Nhận định về Đối thoại Shangri-La 2022

Tags: an ninh châu Á – Thái Bình Dương

Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 được tổ chức trực tiếp tại Singapore với quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sự kiện được diễn ra sau hai năm tạm hoãn do đại dịch Covid-19 tại khách sạn Shangri-La của Singapore với đơn vị tổ chức là Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Khách mời tham dự bao gồm hơn 500 đại biểu là các quan chức chính phủ, an ninh – quốc phòng, ngoại giao và các chuyên gia đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đối thoại lần này được kỳ vọng sẽ đưa đến các phương thức hợp tác mới và tạo bệ phóng cho sự gắn kết và trật tự của khu vực trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức và khủng hoảng ở nhiều lĩnh vực mà đặc biệt là an ninh.

Bối cảnh

         Đối thoại Shangri-La năm 2022 diễn ra giữa bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp với nhiều điểm nóng trên thế giới và khu vực. Chiến sự Ukraine và Nga vẫn chưa ngã ngũ và sự cạnh tranh Mỹ – Trung tiếp tục leo thang. Trước thềm sự kiện, dù Mỹ và các nước phương Tây tung các gói trừng phạt kinh tế – tài chính – công nghệ đồng loạt nhằm tối đa hóa áp lực nhưng vẫn không buộc Nga từ bỏ “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Tính tới ngày 3/6 chiến sự Nga – Ukraine đã kéo dài 100 ngày gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho thế giới, bao gồm: khủng hoảng người tị nạn từ Ukraine ở Đông Âu, khủng hoảng nguồn cung lương thực và phân bón, an ninh năng lượng ở châu Âu bị đe dọa kéo theo giá xăng dầu, khí đốt toàn cầu tăng vọt và nguy cơ chạy đua vũ trang tại châu Âu và các khu vực khác gia tăng.[1]

Tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cạnh tranh trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn. Về phía Mỹ, đối thoại Shangri-La mang ý nghĩa khẳng định cam kết của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và vạch ra bước đi mới của Mỹ trong thời gian tới, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ chiến lược FOIP mà Mỹ đã vạch ra trước đây. Về phía Trung Quốc, nước vốn phản đối chiến lược và tầm nhìn FOIP của Mỹ, Nhật nói riêng và các hoạt động của Nhóm Bộ tứ QUAD nói chung tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, xem đối thoại Shangri-La là cơ hội để bày tỏ sự quan ngại về trật tự khu vực đang được xây dựng bởi Mỹ và đồng minh. Bên cạnh đó, vào cuối tháng 5/2022, sự lo ngại về hành vi ngang ngược của Trung Quốc gia tăng sau sự cố chặn phi cơ Úc tại không phận quốc tế ở biển Đông. Theo Úc, chiến đấu cơ Trung Quốc đã cắt ngang phía trước máy bay do thám của Úc đang chấp hành luật pháp quốc tế và thả túi chứa các mảnh nhôm vào động cơ máy bay trong khi đó phía Trung Quốc cáo buộc máy bay của Úc đã đe dọa an ninh và chủ quyền của Trung Quốc, và chính quyền Úc đã phát tán “thông tin sai lệch”. Điều này đi ngược lại các dự đoán về việc nối lại mối quan hệ hữu hảo giữa Úc và Trung dưới nhiệm kỳ của Tân Thủ tướng Úc Albanese.[2]

Khu vực bán đảo Triều Tiên cũng tồn tại các mối nguy an ninh đáng lo ngại. Tính từ đầu năm 2022, Triều Tiên liên tiếp tiến hành 18 vụ phóng thử tên lửa đặc biệt số lượng tên lửa mỗi lần bắn ngày càng tăng, lần sau dày hơn lần trước. Ngày 25/5, Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo và sau đó chỉ 10 ngày, hôm 5/6, Triều Tiên lại tiếp tục phóng đến 8 tên lửa đạn đạo cùng một lúc. Để đáp trả động thái này cũng như gia tăng hợp tác quân sự, Mỹ – Hàn và Mỹ – Nhật đã tiến hành các cuộc tập trận và phóng tên lửa. Cụ thể vào ngày 7/6/2022, quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã phóng 8 tên lửa đất đối đất (ATACMS). Trước đó, 2 nước này đã tiến hành tập trận trên không với 20 máy bay chiến đấu. Còn Mỹ – Nhật cũng tổ chức tập trận không quân chung với 6 máy bay chiến đấu. Tình hình ở bán đảo Triều Tiên được dự đoán sẽ trở nên căng thẳng hơn và đi kèm cũng mối lo ngại Triều Tiên sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.[3]

Vì vậy diễn đàn đối thoại Shangri-La năm nay chính là dịp để các đại biểu các nước gặp gỡ và trao đổi trực tiếp nhằm nối lại thảo luận, gia tăng đối thoại, thúc đẩy hợp tác để đảm bảo trật tự an ninh châu Á.       

Nội dung

Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 diễn ra trong vòng 3 ngày từ 10/6-12/6 với hai ngày 11 và 12/6 là thời gian làm việc chính. Sự kiện bao gồm nhiều bài phát biểu quan điểm đến từ các quốc gia được phân bố trong 4 phiên họp toàn thể sau: 

Thời gianNội dung
Phiên 1 – Sáng 11/6Các bước kế tiếp đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ
Phiến 2 _ Trưa 11/6Phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới
Phiên 3 – Chiều 11/6Hiện đại hóa quân đội và những năng lực quốc phòng mới
Phiên 4 – Sáng 12/6Tầm nhìn của Trung Quốc về trật tự khu vực

Dù được chia ra 4 phiên họp khác nhau nhưng nội dung chính của cuộc đối thoại chủ yếu xoay quanh hai vấn đề chính là chiến tranh Nga – Ukraine và cạnh tranh Mỹ – Trung. Về chiến tranh Nga – Ukraine, trong cuộc đối thoại Ukraine đã lên tiếng kêu gọi các nước viện trợ vũ khí hỗ trợ Ukraine giành lại những khu vực bị Nga chiếm đóng trong khi đại diện Nga không được mời tham dự hội nghị. Còn Mỹ chỉ trích Trung Quốc đã gián tiếp hỗ trợ cho Nga khi nước này đang bị phương Tây trừng phạt do thực hiện chiến dịch quân sự vào Ukraine.[4] Tương tự Mỹ, nhiều quốc gia cũng đã đặt vấn đề về sự can dự của Trung Quốc trong cuộc chiến này, tuy nhiên phía Trung Quốc qua bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phương Hòa nêu lên quan điểm Trung Quốc chỉ đóng vai trò là đối tác của Nga thay vì là đồng minh như trong suy đoán của các nước khác. Trung Quốc cũng phản bác những cáo buộc về cung cấp vũ khí cho Nga và cho rằng những biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ khiến gia tăng căng thẳng và phức tạp hóa tình hình.[5]

Bên cạnh đó vấn đề cạnh tranh Mỹ – Trung và an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn phủ sóng xuyên suốt hội nghị Shangri-La, đặc biệt bài phát biểu của Mỹ nhấn mạnh về những bước tiếp theo cũng Mỹ để hình thành cơ chế đảm bảo an ninh tại khu vực. Nội dung của Mỹ tập trung lên án các hành động đe dọa an ninh khu vực của Trung Quốc qua hành vi ngang ngược chặn máy bay Úc tại Biển Đông và gia tăng hợp tác quân sự tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Đồng ý với Mỹ, các nước Nhật, Úc, New Zealand và Canada cũng bày tỏ quan ngại Trung Quốc đang đe dọa tới an ninh và trật tự tại khu vực.[6] Ngoài ra Mỹ còn đề ra một tầm nhìn tương lai về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, tự do và rộng mở cho tất cả các quốc gia. Mỹ nhận định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “trái tim” trong chiến lược của Mỹ và cam kết sẽ đề xuất mức ngân sách kỷ lục vào năm 2023 để đảm bảo an ninh.[7] Đứng trước những lời chỉ trích, Trung Quốc vẫn giữ vững quan điểm từ trước tới nay và cáo buộc Mỹ “bắt nạt” cũng như lôi kéo các nước trong khu vực và rằng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là công cụ đối đầu chống lại Trung Quốc. Để chứng minh, Trung Quốc đã lấy ví dụ các cuộc xung đột ở Trung Đông và châu Âu là bằng chứng cho mục tiêu tổng thể của Mỹ nhằm phá hoại hòa bình và xây chắc vị trí bá chủ của mình. Sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ – Trung còn thể hiện qua vấn đề eo biển Đài Loan. Trong khi Trung Quốc lập luận việc thống nhất Trung Quốc là “một xu hướng lịch sử mà không ai, không thế lực nào có thể ngăn chặn” nên sẽ  “chiến đấu tới cùng” và “bằng mọi giá” thì Mỹ đưa ra những lời phát biểu cứng rắn phản đối việc dùng vũ lực của Trung Quốc và cam kết ủng hộ Đài Loan về mặt quân sự. 

Dù còn tồn tại nhiều bất đồng nhưng Mỹ – Trung vẫn thể hiện nhu cầu gia tăng đối thoại giữa quân đội hai nước vì trong bối cảnh nhiều điểm nóng như hiện nay hợp tác sẽ được ưu tiên hơn đối đầu. Phía Mỹ bày tỏ mong muốn sự chủ động từ Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong đối thoại giải quyết khủng hoảng và các cơ chế quản lý khủng hoảng và được Trung Quốc phản hồi tích cực.[8] Còn phía Trung Quốc khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ – Trung có cải thiện được hay không còn phụ thuộc vào những hành động của Mỹ. 

Một số nhận định, đánh giá về hội nghị Shangri-La 2022

Trong bối cảnh diễn ra hội nghị, học giả khắp thế giới đã đưa ra các nhận định, đánh giá, dự đoán về xu hướng sắp tới của quan hệ quốc tế, cũng như đưa ra các gợi ý chiến lược, giải pháp cho các nước nhằm củng cố an ninh trong bối cảnh hòa bình mong manh. Các quan điểm có thể được tổng hợp thành 4 nội dung chính:

(1)   Quan hệ Mỹ – Trung sẽ tiếp tục căng thẳng, với các nỗ lực của Mỹ muốn khẳng định lại vai trò dẫn dắt của mình trong khu vực và tăng cường các công cụ răn đe tích hợp, trong khi Trung Quốc cứng rắn lập trường của mình trước các chỉ trích và sẽ không nhượng bộ lợi ích quốc gia. 

Tại hội nghị, Mỹ thể hiện mạnh mẽ mong muốn khẳng định lại vị thế dẫn dắt của mình với các đối tác và đồng minh, ở đa dạng các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế. Một trong những khái niệm trọng tâm mà Mỹ đưa ra thảo luận là công cụ răn đe tích hợp, theo giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Greg Poling.[9] Răn đe tích hợp có nghĩa là sẽ Mỹ sẽ sử dụng tối đa năng lực đang có, đồng thời xây dựng các năng lực răn đe mới và kết nối các năng lực này với nhau thành mạng lưới, tức đa dạng hóa về cả công cụ lẫn lĩnh vực răn đe và kết hợp chúng lại với nhau. Để bổ trợ cho khái niệm răn đe tích hợp, Mỹ cũng sẽ thắt chặt mối quan hệ với hệ thống đồng minh, đối tác song phương đa phương hư QUAD hay thỏa thuận quốc phòng AUKUS, tăng cường cung cấp hàng hóa công, thể hiện rõ vai trò hơn trong việc định hình môi trường chiến lược khu vực. Các học giả cho rằng Mỹ sắp tới sẽ có những thông điệp và cam kết hỗ trợ Đài Loan tự vệ, đồng thời bảo vệ tự do trên biển trong khu vực.[10]

Bên cạnh đó, Mỹ cũng nỗ lực thể hiện sự lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế, qua việc xây dựng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), với sự tham gia của QUAD và đặc biệt là Ấn Độ, đối tác then chốt để Mỹ thay thế thị trường Trung Quốc, theo Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Hudson, Mỹ). Tiến sĩ Satoru Nagao cho rằng Mỹ đang muốn tạo ra môi trường kinh tế do mình dẫn dắt trong khu vực nhằm kìm hãm sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, vì ngân sách quân sự gắn liền với sự phát triển kinh tế. Trong đó, Mỹ cũng tăng cường hợp tác với Ấn Độ để Mỹ thay thế thị trường Trung Quốc.[11] Trước các động thái gia tăng hiện diện và ảnh hưởng, có thể dự đoán rằng sắp tới Mỹ sẽ quyết liệt hơn trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia tại khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, thảo luận về tính hiệu quả của những chiến lược trên, Phó Giáo sư Trường Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tin học thuộc Đại học Robert Morris (Mỹ) Anthony Moretti nhận định rằng nhiều quốc gia không mong muốn chọn phe. Thêm vào đó, các quốc gia khu vực sẽ hoài nghi về sự ưu tiên mà Mỹ dành cho mình, trong khi ngân sách viện trợ của Mỹ dành cho các nước này rất ít. Trong khi Ukraine nhận được 33 tỷ USD, các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chỉ được nhận tổng hỗ trợ là 150 triệu USD. Do đó, phó giáo sư cho rằng Mỹ đang lầm tưởng rằng hòa bình chỉ được lập với sự lãnh đạo của Mỹ mà không biết rằng các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhiều nơi trên thế giới hoài nghi Mỹ vì những chính sách kinh tế nặng nề và quân sự hiếu chiến trong quá khứ.[12]

Trong khi đó, Trung Quốc thể hiện thái độ cứng rắn đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích của mình, như vấn đề Đài Loan, biển đảo. Các học giả cho rằng hành vi đáp trả của Trung Quốc là tất yếu. Trung Quốc làm rõ mình theo đuổi lợi ích riêng, và sẽ không ràng buộc với quốc gia khác, thể hiện qua việc nước này nhấn mạnh mình là đối tác chứ không phải đồng minh của Nga khi đề cập vấn đề Nga – Ukraine, theo thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Meia Nouwens.[13] Đứng trước các chỉ trích của Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Úc, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng lập trường của Mỹ về eo biển Đài Loan là phản đối sự thống nhất của Trung Quốc. Do đó, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc phải nhấn mạnh Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ không ngần ngại chiến đấu và Trung Quốc phải thống trị quá trình giải quyết vấn đề Đài Loan.[14] Trong tương lai, khả năng Trung Quốc leo thang xung đột nếu cần thiết là hoàn toàn có thể xảy ra, dù cho tại hội nghị nước này nhiều lần nhấn mạnh về sự phát triển hòa bình của mình. Học giả Michael Hunkerzer nhận định rằng thực tế là mặc dù những lời nói, luận điệu và hành động của Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết đoán.[15] Ngoài ra, đến với hội nghị, Trung Quốc cũng muốn cải thiện hình ảnh của mình đối với các đối tác, thể hiện qua nỗ lực của nước này nêu lên các thành tựu đạt được trong năm qua, theo nhà nghiên cứu Trần Thị Bích của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế.[16] 

(2)   Nhật Bản quan ngại hành vi trong tương lai của Trung Quốc, còn Ấn Độ bỏ lỡ một cơ hội chiến lược cho ngoại giao quốc phòng. 

Trong bài phát biểu, Nhật Bản ủng hộ Mỹ, phản đối Nga. Theo Nghiên cứu viên cao cấp về Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London Rahul Roy-Chaudhury, bài phát biểu của Nhật Bản dù không trực tiếp chỉ trích quốc gia nào, nhưng thực sự nhằm chỉ khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan khi nói rằng “ Ukraine hôm nay có thể là Đông Á và ngày mai.”[17] Học giả nhận định Nhật Bản kêu gọi trừng phạt Nga nhằm cho thấy hậu quả của hành động xâm lược, vì Nhật Bản lo lắng rằng Trung Quốc sẽ hiểu sự không can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Ukraine là tín hiệu cho rằng Mỹ sẽ không bảo vệ Đài Loan. Trong khi đó, học giả Lionel Fatton thuộc Đại học Webster, Geneva nhận định rằng Nhật Bản đang nỗ lực đóng góp tích cực nhằm nắm vai trò dẫn dắt khu vực. Xuất phát sự nhất quán trong bài phát biểu của Cựu Thủ tướng Shinzo Abe năm 2014 và của Thủ tướng Fumio Kishida năm nay về chủ động trong đóng góp hòa bình khu vực.[18] 

Trong khi đó, đại diện Ấn Độ vắng mặt Đối thoại Shangri-La 2022. Sự vắng mặt của Ấn Độ theo học giả Rahul Roy-Chaudhury là “không thể lý giải được.”[19] Vì khu vực này là “trung tâm” của chính sách an ninh và đối ngoại Ấn Độ theo Thủ tướng Narendra Modi bốn năm trước tại đối thoại IISS Shangri-La. Học giả Rahul Roy-Chaudhury nhận định Ấn Độ đã lỡ cơ hội làm nổi bật vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, một cơ hội chiến lược cho ngoại giao quốc phòng.[20] 

(3)   Căng thẳng trong 1uan hệ Mỹ – Trung đặt ra các thách thức và quan ngại về hòa bình, ổn định của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 

Sau chiến tranh Ukraine bùng nổ, nền hòa bình thế giới rơi vào trạng thái nguy hiểm, có thể xem là mức nguy hiểm cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới 2” theo Đô đốc John Aquilino – Tư lệnh Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.[21] Quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, cộng hưởng với sự kiện Nga bất ngờ gây chiến ở Ukraine bỏ mặc các quy định của luật pháp quốc tế, các quốc gia, lẫn giới học giả đều đang lo ngại về tương lai sắp tới của an ninh của khu vực. Trong bài phát biểu của mình tại Đối thoại năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thể hiện mối quan ngại “Đông Á có thể trở thành Ukraine bất cứ lúc nào”. Và trong trường hợp xảy ra một Ukraine tại Đông Á, Đài Loan có nguy cơ cao nhất sẽ trở thành nút thắt nơi Mỹ chuyển từ cạnh tranh, sang đối đầu và xung đột trực diện với Trung Quốc, theo Michael Hunkezer – Trợ lý giáo sư tại Trường Đại học George Mason về Chính sách và Chính phủ.[22] Ngay tại buổi đối thoại, Trung Quốc đã có bài phát biểu cứng rắn khẳng định bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm thay đổi hiện trạng hai bờ eo biển Đài Loan là cản trở Trung Quốc thống nhất, quân đội PLA sẽ không ngần ngại phát động chiến tranh.[23] Bài phát biểu này ngầm gửi đi thông điệp đe dọa của Trung Quốc đến bất kỳ bên nào muốn tổn hại đến lợi ích của nước này, đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan, theo Hoàng Thị Hà, Nghiên cứu viên và Đồng điều phối Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực của ISEAS.[24] Mặt khác, nước này đang thực hiện các nỗ lực gia tăng và mở rộng kho vũ khí hạt nhân, cho thấy Trung Quốc đang khẩn trương chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và nguy cơ xảy ra khủng hoảng hạt nhân là hoàn toàn có thể, mặc dù nước này có khẳng định kho vũ khí hạt nhân được phát triển vì mục đích hòa bình và ngăn chặn chiến tranh hạt nhân.[25] 

Ngoài Đài Loan, các nước Đông Nam Á cũng sẽ gặp nhiều thách thức để cân bằng quyền lực và đảm bảo hòa bình, an ninh trong khu vực, theo Hoàng Thị Hà.[26] Kiến trúc an ninh tại Đông Nam Á dẫn dắt bởi ASEAN từ trước đến nay đặc trưng bởi đối thoại và nỗ lực xây dựng văn hóa chính trị chung từ các đặc điểm chung tối thiểu nhất giữa các thành viên, khác với kiến trúc an ninh khác, thường được xây dựng dựa trên quyền lực vật chất (sức mạnh quốc gia, tiềm lực quốc phòng) hoặc uy tín chính trị. Do đó, khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, các thông điệp về công cụ quyền lực cứng và răn đe trở thành chủ đề áp đảo tại hội nghị, tính trung tâm của ASEAN và các cơ chế song phương – đa phương mà ASEAN dẫn dắt, vốn dựa trên các công cụ đối thoại, ngoại giao, có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để bảo toàn được sức nặng và tính hiệu quả. 

(4)   Để giữ vững hòa bình, an ninh khu vực, các quốc gia Đông Á cần nhất quán với lập trường trung lập và xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao hợp tác 

Theo Hoàng Thị Hà, để Đông Nam Á giữ vững hòa bình, an ninh trước những biến động, cần củng cố và tăng cường Phương thức ASEAN làm nền tảng của các hợp tác khu vực, chú trọng vào quyết sách dựa trên tham vấn, thuyết phục và đối thoại là chính, tiệm tiến từng bước, mang tính bao trùm, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi giữa các thành viên để xây dựng lòng tin giữa các thành viên trong khối với nhau, lẫn với các đối tác bên ngoài, củng cố ASEAN vững mạnh. Bên cạnh đó, ASEAN cũng nên tăng cường các hợp tác song phương, đa phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như lương thực, môi trường,… một điều mà ASEAN đang làm tốt. Bên cạnh đó,  theo Daljit Singh, Nghiên cứu viên cao cấp và Điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chính trị & Chiến lược Khu vực tại ISEAS, dù việc giữ vững tinh thần hợp tác trong bối cảnh niềm tin suy giảm và các cuộc chạy đua quân sự gia tăng là một điều khó khăn, nó đóng vai trò cốt lõi để đảm bảo ổn định khu vực.[27] ASEAN cần tìm cách cân bằng quyền lực và tầm ảnh hưởng từ các cường quốc bên ngoài, để vẫn giữ được sự độc lập của khu vực. 

Thứ hai, cần kêu gọi tinh thần thượng tôn pháp luật. Sự quan tâm đến luật pháp và thông lệ quốc luôn là từ khóa quan trọng trong các bài phát biểu của những nguyên thủ quốc gia tại hội nghị. Tại Đối thoại Shangri-La 8 năm trước, Thủ tướng Nhật Bản đương thời Abe Shinzo đã quả quyết đưa ra lời kêu gọi tôn trọng luật lệ, giải pháp mà cho đến hiện nay vẫn rất cấp thiết cần được thực hiện đối tại khu vực. Bên cạnh đó, cần kêu gọi Trung Quốc thiết lập các cơ chế kiểm soát xung đột và quản trị quan hệ của hai bên. 

Tổng kết 

         Nhìn chung, sau 3 ngày diễn ra Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, nhiều vấn đề an ninh khu vực đã được đề cập và chủ yếu xoay quanh ảnh hưởng của khủng hoảng Nga-Ukraine, các hành động đe dọa an ninh của Trung Quốc và phương hướng hợp tác an ninh trong tương lai tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ và các nước khác lên tiếng chỉ trích và thể hiện lo ngại về hành động của Trung Quốc trong khi nước này giữ vững lập trường về trật tự khu vực. Song song đó, thông qua đối thoại Shangri-La, Mỹ còn muốn khẳng định vai trò dẫn dắt của mình trong khu vực và tăng cường các công cụ răn đe tích hợp. Trong tương lai, dù các nước bày tỏ mong muốn gia tăng đối thoại và hợp tác an ninh tuy nhiên quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục căng thẳng và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn là khu vực cạnh tranh trực tiếp của Mỹ – Trung. Vì vậy, nguy cơ chạy đua và xung đột vũ trang (đặc biệt tại eo biển Đài Loan) sẽ gia tăng từ đó đe dọa tới an ninh của tất cả các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, Nhật Bản nhấn mạnh sự quan ngại về những hành vi trong lai của Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương còn Ấn Độ vì sự vắng mặt được cho là “không thể lý giải” được đã bỏ quan cơ hội tăng cường ngoại giao quốc phòng và khẳng định vị thế của nước này với các nước khác trong khu vực. Cuối cùng, để giữ vững hòa bình, an ninh khu vực, các quốc gia ASEAN cần thống nhất lập trường trung lập, cân bằng ảnh hưởng từ các quốc gia bên ngoài và xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật qua các cơ chế đối thoại đa phương và sử dụng Phương thức ASEAN làm nền tảng cho sự hợp tác.

IR Analytica


[1] Tuấn L. M. (2022). Sau 100 ngày, chiến sự Nga – Ukraine vẫn bất định. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/news-20220604075116054.htm

[2] Thư A. (2022). Úc nói Trung Quốc đã chặn máy bay Úc trên không phận quốc tế. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/news-20220608102327337.htm

[3] Hùng B. (2022). Bán đảo Triều Tiên sôi sục, căng thẳng khó xoa dịu. VOV.VN. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ban-dao-trieu-tien-soi-suc-cang-thang-kho-xoa-diu-post949285.vov

[4] [6]Anh V. (2022). Đối thoại Shangri-La: Những màn đấu khẩu cực gắt hướng vào Trung Quốc, Tổng thống Ukraine khẳng định không bao giờ làm một việc! Báo Thế giới và Việt Nam. https://baoquocte.vn/doi-thoai-shangri-la-nhung-man-dau-khau-cuc-gat-huong-vao-trung-quoc-tong-thong-ukraine-khang-dinh-khong-bao-gio-lam-mot-viec-186944.html

[5] Duy B. (2022). Trung Quốc bác thông tin gởi vũ khí cho Matxcơva sử dụng ở Ukraine. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/news-20220612114455334.htm

[7] Linh, D. (2022). Đối thoại Shangri-La 2022: Thông điệp “đi cùng nhau” của Mỹ – Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/doi-thoai-shangri-la-2022-thong-diep-di-cung-nhau-cua-my-20220612075732006.htm

[8] Đăng N. (2022). Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung có gì mới? TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/news-20220613074339227.htm

[9] [10][11] Đăng N. (2022). Đối thoại Shangri-La trong bối cảnh địa chính trị mới. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/news-20220611074536581.htm

[12] Moretti, A. (2022). The Shangri-La Dialogue Exposes U.S. Indo-Pacific Strategy on China – China Focus. http://www.cnfocus.com/the-shangri-la-dialogue-exposes-u-s-indo-pacific-strategy/

[13]Ali, I., & Lin, C. (2022). U.S. and China likely to trade blows at Asian security meeting. Reuters. https://www.reuters.com/world/china/shadow-ukraine-war-us-china-set-clash-asian-security-meeting-2022-06-09/

[14]  Nguyễn, T. (2022). Những điểm nhấn tại Đối thoại Shangri-La 2022. https://dantri.com.vn/the-gioi/nhung-diem-nhan-tai-doi-thoai-shangri-la-2022-20220608200939856.htm

[15][22][25]Hunerzer, M. (2022). Analysis: What Shangri-La Dialogue Means For Taiwan and the Asia-Pacific. https://www.youtube.com/watch?v=7YyWUC9WupA

[16]Huyền T. (2022). Đối thoại Shangri-La 2022: Trung Quốc đưa ra tầm nhìn trong trật tự khu vực. VOV.VN. https://vov.vn/the-gioi/doi-thoai-shangri-la-2022-trung-quoc-dua-ra-tam-nhin-trong-trat-tu-khu-vuc-post949933.vov

[17][19] [20] Roy-Chaudhury, R. (2022). At Shangri-La Dialogue, Ukraine War and US-China Tensions In Focus Amidst India’s Absence. The Wire. https://thewire.in/diplomacy/shangri-la-ukraine-us-china-india-narrative-absent

[18]Đạt Q. (2022). Thủ tướng Kishida: Không ai được hành động như thể không có luật lệ. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/zingnews-post1325389.html

[21] US Indo-Pacific Commander: Region in most dangerous period since World War Two | NHK WORLD-JAPAN News. (2022). NHK WORLD. https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/20220612_04/

[23]Sheng, Y. (2022). China engages US and regional countries at Shangri-La dialogue ‘with confidence, determination to safeguard sovereignty, national interest, regional peace’ – Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202206/1267840.shtml

[24] [26]Ha, H. T. (2022). Shangri-La Dialogue 2022: The Paradox of Peace and Power. FULCRUM. https://fulcrum.sg/shangri-la-dialogue-2022-the-paradox-of-peace-and-power/

[27] Singh, D. (2022). The Need for Power Balance Amidst Rising Great Power Contestations. FULCRUM. https://fulcrum.sg/the-need-for-power-balance-amidst-rising-great-power-contestations/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *