1. Khái quát về nhóm BRICS
BRICS là một nhóm phi chính thức của các nước thành viên bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Cụm từ này được chính trị gia người Anh Jim O’Neill đặt ra trong thập niên 2000 để gọi tên những nền kinh tế đang phát triển sẽ sớm gây ảnh hưởng lớn đến chính trị thế giới.[1] Sau chặng đường 18 năm kể từ khi hình thành vào năm 2006, nhóm này đã cho thấy khả năng hợp tác nội khối với sự ra đời của Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank – NDB) vào năm 2015.[2] Sứ mệnh của ngân hàng này đó là giúp tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các nước đang phát triển cũng như là ở các nước thành viên.[3] Tính đến nay, đã có hơn 100 dự án được NDB đầu tư.[4] Trong thời gian gần đây, khối BRICS cũng đã và đang thảo luận về một đồng tiền mới với tham vọng thay thế đồng dollar trong thương mại quốc tế.[5] Điều này cho thấy rằng BRICS hiện nay, tuy không phải là một tổ chức chính thức nhưng tiềm năng phát triển của nó phần nào thúc đẩy mong muốn gia nhập khối của những quốc gia bên ngoài.
Trên bình diện thế giới, sự mở rộng của BRICS là biện pháp để các nước đang phát triển phản ứng với trật tự thế giới Hậu-Chiến tranh Lạnh do phương Tây dẫn đầu. Những cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu và châu Á cùng với sự trỗi dậy về kinh tế của những nước như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ đã tạo ra thách thức lớn cho trật tự này.[6] Đi kèm với bối cảnh quốc tế đã nêu trên, động cơ cho sự mở rộng khối BRICS của những nước thành viên cũng như cơ hội mà nhóm này có thể mang lại cũng thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Mặc dù BRICS chưa phải là một tổ chức liên chính phủ chính thức nhưng việc kết nạp thêm thành viên đã dấy lên những suy đoán về tác động của nhóm này lên chính trị thế giới trong tương lai.
2. Đánh giá, dự báo về tiến trình mở rộng khối BRICS
Năm 2024 là năm đánh dấu sự mở rộng của BRICS khi chính thức có thêm năm quốc gia bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất gia nhập khối. Sự mở rộng này đã nâng số lượng thành viên của khối lên 10 quốc gia, chiếm khoảng 45% dân số thế giới, 36% GDP toàn cầu và 25% xuất khẩu hàng hóa thế giới.[7] Ngoài ra, sự tham gia của các thành viên mới đã góp phần nâng cao vai trò của nhóm với tư cách là nhà cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô lớn toàn cầu.
Tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ XV được tổ chức tại Nam Phi cho biết các quốc gia được lựa chọn và mời gia nhập nhóm sau khi các nước BRICS đã đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình của việc mở rộng BRICS nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các tiêu chí cụ thể.[8] Theo Danny Bradlow, giáo sư tại Trung tâm Phát triển Học thuật tại Đại học Pretoria, điểm chung dễ nhận thấy nhất giữa các quốc gia được mời gia nhập BRICS đó là tầm quan trọng của những nước này trong khu vực của mình. Sanusha Naidu, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Đối thoại Toàn cầu, tổ chức nghiên cứu về Trung Quốc và châu Phi của Nam Phi, đã bổ sung thêm một yếu tố về các thành viên mới được kết nạp đó là tập trung nhiều vào năng lượng. Chia sẻ hai quan điểm này, Na’eem Jeenah, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chiến lược Mapungupwe của Nam Phi, dự báo trong số các quốc gia châu Phi, thì Algeria, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn, hoặc Nigeria, quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế hàng đầu của châu lục, có khả năng sẽ được đưa vào BRICS.[9]
Năm 2024 là năm Nga đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của nhóm BRICS. Paul Goncharoff, Giám đốc công ty tư vấn Goncharoff, trong cuộc phỏng vấn về tầm quan trọng của BRICS đối với chính sách đối ngoại của Nga và triển vọng của BRICS khi Nga làm chủ tịch, cho biết việc kết nạp thêm các quốc gia khác làm thành viên và mở rộng quan hệ thương mại với các khối khác như Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, ASEAN, Cộng đồng các quốc gia Đông Phi và Mercosur của Mỹ Latinh có khả năng sẽ được thúc đẩy. Theo ông, Nga đang thực hiện các bước đi tích cực để liên kết bản thân và BRICS với Nam bán cầu.[10] Các nhà nghiên cứu cho rằng Nga có hai mục tiêu chiến lược đối với BRICS bao gồm tìm kiếm thị trường xuất khẩu năng lượng mới sau khi đánh mất thị trường châu Âu từ cuộc xung đột với Ukraine và xây dựng hình ảnh là một quốc gia ủng hộ Nam bán cầu để củng cố tính đạo đức trong mô hình cai trị của mình.[11] Ngoài ra, theo Marco Carrasco-Villanueva, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế và châu Á, việc mở rộng thành viên của BRICS sẽ giúp Nga thoát khỏi sự cô lập quốc tế và mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong bối cảnh hiện tại. Với những lý do trên, tiến trình mở rộng BRICS có khả năng sẽ được thúc đẩy dưới nhiệm kỳ chủ tịch của Nga. Nhiều nhà quan sát cũng có cùng quan điểm trong việc BRICS sẽ tiếp tục được mở rộng, chẳng hạn như Na’eem Jeenah, Julien Vercueil, Jean-Joseph Boillot.[12][13] Theo Paul Goncharoff, các thành viên mới có thể bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Bangladesh, Ecuador, Uruguay trong năm nay và Indonesia, Nigeria, Venezuela vào năm 2025.[14] Tuy nhiên, Jean-Joseph Boillot, Nghiên cứu viên liên kết tại IRIS về nền kinh tế Ấn Độ và thế giới mới nổi, lại cho biết mặc dù xu hướng mở rộng BRICS sẽ tiếp tục nhưng tốc độ của nó sẽ được giữ ở mức vừa phải để phân tán quyền lực trong nhóm và lần mở rộng tiếp theo có thể sẽ không diễn ra vào năm 2024 mà phải đợi đến năm sau.[15] Ngoài ra, theo nguồn tin từ Ấn Độ, quốc gia này dường như không quan tâm đến việc kết nạp thêm các thành viên mới vào khối trong năm nay vì họ cho rằng cần có thời gian để điều chỉnh hoạt động của khối sau khi tiếp nhận các quốc gia mới vào đầu năm 2024.[16]
Các thách thức của khối BRICS mở rộng
Mặc dù các thành viên của BRICS hiện nay đều có chung các lợi ích trong việc phát triển hệ thống hợp tác đa phương, đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thương mại, đưa ra các giải pháp tài chính để cung cấp vốn cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thanh khoản nhưng đồng thời cũng có nhiều điểm khác biệt có thể dẫn đến căng thẳng nội bộ và cản trở khả năng đạt được sự đồng thuận để đưa ra các quyết định của nhóm.[17][18] Chẳng hạn, xét về động lực mở rộng khối, các nước thành viên thể hiện tầm nhìn khác nhau về tương lai của BRICS. Hai nước Nga và Trung Quốc xem việc mở rộng BRICS là một cách tập trung, củng cố lực lượng để hình thành một thế đối đầu với phương Tây. Đặc biệt là Nga, nước đang phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, cần BRICS phải mở rộng để tăng cường hợp tác kinh tế và mở rộng không gian ngoại giao. Trong khi đó, những nước sáng lập còn lại không muốn biến BRICS trở thành một khối chống phương Tây. Brazil và Ấn Độ nhìn nhận sự mở rộng của BRICS là cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế với những nước thành viên mới. Ngoài ra, Brazil muốn thông qua sự mở rộng này để tăng cường ảnh hưởng của mình đối với các nước thuộc Nam bán cầu. Ấn Độ, mặt khác mong muốn BRICS trở thành một khối “đa liên kết” (multi-alignment) thay vì trở trở thành công cụ chống phương Tây theo như tầm nhìn của Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, Nam Phi, thành viên có nền kinh tế nhỏ nhất của BRICS, lại e ngại việc đón chào những thành viên mới vào nhóm sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của họ.[19][20]
Đối với năm quốc gia mới gia nhập BRICS, tuy đa số có điểm chung là động lực phát triển kinh tế nhưng theo sau đó là những hàm ý chính trị đi kèm. Các nước như Ai Cập, Ethiopia, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đều mong muốn gia nhập vì những cơ hội kinh tế mà BRICS mang lại. Ai Cập và Ethiopia đều đang gánh những khoản nợ và cần sự hỗ trợ về mặt tài chính. Riêng Ai Cập, nước này mong muốn có sự ủng hộ từ các nước thành viên giúp nâng cao vị thế của nước này trong khu vực. Với Ả Rập Saudi, ngoài những lợi ích kinh tế khi gia nhập BRICS, họ muốn thông qua đó để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và củng cố vị thế của mình. Về phía Iran, việc gia nhập BRICS sẽ giúp giảm đi thiệt hại mà lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt lên họ.[21]
Bên cạnh đó, những xung đột giữa các nước thành viên như giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực biên giới, giữa Ai Cập và Ethiopia về con đập trên sông Nile cũng như căng thẳng vẫn còn tồn đọng trong quan hệ giữa Iran và Ả Rập Saudi đều là những thách thức đối với sự hợp tác nội khối của nhóm BRICS.
3. Nhận định của các chuyên gia về tác động của việc mở rộng khối BRICS
3.1. Đối với thế giới
Về kinh tế
Sau khi kết nạp các thành viên mới, BRICS sẽ có sức nặng đáng kể về mặt nhân khẩu học và kinh tế khi chiếm khoảng 45% dân số thế giới, hơn 40% sản lượng dầu thế giới và khoảng một phần ba GDP toàn cầu.[22] Khối này hiện đóng góp 18% thương mại toàn cầu, trong khi GDP đã đạt 56.000 tỷ USD, chiếm 32% sản lượng kinh tế toàn cầu. “Tiềm lực của các nước BRICS đã vượt qua nhóm G7 gồm các nước phát triển và đây chính là ý nghĩa của BRICS ở cấp độ kinh tế.[23] Theo Andrey Spartak, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Đối ngoại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, cơ chế này ngày càng trở nên thu hút hơn đối với các thành viên tiềm năng khác.[24]
Theo Akash Kalra, Chuyên gia tư vấn chuyển giá và kinh tế quốc tế, sự mở rộng này sẽ có những tác động sâu sắc đến trật tự kinh tế quốc tế đang thay đổi nhanh chóng. Ngân hàng Phát triển Mới của riêng BRICS với bảng cân đối kế toán đặc biệt mạnh mẽ của Ả Rập Saudi, sẽ trở thành lựa chọn ưu tiên cho các quốc gia này khi thực hiện các khoản vay tài chính.[25] Các cố vấn cho các ngân hàng trung ương cũng khẳng định rằng đối với nhiều quốc gia, BRICS mang lại hy vọng về triển vọng kinh tế tốt hơn cho Mỹ Latin, châu Phi và châu Á. Sự công nhận trong nền kinh tế toàn cầu sẽ cho phép BRICS định hình lại các lĩnh vực thương mại, tài chính và đầu tư quốc tế vốn từng do Mỹ và Tây Âu độc quyền, bởi các thành viên của khối sẽ thiết lập các liên minh thương mại và đầu tư mới. Sự mở rộng này cũng được Nhà nghiên cứu Creon Butler từ Viện nghiên cứu Chatham House xem là một giải pháp cho áp lực trừng phạt của Nga, vì nước này đã xoay sở để tăng lượng dầu và khí đốt nhập khẩu vào các thành viên BRICS sau khi mất các thị trường xuất khẩu thiết yếu ở châu Âu.[26]
Hơn hết, có thể nói rằng đồng đô la Mỹ (USD) là đồng tiền bị tác động đáng kể nhất bởi sự mở rộng của BRICS. Các thành viên hiện tại không hề che giấu mong muốn giao dịch song phương bằng các loại tiền tệ tương ứng của họ và tìm kiếm các thỏa thuận không phải bằng đô la khi có thể. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã thừa nhận trong Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg rằng có “một động lực toàn cầu cho việc sử dụng các loại tiền tệ địa phương, các thỏa thuận tài chính thay thế và các hệ thống thanh toán thay thế”[27]. Theo nhận định của các nhà phân tích tài chính và kinh tế thuộc Tập đoàn ING (Hà Lan), BRICS mở rộng với quy mô nào đều có thể tác động tới tốc độ mà khối này áp dụng các hệ thống thương mại và tài chính bên ngoài phạm vi đồng USD. Nếu BRICS bỏ đồng USD trong giao thương, nhiều dự báo cho rằng trong trung hạn, USD cũng có thể giảm nhanh vì dư địa cắt giảm lãi suất của Mỹ là rất lớn sau khi Fed tăng lãi suất 11 lần trong năm 2022 và 2023.[28] Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS, cho dù tiếp tục mọi viễn cảnh hạ bệ đồng đô la, thì đồng USD vẫn sẽ là loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất, chiếm gần 90% tất cả các giao dịch ngoại hối.[29]
Về chính trị
BRICS đang đi theo cùng một quỹ đạo mà Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đi. Bắt đầu là một nhóm chặt chẽ và theo thời gian, mở rộng do sự gia nhập của nhiều quốc gia khác nhau. Theo Mahnoor Babar, Thạc sĩ Triết học chuyên ngành Quan hệ quốc tế, BRICS cũng cung cấp tiếng nói bình đẳng cho các chế độ quân chủ ở Trung Đông, chế độ độc tài ở châu Phi, chế độ chuyên quyền ở Nga và Trung Quốc và các nền dân chủ một phần hoặc có khiếm khuyết ở Ấn Độ và Argentina. “Đối với Trung Quốc và Nga, đây là một chiến thắng.[30] Họ đã thúc đẩy điều này trong hơn năm năm nay”, Ryan C. Berg, người đứng đầu Chương trình Châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết.[31]
Ngoài ra, C. Raja Mohan, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á và là cựu thành viên Ban Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ đánh giá thông báo mở rộng BRICS có một tác động lớn về mặt chính trị là yêu cầu phương Tây ngừng xem thường vai trò của phương Nam. Theo đó, những người ra quyết định sáng suốt ở phương Tây nên loại bỏ thái độ coi thường bảo thủ, lẫn thái độ trịch thượng cấp tiến – vốn là những thái độ đang gây khó khăn cho việc thu hút giới tinh hoa ở các nước phương Nam – và cần tìm ra những cách tốt hơn để tái thu hút các quốc gia đang phát triển.[32]
3.2 Đối với Việt Nam
Cho đến nay, Việt Nam vẫn kiên định với nền ngoại giao cây tre, duy trì cân bằng chiến lược với các nước lớn, tránh bị rơi vào vòng xoáy đối đầu. Việt Nam vẫn chưa đưa ra những tuyên bố chính thức nào về ý muốn gia nhập BRICS. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam gần đây đã chính thức bày tỏ sự quan tâm tới việc mở rộng của khối này. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc BRICS hợp tác với các nước đang phát triển để thúc đẩy ba trọng tâm chính, một trọng tâm khác là cải thiện vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị và thực hiện các chương trình nghị sự phát triển toàn cầu. [33]
Phó Giáo sư Rahul Mishra tin rằng Việt Nam, Lào và Campuchia “có thể là những ứng viên tiềm năng” cho BRICS vì họ đã có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, Ấn Độ và Nga — tất cả đều là những nước chủ chốt trong BRICS. Đối với Việt Nam, quốc gia đã ghi nhận các khoản đầu tư đáng kể, đây sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại vượt ra ngoài các thị trường truyền thống sang Trung Đông, Mỹ Latin và châu Phi.[34]
Ở chiều hướng ngược lại, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải từ Đại học Queensland nhận định nếu gia nhập BRICS ở thời điểm hiện nay thì Việt Nam cũng chỉ có thêm một địa chỉ diễn đàn đa phương để tham gia, nhưng không có lợi ích thực chất nếu xét về góc độ kinh tế. Nếu Việt Nam tham gia vào BRICS, khả năng cao sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương với các quốc gia phương Tây khi Việt Nam đang có nhu cầu thúc đẩy hợp tác kinh tế chặt chẽ và nhiều hơn nữa với những nước này để thực hiện được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của mình. Đây là điều không phù hợp với chủ trương và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ngoài ra, khi gia nhập BRICS, cùng với nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy phi đô la hóa và đẩy mạnh sự ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ, khả năng Việt Nam phải phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ nhiều hơn.[35]
Hơn hết, các chuyên gia đã đặt ra một số lo ngại về vấn đề Nga đang cố gắng tìm kiếm các đồng minh ủng hộ mình trong cuộc xung đột với Ukraine. Cụ thể, Chuyên gia kinh tế cao cấp Jose Caballero của Viện phát triển quản lý quốc tế (IMD) nhận thấy Nga đang cố gắng tập hợp sự ủng hộ có ảnh hưởng cho lập trường của mình trong cuộc chiến. Điều này đã được ám chỉ tại cuộc họp hội nghị BRICS gần đây của các nhà lãnh đạo cấp cao từ Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế đang mở rộng này đã ngần ngại lên án hoàn toàn Nga vì hành động của nước này ở Ukraine. Tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Brazil Lula da Silva cho biết cuộc xung đột Ukraine “cho thấy những hạn chế của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc” và chỉ ra sức mạnh kinh tế của các đồng minh BRICS như một biểu tượng cho sự liên quan toàn cầu của khối này.[36] Trao đổi với IRA, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh, cho rằng việc Việt Nam tham gia BRICS vào thời điểm này, khi Nga đang là chủ tịch luân phiên, có thể được xem là một tình huống nhạy cảm trong bối cảnh xung đột giữa Nga và phương Tây. Quốc gia này đã tuyên bố chính sách ngoại giao trung lập “không chọn bên”. Nếu tồn tại nhận thức cho rằng BRICS mở rộng thành viên là một hình thức tập hợp lực lượng của Nga thì chắc chắn cũng sẽ có nhận thức cho rằng Việt Nam đã chọn một bên trong bối cảnh xung đột hiện nay.
[1] https://www.britannica.com/topic/BRICS
[2] https://www.ndb.int/about-ndb/
[3] https://www.escr-net.org/sites/default/files/brics-ndb-factsheet-final-1.pdf
[4] https://www.ndb.int/projects/all-projects/
[5]https://www.reuters.com/markets/currencies/what-is-brics-currency-could-one-be-adopted-2023-08-23/
[6] https://journals.sagepub.com/doi/pdf/10.1177/00094455231187054
[7] https://wiiw.ac.at/brics-plus-new-world-order-after-the-pax-americana-n-623.html
[8] http://brics2023.gov.za/wp-content/uploads/2023/08/Jhb-II-Declaration-24-August-2023-1.pdf
[9] https://www.aljazeera.com/news/2023/8/24/analysis-wall-of-brics-the-significance-of-adding-six-new-members
[10] https://www.wgi.world/prospects-for-brics-under-russia-s-2024-presidency-an-interview-with-paul-goncharoff/
[11] https://www.freiheit.org/latin-america/brics-enlargement-non-event-or-stage-victory-against-west
[12] https://www.aljazeera.com/news/2023/8/24/analysis-wall-of-brics-the-significance-of-adding-six-new-members
[13] https://www.iris-france.org/186913-brics-towards-a-new-international-order/
[14] https://www.wgi.world/prospects-for-brics-under-russia-s-2024-presidency-an-interview-with-paul-goncharoff/
[15] https://www.iris-france.org/186913-brics-towards-a-new-international-order/
[16] https://laodong.vn/the-gioi/tro-ngai-voi-cac-nuoc-muon-gia-nhap-brics-trong-nam-2024-1348887.ldo
[17] https://www.freiheit.org/latin-america/brics-enlargement-non-event-or-stage-victory-against-west
[18] Taihe Institute. (January 2024). BRIC by BRIC: Building Blocks for a Better Connected World. Taihe Institute
[19] https://www.usip.org/publications/2023/08/what-brics-expansion-means-blocs-founding-members
[20] https://www.freiheit.org/latin-america/brics-enlargement-non-event-or-stage-victory-against-west
[21] https://www.freiheit.org/latin-america/brics-enlargement-non-event-or-stage-victory-against-west
[22] https://www.focus-economics.com/blog/expansion-of-the-brics-what-are-the-economic-implications/
[23] https://www.focus-economics.com/blog/expansion-of-the-brics-what-are-the-economic-implications/
[24] https://www.europarl.europa.eu/thinktank/en/document/EPRS_BRI(2024)760368
[25] https://www.businesstoday.in/opinion/columns/story/why-expansion-of-brics-is-so-profound-for-the-global-economy-410226-2023-12-20
[26] https://www.linkedin.com/pulse/impact-brics-countries-global-economy-2024-beyond-nick-patel-mucif/
[27] https://www.dw.com/en/brics-expansion-sparks-joy-in-africa/a-66633777
[28] https://www.focus-economics.com/blog/expansion-of-the-brics-what-are-the-economic-implications/
[29] https://www.geopoliticalmonitor.com/will-brics-expansion-finally-end-western-economic-and-geopolitical-dominance/
[30] https://cscr.pk/explore/themes/trade-economics/foreseeable-implications-of-brics-expansion/
[31] https://www.theguardian.com/business/2023/aug/24/five-brics-nations-announce-admission-of-six-new-countries-to-bloc
[32] https://foreignpolicy.com/2023/08/29/brics-expansion-china-russia-global-south-us-geopolitics-alliances/
[33] https://vietnamnews.vn/politics-laws/1657300/viet-nam-attends-brics-dialogue-with-developing-countries.html
[34] https://www.khmertimeskh.com/501519504/malaysias-thailands-entry-will-further-democratise-brics/
[35] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz96z680ydgo
[36] https://theconversation.com/how-russia-is-fighting-for-allies-among-the-brics-countries-using-memory-diplomacy-212130