrer, Tổng giám đốc điều hành của Renewables tại VloT Groups, dự báo rằng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng vào năm 2025, nhờ vào những lợi thế như chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng vững chắc và đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng kể từ các tập đoàn lớn.[82]

Stephen Olson, nghiên cứu viên tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, dự đoán rằng sắp tới chuỗi cung ứng của các quốc gia Đông Nam Á đang tham gia, bao gồm cả Việt Nam, sẽ ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn hơn khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gay gắt trở lại dưới nhiệm kỳ của Trump. Cùng với đó, vấn đề sao chép công nghệ trong các sản phẩm ngày càng tăng có thể dẫn tới quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trở nên gắt gao hơn và thậm chí có khả năng việc hợp tác phát triển công nghệ giữa Mỹ với các quốc gia sản xuất sẽ bị hạn chế. Stephen Olson cũng cho rằng Trump rất có thể sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định khung kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khiến các thành viên còn lại (trong đó có Việt Nam) phải quyết định xem họ có nên tiếp tục hiệp định hay không. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi các vai trò truyền thống của mình trong các khu vực và toàn cầu sẽ tạo ra khoảng trống và cơ hội tiềm năng để các quốc gia Đông Nam Á tăng sự ảnh hưởng của mình trong các nhóm đàm phán thương mại đa phương và khu vực.[83] Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sắp tới có thể phát huy vai trò của mình và đóng góp nhiều hơn trong các tổ chức khu vực như ASEAN và trong các hiệp định thương mại với các nước trên thế giới.

Chính sách của Donald Trump có thể khuyến khích doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam. Điều này có thể dẫn tới tăng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam vẫn cần phải cẩn trọng trong mối quan hệ song phương. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ban đầu đã thúc đẩy một số công ty hướng đến Việt Nam như một trung tâm sản xuất thay thế. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn năm 2019, Trump đã cáo buộc Việt Nam lợi dụng tranh chấp thương mại để mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Ông gọi Việt Nam này là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người” và ám chỉ rằng Việt Nam có thể trở thành mục tiêu thương mại tiếp theo.[84] Theo như Tiến sĩ Lê Lena, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, sự trở lại của Trump có thể sẽ gây thách thức cho chính sách đối ngoại Việt Nam. Mặc dù mối quan hệ Việt – Mỹ có ý nghĩa chiến lược quan trọng,  chính sách “Nước Mỹ trên hết” mới, xu hướng nhấn mạnh vào chủ nghĩa song phương, ưu tiên lợi ích của Mỹ và yêu cầu các đồng minh và đối tác phải chịu trách nhiệm trước các yêu cầu của Mỹ của Trump sẽ đưa Việt Nam vào một thế mà trong đó phải chọn một bên giữa Mỹ và Trung Quốc.[85]

Về vấn đề Biển Đông, Trump đã giữ lập trường chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Tháng 07/2020, chính quyền của Trump đã tuyên bố bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và lên tiếng trước các hành động bắt nạt của Trung Quốc tại khu vực.[86] Theo tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Giám đốc Học viện Ngoại giao, trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, Việt Nam mong rằng Mỹ sẽ có thể giữ sự hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông bằng cách ủng hộ pháp quyền, củng cố trật tự theo hiến chương đề ra của Liên hợp quốc và Mỹ sẽ hành động dựa trên mục tiêu chiến lược lâu dài thay cho mục tiêu thương mại ngắn hạn.[87] Felix K. Chang , nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói rằng Mỹ đang phải đối mặt với thách thức to lớn từ phía Trung Quốc, một đối thủ mạnh đang gây dựng sức ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực Châu Á. Để có thể đối trọng Trung Quốc, Mỹ cần phải gây dựng những mối quan hệ với các đồng minh châu Á của mình một cách minh bạch và hiệu quả hơn nữa.[88] Nhưng dù cho chính quyền mới của Trump có lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc, sẽ không có gì đảm bảo quân đội Mỹ sẽ duy trì sự can thiệp tại khu vực như trong nhiệm kỳ của Biden, thông qua các cuộc tập trận hay hỗ trợ trang thiết bị quốc phòng. Hợp tác quốc phòng với các quốc gia như Philippines có thể vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng viện trợ cho quốc phòng từ phía Mỹ trong nhiệm kỳ này là một điều không chắc chắn. Tomotaka Shoji, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia (NIDS), nhận xét rằng ASEAN dù cho đang có những quan ngại từ phía Mỹ, vẫn sẽ không nghiêng hoàn toàn về phía Trung Quốc. Trong khi các quốc gia lục địa trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar có xu hướng nghiêng về Trung Quốc, vẫn còn những quốc gia thành viên có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines. Điều này khiến cho quân đội Mỹ vẫn đóng một vai trò then chốt trong tranh chấp khu vực. Hướng tiếp cận và đàm phán của Trump sẽ là một thách thức cần vượt qua cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng nhìn chung ASEAN nói chung và các nước thành viên nói riêng vẫn sẽ cố gắng giữ một mối quan hệ tốt với Mỹ.[89]

 


Tài liệu tham khảo:

[1] Doucet, L. (2024, October 29). How this US election could change state of the world. BBC. Retrieved November 23, 2024, from https://www.bbc.com/news/articles/cgl490zrz45o

[2] Bielieskov, M. (2025, January 7). Putin begins 2025 confident of victory as war of attrition takes toll on Ukraine. Atlantic Council. Retrieved January 14, 2025, from https://www.atlanticcouncil.org/blogs/ukrainealert/putin-begins-2025-confident-of-victory-as-war-of-attrition-takes-toll-on-ukraine/

[3] DW news. (2025, January 12). Zelenskyy offers North Korean POW exchange for Ukrainians. dw.com. Retrieved January 14, 2025, from https://www.dw.com/en/zelenskyy-offers-north-korean-pow-exchange-for-ukrainians/a-71279690

[4] Kramarenko, D., & Vialko, D. (2024, December 24). Before and after: Has Trump’s rhetoric on Ukraine and Putin changed? RBC-Ukraine. Retrieved 30 December, 2024, from https://newsukraine.rbc.ua/analytics/before-and-after-has-trump-s-rhetoric-on-1735059360.html

[5] Slattery, G., & Lewis, S. (2024, June 25). Exclusive: Trump handed plan to halt US military aid to Kyiv unless it talks peace with Moscow. Reuters. Retrieved December 15, 2024, from https://www.reuters.com/world/us/trump-reviews-plan-halt-us-military-aid-ukraine-unless-it-negotiates-peace-with-2024-06-25/

[6] Wike, R., Fagan, M., Gubbala, S., & Austin, S. (2024, May 8). Growing partisan divisions over NATO and Ukraine. Pew Research Center. Retrieved December 30, 2024, from https://www.pewresearch.org/global/2024/05/08/growing-partisan-divisions-over-nato-and-ukraine/

[7]Melkozerova, V. (2024, July 17). Fact-checking J.D. Vance’s statements on Ukraine. POLITICO. https://www.politico.eu/article/jd-vance-europe-russia-ukraine-donald-trump-kyiv-vp-pick-policy-us-elections-ohio-aid-war/

[8] Harding, L., & Sabbagh, D. (2024, November 6). ‘A gift to the Kremlin’: uncertainty over Ukraine’s future after Trump victory. The Guardian.  Retrieved December 30, 2024, from

https://www.theguardian.com/world/2024/nov/06/ukraine-trump-victory

[9] Harding, L., & Sabbagh, D. (2024, November 6). ‘A gift to the Kremlin’: uncertainty over Ukraine’s future after Trump victory. The Guardian.  Retrieved December 30, 2024, from

https://www.theguardian.com/world/2024/nov/06/ukraine-trump-victory

[10] Marples, D. R. (2025, January 14). Can Trump deliver on his promise to end Russia’s invasion of Ukraine? The Conversation. Retrieved January 16, 2025, from https://theconversation.com/can-trump-deliver-on-his-promise-to-end-russias-invasion-of-ukraine-247066

[11] Slattery, G., & Reid, H. (2025, January 8). Trump says he sympathizes with Russia’s opposition to NATO membership for Ukraine. Reuters. https://www.reuters.com/world/trump-says-he-sympathizes-with-russias-opposition-nato-membership-ukraine-2025-01-07/

[12] Mankoff, J. (2024). The war in Ukraine and Russia’s quest to reshape the world order. Survival, 66(5), 99–126. https://doi.org/10.1080/00396338.2024.2403219

[13] EU pledges “unwavering support” to Ukraine after Donald Trump’s win. (2024, November 9). Al Jazeera. Retrieved January 11, 2025, from https://www.aljazeera.com/news/2024/11/9/eu-borrell-unwavering-support-ukraine-donald-trumps-win

[14] Hansler, J. (2024, November 6). Trump’s victory could mean US withdraws support for Ukraine in war with Russia. CNN. Retrieved December 19, 2024, from https://edition.cnn.com/2024/11/06/politics/trump-election-ukraine-war-russia-intl/index.html

[15] Lister, T., Vlasova, S., & Butenko, V. (2024, November 11). Ukraine’s war effort faces uncertain future as Russia mounts record drone strikes. CNN. Retrieved December 9, 2024, from https://edition.cnn.com/2024/11/11/europe/russia-drone-strikes-ukraine-intl-latam/index.html

[16] York, C. (2024, November 6). What we know about Trump’s plans for ending Russia’s war against Ukraine. The Kyiv Independent. Retrieved January 1, 2025, from https://kyivindependent.com/what-we-know-about-trumps-plans-for-ending-russias-war-against-ukraine/

[17] Marples, D. R. (2025, January 14). Can Trump deliver on his promise to end Russia’s invasion of Ukraine? The Conversation. Retrieved January 16, 2025, from https://theconversation.com/can-trump-deliver-on-his-promise-to-end-russias-invasion-of-ukraine-247066

[18] Vigers, B. B. (2024, December 6). Half of Ukrainians want quick, negotiated end to war. Gallup.com. Retrieved January 16, 2025, from  https://news.gallup.com/poll/653495/half-ukrainians-quick-negotiated-end-war.aspx

[19] Ash, T. G. (2024, November 8). Trump’s return is terrible news for Ukraine. Europe should step into the breach – but will it? | Timothy Garton Ash. The Guardian. Retrieved December 15, 2025, from https://www.theguardian.com/commentisfree/2024/nov/08/trumps-return-terrible-news-ukraine-europe-divided

[20] EU pledges ‘unwavering support’ to Ukraine after Donald Trump’s win. (2024, November 9). Al Jazeera. Retrieved January 9, 2025, from https://www.aljazeera.com/news/2024/11/9/eu-borrell-unwavering-support-ukraine-donald-trumps-win

[21] Lough, J. (2024, October 21). Four scenarios for the end of the war in Ukraine | Determinants of peace. Chatham House. Retrieved November 19, 2024, from https://www.chathamhouse.org/2024/10/four-scenarios-end-war-ukraine/determinants-peace

[22] Ryan, M. (2024, August). Trump may surprise us on the Ukraine war. Retrieved January 14, 2025, from https://interactives.lowyinstitute.org/features/2024-us-presidential-election/donald-trump/article/trump-and-ukraine/

[23] Stent, A. (2024, October 1). How would Trump and Harris handle the Russia-Ukraine war? Brookings Institution. Retrieved November 18, 2024, from https://www.brookings.edu/articles/how-would-trump-and-harris-handle-the-russia-ukraine-war/

[24] Ryan, M. (2024, August). Trump may surprise us on the Ukraine war. Retrieved January 14, 2025, from https://interactives.lowyinstitute.org/features/2024-us-presidential-election/donald-trump/article/trump-and-ukraine/

[25] Melkozerova, V. (2024, November 6). Ukraine braces as triumphant Trump vows to ‘stop wars’. POLITICO.eu. Retrieved January 10, 2025, from https://www.politico.eu/article/ukraine-reaction-donald-trump-victory-us-election-2024-russia-war-volodymyr-zelenskyy/

[26] Melkozerova, V. (2024, July 16). Fact-checking J.D. Vance’s statements on Ukraine. POLITICO.eu. Retrieved October 28, 2024, from https://www.politico.eu/article/jd-vance-europe-russia-ukraine-donald-trump-kyiv-vp-pick-policy-us-elections-ohio-aid-war/

[27]Ukraine scenarios: what will happen under Trump? (2024, July 25). Economist Intelligence. Retrieved November 10, 2024, from https://www.eiu.com/n/ukraine-scenarios-what-will-happen-under-trump/

[28] Psaropoulos, J. T. (2024, November 14). Trump’s US election leaves Ukraine scrambling for EU military assistance. Al Jazeera. Retrieved January 1, 2025, from https://www.aljazeera.com/news/2024/11/14/trumps-us-election-leaves-ukraine-scrambling-for-eu-military-assistance

[29] Dickinson, P. (2024, November 7). Donald Trump’s election victory fuels hopes and fears in Ukraine. Atlantic Council. Retrieved January 10, 2025, from https://www.atlanticcouncil.org/blogs/ukrainealert/donald-trumps-election-victory-fuels-hopes-and-fears-in-ukraine/

[30] Ash, T. G. (2024, November 8). Trump’s return is terrible news for Ukraine. Europe should step into the breach – but will it? | Timothy Garton Ash. The Guardian. Retrieved December 19, 2025, from https://www.theguardian.com/commentisfree/2024/nov/08/trumps-return-terrible-news-ukraine-europe-divided

[31] Al Jazeera. (2024, November 9). EU pledges ‘unwavering support’ to Ukraine after Donald Trump’s win. Al Jazeera. Retrieved December 10, 2024, from https://www.aljazeera.com/news/2024/11/9/eu-borrell-unwavering-support-ukraine-donald-trumps-win

[32] Litra, L. (2024, July 4). Can Europe Stand Alone in Supporting Ukraine? Scaling up the Defence Industry and Funding Defence Production. The Stockholm Centre for Eastern European Studies. Retrieved December 10, 2024, from https://sceeus.se/en/publications/can-europe-stand-alone-in-supporting-ukraine-scaling-up-the-defence-industry-and-funding-defence-production/

[33] Bland, A. (2024, November 8). Friday briefing: How will Trump handle the Ukraine war? The Guardian. Retrieved January 10, 2025, from https://www.theguardian.com/world/2024/nov/08/friday-briefing-how-will-trump-handle-the-ukraine-war

[34] Besch, S. (2024, March 8). Understanding the EU’s New Defense Industrial Strategy. Carnegie Endowment for International Peace. Retrieved January 11, 2025, from https://carnegieendowment.org/2024/03/08/understanding-eu-s-new-defense-industrial-strategy-pub-91937

[35] Fornusek, M. (2024, May 28). EU ministers frustrated as Hungary blocks $7 billion in military aid for Ukraine. The Kyiv Independent. Retrieved January 10, 2025, from https://kyivindependent.com/media-eu-ministers-frustrated-as-hungary-blocks-7-billion-in-aid-for-ukraine/

[36] O’Neal, M. (2024, October 7). The Risks to Germany and Europe of a Prolonged War in Ukraine. Quincy Institute for Responsible Statecraft. Retrieved January 5, 2025, from https://quincyinst.org/research/the-risks-to-germany-and-europe-of-a-prolonged-war-in-ukraine/#executive-summary

[37] Marples, D. R. (2025, January 14). Can Trump deliver on his promise to end Russia’s invasion of Ukraine? The Conversation. Retrieved January 16, 2025, from https://theconversation.com/can-trump-deliver-on-his-promise-to-end-russias-invasion-of-ukraine-247066

[38] Rumer, E. (2025, January 7). Neutrality: an alternative to Ukraine’s membership in NATO. Council on Foreign Relations. Retrieved January 16, 2025, from https://www.cfr.org/article/neutrality-alternative-ukraines-membership-nato

[39] Krever, M. (2024, November 6). Here’s what’s at stake in the Middle East under Trump’s second term. CNN. Retrieved January 10, 2025, from https://edition.cnn.com/2024/11/06/middleeast/trump-middle-east-iran-israel-saudi-gulf-mime-intl/index.html

[40] Krever, M. (2024, November 6). Here’s what’s at stake in the Middle East under Trump’s second term. CNN. Retrieved January 10, 2025, from https://edition.cnn.com/2024/11/06/middleeast/trump-middle-east-iran-israel-saudi-gulf-mime-intl/index.html

[41] Silva, C. D., & Smith, A. (2024, November 8). How Trump’s election win could affect the Israel and Ukraine wars. NBC News. Retrieved January 10, 2025, from https://www.nbcnews.com/news/world/trump-election-win-israel-ukraine-war-russia-rcna178903

[42] Tondo, L., & McKernan, B. (2025, January 11). Trump’s Middle East envoy visits Netanyahu in push for Gaza ceasefire. The Guardian. Retrieved January 12, 2025, from https://www.theguardian.com/world/2025//11/white-house-working-on-hostage-release-deal-between-hamas-and-israel-says-cia-director

[43] Krever, M. (2024, November 6). Here’s what’s at stake in the Middle East under Trump’s second term. CNN. Retrieved January 10, 2025, from https://edition.cnn.com/2024/11/06/middleeast/trump-middle-east-iran-israel-saudi-gulf-mime-intl/index.html

[44] Rafizadeh, M. (2024, November 15). As Trump wins, Iran’s government faces tough years ahead. Al Arabiya. Retrieved January 10, 2025, from https://english.alarabiya.net/views/2024/11/15/as-trump-wins-iran-s-government-faces-tough-years-ahead-

[45] Richey, M. (September 2024). Trump 2.0 and Korean Peninsula Security. Friedrich Naumann Foundation. https://www.freiheit.org/publikation/trump-20-and-korean-peninsula-security

[46] Cha, V. (2024). Breaking Bad: South Korea’s nuclear option. https://www.freiheit.org/publikation/trump-20-and-korean-peninsula-security

[47] Gallo, W., & Lee, J. (2024, May 3). Trump’s possible return re-ignites South Korea nuclear debate. VOA. https://www.voanews.com/a/trump-s-possible-return-reignites-south-koreanuclear-debate/7596584.html

[48] Smith, J. (2024, July 19). Trump claims Kim Jong Un wants him to win upcoming presidential election. NK News. https://www.nknews.org/2024/07/donald-trump-claims-kim-jong-un-wantshim-to-win-upcoming-presidential-election/; Shin, H. (2024, August 1). North Korea wants to restart nuclear talks if Trump wins, says ex-diplomat. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-wants-restart-nuclear-talks-if-trump-wins-says-ex-diplomat-2024-07-31/

[49] CNN. (2024, November 7). Gloom, nervousness and joy: What Trump’s victory means for key world regions. CNN. Retrieved December 10, 2024, from https://edition.cnn.com/2024/11/06/world/trump-election-victory-world-view-intl/index.html?iid=cnn_buildContentRecirc_end_recirc

[50] Richey, M. (September 2024). Trump 2.0 and Korean Peninsula Security. Friedrich Naumann Foundation. https://www.freiheit.org/publikation/trump-20-and-korean-peninsula-security

[51] Johnson, K. (2024, November 13). Could Trump Rekindle Diplomacy With North Korea? Foreign Policy. Retrieved December 15, 2024, from https://foreignpolicy.com/2024/11/13/trump-north-korea-diplomacy-putin-russia/

[52] Johnson, K. (2024, November 13). Could Trump Rekindle Diplomacy With North Korea? Foreign Policy. Retrieved December 15, 2024, from https://foreignpolicy.com/2024/11/13/trump-north-korea-diplomacy-putin-russia/

[53] Llorente, V. (2024, July 16). Donald Trump Bloomberg Interview: Full Transcript, Fact-Checked. Bloomberg. Retrieved December 15, 2024, from https://www.bloomberg.com/features/2024-trump-interview-transcript/?embedded-checkout=true

[54] Chu, C. (2025, January 15). Difficult Days Ahead for Taiwan in the Trump 2.0 Era. The Diplomat. Retrieved January 16, 2025, from https://thediplomat.com/2025/01/difficult-days-ahead-for-taiwan-in-the-trump-2-0-era/

[55] Jett, J., & Frayer, J. M. (2024, November 7). What Trump’s election win means for U.S.-China ties on Taiwan, trade and tech. NBC News. Retrieved December 15, 2024, from https://www.nbcnews.com/news/world/trade-taiwan-now-trump-china-braces-volatile-new-era-us-ties-rcna179070

[56] Chu, C. (2025, January 15). Difficult Days Ahead for Taiwan in the Trump 2.0 Era. The Diplomat. Retrieved January 16, 2025, from https://thediplomat.com/2025/01/difficult-days-ahead-for-taiwan-in-the-trump-2-0-era/

[57] Dang, Y. (2024, November 7). Trump’s win stokes fears in Taiwan about chips and defence. South China Morning Post. Retrieved January 10, 2025, from https://www.scmp.com/news/china/politics/article/3285602/trumps-win-stokes-fears-taiwan-about-chips-and-defence

[58] Tang, D. (2024, July 18). Trump says Taiwan should pay more for defense and dodges questions if he would defend the island. AP News. Retrieved December 18, 2024, from https://apnews.com/article/trump-taiwan-chips-invasion-china-910e7a94b19248fc75e5d1ab6b0a34d8

[59] Tang, D. (2024, July 18). Trump says Taiwan should pay more for defense and dodges questions if he would defend the island. AP News. Retrieved December 18, 2024, from https://apnews.com/article/trump-taiwan-chips-invasion-china-910e7a94b19248fc75e5d1ab6b0a34d8

[60] Chu, C. (2025, January 15). Difficult Days Ahead for Taiwan in the Trump 2.0 Era. The Diplomat. Retrieved January 16, 2025, from https://thediplomat.com/2025/01/difficult-days-ahead-for-taiwan-in-the-trump-2-0-era/

[61] Mistreanu, S. (2024, November 7). China is bracing for fresh tensions with Trump over trade, tech and Taiwan. AP News. Retrieved December 19, 2024, from https://apnews.com/article/trump-china-tariffs-taiwan-foreign-policy-7351ce1069654f1c1aefb560b36dcc17

[62] https://www.ft.com/content/b979aae9-2884-4e76-b923-eceec22fcae2

[63] Gan, N. (2024, November 7). Economic upheaval and political opportunity – what Trump’s return could mean for China. CNN. Retrieved December 19, 2024, from https://edition.cnn.com/2024/11/07/china/china-second-trump-presidency-intl-hnk/index.html

[64] Chiacu, D. (2025, January 7). Trump says he and China’s Xi have been talking through aides. Reuters. Retrieved January 10, 2025, from https://www.reuters.com/world/trump-says-he-chinas-xi-have-been-talking-through-aides-2025-01-06/

[65] https://www.washingtonpost.com/world/2025/01/13/china-trump-trade-hacks/

[66] Huld, A., & Zhou, Q. (2024, November 7). Trump 2.0: What Does it Mean for China? China Briefing. Retrieved January 10, 2025, from https://www.china-briefing.com/news/trump-china-us-relations-2024-election-victory-implications-businesses/

[67] Yi, W. (2024, November 13). Korean markets reel from Trump impact. The Korea Times. Retrieved December 19, 2024, from https://www.koreatimes.co.kr/www/biz/2025/01/602_386282.html

[68] Irwin, A. (2024, November 11). Europe faces up to Trump tariffs impact. fDi Intelligence. Retrieved December 15, 2024, from https://www.fdiintelligence.com/content/news/europe-faces-up-to-trump-tariffs-impact-84302

[69] Irwin, A. (2024, November 11). Europe faces up to Trump tariffs impact. fDi Intelligence. Retrieved December 15, 2024, from https://www.fdiintelligence.com/content/news/europe-faces-up-to-trump-tariffs-impact-84302

[70] Obst, T., Sultan, S., Matthes, J., & Parthie, S. (2024, October 24). US-Wahl: Handelskrieg unter Trump könnte Deutschland bis zu 180 Milliarden Euro kosten – Institut der deutschen Wirtschaft (IW). Retrieved December 18, 2024, from https://www.iwkoeln.de/presse/pressemitteilungen/thomas-obst-samina-sultan-juergen-matthes-handelskrieg-unter-trump-koennte-deutschland-bis-zu-180-milliarden-euro-kosten.html

[71] Martuscelli, C., & Coi, G. (2024, October 31). A Trump trade war 2.0 will be worse than the first for Europe. POLITICO.eu. Retrieved December 15, 2024, from https://www.politico.eu/article/a-trump-trade-war-2-0-will-be-worse-than-the-first-for-europe/

[72] https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_49198.htm

[73] Rij, A. V. (2024, November 11). Trump and his growing number of European allies threaten the European project. Chatham House. Retrieved December 18, 2024, from https://www.chathamhouse.org/2024/11/trump-and-his-growing-number-european-allies-threaten-european-project

[74] The European Leadership Network. (2024, November 8). Network reflections: What will Trump’s election mean for European security? European Leadership Network. Retrieved January 10, 2025, from https://europeanleadershipnetwork.org/commentary/network-reflections-what-will-trumps-election-mean-for-european-security/

[75] Cingari, P. (2024, November 13). Why are European defence stocks skyrocketing after Trump’s victory? Euronews.com. Retrieved December 15, 2024, from https://www.euronews.com/business/2024/11/13/why-are-european-defence-stocks-skyrocketing-after-trumps-victory

[76] The European Leadership Network. (2024, November 8). Network reflections: What will Trump’s election mean for European security? European Leadership Network. Retrieved January 10, 2025, from https://europeanleadershipnetwork.org/commentary/network-reflections-what-will-trumps-election-mean-for-european-security/

[77] https://www.bbc.com/news/articles/ckg9gvg3452o

[78] Trường, G. (2022, March 22). Xung đột Nga – Ukraine: Việt Nam lựa chọn lẽ phải và đứng về chính nghĩa. VOV.VN. Retrieved January 16, 2025, from https://vov.vn/chinh-tri/xung-dot-nga-ukraine-viet-nam-lua-chon-le-phai-va-dung-ve-chinh-nghia-post932042.vov

[79] Ttxvn. (2024, June 21). Lập trường của Việt Nam về vấn đề xung đột Nga-Ukraine. Báo Nhân Dân Điện Tử. https://nhandan.vn/lap-truong-cua-viet-nam-ve-van-de-xung-dot-nga-ukraine-post813046.html

[80] Kurlantzick, J. (2025, January 7). Vietnam struggles to avoid the Trump administration’s glare. Council on Foreign Relations. Retrieved January 16, 2025, from https://www.cfr.org/blog/vietnam-struggles-avoid-trump-administrations-glare

[81] Thanh Ha – Ngoc An / Tuoi Tre News. (2024, December 27). How does Donald Trump presidency impact Vietnam’s 2025 US exports? Tuoi Tre News. Retrieved January 16, 2025, from

https://tuoitrenews.vn/news/business/20241227/how-does-donald-trump-presidency-impact-vietnams-2025-us-exports/83598.html

[82] Thanh Ha – Ngoc An / Tuoi Tre News. (2024, December 27). How does Donald Trump presidency impact Vietnam’s 2025 US exports? Tuoi Tre News. Retrieved January 16, 2025, from

https://tuoitrenews.vn/news/business/20241227/how-does-donald-trump-presidency-impact-vietnams-2025-us-exports/83598.html

[83] Olson, S. (2025, January 17). 2025/2 “What the election of Donald Trump means for Southeast Asia” by Stephen Olson – ISEAS-Yusof Ishak Institute. ISEAS-Yusof Ishak Institute.  Retrieved January 16, 2025, from

https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2025-2-what-the-election-of-donald-trump-means-for-southeast-asia-by-stephen-olson

[84] Le, L. (2024, December 2). Vietnam must manage its Trump-era expectations. East Asia Forum. https://eastasiaforum.org/2024/12/02/vietnam-must-manage-its-trump-era-expectations/

[85] Le, L. (2024, December 2). Vietnam must manage its Trump-era expectations. East Asia Forum. https://eastasiaforum.org/2024/12/02/vietnam-must-manage-its-trump-era-expectations/

[86] Council on Foreign Relations. (2024, November 26). Donald Trump’s foreign policy positions. Retrieved January 18, 2025, from https://www.cfr.org/election2024/candidate-tracker/donald-trump

[87] Noor, E. (2025, January 13). What Does Southeast Asia Want from a New U.S. Administration? Carnegie Endowment for International Peace. Retrieved January 18, 2025, from https://carnegieendowment.org/research/2025/01/southeast-asia-want-new-us-administration?lang=en

[88] Beckley, M., Fiddler, C., Suk Lee, Y., Teufel Dreyer, J., Katzeff Silberstein, B., Glasserman, A., Park, J., C. Teets, J., & K. Chang, F. (2025, January 17). Trump’s second term: Charting a new Path in Asia – Foreign Policy Research Institute. Foreign Policy Research Institute. Retrieved January 18, 20252, from https://www.fpri.org/article/2025/01/trumps-second-term-charting-a-new-path-in-asia/

[89] Shoji, T. (n.d.). US-ASEAN Relations under Trump 2.0: Concerns Outweigh Expectations. International Information Network Analysis | SPF. https://www.spf.org/iina/en/articles/shoji_22.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *