Tổng quan các sự kiện quốc tế trong năm 2022 (Kỳ 3)

Tags: Nga – Ukraine, Mỹ, Trung Quốc

PHẦN 2: MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VÀ ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ LỚN TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ

Vấn đề 1: Xung đột vũ trang và chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế

Thông qua các sự kiện quốc tế, bức tranh toàn cảnh về thế giới năm 2022 hiện lên nổi bật với những căng thẳng xung đột vũ trang và chiến tranh giữa các chủ thể quốc gia dân tộc. Biên giới Nga – Ukraine chính là điểm nóng nhất trong các khu vực có diễn ra căng thẳng, xung đột quân sự trong năm nay. Trong hơn 10 tháng kể từ khi chiến sự tại khu vực này bùng nổ, lực lượng quân đội Ukraine được đánh giá là hoàn toàn trong thế bất lợi khi so sánh với tiềm lực của quân đội Nga. Mặc dù vậy, cuộc giằng co về quân sự giữa hai quốc gia láng giềng này đã cho thấy rằng sức mạnh quân sự không phải là yếu tố quyết định. Khả năng cầm cự của quân đội Ukraine đã làm bất ngờ cả cộng đồng quốc tế. Điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã hóa thành một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 10 tháng. Ngoài những yếu tố nội lực về con người nhân dân Ukraine hay khả năng lãnh đạo của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, mức độ thiệt hại hiện tại và những thành công quân sự mà quân đội Ukraine có được là nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các quốc gia đồng minh thông qua các hình thức viện trợ về kinh tế hay thiết bị, vũ khí chiến đấu. Riêng Mỹ, chính quyền tổng thống Joe Biden đã chi viện gần 50 triệu đô la Mỹ, 48% trong số đó được cung cấp thông qua những hệ thống đào tạo, vũ khí và thiết bị quân sự phòng thủ.[1] Trong năm 2023 sắp tới, những chuyển biến tại khu vực biên giới Nga và Ukraine sẽ còn tiếp tục kéo dài với sự khó lường. Một kịch bản trước mắt nếu xét từ những gì đã diễn ra đến giai đoạn hiện nay đó chính là hai nước này sẽ tiếp tục duy trì một thế giằng co dai dẳng. Với tình hình sa lầy trong chiến sự và mức độ quyết tâm như hiện nay của mỗi quốc gia, nhiều hệ quả kéo theo trên các lĩnh vực khác đặc biệt là kinh tế và đời sống an sinh của con người sẽ khiến cho hai bên cùng chịu nhiều gánh nặng và hậu quả mà chiến tranh gây ra. Điều đó có thể đẩy nhanh thời gian kết thúc cuộc xung đột này. Đương nhiên, những gì mà Ukraine phải gánh chịu là cực kỳ nghiêm trọng so với những gì mà Nga phải nhận lấy.[2]

Mặc dù nhận được sự giúp đỡ viện trợ từ cộng đồng quốc tế nhưng không thể phủ nhận những hậu quả về người và vật chất mà bất cứ xung đột quân sự nào gây nên. Máy bay chiến đấu Nga thực hiện hàng loạt các cuộc không kích vào các công trình dân dụng trọng yếu tại thủ đô Kyiv và các thành phố lớn cùng nhà ở của người dân. Không những vậy, các công trình năng lượng cũng bị nhắm vào dẫn tới nhiều vấn đề thiếu hụt và mất điện ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Ukraine. Cụ thể trên thực tế, nhiều đường ống dẫn khí và năng lượng của EU và Ukraine đã bị cố tình phá hủy nhằm thách thức khả năng quản lý khủng hoảng về năng lượng của phương Tây và Ukraine trong mùa đông.[3] Ngoài những hậu quả về mặt công trình, mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công của Nga còn trở nên nghiêm trọng hơn về mặt nhân đạo khi không chỉ khiến cho hàng triệu người dân Ukraine chịu cảnh mất nhà cửa mà còn trở thành nạn nhân của các cuộc không kích.

Theo nhận định của Giám đốc Phòng Nghiên cứu thuộc Viện Thay đổi Toàn cầu Tony Blair Daniel Sleat cùng đồng sự Jacob Delorme, tình hình chiến sự hiện tại đang trong một trạng thái “cân bằng thiếu ổn định”. Trong tương lai, mọi chuyển biến về quân sự nếu muốn tích cực và có lợi cho phía Ukraine đều phụ thuộc chủ yếu vào mức độ viện trợ và giúp đỡ của phương Tây. Dù có thể nói rằng quân đội Ukraine có được một số lợi thế trong công tác chiến đấu và phòng thủ, Nga vẫn là một trong những quốc gia có lực lượng quân đội tinh nhuệ và hùng hậu nhất trên thế giới. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã đe dọa việc nước này sẽ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân khi cần thiết. Điều này càng cho thấy quyết tâm của Nga trong vấn đề Ukraine đó là sử dụng mọi giá mọi biện pháp và công cụ ở bất kỳ mức độ nào. Về phía của Ukraine, tuy được hậu thuẫn bởi Mỹ và phương Tây nhưng vẫn đang chịu áp lực lớn trong chi tiêu dành cho quân sự đối với ngân sách nhà nước. Ước tính mỗi tháng, nước này tiêu tốn 5 triệu đô la Mỹ riêng cho cuộc chiến tranh với Nga trong khi đó các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế đều trông chờ và phụ thuộc vào khoản hỗ trợ đến từ các nước khác để duy trì hoạt động trong khi chiến tranh diễn ra.[4] Dự đoán trong năm 2023, ngân sách của quốc gia này sẽ chịu mức thâm hụt cao kỷ lục lên đến 38 tỷ đô la Mỹ.[5] Vấn đề nảy sinh từ đây đó là ngân sách chi cho những vấn đề này liệu trong tương lai sẽ đến từ đâu và có được duy trì như hiện tại khi tình hình kinh tế năm 2023 được nhiều dự báo cho rằng không khả quan.

Nhìn từ những diễn biến hiện tại, xét đến một giải pháp để chấm dứt cuộc chiến tranh, đàm phán và ngoại giao nói chung là không hiệu quả và thích hợp. Đơn giản đó là vì cả hai bên Nga và Ukraine hiện nay đều đang trong thời điểm quyết liệt với mặt trận quân sự cùng với những tầm nhìn mục tiêu khác nhau. Đối với Nga, đó là muốn nhà nước Ukraine hiện tại phải tuân theo sự ảnh hưởng của Nga và vận hành tuy độc lập nhưng phải có lợi cho phía Nga. Ngược lại, Ukraine mong muốn được chủ quyền và giành lại được các vùng lãnh thổ đã bị chiếm đóng bởi Nga. Vì vậy, những biện pháp ngoại giao như đàm phán sẽ không giải quyết triệt để vấn đề mâu thuẫn tận gốc mà chỉ có thể phần nào đáp ứng được nhu cầu giải quyết các vấn đề về hậu quả chiến tranh.[6] Hơn nữa trên thực tế, cộng đồng quốc tế hiện nay không có cùng quan điểm và sự thống nhất về thái độ đối với vấn đề của Ukraine. Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các nước đồng minh trong NATO và EU cần phải nghiêm túc hơn trong việc sử dụng ngoại giao thì Mỹ khẳng định hiện tại không phải là thời điểm để đàm phán hiệu quả hay Đức lại thể hiện thái độ mang tính mâu thuẫn khi mới đây có cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Vladimir Putin. Về phía Nga, chính quyền của ông Putin cũng nhiều lần thể hiện mong muốn cơ hội đàm phán trong khi thực tế không có dấu hiệu nào hạ nhiệt trong việc sử dụng quân sự.[7] Nếu nói đến biện pháp về luật pháp quốc tế, Tiến sĩ Hanno Wehland, cựu luật sư trọng tài tại Tòa án Trọng tài Thường trực, cũng tin rằng hiện tại không có bất cứ một khả năng thực sự cho các biện pháp trọng tài quốc tế diễn ra đối với vấn đề Ukraine do ý chí chính trị của các bên không muốn cam kết và muốn áp dụng các cơ chế giải quyết mâu thuẫn thuần mang tính luật pháp quốc tế để giải quyết.[8]

Cũng liên quan đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền trong năm nay, ngoài khu vực biên giới Nga – Ukraine, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng là một điểm nóng đáng chú ý khác với sự nổi lên của vấn đề eo biển Đài Loan. Trong năm nay, giữa thời điểm chiến sự Nga – Ukraine diễn ra căng thẳng, quan hệ trên eo biển Đài Loan đã có nhiều chuyển biến căng thẳng giữa Bắc Kinh và chính quyền Đài Loan. Kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8, tình hình quân sự trên khu vực biển giữa Đài Loan và Trung Quốc trở nên cực kỳ căng thẳng. Kéo dài đến tận cuối năm nay, Lực lượng Quân đội Nhân dân Trung Quốc liên tục gửi máy bay chiến đấu đến khu vực vùng nhận diện phòng không xác lập của Đài Loan. Cụ thể 71 máy bay quân sự bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay không người lái đã hoạt động trong gần 24 giờ tại vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Đây là hành động mang tính đáp trả lại đối với sự khiêu khích của Mỹ và Đài Loan theo lời của phát ngôn viên Shi Yi của Bộ Tư lệnh phía Đông Trung Quốc.[9]

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan thực chất gắn liền với cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung hiện nay. Đây là lần căng thẳng nhất trong quan hệ của hai nước có liên quan đến quân sự từ trước đến nay. Mặc dù cả hai nguyên thủ của hai nước đã bày tỏ mong muốn quan hệ song phương trong cuộc gặp mặt sau Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20, nhà nghiên cứu Trung Quốc Amanda Hsiao tại Viện nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế ICG cho rằng Đài Loan vẫn sẽ là một lĩnh vực cạnh tranh của hai cường quốc trong tương lai. Trong năm sau, theo giáo sư chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế và chiến lược Da-Jung Li tại Đại học Tamkang, sự chuyển biến trong bộ máy chính trị của Mỹ sẽ có tác động đến tình hình Đài Loan. Cụ thể, nếu ứng viên cho chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện tiếp theo Kevin McCarthy thành công nắm giữ chức vụ này, một chuyến thăm Đài Loan sẽ tiếp tục diễn ra. Tương tự trong năm 2022, phản ứng của Trung Quốc được dự đoán sẽ cứng rắn như hồi bà Pelosi đến thăm Đài Loan hoặc thậm chí là hơn như vậy. Cuộc bầu cử nhà lãnh đạo tiếp theo của Đài Loan vào năm 2024 cũng là một sự kiện cũng góp phần ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan trong tương lai.[10]

Ngoài hai địa điểm nóng có mâu thuẫn xung đột kể trên, các khu vực địa lý khác trên thế giới vẫn diễn ra những cuộc xung đột tương tự có nguy cơ trở nên nghiêm trọng và phát triển theo chiều hướng xấu trong thời gian sắp tới. Một số địa điểm tiêu biểu cần nhắc đến như quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên trở nên căng thẳng do leo thang quân sự, quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc trong vấn đề biên giới lãnh thổ, hay chiến tranh Israel – Palestine kéo dài không có dấu hiệu hạ nhiệt.[11] [12] [13]

Vấn đề 2: Những vấn đề an ninh phi truyền thống trong quan hệ quốc tế

Những mối lo, nghi ngại về an ninh truyền thống đang diễn ra trên thế giới đã kéo theo không ít những khủng hoảng, khó khăn thuộc các lĩnh vực của an ninh phi truyền thống như kinh tế, y tế, lương thực, năng lượng,… Những vấn đề này đã trải dài suốt năm 2022 và được dự đoán sẽ không dừng lại khi bước sang năm tiếp theo.

Nền kinh tế toàn cầu đã có khoảng thời gian không suôn sẻ trong năm 2022. Trong lúc đang hồi phục dần sau giai đoạn đại dịch Covid bùng phát nghiêm trọng và đối mặt với tình trạng lạm phát kéo dài, nền kinh tế toàn cầu cũng như các lĩnh vực khác, đặc biệt là năng lượng và lương thực, đã trở nên khó khăn hơn vì cuộc xung đột tại Ukraine. Trong một bài báo cáo, “World Economic Outlook – Countering the cost-of-living crisis” của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ba yếu tố chính định hình nền kinh tế trong năm vừa qua và triển vọng trong năm 2023 là (1) lập trường của chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát gia tăng của các nước, (2) tác động của cuộc chiến ở Ukraine, (3) tác động liên tục của việc phong tỏa liên quan đến đại dịch và gián đoạn chuỗi cung ứng.[14]

       Thứ nhất, tình trạng lạm phát đã kéo dài từ năm 2021 và trở nên cao kỷ lục vào năm 2022 (cao nhất kể từ năm 1982). Nguyên nhân của tình trạng này được cho là sự nới lỏng chính sách tiền tệ (đưa ra các gói kích thích tài chính, giảm lãi suất vay) được nhiều quốc gia áp dụng sau khoảng thời gian kinh tế bị ảnh hưởng nhiều vì đại dịch Covid-19. Đến nay, khi lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách ứng phó: một số đang tăng lãi suất để khiến người tiêu dùng ngừng vay và chi tiêu nhiều hơn, nhưng khi việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, điều này cũng sẽ dẫn đến việc đầu tư và mua sắm ít hơn và có thể mang lại tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.[15] Với việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần nâng trần lãi suất cho vay USD trong năm qua nhằm kiềm chế lạm phát, nguy cơ thiếu vốn, giảm sức mua sẽ tăng cường hơn nữa áp lực lạm phát kép tại các nền kinh tế phi đô-la hóa trong năm 2022. Điều này có thể dẫn đến một cuộc “chạy đua” về lãi suất tiền tệ ở quy mô toàn cầu, có khả năng tạo thành một “vòng xoáy” điển hình của việc lạm dụng các cơ chế tài chính dẫn đến triệt tiêu mọi động lực tăng trưởng kinh tế.[16] Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank–WB), năm 2023 ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 0,5% và giảm 0,4% tính theo đầu người. Về mặt kỹ thuật, có thể xem mức tăng trưởng chậm này phản ánh một cuộc suy thoái toàn cầu sắp diễn ra trong tương lai.[17]

Lạm phát thậm chí còn trầm trọng hơn khi giá năng lượng và lương thực chiếm khoảng ⅔ tỉ lệ lạm phát chung kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine diễn ra. Châu Âu là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất mặc dù chính Liên minh châu Âu đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển bắt đầu từ cuối năm 2022 và cấm bảo hiểm hàng hải. Việc mất đi một lượng dầu được nhập khẩu từ Nga, đặc biệt là khí đốt, đã ảnh hưởng đến thương mại nhiên liệu hóa thạch, với lưu lượng khí đốt qua đường ống dẫn của Nga sang châu Âu giảm xuống khoảng 20% so với mức một năm trước.[18] Từ đó, giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh. Cuộc xung đột càng diễn ra lâu dài càng gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng ở châu Âu khi giá năng lượng ngày càng cao hơn, niềm tin của người tiêu dùng yếu hơn và động lực sản xuất chậm lại do sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục và chi phí đầu vào tăng cao. Ngoài năng lượng, sự gia tăng của giá lương thực cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia và góp phần thúc đẩy lạm phát. Theo đó, Ukraine là nước sản xuất dầu hướng dương lớn nhất thế giới. Cùng với Nga, nước này chịu trách nhiệm cho hơn một nửa xuất khẩu dầu thực vật toàn cầu. Khu vực này cũng xuất khẩu hơn một phần ba (36%) lượng lúa mì của thế giới.[19] Như vậy, khi cuộc xung đột xảy ra, gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, vấn đề đại dịch tại Trung Quốc cũng là điều đáng lưu ý khi nước này là trung tâm sản xuất có quy mô lớn nhất toàn cầu. Trung Quốc đã trải qua các đợt phong tỏa vì sức khỏe cộng đồng khi số lượng các ca mắc Covid-19 luôn tăng cao. Các lệnh phong tỏa như vậy đã làm suy yếu nhu cầu nội địa và sản xuất trong nước. Sự gián đoạn này ở Trung Quốc không chỉ có tác động trong nước mà còn lan rộng ra quốc tế, vì nhu cầu thấp hơn đồng nghĩa với việc xuất khẩu ít hơn cho các nhà cung cấp nước ngoài. Bên cạnh đó, những hạn chế về năng lực trong sản xuất và hậu cần làm trì hoãn việc thông thoáng chuỗi cung ứng, khiến áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu và do đó là lạm phát tăng cao và điều này có thể sẽ còn tiếp diễn khi tình trạng dịch bệnh tại Trung Quốc kéo dài hoặc có chiều hướng xấu đi.

Không chỉ mặt kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng và chủ yếu bởi lạm phát cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng, mà chính vì kinh tế bị ảnh hưởng nên các lĩnh vực khác liên quan đến chất lượng cuộc sống người dân cũng bị ảnh hưởng. Nhắc lại về lương thực, nhiều quốc gia đang phát triển và các thị trường mới nổi dựa vào thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine và Nga để tăng sản lượng thực phẩm địa phương. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cuộc xung đột Nga – Ukraine đã gây ra tình trạng thiếu lương thực và đang ảnh hưởng đến giá lương thực ở khắp mọi nơi, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là các nền kinh tế đang phát triển nơi những người nghèo nhất thế giới sinh sống. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) báo cáo rằng Chỉ số giá lương thực (FPI) toàn cầu đạt trung bình 159,3 điểm trong tháng 3 năm 2022, tăng 17,9 điểm (12,6%) so với tháng 2.[20]

Bên cạnh đó, về mặt y tế, vẫn chưa có sự đảm bảo cho đại dịch Covid-19. Trong tháng 12/2022, Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu sắp mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ông Bruce Kasman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế và chính sách tại JPMorgan Chase, cho biết: “Tình trạng suy thoái hiện tại của Trung Quốc cho thấy tiềm năng phục hồi là rất lớn. Tuy nhiên, những kinh nghiệm gần đây cũng cho thấy những thất bại đáng kể thường xảy ra khi mở cửa quá sớm và hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải”.[21] Đối mặt với các quyết định cắt giảm giãn cách xã hội và kiểm dịch của Trung Quốc, nhiều chuyên gia và giới phân tích quan ngại về nguy cơ khủng hoảng y tế quy mô lớn ngày càng hiện hữu. Những lý do dẫn đến quan ngại trên cũng chính là những lý do thúc đẩy chính phủ Trung Quốc kiên trì với Zero-Covid: (1) Tỷ lệ và tần suất tiêm chủng vaccine thấp; (2) Năng lực vaccine chưa cao; (3) Năng lực và sức chịu đựng của hệ thống y tế Trung Quốc. Theo các ước tính chính thức, có khoảng 90% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tuy nhiên, cũng theo các số liệu này, có khoản 30% dân số trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine hoặc chỉ tiêm một mũi, tỷ lệ này tăng lên con số 60% cho những người trên 80 tuổi.[22] Trong khi đó, cũng có các quan ngại về năng lực tương đối hạn chế của vaccine do Trung Quốc sản xuất khi so với các mẫu vaccine của phương Tây, đặc biệt là khả năng phản ứng với các biến chủng mới của Covid-19.[23] Các chuyên gia y tế mặt khác cũng bày tỏ lo lắng về năng lực xử lý người bệnh của hệ thống các bệnh viện trên khắp Trung Quốc, trước các quyết định nới lỏng giãn cách vào tháng 12 của chính phủ. Theo một báo cáo về nghiên cứu mô phỏng số liệu công bố bởi tạp chí Nature Medicine, nếu căn cứ theo số liệu về tỷ lệ tiêm chủng tại Trung Quốc vào tháng ba, thì việc cắt giảm giãn cách xã hội sẽ dẫn đến một đợt bùng dịch kéo dài sáu tháng, với khoảng 116 triệu ca bệnh, 2.7 triệu ca phải thở máy ICU và 1.6 triệu ca tử vong.[24] Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sắp mở cửa trở lại có thể thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nó cũng mang lại rủi ro vì vẫn có thể dịch bệnh phát sinh thêm nhiều biến chủng mới.

Cùng với y tế và lương thực, năng lượng cũng là một vấn đề cần được lưu tâm. Cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra sự gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng khiến hầu hết các quốc gia chuyển sự chú ý của họ sang an ninh năng lượng, chuyển trọng tâm ra khỏi các nỗ lực bảo tồn và giảm lượng khí thải carbon. Một số quốc gia tiếp cận nguồn dầu mỏ khác, trong khi Đức thậm chí còn khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, châu Âu vẫn còn phải trải qua vài tháng mùa đông nữa, khi hệ thống sưởi ấm trong nhà là rất quan trọng đối với những người dân. Không điều gì là chắc chắn trong năm 2023 châu Âu sẽ ổn định về nguồn cung năng lượng. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra đã mở ra cơ hội cho việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để giảm sự phụ thuộc vào dầu. Với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc có thể sử dụng các nguồn năng lượng bảo vệ môi trường là điều cần thiết.  Trong năm nay, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP27 đã được tổ chức ở Ai Cập vào tháng 11. Tuy nhiên, kết quả của hội nghị trên đã không có tiến triển nào về vấn đề các quốc gia giàu có bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn để đổi lấy việc giảm lượng khí thải. Mặc dù vậy, trong tương lai, cùng với những khó khăn về việc tiếp cận nguồn năng lượng khi cuộc xung đột tại Ukraine rất khó đoán định cùng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, có lẽ các quốc gia sẽ cùng ngồi lại và sớm tìm ra một phương án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để thay thế.

Vấn đề 3: Phân bố quyền lực trong quan hệ quốc tế

Năm 2022 khép lại với nhiều sự kiện làm đẩy nhanh và khiến cho sự chuyển biến của trật tự thế giới ngày càng trở nên bất ổn hơn. Trật tự thế giới hiện nay được đặc trưng mô tả bởi tính chất đa cực với siêu cường duy nhất là Mỹ. Trong những năm gần đây, mặc dù vị thế siêu cường của Mỹ vẫn nguyên vẹn tuy nhiên nó đang bị thách thức ở nhiều phương diện bởi nhiều quốc gia khác nhau. Bên cạnh Mỹ, Trung Quốc và Nga là những cường quốc có sức ảnh hưởng mang tính chi phối làm chi phối tình hình thế giới. Hiện nay, cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung đang là một trong những sự kiện có ảnh hưởng mang tính cấu trúc sâu sắc nhất đối với cục diện thế giới hiện tại. Kể từ sau khi Mỹ đánh mất lợi thế trong trật tự “đơn cực” trước đây, Trung Quốc trỗi dậy và liên tục phát triển mạnh mẽ đồng thời xây dựng ảnh hưởng ở nhiều khoảng trống quyền lực do Mỹ bỏ khuyết tại nhiều khu vực như châu Phi, Trung Đông, Nam Á,…Ngoài mặt ảnh hưởng địa chính trị, kinh tế thương mại cũng là những mặt trận mà cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung được mở rộng, mang tính quyết định số phận của nền kinh tế thế giới. Cụ thể trong năm nay, Mỹ đã thể hiện quyết tâm cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn thông qua hợp tác với Đài Loan. Căng thẳng trên eo biển Đài Loan cũng là một yếu tố khó lường khác đẩy cao mức độ cạnh tranh giữa hai quốc gia này trong tương lai, thách thức đối với sự lựa chọn của từng quốc gia trong cách ứng xử và lựa chọn đường lối và chính sách đối ngoại để cùng tồn tại và duy trì ổn định của chính trị thế giới.

Ngoài Trung Quốc, như đã nói, Nga là một trong những quốc gia cũng đang tạo ra những thay đổi quan trọng đối với cục diện thế giới trong thời điểm hiện tại. Sự quyết tâm của chính quyền Putin đối với vấn đề Ukraine hiện tại cho thấy Nga cực kỳ nghiêm túc và cứng rắn đối với việc củng cố và xây dựng ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Âu trước sự Đông tiến của Mỹ và phương Tây. Kết quả của chiến sự Nga – Ukraine dù như thế nào cũng sẽ làm thay đổi lớn đối với vị thế của cường quốc này, và nhiều khả năng thậm chí làm xoay chuyển trật tự thế giới hiện tại do Mỹ đứng đầu do những hệ quả sẽ xảy ra nếu giả dụ Nga có thể thành công đạt được mục tiêu khi quyết định đổ bộ tấn công Ukraine.

Bên cạnh sự ảnh hưởng của nước lớn, tính chất đa cực của trật tự thế giới hiện tại đang càng ngày trở nên bất ổn hơn với việc ngày càng có nhiều quốc gia phát triển trở thành những cường quốc mới, những cường quốc tầm trung ở nhiều khu vực trên thế giới có khả năng chi phối tình hình tại từng khu vực ở những mức độ nhất. Một số đại diện tiêu biểu thuộc nhóm nước này có thể kể đến như Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ,…

Vị thế của các quốc gia đang phát triển cũng sẽ trở nên quan trọng hơn và có vai trò lớn hơn trong cấu trúc của trật tự thế giới bởi xu hướng ngoại giao đa phương, thành lập quan hệ đồng minh ngày càng rộng rãi trong thời điểm hiện tại. Các quốc gia thuộc các khu vực Trung Đông, châu Phi, các nhóm quốc đảo thuộc Thái Bình Dương liên tiếp được tập trung phát triển quan hệ hợp tác bởi các nước lớn do lợi thế nguồn khoáng sản, năng lượng hay vị thế địa lý.

Chính sự phát triển đa chiều và phức tạp trong quan hệ quốc tế hiện nay, rất khó có thể xác định chính xác đâu là những cực cụ thể trong trật tự thế giới hiện nay. Không đơn giản chỉ có các cường quốc mới là những chủ thể chính chi phối cục diện thế giới hiện nay, rất nhiều quốc gia và các chủ thể phi quốc gia đang ngày càng chứng tỏ được khả năng ảnh hưởng và tầm quan trọng trong vai trò của mình đối với tình hình thế giới. Đại diện Cấp cao của Liên minh Châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borell vì vậy đã miêu tả trật tự thế giới đa cực hiện tại bằng tính từ “hỗn độn” (messy) trong bài phát biểu của mình vào họp báo thường niên năm 2022.[25]

Dựa trên các sự kiện quốc tế quan trọng của năm 2022 và những vấn đề đáng lưu ý trong năm 2023, bài viết đã đúc kết nhiều thông tin và nhận định của các chuyên gia nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan và khoa học nhất về những diễn biến quốc tế. Có thể thấy, năm 2022 tiếp tục là một năm đánh dấu nhiều sự chuyển biến lớn, gắn liền với các sự kiện quốc tế quan trọng. Những chuyển biến này đã phản ánh bối cảnh kinh tế-chính trị-xã hội đã bước vào một thời kỳ chuyển biến sâu sắc, không thiếu những thách thức, rủi ro xen lẫn với các cơ hội và thời cơ. Năm 2023, theo nhiều dự đoán, được xem là sự mở đầu của thời kỳ chuyển biến quốc tế với sự bất định đang bao trùm trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh. Do đó, từ góc độ của các quốc gia, các tổ chức và cá nhân, việc liên tục cập nhật và nhận thức rõ ràng thực trạng quốc tế là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững trước mắt và lâu dài.


[1] Masters, J. & Merrow, W. (2022, December 16). How much Aid Has The U.S. Sent Ukraine? Here Are Six Charts. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/article/how-much-aid-has-us-sent-ukraine-here-are-six-charts

[2] Agrawal, R. (2022, December 28). Stephen Walt on the Underweighted Risks of 2023. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2022/12/28/stephen-walt-foreign-policy-2023-risk-elections-china-protests/

[3] Sleat, D. & Delorme, J. (2022, December 22). What Does 2023 Hold for the War in Ukraine?. Tony Blair Institute for Global Change. https://institute.global/policy/what-does-2023-hold-war-ukraine?utm_source=pocket_reader

[4] Rudik, K. (2022, December 22). Ukraine must be given the tools to stop Vladimir Putin in 2023. Atlantic Council. https://www.atlanticcouncil.org/blogs/ukrainealert/ukraine-must-be-given-the-tools-to-stop-vladimir-putin-in-2023/

[5] Liboreiro, J. (2022, November 14). Ukraine’s 2023 budget has a $38 billion gap. Who will help cover it? Euro News. https://www.euronews.com/my-europe/2022/11/14/ukraines-2023-budget-has-a-38-billion-gap-who-will-help-cover-it

[6] Cohen, R. S. & Gentile, G. (2022, November 22). What’s the Harm in Talking to Russia? A Lot, Actually. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2022/11/22/russia-ukraine-war-negotiation-diplomacy-settlement-peace-ceasefire-armistice-putin/

[7] Sasse, G. (2022, December 6). The Risks of Negotiating an End to the War in Ukraine. Carnegie Europe. https://carnegieeurope.eu/strategiceurope/88574

[8] Chessa, S. (2022, December 15). Russia’s invasion of Ukraine: Diplomatic solutions considered to bring conflict to an end. International Bar Association. https://www.ibanet.org/Russia-invasion-of-Ukraine-Diplomatic-solutions-to-bring-conflict-to-an-end

[9] AP News. (2022, December 26). Dozens of Chinese warplanes cross Taiwan median line. Associated Press. https://www.theguardian.com/world/2022/dec/26/dozens-of-chinese-warplanes-cross-taiwan-median-line

[10] Yang, W. (2022, December 28). Taiwan Strait: What to expect in 2023. Deutsch Welle. https://www.dw.com/en/taiwan-strait-what-to-expect-in-2023/a-64227789

[11] Yeung, J. (2022, December 15). Indian and Chinese troops fight with sticks and bricks in video. CNN News. https://edition.cnn.com/2022/12/14/asia/india-china-border-tensions-video-intl-hnk/index.html

[12] Al Jazeera. (2022, October 24). Two Koreas exchange warning shots near sea border amid tensions. Al Jazeera News. https://www.aljazeera.com/news/2022/10/24/two-koreas-exchange-warning-shots-near-sea-border-amid-tensions

[13] United Nations. (2022, November 28). Israeli-Palestinian conflict nearing ‘boiling point’, UN envoy warns. UN News. https://news.un.org/en/story/2022/11/1131112

[14] International Monetary Fund. (n.d.). World Economic Outlook – Countering the Cost-of-living Crisis. International Monetary Fund.

[15] RIZZI, A. (2022, December 20). Key political issues that will define 2023. EL PAÍS. https://english-elpais-com.translate.goog/international/2022-12-20/key-political-issues-that-will-define-2023.html?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc

[16] WB (2022). Risk of Global Recession in 2023 Rises Amid Simultaneous Rate Hikes. World Bank press release No: 2022/015/EFI.

[17] Jiao, Claire (2022). Global recession looms amid broadest rate hikes in five decades, World Bank says. BNN Bloomberg. https://www.bnnbloomberg.ca/global-recession-looms-amid-broadest-rate-hikes-in-five-decades-world-bank-says-1.1819357

[18] International Monetary Fund. (n.d.). World Economic Outlook – Countering the Cost-of-living Crisis. International Monetary Fund.

[19] Economics Observatory. (2022, June 17). How is the war in Ukraine affecting global food prices? https://www.economicsobservatory.com/how-is-the-war-in-ukraine-affecting-global-food-prices

[20] Economics Observatory. (2022, June 17). How is the war in Ukraine affecting global food prices? https://www.economicsobservatory.com/how-is-the-war-in-ukraine-affecting-global-food-prices

[21] Horowitz, J. (2022, December 29). Here’s what could tip the global economy into recession in 2023. CNN. https://edition.cnn.com/2022/12/29/business/global-economy-2023-recession/index.html

[22] Ruwitch, John (2022). Why vaccine hesitancy persists in China — and what they’re doing about it. NPR. https://www.npr.org/sections/goatsandsoda/2022/12/09/1140830315/why-vaccine-hesitancy-persists-in-china-and-what-theyre-doing-about-it

[23] Mueller, Benjamin; Stevenson, Alexandra (2022). As Officials Ease Covid Restrictions, China Faces New Pandemic Risks. The New York Times. https://www.nytimes.com/2022/12/02/health/china-covid-lockdowns.html

[24] Cai, J., Deng, X., Yang, J. et al. Modeling transmission of SARS-CoV-2 Omicron in China. Nat Med 28, 1468–1475 (2022). https://doi.org/10.1038/s41591-022-01855-7

[25] European Union. (2022, October 10). EU Ambassadors Annual Conference 2022: Opening speech by High Representative Josep Borrell. European Union Websites. https://www.eeas.europa.eu/eeas/eu-ambassadors-annual-conference-2022-opening-speech-high-representative-josep-borrell_en

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *