Chiến dịch Điện Biên Phủ, kéo dài từ ngày 13/3 đến 7/5 năm 1954 là một trong những trận đánh quyết định của Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất giữa quân đội Pháp và quân đội Nhân dân Việt Nam. Theo đó, ngày 07/05/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Chiến thắng của Việt Nam là thất bại quân sự đầu tiên của một cường quốc thực dân châu Âu trước một lực lượng du kích chống thực dân. Kết quả là, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết ngày 20/7/1954, quân Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam. Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” khi ảnh hưởng của nó tác động sâu sắc đến nền chính trị ở các nước, góp phần cổ vũ các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và cả châu Mỹ Latin.
Ở châu Phi, thực dân Pháp có tới 32 lãnh thổ thuộc địa, chiếm 90% hệ thống thuộc địa Pháp trên thế giới vào khoảng những năm 50 của thế kỷ 20. Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi bắt đầu bước sang một giai đoạn mới. Quốc gia đi đầu trong phong trào này là Algeria. Tháng 11 năm 1954, binh sĩ Algeria đã nổ phát súng cách mạng đầu tiên để phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang kéo dài 8 năm để giành độc lập dân tộc cho nhân dân mình. Và kết quả là cuối năm 1962, Chính phủ Pháp đã phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chấm dứt 132 năm cai trị của chủ nghĩa thực dân tại nơi này.
Giáo sư sử học Daho Djerbal – Đại học Algiers-Bouzaréah, Tổng Biên tập Tạp chí Phê bình Xã hội Algeria cũng nhận định cách mạng Algeria đã sớm nhìn ra con đường giải phóng của mình: “Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các nhà chính trị và lãnh đạo cách mạng Algeria hiểu rằng, chỉ có làm theo cách làm của Việt Nam mới có thể giành được độc lập, đó là đấu tranh vũ trang, bởi vì Pháp sẽ không bao giờ chấp nhận rời khỏi Algeria qua đàm phán hòa bình”. Theo ông El Ktiri – Chủ tịch Cao uỷ những Người kháng chiến và Cựu chiến binh Morocco, Chủ tịch Hội Hữu nghị Morocco – Việt Nam, sau sự kiện Điện Biên Phủ ở Việt Nam, các quốc gia châu Phi như bừng tỉnh. Ông nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện truyền cảm hứng tích cực, đã làm thức tỉnh và khơi dậy, mở màn cho các phong trào giải phóng dân tộc và các cuộc kháng chiến tại nhiều nước Châu Phi…”.
Sau Algeria, hàng loạt thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi như Maroc, Tunisia, Guinea, Mali, Madagascar, Cameroon… nổi dậy mạnh mẽ, buộc thực dân Pháp phải trả lại độc lập cho các nước này. Năm 1960 đánh dấu bước ngoặt của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân châu Phi với 17 nước giành độc lập và được gọi là “Năm Châu Phi”. Không dừng lại ở đó, các nước thuộc địa của Anh và Bồ Đào Nha cũng vùng lên và giành quyền độc lập vào những năm 70 của thế kỷ XX. Thập niên 1960, hàng loạt cuộc biểu tình, đình công đòi nâng cao mức sống cho người lao động và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng nổ ra ở Nam Phi, Kenya, Uganda, Tanzania, Rhodesia… Nếu trước Chiến tranh thế giới thứ 2, “lục địa đen” chỉ có hai quốc gia độc lập là Ethiopia và Liberia thì đến năm 1968, có tới 39 quốc gia trên lục địa này (bao gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được độc lập với mức độ khác nhau.
Đối với các nước Mỹ Latin, tinh thần của Điện Biên Phủ đã trở thành động lực to lớn, dẫn dắt cho con đường giành lại độc lập của họ. Cuốn sách Vì Việt Nam do Viện sách Cuba xuất bản năm 1974 có viết: Ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đang trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ trên đà thắng lợi, thì cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Cuba, dưới sự lãnh đạo của nhà hoạt động cách mạng chân chính Fidel Castro, nhằm lật đổ chế độ độc tài Batista – chỗ dựa của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ đã được bắt đầu vào ngày 26/7/1953. Ngoài ra, bằng nhiều hình thức đấu tranh khác nhau ở các nước như Bolivia, Venezuela, Colombia, Peru… đã lật đổ các chính quyền độc tài phản động, thành lập các chính quyền dân tộc, dân chủ, giành quyền tự quyết dân tộc.
Theo đó, Báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) khẳng định Điện Biên Phủ là biểu tượng của tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam. “Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cả châu Á và ảnh hưởng của nó còn kéo dài tới ngày nay” – nhà nghiên cứu Anh Peter Hunt thuộc ĐH King’s College London nhận định trên SCMP. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nước Pháp đã phải ký tuyên bố chung và các hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam – Lào – Campuchia. Đó là cơ sở quan trọng để cả ba nước Đông Dương tiến lên giành độc lập, hoàn thành thống nhất đất nước. Thiếu tướng Penkham Boutchanpheng, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng Lào đã phát biểu rằng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ mang ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử cách mạng Lào, là nhân tố ra đời Đảng Nhân dân Lào và Đảng ủy Quân sự Trung ương Lào vào đầu năm 1955”.
Ngay từ khi trận chiến chưa kết thúc hoàn toàn, từ ngày 28/4 đến ngày 2/5/1954, năm quốc gia châu Á mới độc lập (Ấn Độ, Myanmar, Indonesia, Pakistan và Sri Lanka) đã họp tại Colombo, Sri Lanka, và quyết định tổ chức một Hội nghị Các quốc gia độc lập châu Á và châu Phi vào năm 1955. Tại hội nghị Á-Phi đầu tiên ở Bandung (Indonesia) năm 1955, các đại biểu Việt Nam đã được chào đón như những người anh hùng.
Với sự thừa nhận nền độc lập của hàng loạt nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin, các đế quốc phương Tây phải thừa nhận sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Tờ báo hàng đầu của Mỹ là The New York Times ra ngày 6/5/1954 đã viết: Vài tháng trước còn chưa ai được nghe về thung lũng xa xôi ở khu rừng rậm Đông Nam Á này. Nhưng từ hôm nay, ba tiếng Điện Biên Phủ vang vọng trên khắp thế giới và đi vào lịch sử như một trận đánh được viết thành sử thi. Từ Điện Biên Phủ có thể bị phát âm sai. Nhưng trên môi mỗi chúng ta, nó vẫn là từ đồng nghĩa với những phẩm chất như quả cảm, bền bỉ. Đó chính là những gì đem lại vinh quang cho nhân loại.
Dù trực tiếp hay gián tiếp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và con đường đi tới độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam đã góp phần tạo động lực to lớn, mở ra một tương lai tươi sáng cho phong trào giải phóng dân tộc của các nước trên khắp thế giới. Cho đến hôm nay, ngày 7/5/2024 – 70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thông điệp của một chiến thắng “vang dội năm châu, chấn động địa cầu” vẫn tiếp tục tồn tại, cuộc đấu tranh giành độc lập của đất nước Việt Nam vẫn sẽ còn mãi với những giá trị lịch sử sâu sắc và tầm vóc thời đại to lớn vẫn vẹn nguyên.
Tài liệu tham khảo:
- Vov, B. Đ. T. (2024, May 5). Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đánh thức sức mạnh Lục địa Đen. VOV.VN. https://vov.vn/chinh-tri/chien-thang-dien-bien-phu-danh-thuc-suc-manh-luc-dia-den-post1092826.vov
- The impact of Dien Bien Phu on movements for national liberation worldwide in the 60s of the XX century. (n.d.). https://baotangchungtichchientranh.vn/tac-dong-cua-chien-thang-dien-bien-phu-den-phong-trao-giai-phong-dan-toc-tren-toan-the-gioi-nhung-nam-60-cua-the-ky-xx/47/?language=en
- Ảnh hưởng của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Cuba. (n.d.). https://special.nhandan.vn/anhhuong_cua_dienbienphu_doivoi_Cuba/index.html
- Phương, N. (2014, May 7). ‘’Điện Biên Phủ đã thay đổi Châu Á, ảnh hưởng tới nay’’ TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/dien-bien-phu-da-thay-doi-chau-a-anh-huong-toi-nay-606155.htm
- Vov, B. Đ. T. (2024, April 28). 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu. VOV.VN. https://vov.vn/chinh-tri/70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-con-dia-chan-toan-cau-post1091195.vov