Tổng kết chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin

Ngày 16-17/5/2024 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm đến Trung Quốc.[1] Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Putin trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 5[2] và là lần thứ 2 ông thăm Trung Quốc kể từ khi “Chiến dịch quân sự đặc biệt” bắt đầu. Trong các năm 2022, 2023, 2024, nguyên thủ nước Nga luôn thực hiện các chuyến thăm đến Trung Quốc. Theo các đánh giá, quan hệ Nga – Trung vẫn đang thể hiện tính bền chặt qua mỗi chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Trung Quốc.[3][4][5] Đáng lưu ý, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Putin chỉ cách chuyến thăm lần trước khoảng 7 tháng.[6] Điều này có thể là báo hiệu cho một bước ngoặt trong quan hệ tựa như đồng minh giữa Nga và Trung Quốc.

1. Những yếu tố tác động đến quan hệ Nga – Trung hiện nay

1.1. Những thuận lợi và thách thức trong quan hệ Nga – Trung

Kể từ sau chuyến thăm gần nhất của Tổng thống Putin đến Trung Quốc, quan hệ Nga – Trung được thắt chặt hơn về nhiều mặt. Về mặt thương mại, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga sau khi lệnh cấm vận năng lượng của phương Tây được ban hành.[7] Tháng 6/2023 chứng kiến Trung Quốc nhập khẩu một lượng dầu thô lớn chưa từng có từ Nga[8] và hai nước cũng đang trong quá trình xây dựng tuyến đường ống dẫn khí Power of Siberia 2 từ Nga sang Trung Quốc.[9] Một số mặt hàng của Trung Quốc cũng dần thay thế mặt hàng phương Tây ở Nga. Điển hình như ở thị trường ô tô, thị phần ô tô của Trung Quốc tại Nga đã tăng từ 10% trong năm 2022 lên đến 40% trong năm 2024.[10] Đối với thương mại 2 chiều nói chung, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 218 tỷ USD, tăng 26.3% so với năm 2022.[11] Bên cạnh đó, theo lời của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Trung Quốc cũng đã bán cho Nga những loại hàng hóa lưỡng dụng hoặc thậm chí được quân đội Nga sử dụng trực tiếp ở chiến trường.[12] Từ đầu năm 2024, hợp tác an ninh Trung và Nga đã được nâng cấp lên mức “cao nhất” sau cuộc gọi video giữa tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu.[13] Trước cộng đồng quốc tế, Trung Quốc từ chối gọi “Chiến dịch quân sự đặc biệt” là cuộc xâm lược và đổ lỗi cho Mỹ vì cuộc xung đột.[14] Ngoài ra, họ còn liên tục cam kết sẽ làm sâu đậm hơn mối quan hệ “tình bạn không giới hạn” với Nga bất chấp sự phản đối từ phương Tây.[15][16] Những thông tin chung về tình hình mối quan hệ Nga – Trung cho thấy chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh 2 nước có quan hệ tích cực. Tuy nhiên, sự ưu tiên của hai bên không hoàn toàn đồng nhất, thậm chí chúng còn có dấu hiệu mâu thuẫn với nhau.

Vấn đề trước mắt trong quan hệ hai nước liên quan đến đường ống khí đốt Power of Siberia 2 đang được xây dựng. Sau khi hoàn thành, Power of Siberia 2 được ước tính sẽ vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc.[17] Thế nhưng, tiến độ của dự án đang bị đình trệ vì Trung Quốc đang ưu tiên cho việc xanh hóa ngành năng lượng của mình thông qua việc trợ cấp cho hàng loạt các nhà sản xuất pin, xe điện ở trong nước.[18][19] Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có nhiều nguồn cung năng lượng khác đang cạnh tranh với Nga, khiến cho Nga bị lệ thuộc chính trị vào “bên mua duy nhất” là Trung Quốc.[20] Mặc dù tổng kim ngạch thương mại Nga – Trung lên đến hơn 200 tỷ USD nhưng cán cân nghiêng lại về phía Trung Quốc.[21] Giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Nga là 129 tỷ USD, tăng 12.7% so với năm 2022 nhưng chỉ chiếm 5% tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2023. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga trong năm 2023 trị giá 111 tỷ USD, tăng gần 50% so với 2022 nhưng giá trị của nó chỉ đứng thứ 9 trên bảng tổng sắp giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang các quốc gia, khu vực. Điều này cho thấy Nga không chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc mà còn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước này.[22] Không chỉ thương mại mà nền tài chính của Nga cũng đã dần phụ thuộc vào Trung Quốc khi đồng Nhân dân tệ đã trở thành đơn vị tiền tệ trao đổi giữa hai nước sau khi Nga bị đưa ra khỏi hệ thống SWIFT.[23] Theo chuyên gia Alexander Gabuev, đòn bẩy rõ ràng mà Nga có đó là công nghệ quân sự mà Trung Quốc cần.[24] Mặt khác, “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga lại khiến Trung Quốc rơi vào thế khó trong quan hệ Nga – Trung – phương Tây.[25] Trung Quốc muốn thể hiện là đối tác tin cậy với Nga nhưng cũng không muốn vướng vào một vấn đề mà phương Tây xem là an ninh chiến lược. Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa bán vũ khí cho Nga như Triều Tiên hay Iran[26] và đã liên tục bỏ phiếu Trắng khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc muốn thông qua Nghị quyết lên án hành vi của Nga ở Ukraine.[27] Một số định chế tài chính của Trung Quốc đã hạn chế làm việc với công ty của Nga do lo ngại bị Mỹ trừng phạt kinh tế.[28] Sự chuyển biến trong quan hệ Nga – Trung từ năm 2022 trở lại đây đã cho thấy Nga đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, vị thế của hai nước vì đó cũng dần bị giãn cách. Theo chuyên gia Mark Leonard, một số chuyên gia Trung Quốc đã xem Nga là đối tác cấp dưới của nước này.[29]

1.2. Tình hình quan hệ Trung Quốc – phương Tây

Về quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc, nhìn chung, cả hai bên hiện nay đều mong muốn một mối quan hệ ổn định nhưng sự khác biệt trong ưu tiên chiến lược đã khiến mâu thuẫn giữa hai bên thêm phần căng thẳng. Trước hết, phương Tây đã bày tỏ quan ngại đối với việc sản xuất dư thừa của Trung Quốc. Điều này khiến giá thành các sản phẩm sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm của công nhân và các nhà sản xuất ở phương Tây.[30] Trong buổi phỏng vấn với Reuter sau chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất của mình.[31] Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tăng cường mức thuế nhập khẩu từ thép và nhôm Trung Quốc lên 25%, thậm chí xe điện của Trung Quốc đã bị áp 100% mức thuế nhập khẩu.[32] EU cũng có thái độ tương tự với hiện tượng sản xuất dư thừa của Trung Quốc. Trong lần đến thăm Trung Quốc vào tháng 4/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuy cởi mở với việc Trung Quốc xuất khẩu xe sang Đức và châu Âu nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cân bằng thương mại và phản đối hành vi sản xuất dư thừa.[33] Về phía Trung Quốc, nước này luôn phủ nhận những cáo buộc của phương Tây liên quan đến chính sách kinh tế của mình.[34] Chuyến thăm các nước châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 5/2024 cũng mang thông điệp tương tự.[35] Bất chấp mâu thuẫn về giao thương, số liệu từ EU và Trung Quốc cho thấy thương mại song phương vẫn quan trọng đối với cả hai. Cụ thể, trong năm 2023, Trung Quốc là đối tác lớn thứ ba trong xuất khẩu của EU, chiếm 8.8% tổng lượng xuất khẩu và lớn nhất trong nhập khẩu của EU với 20.5% tổng lượng nhập khẩu.[36] EU là đối tác lớn nhất của Trung Quốc cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu với tổng kim ngạch thương mại lên đến gần 800 tỷ USD và cán cân thương mại nghiêng về Trung Quốc.[37] Khi so sánh với quan hệ giao thương Nga – Trung, Chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ sẽ không dám mạo hiểm mối quan hệ với EU vì Nga. Tuy nhiên, chuyên gia Mark Leonard lại cho rằng Trung Quốc nhận thấy sự phụ thuộc lẫn nhau không còn khả năng bảo vệ nước này khỏi sự công kích từ phương Tây nên đang hướng đến sự tự chủ kinh tế.[38] Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, thương mại với khối này vẫn cần thiết đối với Trung Quốc.

Ngoài ra, phương Tây cũng cáo buộc Trung Quốc đứng về phía Nga vì đã giúp nước này tránh né lệnh trừng phạt cũng như từ chối lên án “Chiến dịch quân sự đặc biệt”.[39] Vai trò của Trung Quốc trong xung đột Nga – Ukraine đã trở thành một trong những chủ đề thảo luận chính giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong chuyến công du của ông đến Pháp.[40] Trung Quốc còn chịu thêm áp lực từ hệ thống đồng minh mà Mỹ đang xây dựng ở châu Á – Thái Bình Dương. Sự hồi sinh của QUAD, sự ra đời của AUKUS và sự thắt chặt liên minh quân sự giữa Mỹ và các đồng minh Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đã khiến Trung Quốc cảm thấy như bị “kiềm tỏa”. Điều này tạo động lực cho Trung Quốc phải củng cố mối quan hệ với Nga.

1.3. Những khó khăn hiện tại của Nga

Sau hơn 2 năm kể từ khi “Chiến dịch quân sự đặc biệt” nổ ra, nền kinh tế Nga có vẻ như vẫn đang đứng vững trước những đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những lệnh cấm vận không có tác dụng hoặc làm kinh tế nước Nga mạnh hơn. Theo số liệu từ IMF, tốc độ tăng trưởng của Nga trong năm 2023 và cho đến tháng 4/2024 lần lượt là 3.6% và 3.2%.[41] Con số này đã không thể hiện được đầy đủ tình trạng kinh tế của nước này. Trong năm 2024, Nga đã nâng mức chi tiêu quốc phòng lên đến 8% của GDP,[42] cao hơn bất cứ nước châu Âu nào ngoại trừ Ukraine.[43] Xuất khẩu năng lượng của Nga cũng bị suy giảm khi nước này gần như mất đi thị trường truyền thống là châu Âu còn thị trường Trung Quốc và Ấn Độ thì không thể bù đắp được.[44] Tháng 10/2023 đánh dấu sự mất giá của đồng Rúp Nga xuống còn 100 Rúp đổi 1 USD và không có dấu hiệu phục hồi.[45] Sự mất giá đồng Rúp càng thu nhỏ lợi nhuận của Nga trong việc xuất khẩu năng lượng, một thị trường vốn sử dụng đồng USD. Tình hình lạm phát và lãi suất của Nga cũng không khá hơn. Mức lạm phát của Nga trong tháng 5/2024 là 7.42%, cao hơn gấp đôi, gấp ba lần so với Mỹ và EU với mức lạm phát của hai bên lần lượt là 3.5% và 2.4%.[46][47][48] Lãi suất của Nga cũng hơn của Mỹ và EU ở khoảng 16% (của Mỹ và EU dao động trong khoảng từ 4%-5%).[49][50] Chuyên gia kinh tế Nga Alexandra Prokopenko nhận định rằng tình trạng này về lâu dài sẽ có hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Nga.[51] Theo tờ Politico, Pháp cũng đã thay thế Nga để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới. Thị phần xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm từ 21% trong năm 2023 xuống còn 11% vào tháng 3/2024.[52] Ở mặt xã hội, hệ quả từ “Chiến dịch quân sự đặc biệt” là gần 1 triệu người Nga đã rời bỏ quê hương.[53] Theo ước tính của một số cơ quan phương Tây, thiệt hại nhân mạng của Nga trong cuộc chiến này dao động từ 150 nghìn đến 350 nghìn quân.[54][55] Trong đó, hãng thông tấn BBC đã xác nhận 50 nghìn quân chính quy Nga đã chết trong cuộc khủng hoảng này.[56] Không những thế, sự viện trợ liên tục từ NATO sẽ càng gây thêm áp lực cho nước Nga trên chiến trường. Nhiều cuộc biểu tình phản chiến ở Nga đã nổ ra nhưng sớm bị dập tắt, hoạt động báo chí cũng bị siết chặt và những người phản chiến đi biểu tình sẽ bị bắt giam vì những quy định mới được ban hành.[57][58] Ngoài ra, xung đột kéo dài, chưa có hồi kết, tổn thất về nhân mạng và việc chi nhiều cho quốc phòng cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi của người dân. Theo nhận định của chuyên gia Alexandra Prokopenko, Tổng thống Putin đang đối diện với “tam nan” chính sách từ việc tài trợ cho chiến tranh, duy trì mức sống cho người dân và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.[59]

1.4. Đại chiến lược của Trung Quốc

Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến nội dung của chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Trung Quốc đó là những tính toán của nước này đối với cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây. Hai chuyên gia Guoguang WuMark Leonard đều có cùng quan điểm rằng Trung Quốc xem chiến sự ở Đông Âu là một công cụ để “lật đổ” trật tự thế giới do phương Tây dẫn đầu.[60][61] Theo hai học giả, Trung Quốc xem trật tự thế giới hiện tại do phương Tây dẫn dắt đe dọa đến sự lãnh đạo quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do vậy, nước này sẽ vừa tiếp tục hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Nga, vừa tỏ ra mình là bên trung lập để tránh bị phương Tây áp đặt cấm vận kinh tế. Guoguang Wu lập luận rằng vì Trung Quốc phụ thuộc vào các nước công nghiệp phát triển ở phương Tây về kinh tế, tài chính và công nghệ nên lệnh cấm vận sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên Trung Quốc hơn là với Nga.[62] Mark LeonardGuogang Wu đều tin rằng Trung Quốc xem việc phương Tây phải liên tục hỗ trợ cho Ukraine là điểm yếu của khối này. Guogang Wu còn phân tích rằng việc Trung Quốc đưa ra những giải pháp cho xung đột là cách nước này chia rẽ phương Tây thành những nước kiên trì ủng hộ Ukraine với những nước muốn sớm chấm dứt chiến sự. Chuyên gia này cũng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Nga với mục tiêu là duy trì cuộc chiến tranh tiêu hao càng lâu càng tốt, qua đó suy giảm năng lực của phương Tây.[63] Mark Leonard đưa qua góc nhìn vĩ mô hơn khi cho rằng Trung Quốc đang tận dụng sự tập trung của phương Tây vào Ukraine để mở rộng tầm ảnh hưởng đối với Bán cầu Nam, tạo dựng hình ảnh là một quốc gia kiến tạo hòa bình và trở nên tự chủ hơn về mặt kinh tế.[64] Phân tích của hai chuyên gia này cho thấy Trung Quốc xem chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine như một mảnh ghép trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa nước này và phương Tây. Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc vừa muốn cộng tác với Nga để chống lại thế bá quyền của Mỹ nhưng cùng lúc tránh để mâu thuẫn với phương Tây leo thang.[65] Theo chuyên gia Zoe Liu, ưu thế địa chính trị cũng là một đòn bẩy khác mà Nga có để cân bằng lại quan hệ Nga – Trung.[66] Trung Quốc sẽ cần Nga như là một đối tác có năng lực để hỗ trợ cho chiến lược dài hạn của mình nhưng cũng không thể mạo hiểm một cuộc đối đầu trực tiếp với phương Tây trong lúc này.

2. Kết quả và ý nghĩa của chuyến thăm

Cuộc hội kiến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có 5 kết quả như sau:

(1) Nga và Trung Quốc đã cho thế giới thấy rằng mối quan hệ giữa hai nước càng bền chặt hơn trước sức ép từ phương Tây và hai nước cùng chia sẻ mục tiêu gây dựng trật tự thế giới đa cực. Tổng thống Putin đã gọi mối quan hệ này là “không mang tính cơ hội” và “không nhắm vào bất cứ ai”; còn Chủ tịch Tập Cận Bình thì nói rằng hai nước đang làm sâu sắc hơn “tình láng giềng tốt”, “tình bạn tốt” và “hữu nghị tốt”.

(2) Hai nước sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế, thể hiện thông qua hàng loạt các văn kiện liên quan được ký kết. Tổng thống Putin nêu rằng nước này sẽ tăng cường xuất khẩu lương thực sang Trung Quốc và nhập khẩu nhiều ô tô của Trung Quốc hơn.

(3) Hai nhà lãnh đạo tuyên bố Nga và Trung Quốc sẽ “tăng cường hơn nữa” sự tin tưởng và hợp tác trong lĩnh vực quân sự.

(4) Trong khuôn khổ tăng cường hợp tác năng lượng Nga – Trung, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn hợp tác phát triển nguyên tử lượng.

(5) Nga và Trung Quốc cùng đồng ý với nhau về một “giải pháp chính trị” cho “khủng hoảng Ukraine”, cụ thể là Nga thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch hòa bình 12 điều của Trung Quốc.[67] Ngoài ra, hai nước cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết xung đột giữa Israel và Hamas bằng “nghị quyết chính trị” và bằng “khung hành động mới”.[68]

Trước mắt, qua chuyến thăm này, Trung Quốc và Nga đã thể hiện được rằng mối quan hệ giữa hai nước càng bền chặt hơn trước sức ép từ bên ngoài. Hai quốc gia cũng đã thể hiện quyết tâm chung đó là xây dựng trật tự đa cực. Ngoài ra, hai nước cũng hứa hẹn sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa phải là một liên minh quân sự chính thức. Điều này đặt dấu chấm hỏi cho mức trần của “tình bạn không giới hạn” giữa Nga và Trung Quốc. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng không đề cập đến cán cân thương mại bất đối xứng giữa hai nước. Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Nga trong mặt ngoại giao. Ngoài ra, nước này sẽ không hỗ trợ Nga ở những mặt khác. Từ đây, ta có thể phỏng đoán những chuyển biến tiếp theo của mối quan hệ này và phản ứng của phương Tây trước chuyến thăm trên.

3. Dự báo tình hình sau chuyến thăm

Trước tình thế của hai nước hiện nay, sau chuyến thăm này, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì “tình bạn không giới hạn” giữa đôi bên. Hai nước đã cho thấy họ chia sẻ một tầm nhìn xa đó là xây dựng trật tự thế giới đa cực, không bị dẫn dắt bởi bất cứ quốc giao hay khối các quốc gia nào. Về phía Trung Quốc, họ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Nga về mặt ngoại giao để tránh cho Nga bị cô lập hoàn toàn. Bất chấp những tuyên bố, những lời tán dương cho mối quan hệ này, Trung Quốc sẽ không hỗ trợ gì thêm cho Nga vì Trung Quốc vẫn cần hợp tác kinh tế với phương Tây. Chuyên gia Dmitri Alperovitch cũng nhận định rằng, Trung Quốc không muốn “khủng hoảng Ukraine” kéo dài nhưng họ chắc chắn sẽ tìm cách hưởng lợi từ nó, bất chấp những thiệt hại mà Nga sẽ chịu.[69] Nước Nga sẽ tiếp tục đối mặt với thế “tam nan” như bài đã nêu vì chưa có giải pháp cho cán cân thương mại bất cân xứng. Một điểm sáng cho Nga là lợi thế về công nghệ và địa chính trị sẽ giúp họ cân bằng lại phần nào sự bất cân xứng trong quan hệ với Trung Quốc.

Về phía Mỹ và EU, trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin, Mỹ đã không cản trở việc Ukraine sử dụng tên lửa được viện trợ để tấn các mục tiêu bên ngoài lãnh thổ nước này.[70] Điều đó chứng tỏ phương Tây đã sẵn sàng leo thang xung đột trước việc Nga đang ở thế tấn công. Tiếp đến, khối Mỹ và EU sẽ tiếp tục duy trì áp lực, đe dọa trừng phạt kinh tế Trung Quốc, ép Trung Quốc không bán hay hỗ trợ vũ khí hoặc những vật lưỡng dụng cho Nga. Mặt khác, sự tăng cường hợp tác quốc phòng Nga – Trung Quốc, sự leo thang của chiến sự ở Ukraine và căng thẳng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã, đang và tiếp tục làm tăng nhu cầu chi tiêu quốc phòng của khối phương Tây.[71] Như vậy, với xu hướng hiện tại, cuộc cạnh tranh giữa phương Tây với nhóm Nga – Trung sẽ còn căng thẳng hơn. 

Triển vọng Nga-Trung-Triều-Iran

Trong tương lai về trung và dài hạn, sự mâu thuẫn càng trở nên phức tạp giữa khối phương Tây – Trung Quốc – Nga sẽ càng khiến cho hai nước này phải dựa vào nhau nhiều hơn. Xét ra ngoài khuôn khổ này, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có mâu thuẫn với Iran và Triều Tiên. Nếu hai sự đối đầu này cũng trở nên gay gắt hơn thì lại dấy lên nghi ngại một liên minh các nước Trung Quốc – Nga – Iran – Triều Tiên sẽ hình thành để đối đầu trực diện với phương Tây.[72] Trước những chính sách trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm lên Nga – Iran – Triều Tiên, Trung Quốc đã đóng vai trò là nước giúp 3 quốc gia này lẩn tránh cấm vận bằng cách trở thành thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu của các nước.[73] Ngoài ra, Nga và Trung Quốc hiện đang là hai đối tác quốc phòng quan trọng, thường xuyên tổ chức tập trận chung kể từ sau khi “Chiến dịch quân sự đặc biệt” diễn ra. Sự phụ thuộc kinh tế của Nga, Iran, Triều Tiên vào Trung Quốc, những hợp tác quân sự có sẵn và cùng ở thế đối đầu với phương Tây có thể là những điều kiện giúp hình thành liên minh chính thức giữa 4 quốc gia. Giả sử liên minh này được hình thành thì Trung Quốc rất có khả năng sẽ là nước dẫn đầu vì lợi thế về sức mạnh công nghiệp và kinh tế của mình.

Tuy nhiên, để hình thành một liên minh với mục tiêu chung lớn như chống lại sự bá quyền của Mỹ hay xây dựng trật tự thế giới đa cực, các nước thành viên phải thực tâm mong muốn liên minh và cần có sự tin tưởng chính trị lẫn nhau, thể hiện qua những hỗ trợ thiết thực. Một số nhân tố sau thể hiện rằng liên minh này thiếu những điều kiện cần thiết để hình thành. Thứ nhất, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình không có ý định thành lập một liên minh để đối đầu với Mỹ. Tư tưởng Tập Cận Bình, dòng tư tưởng mới đang dần trở nên chính thống hơn, đã đề ra một hướng đi khác cho Trung Quốc. Đó là nước này sẽ hướng tới sự phát triển về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ…, để khiến các quốc gia khác trên thế giới tôn trọng và học hỏi theo. Ngoài ra, Trung Quốc dưới thời của Chủ tịch Tập không mong muốn đóng vai trò lãnh đạo, dẫn dắt thế giới như Mỹ. Theo tư tưởng Tập Cận Bình, một trật tự thế giới do Trung Quốc “đứng đầu” sẽ không phải như trật tự của Mỹ. Nó sẽ giống như hướng đi mà Tập Cận Bình đề ra cho Trung Quốc như đã nêu và nước này sẽ ít can thiệp hơn Mỹ nếu cảm thấy lợi ích thu lại không đáng kể so với những gì phải bỏ ra.[74][75] Nếu Trung Quốc không dẫn đầu thì liên minh Nga – Trung – Iran – Triều Tiên khó mà thành hiện thực. Ngoài lý do đầu tiên là ưu tiên của Trung Quốc thì lý do thứ hai đó là mối quan hệ Iran – Nga. Hợp tác Nga – Iran chưa có chiều sâu như Nga – Trung Quốc. Iran, cũng giống với Trung Quốc, không hỗ trợ gì hơn cho Nga ngoài mặt ngoại giao. Iran bán UAV cho Nga để đổi lại công nghệ hạt nhân từ phía khách hàng. Đây chỉ là mối quan hệ mua bán và Iran dựa vào xung đột để khai thác lợi ích.[76] Mặt khác, dạo gần đây, hai nước đang lên kế hoạch thành lập hành lang Caspian để vận chuyển hàng hóa ra vào Ấn Độ Dương để tránh lệnh trừng phạt kinh tế, cũng như giảm rủi ro trở thành mục tiêu quân sự của phương Tây.[77] Thế nhưng, kế hoạch này vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Ngoài ra, Iran và Nga đang có hai mâu thuẫn, bao gồm việc hai nước là nhà cung cấp năng lượng đang cạnh tranh nhau ở thị trường Trung Quốc và cạnh tranh về mặt địa chính trị xuất phát từ lịch sử quan hệ song phương. Iran – Nga cũng đang cạnh tranh ở Trung Đông khi Nga đang duy trì mối quan hệ với Israel, đối thủ của Iran. Về mặt lịch sử, hai nước từng đối đầu nhau ở vùng Trung Á dưới thời Đế quốc Nga và sau đó là mâu thuẫn ý thức hệ ở thời Liên Xô.[78] Nhân tố thứ ba có thể cản trở sự thành lập liên minh đó là quan ngại của Trung Quốc đối với quan hệ Nga – Triều Tiên. Triều Tiên đã tuyên bố bán cho Nga từ 1 đến 3 triệu đạn pháo, đổi lại là Nga cung cấp công nghệ tên lửa cho Triều Tiên. Điều này khiến Trung Quốc lo rằng mình sẽ mất dần ảnh hưởng lên Triều Tiên khi nước này là đồng minh quân sự duy nhất mà Triều Tiên có.[79] Yếu tố thứ tư mà chưa có nhiều tài liệu phân tích đó là phản ứng của các khu vực trên thế giới sẽ ra sao trước sự hình thành của liên minh này. Liên minh Trung Quốc – Nga – Iran – Triều Tiên sẽ có tác động gì đến trật tự của khu vực Đông Á, Đông Bắc Á? Mối quan hệ Nga – Ấn sẽ ra sao khi Nga chính thức trở thành đồng minh của Trung Quốc, một đối thủ địa chính trị với Ấn Độ? Các nước Đông Nam Á có Nga là nguồn cung khí tài sẽ có phản ứng gì khi Nga trở thành đồng minh với một nước mà khối này đang có tranh chấp trên biển? Mỹ, EU, hai đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao khi họ liên minh với mối đe dọa an ninh của châu Âu? Khối Ả Rập sẽ phản ứng thế nào khi Iran, nước vốn đã có ảnh hưởng trong khu vực nay lại được Trung Quốc tiếp thêm sức mạnh? Những câu hỏi được đặt ra ngụ ý rằng một liên minh giữa 4 nước có nguy cơ sẽ càng khiến nhóm này bị cô lập và đối đầu giữa nhóm này với những nước bên ngoài có thể sẽ trở nên gay gắt hơn. Trong giai đoạn hiện nay, điều này đi ngược lại hoàn toàn với lợi ích kinh tế của Trung Quốc, nước có tư cách dẫn đầu liên minh. Ngoài ra, một câu hỏi khác đáng quan tâm nữa đó là các nước trong liên minh như Nga và Iran sẽ chấp nhận họ bị phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức nào vì Trung Quốc là nước có nhiều tiềm lực hơn cả, có thể được xem như là lãnh đạo trên thực tế của liên minh. Sự khác biệt về những ưu tiên giữa các quốc gia sẽ là rào cản lớn cho việc thành lập liên minh này. Thực tế cũng cho thấy, cả 3 nước Trung Quốc, Iran và Triều Tiên chỉ hỗ trợ Nga ở mặt ngoại giao, ngoài ra họ cũng không hỗ trợ gì hơn. Điều này đặt dấu chấm hỏi cho sự tin tưởng chính trị mà các quốc gia này dành cho nhau. 

Tuy câu chuyện về một liên minh 4 nước khó có thể trở thành hiện thực nhưng sự tăng cường hợp tác giữa các bên trên nhiều lĩnh vực là hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện nay, 4 nước Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên đều hợp tác với nhau trên các phương diện kinh tế, đối ngoại và an ninh. Trong trường hợp mâu thuẫn với phương Tây leo thang, 4 quốc gia này có thể thúc đẩy sự hợp tác, thể hiện rõ trong thời gian gần đây đó là hợp tác về kinh tế và quân sự.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau khi tái đắc cử là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc hiện là đối tác quan trọng đối với Nga. Trung Quốc cũng xem Nga là đối tác dài hạn và có thể tin tưởng được trong nỗ lực chống lại sự bá quyền của Mỹ. Tuy nhiên, việc chống lại Mỹ hay phương Tây không phải là mục tiêu duy nhất của cả hai nước. “Tình bạn không giới hạn” giữa Nga và Trung Quốc sẽ có những hạn chế nhất định vì hai nước đều có những mối bận tâm riêng ngoài việc thách thức Mỹ. Những khác biệt trong lợi ích, góc nhìn sẽ phần nào hạn chế khả năng phát triển quan hệ Nga – Trung, chí ít là trong thời điểm hiện tại. Xét trên cục diện thế giới, cuộc đối đầu chiến lược giữa Nga – Trung và khối phương Tây, thể hiện qua sự tăng cường chi tiêu quốc phòng của hai khối này, sẽ tạo ra vòng xoáy lưỡng nan an ninh và những quốc gia có tiềm lực nhỏ có nguy cơ bị cuốn vào. Trong khi đó, khả năng hình thành một liên minh bao gồm Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên lại hạn chế.


Tài liệu tham khảo:

[1] Faulconbridge. (2024, May 14). Putin to visit China on May 16-17 to deepen partnership with Xi. Reuters . Retrieved May 14, 2024, from https://www.reuters.com/world/putin-visit-china-may-16-17-kremlin-says-2024-05-14/

[2] THE ASSOCIATED PRESS. (2024, April 25). Putin announces plans to visit China in May | AP News. AP News. Retrieved May 14, 2024, from https://apnews.com/article/putin-visit-china-ukraine-war-97c6790d093ecfe1234044841b462a78

[3] Gallo, W. (2022, February 4). At Beijing Olympics, Xi and Putin Announce Plan to Counter US. Voice of America. https://www.voanews.com/a/at-beijing-olympics-xi-and-putin-strive-for-unity-against-us/6426270.html

[4] THE ASSOCIATED PRESS. (2024, April 25). Putin announces plans to visit China in May | AP News. AP News. Retrieved May 14, 2024, from https://apnews.com/article/putin-visit-china-ukraine-war-97c6790d093ecfe1234044841b462a78

[5] Wolff, S. (2023, October 13). Xi-Putin meeting: here’s what it says about their current, and future, relationship. The Conversation. Retrieved May 14, 2024, from https://theconversation.com/xi-putin-meeting-heres-what-it-says-about-their-current-and-future-relationship-215509

[6] Lần gần nhất Putin thăm Trung Quốc đó là vào tháng 10/2023

[7] Raghunandan, V. (2024, March 14). February 2024 — Monthly analysis of Russian fossil fuel exports and sanctions. Centre for Research on Energy and Clean Air. https://energyandcleanair.org/february-2024-monthly-analysis-of-russian-fossil-fuel-exports-and-sanctions/

[8] Fong, C. (2024, March 20). China and Russia: Exploring Ties Between Two Authoritarian Powers. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/backgrounder/china-russia-relationship-xi-putin-taiwan-ukraine#chapter-title-0-5

[9] Năng lượng quốc tế. (2023, October 31). Nga vô tình rơi vào thế yếu vì Power of Siberia-2. http://petrotimes.vn/. Retrieved May 14, 2024, from https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-vo-tinh-roi-vao-the-yeu-vi-power-of-siberia-2-698028.html

[10] CNA. (2024, February 27). Chinese car sales in Russia shift into high gear following Ukraine invasion. Retrieved May 14, 2024, from https://www.channelnewsasia.com/world/chinese-cars-sales-russia-geely-chery-changan-4125726

[11] Wang, & Bai. (2023, December 19). Russian PM’s China visit keeps cooperation momentum, break Western barriers. Copyright 2021 by the Global Times. Retrieved May 14, 2024, from https://www.globaltimes.cn/page/202312/1303950.shtml

[12] Hirsh, M. (2024, May 13). China-U.S. Relations: Cold Peace, Not Cold War. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2024/05/07/cold-war-cold-peace-united-states-china-xi-decoupling-trade/

[13] Khaliq. (2024, December 31). China, Russia agree to promote military ties to “higher level.” Retrieved May 14, 2024, from https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/china-russia-agree-to-promote-military-ties-to-higher-level/3123802

[14] Cheng, E. (2022, February 25). China refuses to call Russian attack on Ukraine an ‘invasion,’ deflects blame to U.S. CNBC. https://www.cnbc.com/2022/02/24/china-refuses-to-call-attack-on-ukraine-an-invasion-blames-us.html

[15] Gallo, W. (2022, February 4). At Beijing Olympics, Xi and Putin Announce Plan to Counter US. Voice of America. https://www.voanews.com/a/at-beijing-olympics-xi-and-putin-strive-for-unity-against-us/6426270.html

[16] Hirsh, M. (2024, May 13). China-U.S. Relations: Cold Peace, Not Cold War. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2024/05/07/cold-war-cold-peace-united-states-china-xi-decoupling-trade/

[17] Năng lượng quốc tế. (2023, October 31). Nga vô tình rơi vào thế yếu vì Power of Siberia-2. http://petrotimes.vn/. Retrieved May 14, 2024, from https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-vo-tinh-roi-vao-the-yeu-vi-power-of-siberia-2-698028.html

[18] Martin, N. (2024, April 11). From solar to EVs: How China is overproducing green tech. Deutsche Welle. https://www.dw.com/en/from-solar-to-evs-how-china-is-overproducing-green-tech/a-68782157

[19] Năng lượng quốc tế. (2023, October 31). Nga vô tình rơi vào thế yếu vì Power of Siberia-2. http://petrotimes.vn/. Retrieved May 14, 2024, from https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-vo-tinh-roi-vao-the-yeu-vi-power-of-siberia-2-698028.html

[20] Năng lượng quốc tế. (2023, October 31). Nga vô tình rơi vào thế yếu vì Power of Siberia-2. http://petrotimes.vn/. Retrieved May 14, 2024, from https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-vo-tinh-roi-vao-the-yeu-vi-power-of-siberia-2-698028.html

[21] Fong, C. (2024, March 20). China and Russia: Exploring Ties Between Two Authoritarian Powers. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/backgrounder/china-russia-relationship-xi-putin-taiwan-ukraine#chapter-title-0-5

[22] Demarais. (2024, April 23). The China-Russia trade friendship may not be quite what you think. Financial Times. Retrieved May 14, 2024, from https://www.ft.com/content/4bc0973c-c1f3-4df7-821d-0c262e506bb8

[23] Fabrichnaya, & Marrow. (2024, January 16). China’s yuan ousts dollar to become most traded currency in Moscow in 2023. Reuters . Retrieved May 14, 2024, from https://www.reuters.com/markets/currencies/chinas-yuan-ousts-dollar-become-most-traded-currency-moscow-2023-2024-01-16/#:~:text=China’s%20use%20of%20yuan%20to,up%20imports%20invoiced%20in%20yuan.

[24] THE ASSOCIATED PRESS. (2024, April 25). Putin announces plans to visit China in May | AP News. AP News. Retrieved May 14, 2024, from https://apnews.com/article/putin-visit-china-ukraine-war-97c6790d093ecfe1234044841b462a78

[25] Gallo, W. (2022, February 4). At Beijing Olympics, Xi and Putin Announce Plan to Counter US. Voice of America. https://www.voanews.com/a/at-beijing-olympics-xi-and-putin-strive-for-unity-against-us/6426270.html

[26] Drummond, M. (2023, September 13). Where is Russia buying its weapons from? Sky News. Retrieved May 14, 2024, from https://news.sky.com/story/why-isnt-russia-running-out-of-ammunition-in-ukraine-12955439

[27] Liboreiro, J. (2023, May 2). China and India vote for UN resolution with a reference to Russia’s “aggression” against Ukraine. Euronews. https://www.euronews.com/my-europe/2023/05/02/china-and-india-vote-for-un-resolution-with-a-reference-to-russias-aggression-against-ukra

[28] Demarais. (2024, April 23). The China-Russia trade friendship may not be quite what you think. Financial Times. Retrieved May 14, 2024, from https://www.ft.com/content/4bc0973c-c1f3-4df7-821d-0c262e506bb8

[29] Leonard, M. (2023, August 7). What China really thinks about Ukraine. POLITICO. https://www.politico.eu/article/china-russia-ukraine-war-world-peace-forum/

[30] Martin, N. (2024, April 11). From solar to EVs: How China is overproducing green tech. Deutsche Welle. Retrieved May 15, 2024, from https://www.dw.com/en/from-solar-to-evs-how-china-is-overproducing-green-tech/a-68782157

[31] Reuters. (2024, April 25). Nothing off the table in US response to China overcapacity, Yellen says | REUTERS. YouTube. Retrieved May 15, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=kM-tv8txxvM

[32] The White House. (2024, May 14). FACT SHEET: President Biden Takes Action to Protect American Workers and Businesses from China’s Unfair Trade Practices. Whitehouse. Retrieved May 17, 2024, from https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/05/14/fact-sheet-president-biden-takes-action-to-protect-american-workers-and-businesses-from-chinas-unfair-trade-practices/

[33] Deutsche Welle. (2024, April 15). Scholz welcomes Chinese cars but urges “fair” competition. Retrieved May 15, 2024, from https://www.dw.com/en/scholz-welcomes-chinese-cars-but-urges-fair-competition/a-68818516

[34] Xinhua. (2024, May 7). Xi says there is no such thing as “China’s overcapacity.” Chinadaily. Retrieved May 15, 2024, from https://www.chinadaily.com.cn/a/202405/07/WS66392bc6a31082fc043c586d.html

[35] FRANCE 24 English. (2024, May 6). Economics, geopolitics & human rights: China has “conflicting interests” with France, EU “partners.” YouTube. Retrieved May 15, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=AzCnvptRJkU

[36] Eurostat. (2024, March 4). China-EU – international trade in goods statistics. Retrieved May 15, 2024, from https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php?title=China-EU_-_international_trade_in_goods_statistics#:~:text=Highlights&text=In%202023%2C%20China%20was%20the,of%20goods%20(20.5%20%25).&text=Among%20EU%20Member%20States%2C%20the,goods%20to%20China%20in%20202

[37] GACC. (2024, January 12). (4) China’s Total Export & Import Values by Country/Region, December 2023 (in USD). China Customs . Retrieved May 15, 2024, from http://english.customs.gov.cn/Statics/e1351568-5e17-4534-affd-c369e3506613.html

[38] Leonard, M. (2023, August 7). What China really thinks about Ukraine. POLITICO. https://www.politico.eu/article/china-russia-ukraine-war-world-peace-forum/

[39] Liboreiro, J. (2023, May 2). China and India vote for UN resolution with a reference to Russia’s “aggression” against Ukraine. Euronews. https://www.euronews.com/my-europe/2023/05/02/china-and-india-vote-for-un-resolution-with-a-reference-to-russias-aggression-against-ukra

[40] FRANCE 24 English. (2024, May 6). Economics, geopolitics & human rights: China has “conflicting interests” with France, EU “partners.” YouTube. Retrieved May 15, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=AzCnvptRJkU

[41] International Monetary Fund. (2024). Real GDP growth. IMF. Retrieved May 15, 2024, from https://www.imf.org/external/datamapper/NGDP_RPCH@WEO/OEMDC/ADVEC/WEOWORLD

[42] Prokopenko, A. (2024, April 10). Is the Kremlin Overconfident About Russia’s Economic Stability? Carnegie Endowment. Retrieved May 15, 2024, from https://carnegieendowment.org/research/2024/04/is-the-kremlin-overconfident-about-russias-economic-stability?lang=en

[43] Xiao,L & Nan, T. (2024, January 18). Military spending and development aid after the invasion of Ukraine. SIPRI. Retrieved May 15, 2024, from https://www.sipri.org/commentary/topical-backgrounder/2024/military-spending-and-development-aid-after-invasion-ukraine

[44] Năng lượng quốc tế. (2023, October 31). Nga vô tình rơi vào thế yếu vì Power of Siberia-2. http://petrotimes.vn/. Retrieved May 14, 2024, from https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-vo-tinh-roi-vao-the-yeu-vi-power-of-siberia-2-698028.html

[45] Smith, E. (2023, October 3). Russian ruble weakens past symbolic threshold of 100 against the dollar. CNBC. https://www.cnbc.com/2023/10/03/russian-ruble-weakens-past-symbolic-threshold-of-100-against-the-dollar.html

[46] Tass. (2024, May 8). Annual inflation in Russia speeds up to 7.81% over week — Economy Ministry. TASS. Retrieved May 15, 2024, from https://tass.com/economy/1785859

[47] US Inflation Calculator. (2024, April 10). Current US Inflation Rates: 2000-2024. Retrieved May 15, 2024, from https://www.usinflationcalculator.com/inflation/current-inflation-rates/#google_vignette

[48] Eurostat. (2024, April 3). Euro area annual inflation down to 2.4%. Retrieved May 15, 2024, from https://ec.europa.eu/eurostat/web/products-euro-indicators/w/2-03042024-ap#:~:text=Euro%20area%20annual%20inflation%20is,office%20of%20the%20European%20Union.

[49] Bank of Russia. (2024, April 26). Bank of Russia keeps the key rate at 16.00% p.a. | Bank of Russia. Retrieved May 15, 2024, from https://www.cbr.ru/eng/press/keypr/

[50] Giles, C. (2024, May 7). European interest rates are set to diverge from the US. Financial Times. Retrieved May 15, 2024, from https://www.ft.com/content/f76884e9-bc66-4a5d-8445-4f842af5ef68

[51] Prokopenko, A. (2024, April 10). Is the Kremlin Overconfident About Russia’s Economic Stability? Carnegie Endowment. Retrieved May 15, 2024, from https://carnegieendowment.org/research/2024/04/is-the-kremlin-overconfident-about-russias-economic-stability?lang=en 

[52] Mackenzie, L., Posaner, J., Kayali, L., & guide, s. (2024, March 11). France overtakes Russia as world’s No. 2 arms exporter. POLITICO.eu. Retrieved May 15, 2024, from https://www.politico.eu/article/france-overtake-russia-world-weapons-exporter/

[53] Re: Russia. (2023, July 28). Escape from War: New data puts the number of Russians who have left at more than 800,000 people. Re: Russia. Retrieved May 15, 2024, from https://re-russia.net/en/review/347/

[54] AFP. (2024, May 3). France estimates that 150,000 Russian soldiers have been killed in the Ukraine war. France 24. https://www.france24.com/en/europe/20240503-france-estimates-that-150-000-russian-soldiers-have-been-killed-in-the-ukraine-war

[55] Landay, J. (2023, December 12). U.S. intelligence assesses Ukraine war has cost Russia 315000 casualties -source. Reuters. https://www.reuters.com/world/us-intelligence-assesses-ukraine-war-has-cost-russia-315000-casualties-source-2023-12-12/

[56] Ivshina, O., Dale, B., & Brewer, K. (2024, April 17). Russia’s meat grinder soldiers – 50000 confirmed dead. BBC. https://www.bbc.com/news/world-68819853

[57] Amnesty International. (2023, July 20). Russia: 20000 activists subject to heavy reprisals as Russia continues to crack down on anti-war movement at home. Amnesty International. Retrieved May 15, 2024, from https://www.amnesty.org/en/latest/news/2023/07/russia-20000-activists-subject-to-heavy-reprisals-as-russia-continues-to-crack-down-on-anti-war-movement-at-home/

[58] Amnesty International. (2024, March 4). Anti-war Protest in Russia. Amnesty International. Retrieved May 15, 2024, from https://www.amnesty.org/en/latest/news/2024/03/anti-war-protest-in-russia/

[59] Prokopenko, A. (2024, April 10). Is the Kremlin Overconfident About Russia’s Economic Stability? Carnegie Endowment. Retrieved May 15, 2024, from https://carnegieendowment.org/research/2024/04/is-the-kremlin-overconfident-about-russias-economic-stability?lang=en

[60] Wu, G. (2023, October 11). Interpreting Xi Jinping’s Shifting Strategy on the Russia-Ukraine War. Asia Society. https://asiasociety.org/policy-institute/interpreting-xi-jinpings-shifting-strategy-russia-ukraine-war#phase-ii-regime-security-in-china’s-recalculation–16679

[61] Leonard, M. (2023, August 7). What China really thinks about Ukraine. POLITICO. https://www.politico.eu/article/china-russia-ukraine-war-world-peace-forum/

[62] Wu, G. (2023, October 11). Interpreting Xi Jinping’s Shifting Strategy on the Russia-Ukraine War. Asia Society. https://asiasociety.org/policy-institute/interpreting-xi-jinpings-shifting-strategy-russia-ukraine-war#phase-ii-regime-security-in-china’s-recalculation–16679

[63] Wu, G. (2023, October 11). Interpreting Xi Jinping’s Shifting Strategy on the Russia-Ukraine War. Asia Society. https://asiasociety.org/policy-institute/interpreting-xi-jinpings-shifting-strategy-russia-ukraine-war#phase-ii-regime-security-in-china’s-recalculation–16679

[64] Leonard, M. (2023, August 7). What China really thinks about Ukraine. POLITICO. https://www.politico.eu/article/china-russia-ukraine-war-world-peace-forum/ 

[65] Fong, C. (2024, March 20). China and Russia: Exploring Ties Between Two Authoritarian Powers. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/backgrounder/china-russia-relationship-xi-putin-taiwan-ukraine#chapter-title-0-5

[66] FRANCE 24 English. (2024, May 16). China has economic ‘upper hand’ yet Xi & Putin ‘need each other to form counterbalance against West’. Youtube. Retrieved May 17, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=V_L60bA8jq4&list=TLPQMTYwNTIwMjQ0e_YdB3P8_A&index=2

[67] Chisholm, J. (2024, May 16). Live Reporting. BBC. https://www.bbc.com/news/live/world-asia-69001137?src_origin=BBCS_BBC?utm_source=rss_feed&utm_medium=rss&utm_campaign=rss_syndication

[68] The Telegraph. (2024, May 16). Russia and China are ‘stabilising’ the world, Putin tells Xi Updated 7 minutes ago. Telegraph. https://www.telegraph.co.uk/world-news/2024/05/16/ukraine-russia-war-putin-xi-china-russia-latest-news/#1715850805164

[69] DW News. (2024, May 16). Vladimir Putin heads to China for talks with Xi Jinping. Youtube. Retrieved May 17, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=qJMYBEO7LoI&list=TLPQMTYwNTIwMjTzV3Eazv0pCA&index=2

[70] VOV. (2024, May 16). Ngoại trưởng Blinken nói Ukraine có thể tự quyết định cách sử dụng vũ khí Mỹ. VOV. Retrieved May 17, 2024, from https://vov.vn/the-gioi/ngoai-truong-blinken-noi-ukraine-co-the-tu-quyet-dinh-cach-su-dung-vu-khi-my-post1095474.vov

[71] SIPRI. (2024, April 22). Global military spending surges amid war, rising tensions and insecurity. SIPRI. Retrieved May 17, 2024, from https://www.sipri.org/media/press-release/2024/global-military-spending-surges-amid-war-rising-tensions-and-insecurity

[72] Drezner, D. W. (2023, March 19). Is the United States Creating a ‘Legion of Doom’? Politico. Retrieved May 18, 2024, from https://www.politico.com/news/magazine/2023/03/19/us-china-russia-relations-00087633

[73] Zhan, Y. (2024, March 31). How China has helped Russia and Iran evade Western sanctions, according to a think tank. Yahoo!finance. Retrieved May 18, 2024, from https://finance.yahoo.com/news/china-helped-russia-iran-evade-002810347.html?guccounter=1&guce_referrer=aHR0cHM6Ly93d3cuZ29vZ2xlLmNvbS8&guce_referrer_sig=AQAAAE63W1CrGmffvQPVOGgzx7Mh7oDsSPSx4_-MElHpUdm5srg5Lklw6IJSEbpBYLtk2XKbrim-CRF3Dt-Ej2M5O6jp5KOTkmh_4R

[74] CSIS. (2024, March 28). The Political Thought of Xi Jinping: A Conversation with Dr. Steve Tsang. YouTube. Retrieved May 18, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=HfnHVrln1o4

[75] Centre of Geopolitics. (2024, May 13). The Political Thought of Xi Jinping, with Dr Olivia Cheung. Youtube. Retrieved May 18, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=aHBjbnlFw-Y

[76] Hadian, N. (2023, April 21). Explainer: Iran’s Strategic Pivot to Russia. The Iran Primer. Retrieved May 18, 2024, from https://iranprimer.usip.org/blog/2023/apr/21/explainer-iran%E2%80%99s-strategic-pivot-east

[77] Michael, P. (2023, March 15). China, Russia and Iran change the Indian Ocean balance. GIS Reports. Retrieved May 18, 2024, from https://www.gisreportsonline.com/r/china-russia-iran/

[78] Hadian, N. (2023, April 21). Explainer: Iran’s Strategic Pivot to Russia. The Iran Primer. Retrieved May 18, 2024, from https://iranprimer.usip.org/blog/2023/apr/21/explainer-iran%E2%80%99s-strategic-pivot-east

[79] Kölling, M., & Steck, A. (2024, May 13). North Korea’s ties with Russia pose a challenge to China. NZZ. Retrieved May 19, 2024, from https://www.nzz.ch/english/north-koreas-ties-with-russia-pose-a-challenge-to-china-ld.1829712

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *