Tác động của cuộc nội chiến Myanmar đối với ASEAN

1. Tình hình nội chiến Myanmar

Năm 2024 là năm thứ tư kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Cho đến nay, tình hình ở Myanmar vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu kết thúc. Các nhóm nổi dậy, bao gồm các lực lượng ủng hộ dân chủ và dân quân sắc tộc vẫn đang chiến đấu để chống lại chính quyền quân sự.

Sau ba năm kể từ khi nắm quyền, việc kiểm soát đất nước của quân đội Myanmar ngày càng rơi vào bế tắc, thậm chí nhiều nơi từng do quân đội giành quyền kiểm soát cũng rơi vào tay các liên minh nổi dậy. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái cho đến nay, chính quyền quân đội liên tục phải đối mặt với sự nổi dậy của các liên minh, đặc biệt là ở khu vực biên giới. Đến tháng 10/2023, chiến dịch 1027 do Liên minh 3 anh em bao gồm Đội quân Dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Giải phóng dân tộc Ta’ang (TNLA) đánh dấu sự thay đổi phần lớn cục diện của cuộc chiến.[1] Những cuộc tấn công này có tác động đáng kể vào các khu vực thuộc sự quản lý của chính quyền hiện tại khi chúng bị thay thế bằng quyền kiểm soát của những lực lượng khác, thậm chí những ảnh hưởng này còn lan sang biên giới và buộc chính quyền quân sự nhường lại quyền kiểm soát một số khu vực giáp biên giới Trung Quốc.

Vào đầu tháng 4/2024, thị trấn biên giới Myawaddy, một cầu nối quan trọng cho dòng hàng hóa giữa Thái Lan và Myanmar, đã bị Liên minh Quốc gia Karen (KNU) giành quyền kiểm soát. Đến cuối tháng 4, Myawaddy trở lại dưới sự kiểm soát của SAC (Hội đồng Hành chính Quốc gia do quân đội lập nên). Tình hình biên giới hỗn loạn vì các cuộc tấn công lẫn nhau của nhiều bên chống lại chính quyền và người dân vượt biên mất kiểm soát. Thậm chí, phía Thái Lan đã lên tiếng yêu cầu Chính quyền quân sự Myanmar đảm bảo xung đột ở nước này không ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn của phía Thái Lan.[2] Thông tin gần đây nhất vào ngày 3/8, đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) đã chiếm được hoàn toàn bộ sở Bộ chỉ huy quân sự đông bắc ở khu vực Lashio, phía bắc bang Shan.

Có thể nói, kể từ khi cầm quyền cho đến nay, đây được coi thời điểm khó khăn và chịu áp lực chưa từng có của chính quyền quân đội, đặc biệt là trong trong bối cảnh nền kinh tế đang trì trệ và các cuộc vũ trang nổi dậy chống lại sự cầm quyền của chính quyền ngày càng mạnh mẽ. Báo cáo trong tháng 5 năm nay của Hội đồng Cố vấn đặc biệt về Myanmar (SAC-M) cũng tuyên bố rằng chính quyền quân sự đã mất quyền kiểm quát tại 86% lãnh thổ đất nước và là nơi sinh sống của 67% trong 55 triệu người dân Myanmar.[3] Cũng theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tổ chức đã theo dõi từng diễn biến của cuộc đảo chính, ít nhất 5.161 thường dân đã thiệt mạng và hơn 20.500 người đang bị giam giữ trong tù kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu.[4] Bên cạnh sự tàn phá chưa đến hồi kết ở Myanmar thì cuộc Nội chiến này cũng có tác động đến ASEAN, cả về quan hệ bên trong khối lẫn vị thế của ASEAN đối với bên ngoài.

2. Tác động của Nội chiến Myanmar đối với nội bộ ASEAN 

2.1. Cuộc nội chiến Myanmar bộc lộ sự hạn chế của ASEAN trong việc giải quyết những khủng hoảng nội bộ

Tác động tiêu cực bên trong đầu tiên tiên đối với ASEAN đó là khả năng giải quyết những cuộc khủng hoảng nội bộ. Sự thất bại của “Đồng thuận 5 điểm” đã cho thấy rằng ASEAN không có khả năng giải quyết, thậm chí kiềm chế cuộc chiến trong lòng Myanmar.[5] Cho đến tháng 1/2024, ASEAN không thể đồng lòng thực hiện thêm các biện pháp chế tài gì ngoài việc cấm Myanmar tham dự các diễn đàn chung của nhóm. Sau khi cuộc đảo chính nổ ra, các nước ASEAN đã thể hiện sự đoàn kết nhất thời bằng việc nghiêm cấm đại diện của Myanmar xuất hiện tại các diễn đàn chung của nhóm. Bất chấp quyết định này của ASEAN, tại cuộc họp các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ASEAN tại Lào vào cuối tháng 1/2024, chính quyền quân đội Myanmar vẫn cử đại diện đến tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.[6] Sự bất lực của ASEAN trong gần 4 năm qua, kể từ cuộc đảo chính bắt đầu đã vấp phải sự chỉ trích của một số chuyên gia. Ông Charles Santiago, Nghị viên của ASEAN về Nhân quyền, cho rằng rằng khối đã quá mềm yếu trước phe đảo chính trong khi phớt lờ cảnh ngộ của người dân Myanmar. Ông còn chỉ trích sự thiếu sót của ASEAN khi nhóm này không thể đưa ra một kế hoạch khả dĩ nào đối với vấn đề Myanmar.[7] Với việc ASEAN vẫn chưa đưa ra sáng kiến nào khả thi hơn “Đồng thuận 5 điểm” hay tìm được cách thực thi nó đã cho thấy tổ chức này chưa thể đương đầu với cuộc khủng hoảng Myanmar.

2.2. Ảnh hưởng đến sự đoàn kết của ASEAN

Ngoài việc cho thấy khả năng xử lý khủng hoảng thiếu hiệu quả của ASEAN, nội chiến Myanmar cũng dấy lên sự nghi ngờ về tính đoàn kết của ASEAN. Sự thiếu nhất quán trong hành động của nước thành viên thông qua cơ chế đa phương như Liên Hợp Quốc và thiếu đồng bộ trong cách tiếp cận riêng lẻ với các thế lực ở Myanmar là dấu hiệu cho sự chia rẽ trong nội bộ của ASEAN.[8][9] Tại Liên Hợp Quốc, Nghị quyết lên án cuộc đảo chính và yêu cầu phe đảo chính ở Myanmar phải trả tự do cho tất cả các tù chính trị chỉ được 6/10 thành viên ASEAN tán thành bao gồm Singapore, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar trong khi các thành viên còn lại không bỏ phiếu.[10] Bên cạnh đó, các cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN vào năm 2023, 2024 vừa rồi cũng không đi đến một thông cáo chung về cuộc nội chiến ở Myanmar.[11][12] Ở cuộc họp Ngoại trưởng vào đầu năm 2024, Indonesia, Malaysia và Singapore đã kêu gọi lên tiếng chỉ trích quân đội Myanmar nhiều hơn, thế nhưng các thành viên ASEAN khác như Campuchia, Lào và Việt Nam lại ủng hộ cách tiếp cận mềm mỏng hơn với chính quyền quân sự.[13] Ngoài ra, một số nước thành viên cũng đã có những cuộc gặp riêng với lãnh đạo của SAC hoặc NUG, làm dấy lên lo ngại về quan điểm của các nước ASEAN đối với việc giải quyết cuộc xung đột. Một số ví dụ có thể thấy đó là cuộc gặp riêng giữa cựu Thủ Tướng Hun Sen của Campuchia khi ông còn tại nhiệm với lãnh đạo phe đảo chính ngay tại thủ đô Phnom Penh hay cuộc họp riêng giữa lãnh đạo Thái Lan Prayut Chan-o-cha với lãnh đạo phe đảo chính Min Aung Hlaing tại thủ đô Bangkok.[14] Malaysia và Indonesia cũng lần lượt tổ chức cuộc gặp riêng với NUG. Bản thân Malaysia đã từng kêu gọi các nước thành viên chấp nhận sự hiện diện của NUG trong ASEAN. Về phía Campuchia, cựu Thủ tướng Hun Sen đã trực tiếp gặp lãnh đạo SAC, Min Aung Hlaing, tại Myanmar và cũng có những cuộc điện đàm với vị tướng lĩnh này trong khoảng thời gian Campuchia làm chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2022, gây phẫn nộ đối với nhiều người Myanmar đang tị nạn do tình trạng nội chiến.[15][16] Phản ứng tiêu cực từ phía NUG và các tổ chức sắc tộc phản kháng cho thấy nước đi của cựu Thủ tướng Campuchia không góp phần giúp giảm nhẹ xung đột.[17] Bên cạnh Campuchia và Thái Lan, Singapore và Việt Nam tuy thể hiện sự ủng hộ đối với “Đồng thuận 5 điểm” nhưng mặt khác không đưa ra chế tài cụ thể để thực hiện sự đồng thuận kia. Ngoài ra, cả hai quốc gia này cùng với Indonesia đều có các dự án đầu tư hoặc quan hệ kinh doanh liên quan đến vũ khí với Myanmar bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.[18] Như ở trường hợp của Việt Nam, Mytel, một công ty con của Tập đoàn Viettel đang hoạt động tại Myanmar, đã trở thành doanh nghiệp có doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn nhất của tập đoàn này với trị giá 2,2 tỷ USD trong năm 2022.[19] Cả Singapore và Indonesia đều bị cáo buộc đã xuất khẩu hàng quân dụng hoặc lưỡng dụng với hơn 100 công ty Singapore và 1 công ty quốc phòng công hữu của Indonesia được cho là đã tham gia đường dây buôn lậu vũ khí cho quân đội Myanmar, một hành động chống lại lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.[20]

Cuộc Nội chiến ở Myanmar đã cho thấy ASEAN vẫn còn những hạn chế của mình trong vấn đề đoàn kết nội bộ và khả năng xử lý khủng hoảng. Nhà quan sát Nicholas Farrelly đã tiết lộ rằng ông đã nghe những dự đoán ở Hội nghị Bàn Tròn ASEAN lần thứ 36 rằng tổ chức này sẽ khó tồn tại cho đến năm 2045 vì nhiều lý do khác nhau và ông cho rằng vấn đề Myanmar sẽ là một trong những nguyên nhân đó.[21] Nếu ASEAN tiếp tục thể hiện sự bất lực và chia rẽ của mình thì tổ chức này, theo như nhận xét của một số nhà quan sát và chính cựu Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore, sẽ trở nên “không còn ý nghĩa”.[22][23]

3. Tác động của cuộc Nội chiến Myanmar đối với vai trò và vị thế của ASEAN

3.1. Ảnh hưởng đến tính trung tâm của ASEAN

Cuộc nội chiến tại Myanmar và việc ASEAN chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả cho vấn đề này được nhận định có tác động tiêu cực đến tính trung tâm của ASEAN.  Theo William Jones, Trợ lý Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học quốc tế Mahidol, để giữ uy tín cho mình, ASEAN cần phải nỗ lực củng cố trật tự khu vực. Nhà nghiên cứu cho biết việc các quốc gia thành viên của ASEAN không thể tìm được điểm chung trong vấn đề an ninh khu vực như không có thông cáo chung tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012 tại Phnom Penh do lập trường khác nhau về vấn đề Biển Đông hay vấn  đề ở Myanmar hiện nay sẽ đe dọa đến an ninh khu vực và uy tín của ASEAN.[24] Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Hema Nadarajah, Quản lý Chương trình, Đông Nam Á, thuộc Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương của Canada cùng với hai người cộng sự của mình đã có bài viết xuất bản trên tờ Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương của Canada, theo đó, họ nhận định rằng ASEAN đã cho thấy sự chia rẽ về cách ứng phó trước những mối đe dọa lớn đối với sự hòa bình và ổn định của khu vực, một trong số đó là cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng ở Myanmar. Sự thiếu thống nhất này có nguy cơ làm suy yếu tính trung tâm của ASEAN nếu các vấn đề trong cấu trúc khu vực và tương tác với các cường quốc bên ngoài không được giải quyết dứt điểm.[25]

Tình hình tại Myanmar không chỉ gây thiệt hại cho quốc gia này mà còn tác động đến an ninh biên giới Myanmar – Thái Lan. Cuộc nội chiến Myanmar đã làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thương xuyên biên giới và tạo sự bất ổn cho khu vực này khi hàng ngàn người Myanmar chạy sang Thái Lan lánh nạn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết ông muốn thấy một ASEAN chủ động hơn và đề xuất tổ chức một cuộc họp ASEAN về vấn đề Myanmar.[26] Thái Lan đã thúc giục ASEAN phải có hành động kịp thời để ổn định khu vực Myawaddy gần biên giới Myanmar và Thái Lan. Vì vậy, Chính phủ Thái Lan đang thay đổi cách tiếp cận đối với Myanmar từ hỗ trợ lặng lẽ sang  gây áp lực và tiếp đến là tập trung vào vai trò của ASEAN.[27] Điều này thể hiện nếu ASEAN im lặng, thì uy tín của của ASEAN có thể sẽ bị ảnh hưởng.[28] Tình hình này đang đặt ASEAN vào thế khó xử về việc xử lý tình hình và càng làm vị thế ASEAN mờ nhạt hơn trong khu vực khi Thái Lan có những hành động đối với vấn đề Myanmar. Giáo sư Thitinan PongsudhirakTiến sĩ Hema Nadarajah cùng các đồng sự cho rằng nếu ASEAN không thể tìm ra tiếng nói chung và quyết tâm đi theo con đường đó để chứng tỏ được năng lực đoàn kết và quyết tâm giải quyết công việc nội bộ thì không chỉ “tính trung tâm của ASEAN” bị đe dọa mà còn tạo cơ hội để các cường quốc bên ngoài can thiệp vào vấn đề trong nội bộ khối.[29][30]

3.2. Tạo cơ hội cho sự can thiệp từ các quốc gia bên ngoài      

Sự bị động trong việc giải quyết vấn đề tại Myanmar của ASEAN sẽ tạo cơ hội cho sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài vào khu vực. Hiện tại, Trung Quốc đang tăng cường sự ảnh hưởng lên Myanmar thông qua các hoạt động đối ngoại với các nhóm khác nhau của nước này. Trung Quốc đã cho thấy họ sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ phe cánh quyền lực nào để bảo vệ lợi ích kinh tế của họ, dù đó là chính quyền quân sự hay các nhóm vũ trang dân tộc dọc biên giới Myanmar. Để đổi lấy quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực biên giới và thúc đẩy các lợi ích kinh tế chiến lược của mình, Trung Quốc trong quá khứ đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ các chế độ quân sự liên tiếp ở Myanmar khỏi sự lên án và trừng phạt của quốc tế về các hành vi vi phạm nhân quyền của nước này.[31] Một cường quốc khác đang cạnh tranh với Trung Quốc cũng có mặt để thực hiện các biện pháp của mình là Mỹ. Đối với Mỹ và các đồng minh, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Myanmar cũng là một mối quan tâm chính. Từ lâu, chính phủ Mỹ đã hỗ trợ các lực lượng dân chủ và áp đặt lệnh trừng phạt đối với nhiều chế độ quân sự khác nhau của Myanmar. Khi Myanmar mở cửa vào năm 2011 dưới một chính phủ bán dân sự, Mỹ đã hoan nghênh quá trình cải cách của nước này. Sau khi chính phủ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) nhậm chức vào năm 2016, Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đã được áp dụng trong hai thập kỷ. Chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ các lực lượng dân chủ trong các lĩnh vực quản trị và pháp quyền.[32] Nhìn chung, Trung Quốc và Mỹ đã có những động thái gây ảnh hưởng trong vấn đề Myanmar và điều này càng gây sức ép đối với vai trò của ASEAN trong việc giải quyết cuộc xung đột. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng, nếu vai trò trung tâm của ASEAN bị suy giảm thì sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân bên ngoài gây ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực.[33]

5. Khó khăn của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Myanmar

Trong quá trình giải quyết xung đột ở Myanmar, ASEAN đã gặp khó khăn khi sử dụng các phương thức tiếp cận hay chính sách còn khá ràng buộc. Có thể thấy, việc thực hiện kế hoạch “Đồng thuận 5 điểm” đã trở nên không hiệu quả đối với Myanmar khi diễn biến của cuộc chiến ngày càng căng thẳng, điều này dẫn đến những ý kiến trái chiều trong nội bộ ASEAN. Hành động phớt lờ trước chính sách giúp đỡ của ASEAN và thực tế rằng cuộc xung đột tại Myanmar đến nay vẫn chưa kết thúc, càng khiến cho các thành viên trong khu vực ngờ vực về các chính sách ASEAN đưa ra. Thách thức đầu tiên của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề tại Myanmar là phải tuân theo nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của mình – không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên. Thứ hai, các bên trong cuộc xung đột ở Myanmar đều không muốn hòa giải. Quân đội nắm quyền Myanmar đã liên tục hoãn việc thực hiện các biện pháp do ASEAN đề ra để giải quyết xung đột.[34] Tóm lại, khó khăn của ASEAN là phải đưa ra những giải pháp vừa phù hợp với nguyên tắc hoạt động của khối, vừa đáp ứng yêu cầu của chính quyền quân sự Myanmar. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak của Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Chulalongkorn cho rằng, việc giải quyết thành công vấn đề Myanmar sẽ giúp ASEAN được coi trọng hơn, đặc biệt là đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong việc hợp tác “đa phương” với các cường quốc bên ngoài, bao gồm QUAD (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ) và AUKUS (Úc, Anh, Mỹ). Ông cũng nhấn mạnh rằng nếu ASEAN muốn trở lại vị trí trung tâm trong khu vực, khối này sẽ cần phải tập hợp lại xung quanh năm quốc gia cốt lõi ban đầu, phương thức không can thiệp nội bộ và đồng thuận cũng cần được điều chỉnh lại cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.[35]


Tài liệu tham khảo:

[1] Hlaing, K. H., & Lin, N. (2023, October 30). ‘Operation 1027’: A Turning-Point For Myanmar’s Resistance Struggle? The Diplomat. Retrieved August 18, 2024, from https://thediplomat.com/2023/10/operation-1027-a-turning-point-for-myanmars-resistance-struggle/

[2] Foreign Office, The Government Public Relations Department, Office of the Prime Minister. (2024, 04 23). Thailand Urges Peaceful Resolution Amid Myawaddy Conflict. Retrieved 08 17, 2024, from https://thailand.prd.go.th/en/content/category/detail/id/52/iid/281635

[3] Reuters. (2024, May 29). Myanmar’s ethnic armies consolidate strongholds as junta weakens, reports say. Reuters. Retrieved August 17, 2024, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/myanmars-ethnic-armies-consolidate-strongholds-junta-weakens-reports-say-2024-05-30/

[4] Al Jazeera. (2024, May 31). Myanmar military control weakening as anti-coup forces advance: Report. Al Jazeera. Retrieved August 17, 2024, from https://www.aljazeera.com/amp/news/2024/5/31/myanmar-military-control-weakening-as-anti-coup-forces-advance-report

[5] Hunt, L. (2024, April 22). Analysts: ASEAN must ‘find its backbone’ in Myanmar. VOA. Retrieved August 15, 2024, from https://www.voanews.com/a/analysts-asean-must-find-its-backbone-in-myanmar/7580017.html

[6] KYODO NEWS. (2024, January 28). Myanmar junta senior official attends ASEAN meeting in Laos. Kyodo News. Retrieved August 19, 2024, from https://english.kyodonews.net/news/2024/01/d9036d2f8a4d-myanmar-junta-likely-to-send-senior-official-to-asean-meeting-in-laos.html

[7] Hunt, L. (2024, April 22). Analysts: ASEAN must ‘find its backbone’ in Myanmar. VOA. Retrieved August 15, 2024, from https://www.voanews.com/a/analysts-asean-must-find-its-backbone-in-myanmar/7580017.html

[8]AFP. (2023, 7 13). Divided ASEAN struggles to reach united Myanmar stance. France 24. https://www.france24.com/en/live-news/20230713-divided-asean-grapples-for-united-myanmar-stance-1

[9] Nadarajah, H., Iskandar, A., Lee, S., & San, S. T. (2024, 8 7). ASEAN Ministerial Meeting Shows Deepening Internal Rift over Myanmar and South China Sea. Asia Pacific Foundation of Canada. https://www.asiapacific.ca/publication/asean-ministerial-meeting-July-2024-shows-deepening-internal-rift-over-priority-issues

[10]  Tucker, S. (2023, July 25). Myanmar Reveals ASEAN’s Weak Spot Again • Stimson Center. Stimson Center. Retrieved August 15, 2024, from https://www.stimson.org/2023/myanmar-reveals-aseans-weak-spot-again/

[11] Nadarajah, H., Iskandar, A., & Lee, S. (2024, August 7). ASEAN Ministerial Meeting Shows Deepening Internal Rift over Myanmar and South China Sea. Asia Pacific Foundation of Canada. https://www.asiapacific.ca/publication/asean-ministerial-meeting-July-2024-shows-deepening-internal-rift-over-priority-issues

[12] AFP. (2023, 7 13). Divided ASEAN struggles to reach united Myanmar stance. France 24. https://www.france24.com/en/live-news/20230713-divided-asean-grapples-for-united-myanmar-stance-1

[13]  Nadarajah, H., Iskandar, A., & Lee, S. (2024, August 7). ASEAN Ministerial Meeting Shows Deepening Internal Rift over Myanmar and South China Sea. Asia Pacific Foundation of Canada. https://www.asiapacific.ca/publication/asean-ministerial-meeting-July-2024-shows-deepening-internal-rift-over-priority-issues

[14] Zan, H. H. (2023, August 25). Thailand Reaffirms Bonds With Myanmar Junta. The Irrawaddy. https://www.irrawaddy.com/news/burma/thailand-reaffirms-bonds-with-myanmar-junta.html

[15] The Irrawaddy. (2022, May 13). Hun Sen Slammed After Scolding Critics of Myanmar Junta’s ‘Peace’ Bid. The Irrawaddy. Retrieved August 19, 2024, from https://www.irrawaddy.com/news/burma/hun-sen-slammed-after-scolding-critics-of-myanmar-juntas-peace-bid.html

[16] Turton, S. (2022, January 8). Cambodian PM becomes 1st leader to meet Myanmar military chief. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Spotlight/Myanmar-Crisis/Cambodian-PM-becomes-1st-leader-to-meet-Myanmar-military-chief

[17] Tucker, S. (2023, July 25). Myanmar Reveals ASEAN’s Weak Spot Again. Stimson Center. Stimson Center. Retrieved August 15, 2024, from https://www.stimson.org/2023/myanmar-reveals-aseans-weak-spot-again/

[18]  Ewe, K. (2023, October 20). Why Southeast Asia Just Can’t Seem to Cut Off Myanmar’s Junta. Time magazine. Retrieved August 15, 2024, from https://time.com/6326274/asean-myanmar-junta-trade/?fbclid=IwY2xjawEm5vhleHRuA2FlbQIxMAABHbhK_m-aUhfu5x_NmClxvCRy3xdKpky9p4vv6tvJvCNbUAspAsJVg34pwQ_aem_seXVYEp-stbaoMrAlrwW-g  

[19] Ân, T. (2022). Mạng Mytel mang về doanh thu lớn nhất từ thị trường nước ngoài của Viettel. Forbes Việt Nam. Retrieved August 15, 2024, from https://forbes.vn/mang-mytel-mang-ve-doanh-thu-lon-nhat-tu-thi-truong-nuoc-ngoai-cua-viettel/

[20] Ewe, K. (2023, October 20). Why Southeast Asia Just Can’t Seem to Cut Off Myanmar’s Junta. Time magazine. Retrieved August 15, 2024, from https://time.com/6326274/asean-myanmar-junta-trade/?fbclid=IwY2xjawEm5vhleHRuA2FlbQIxMAABHbhK_m-aUhfu5x_NmClxvCRy3xdKpky9p4vv6tvJvCNbUAspAsJVg34pwQ_aem_seXVYEp-stbaoMrAlrwW-g

[21] Farrelly, N. (2023, August 23). Myanmar’s future is not a foregone conclusion | The Strategist. ASPI Strategist. Retrieved August 15, 2024, from https://www.aspistrategist.org.au/myanmars-future-is-not-a-foregone-conclusion/

[22] Ong, J., & Wai, L. (2023, September 5). PM Lee warns Asean risks irrelevance if ‘passive’ amid geopolitical tensions; calls for renewed push to resolve Myanmar crisis. Today Online. Retrieved August 15, 2024, from https://www.todayonline.com/world/pm-lee-warn-asean-irrelevance-passive-myanmar-stance-2247291

[23] Thiha, A. W., Ealom, J., & Berry, M. (2024, July 25). ASEAN Must Step-up or Face Irrelevance on the Myanmar Crisis. The Diplomat. Retrieved August 15, 2024, from https://thediplomat.com/2024/07/asean-must-step-up-or-face-irrelevance-on-the-myanmar-crisis/

[24]  William J Jones, Douglas Lee Rhein. (2023, December 25). ASEAN’s credibility and centrality on the line amid crisis in Myanmar. East Asia Forum. Retrieved August 20, 2024, from https://eastasiaforum.org/2023/12/25/aseans-credibility-and-centrality-on-the-line-amid-crisis-in-myanmar/

[25] Nadarajah, H., Iskandar, A., & Lee, S. (2024, August 7). ASEAN Ministerial Meeting Shows Deepening Internal Rift over Myanmar and South China Sea. Asia Pacific Foundation of Canada. https://www.asiapacific.ca/publication/asean-ministerial-meeting-July-2024-shows-deepening-internal-rift-over-priority-issues

[26] Setboonsarng, C., Thepgumpanat, P., & Petty, M. (2024, April 26). Thailand urges bigger ASEAN role in resolving Myanmar conflict. Reuters. Retrieved August 20, 2024, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/thailand-urges-bigger-asean-role-resolving-myanmar-conflict-2024-04-26/

[27] William J Jones, Douglas Lee Rhein. (2023, December 25). ASEAN’s credibility and centrality on the line amid crisis in Myanmar. East Asia Forum. Retrieved August 20, 2024, from https://eastasiaforum.org/2023/12/25/aseans-credibility-and-centrality-on-the-line-amid-crisis-in-myanmar/

[28] William J Jones, Douglas Lee Rhein. (2023, December 25). ASEAN’s credibility and centrality on the line amid crisis in Myanmar. East Asia Forum. Retrieved August 20, 2024, from https://eastasiaforum.org/2023/12/25/aseans-credibility-and-centrality-on-the-line-amid-crisis-in-myanmar/

[29] Nadarajah, H., Iskandar, A., & Lee, S. (2024, August 7). ASEAN Ministerial Meeting Shows Deepening Internal Rift over Myanmar and South China Sea. Asia Pacific Foundation of Canada. https://www.asiapacific.ca/publication/asean-ministerial-meeting-July-2024-shows-deepening-internal-rift-over-priority-issues

[30] Pongsudhirak, T. (2023, August 31). Myanmar Coup Threatens ASEAN Centrality. The Irrawaddy. https://www.irrawaddy.com/opinion/guest-column/myanmar-coup-threatens-asean-centrality.html#google_vignette

[31]  William J Jones, Douglas Lee Rhein. (2023, December 25). ASEAN’s credibility and centrality on the line amid crisis in Myanmar. East Asia Forum. Retrieved August 20, 2024, from https://eastasiaforum.org/2023/12/25/aseans-credibility-and-centrality-on-the-line-amid-crisis-in-myanmar/

[32] Hnin, P. (2024, April 3). How a Fractured Myanmar is Navigating U.S.-China Rivalry. United States Institute of Peace. https://www.usip.org/publications/2024/04/how-fractured-myanmar-navigating-us-china-rivalry

[33] Nadarajah, H., Iskandar, A., & Lee, S. (2024, August 7). ASEAN Ministerial Meeting Shows Deepening Internal Rift over Myanmar and South China Sea. Asia Pacific Foundation of Canada. https://www.asiapacific.ca/publication/asean-ministerial-meeting-July-2024-shows-deepening-internal-rift-over-priority-issues

[34] Rogozhina N. (2021). The Role of ASEAN in Political Conflict Resolution in Myanmar. Analysis & Forecasting. Journal of IMEMO, 2021, no 2, pp.28-37. Retrieved August 16, 2024, from

https://www.afjournal.ru/en/2021/2/global-and-regional-challenges/the-role-of-asean-in-political-conflict-resolution-in-myanmar

[35] Pongsudhirak, T. (2023, August 31). Myanmar Coup Threatens ASEAN Centrality. The Irrawaddy. https://www.irrawaddy.com/opinion/guest-column/myanmar-coup-threatens-asean-centrality.html#google_vignette

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *