Tag: Việt – Nhật
Ngày 30/4 – 1/5 sắp tới, theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida công du Việt Nam, trong khuôn khổ của chuyến công du đến các nước Đông Nam Á và châu Âu từ ngày 28/4 đến 6/5.[1] Ông Fumio hiện cũng đang giữ chức Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine và Trung Quốc gia tăng hoạt động trên biển Đông và biển hoa Đông. Theo dự kiến, ông Kishida sẽ viếng thăm Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Ý và Anh.
Bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản
Việt Nam – Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Kể từ đó, quan hệ hai nước phát triển trên nền tảng “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh của Châu Á” ở nhiều lĩnh vực.[2]
Về kinh tế, Nhật Bản tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam từ những năm 90. Tháng 11/1992, Nhật Bản đã nối lại viện trợ ODA, hỗ trợ tái thiết và xây dựng Việt Nam thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường, nhà máy điện và hơn 30 dự án lớn trong suốt 20 năm tiếp theo.[3] Đến năm 2019, trong số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ ODA với gần 24 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn thứ hai với 1,73 tỷ USD và là đối tác thương mại lớn thứ tư với 28,6 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2020. Tính đến tháng 9 năm 2020, Nhật Bản đã đầu tư vào khoảng 4.600 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 60 tỷ USD.[4] Tại Đại hội đại biểu toàn quốc khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026, trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Tính đến nay, Nhật Bản là nơi cộng đồng 450.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc, trong đó có 200.000 thực tập sinh, đứng đầu về số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản.[5] Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio khẳng định, quan hệ hai nước được đánh giá là “ẩn chứa tiềm năng vô hạn”, và đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn quan trọng để phát triển mạnh mẽ hơn.[6]
Về chính trị ngoại giao, quan hệ Việt – Nhật đang có chiều hướng phát triển tích cực trong những năm gần đây. Đại sứ Yamada Takio đánh giá, từ mối quan hệ tin cậy giữa các cấp lãnh đạo của giới chính trị và kinh tế cho tới giao lưu nhân dân, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đã được xây dựng trên mọi lĩnh vực, mọi cấp độ và được kế thừa qua các thế hệ.[7] Trong hai năm 2020 và 2021, chính phủ hai nước đã trao đổi hàng trăm cuộc điện đàm, hội nghị trực tuyến và thư thăm hỏi. Vào tháng 1/2020, Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật – Việt khi đó là ông Toshihiro Nikai, đã dẫn đầu một đoàn giao lưu hữu nghị lớn nhất trong lịch sử hai nước với hơn 1.000 thành viên, gồm các Nghị sĩ, lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp đến và giao lưu hữu nghị với lãnh đạo các cấp, các ngành và doanh nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng. Thêm vào đó, Tháng 10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du ngay sau khi nhậm chức. Ngày 22 – 25/11/2021, sau khi Kishida Fumio nhậm chức thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Nhật Bản và là chính khách nước ngoài đầu tiên tân thủ tướng Nhật đón tiếp.[9]
Có thể thấy, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt đẹp ở cả chính trị và kinh tế. Năm 2023, hai nước Việt Nam-Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tại Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản hồi tháng 3/2022 Đại sứ Yamada Takio thể hiện hy vọng sự kiện sắp tới sẽ là cơ hội giúp quan hệ hai quốc gia được thúc đẩy và giúp người dân hai nước ngày thấu hiểu và gần gũi nhau hơn.[10]
Bối cảnh quốc tế của chuyến thăm
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida công du Việt Nam trong bối cảnh (1) chiến sự của Nga – Ukraine, (2) sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc
Ngày 24/2, Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” và đưa quân vào Ukraine. Trước tình hình đó, các quốc gia có những phản ứng khác nhau. Mỹ và đồng minh bao gồm: Liên Minh châu Âu, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Anh thể hiện sự phản đối với hành vi của Nga bằng các lệnh trừng phạt bao gồm. Cùng ngày 24/2, Mỹ ban hành lệnh cấm về công nghệ và tuyên bố trừng phạt 20 cá nhân và công ty có liên quan đến chính quyền Nga.[11] Ngày 6/4, Mỹ tuyên bố cấm mọi khoản đầu tư mới của Mỹ vào Nga.[12] Liên Minh châu Âu cũng hạn chế xuất khẩu và cấm tài trợ thương mại nhắm tài chính, năng lượng và vận tải của Nga vào ngày 25/2. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen còn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ khiến Nga phải chịu trách nhiệm.”[13] Cùng ngày, Australia cũng áp dụng trừng phạt 300 nhân vật thuộc giới tài phiệt Nga. New Zealand thực hiện cấm xuất khẩu hàng hóa cho quân đội và các lực lượng an ninh. Thủ tướng New Zealand còn tuyên bố cắt đứt quan hệ thương mại với Nga và áp lệnh cấm đi lại với các quan chức quốc gia này. Nhật Bản đã hạn chế giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga và đóng băng tài sản cá nhân và ngân hàng Nga có liên quan đến chiến dịch tại Ukraine Hiện tại, nước Anh đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, như đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các tỷ phú và chính trị gia nổi tiếng của Nga, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin.[14] Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á (trừ Singapore) có thái độ “chần chừ” và không trực tiếp chỉ trích Nga. Dù có kêu gọi đình chiến, nhưng Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN ngày 03/3 không đề cập đến Nga. Trong tuyên bố chung tại Phnom Penh vào tháng 3, Nhật Bản – Campuchia cũng chỉ yêu cầu đình chiến và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine mà không đề cập trực tiếp đến Nga. Tương tự tuyên bố chung ngày 9/4 của Philippines không chỉ đích danh Nga. Việt Nam và Lào phủ quyết nghị quyết ngày 07/4 đình chỉ tư cách thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc của Nga; ;. Chỉ duy nhất Singapore thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế.[15]
Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông. Theo cựu giảng viên tại học viện hải quân của Đài Loan Lã Lễ Thi, các hoạt động của hải quân Trung Quốc tại các vùng biển Hoàng Hà, Hoa Đông và Biển Đông trong năm 2021 gồm gần 100 cuộc tập trận vào ban đêm, trong đó có 70 cuộc diễn tập từ nửa đêm đến rạng sáng.[16] Nhiều hơn gấp 3 lần so với 30 cuộc tập trận vào ban đêm trong năm 2020. Ngày 30/3/2022, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật kéo dài hai ngày ở biển Hoa Đông, dẫn đầu bởi tàu khu trục Type 052D Zibo và tàu khu trục Type 054A. Ngày 4-15/3/2022 và ngày 19/3/2022-9/4/2022, Trung Quốc thực hiện hai đợt tập trận trên biển Đông trong khu vực ở giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam. Theo chuyên gia Hoàng Việt của đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, có khả năng Trung Quốc hiện đang tận dụng tình hình Ukraine để gia tăng vị trí và ảnh hưởng của họ ở Biển Đông.[17]
Mục tiêu của Nhật Bản trong chuyến công du
Trong bối cảnh diễn biến của các sự kiện trên, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản lần này thể hiện mong muốn kết nối với các quốc gia Á – Âu.Trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine – Nga, chuyến công du này tiếp nối nỗ lực làm cầu nối Á – Âu của Nhật Bản nhằm bao vây Nga. Một quan chức chính phủ cho biết Thủ tướng Kishida đang hướng đến các thành tựu về mặt ngoại giao và “đóng vai trò quốc gia kết nối châu Âu – châu Á.” Trước thềm chuyến công du lần này, Nhật Bản đã kết nối với các quốc gia khác như Malaysia, Ấn Độ, Campuchia, Philippines, Thụy Sĩ, New Zealand, Đức. nhằm (1) bao vây Nga (2) hạn chế Trung Quốc và (3) gia tăng vị thế quốc gia .
(1) Trong chiến lược kết nối nhằm bao vây Nga. Ngày 10-13/3, đặc phái viên của Kishida là cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã thăm và hội đàm với lãnh đạo chính trị kinh tế Malaysia. Nhật Bản nêu rõ hành vi của Nga là nỗ lực đơn phương làm thay đổi và lung lay trật tự quốc tế.[18] Ngày 19-21/3, Thủ tướng Kishida đến thăm Ấn Độ, Campuchia thảo luận về ứng phó tình hình Ukraine-Nga. Tuyên bố chung của Nhật Bản – Campuchia ngày 20/3 lên án hành vi “xâm lược” Ukraine.[19] Nhật Bản và Philippines đã tổ chức cuộc họp song phương bộ trưởng Ngoại giao – Quốc phòng (cơ chế 2+2) lần đầu tiên vào ngày 9/4 tại Tokyo. Tuyên bố chung sau hội đàm cho rằng tình hình tại Ukraine là “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, “nguy hiểm với cốt lõi trật tự quốc tế, điều này không dừng lại ở châu Âu mà còn ảnh hưởng đến châu Á” và yêu cầu cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.[20] Trong tháng 4, lãnh đạo các nước Thụy Sĩ, New Zealand, Đức lần lượt đến thăm Nhật Bản. Nội dung chính của các hoạt động ngoại giao liên tiếp này xoay quanh phản ứng đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Thụy Sĩ dù khẳng định mình trung lập vẫn thực hiện trừng phạt Nga, Đức là nước chủ tịch khối G7 năm nay cũng tham gia cấm vận và phong tỏa tài sản cùng với New Zealand.[21] Có thể thấy qua hoạt động của Nhật Bản trước chuyến viếng thăm, Nhật Bản không chỉ hướng đến Việt Nam, là quốc gia châu Á và châu Âu khác nhằm tạo thành mạng lưới bao vây Nga. Ngoài ra, Thủ tướng Kishida cũng có nói rằng “việc các quốc gia châu Á chia sẻ quan điểm không dung thứ cho hành vi làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là rất quan trọng”, điều này thể hiện quyết tâm đưa quan điểm của Nhật và nước chủ nhà xích gần nhau nhất có thể.[22]
(2) Chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nhật Bản đến Việt Nam có thể thúc đẩy đối đầu Trung Quốc. Trước đó, Đại sứ Yamada Takio nhận xét là việt Nam là đối tác quan trọng cùng chia sẻ lợi ích chiến lược trong khu vực này.[23] Việt Nam và Nhật Bản có mối quan tâm chung về sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc.[24] Trung Quốc triển khai các hoạt động bất hợp pháp và xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc cũng tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Điều đó cho thấy cả Việt Nam và Nhật Bản có tầm nhìn chung về sự gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên biển gần đây. Hơn nữa, sự cứng rắn của Nhật Bản trước vấn đề Nga – Ukraine và lôi kéo đồng minh nhằm gia tăng vị thể trên bàn đàm phán Nhật Bản. Theo chuyên gia Yuki Tatsumi, phụ trách chương trình Nhật Bản tại trung tâm Stimson, Mỹ, Nhật Bản cần thể hiện sự ủng hộ các quốc gia phương Tây vì “sự mềm mỏng có thể làm ảnh hưởng đến vị thế trên bàn đàm phán của Nhật Bản” nếu nước này muốn có sự ủng hộ của quốc tế trong trường hợp Trung Quốc hành động hung hăng ở biển Hoa Đông hoặc eo biển Đài Loan.[25]
(3) Đồng thời, chuyến công du này cho thấy mong muốn gia tăng vị thế Nhật Bản của Thủ tướng Kishida. Một quan chức Nhật Bản cho biết, thủ tướng Kishia mong muốn có được thành tựu về mặt ngoại giao trong chuyến đi này.[26] Nguyên nhân một phần là sự chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào mùa hè tới. Sau chuyến đi này, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến đến Nhật ngày 22/5 và tham gia hội đàm nguyên thủ các quốc gia khối Bộ Tứ.[27] Nhật Bản là chủ nhà, thành tích ngoại giao sẽ là cơ hội phát huy vai trò lãnh đạo của mình. Thông qua đó, Tổng thống Kishida tạo nên nền tảng cho cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản mùa hè tới. Đồng thời, hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến được tổ chức vào 26-28/6 bằng hình thức gặp mặt trực tiếp, việc làm cầu nối Á – Âu sẽ đem lại lợi thế cho Nhật Bản trên bàn đàm phán.[28]
Một số nhận định trước chuyến thăm
Có thể thấy, Nhật Bản cần nhiều nỗ lực để có thể thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, công khai phản đối Nga. Lợi ích của các quốc gia trong khu vực này với Nga là khác nhau. Theo nhận xét của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á sẽ không đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt khi chưa nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua.[29] Như đã được đề cập phía trên, phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đều không chỉ trích trực tiếp Nga, một số quốc gia không chỉ trích Nga mà còn phủ quyết các quyết định bất lợi cho Nga. Việt Nam và Lào từng phủ quyết nghị quyết ngày 07/4 đình chỉ tư cách thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc của Nga.[30] Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia có quan hệ thân thiết với Nga, sẽ khó có thể thuyết phục Việt Nam trừng phạt Nga.[31] Do đó, Các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Nga như Việt Nam và Lào là trở ngại cho mong muốn xây dựng mạng lưới chống Nga của Nhật Bản.[32] Thấu hiểu lập trường khác nhau của các quốc gia Đông Nam Á, một quan chức cao cấp Nhật đã nhận xét là Nhật Bản không thể ép buộc họ một cách quá đáng bằng sức mạnh”.[33]
Dù có thể không thuyết phục được Việt Nam phản đối Nga, chuyến thăm của Thủ tướng Kishida sẽ làm sâu sắc quan hệ Việt – Nhật vốn đang phát triển tích cực. Hai quốc gia sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực một cách thực chất như thúc đẩy kim ngạch thương mại, tạo điều kiện để nông sản xuất khẩu sang Nhật, vay vốn ODA thế hệ mới, đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, hợp tác phát triển vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, phát triển nguồn nhân lực, đô thị thông minh, hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu,… Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cũng cho biết hai bên sẽ tìm biện pháp để chuyến thăm này “mở ra giai đoạn mới” của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật.[34]
IR Analytica
[1] Khôi, M. (2022, 27 April) Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ thăm Việt Nam dịp 30-4. Tuoi Tre. https://tuoitre.vn/thu-tuong-nhat-ban-kishida-fumio-se-tham-viet-nam-dip-30-4-20220427182509094.htm
[2] (2022, 23 March). Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. https://www.vn.emb-japan.go.jp/itpr_ja/JV50th_vn.html
[3] Quan hệ đối tác Việt Nam – Nhật Bản từ quá khứ đến tương lai. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. https://www.jica.go.jp/vietnam/office/others/pamphlet/ku57pq0000221kma-att/Japan_Vietnam_Partnership_To_Date_and_From_Now_On_vie.pdf (trang 4-5)
[4] Anh, V. (2020, October 16). New Japanese PM Suga to arrive in Vietnam Sunday. VnExpress. https://e.vnexpress.net/news/news/new-japanese-pm-suga-to-arrive-in-vietnam-sunday-4177847.html
[5] (2022, 22 March). Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Thông tấn xã Việt Nam. https://baochinhphu.vn/quan-he-viet-nam-nhat-ban-dang-o-giai-doan-tot-dep-nhat-tu-truoc-den-nay-102220322181836627.htm
[6] Như trên.
[7] Như trên
[9] Đăng, N. (2020, October 18). Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã đến Hà Nội, chính thức thăm Việt Nam. Tuoitre. https://tuoitre.vn/thu-tuong-nhat-ban-suga-yoshihide-da-den-ha-noi-chinh-thuc-tham-viet-nam-20201018192015201.htm
[10] Như chú thích 5
[11] Ánh, L. (2022, April 7). Mỹ, Anh công bố thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Vietnamplus. https://www.vietnamplus.vn/my-anh-cong-bo-them-cac-bien-phap-trung-phat-nga/782375.vnp
[12] Như trên.
[13] Anh, K. (2022, March 1). Danh sách các nước trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine. VOV. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/danh-sach-cac-nuoc-trung-phat-nga-vi-cuoc-chien-o-ukraine-post927467.vov
[14] Phương, T. (2022, April 21). Chính phủ Anh bổ sung danh sách trừng phạt đối với Nga. Vietnamplus. https://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-anh-bo-sung-danh-sach-trung-phat-doi-voi-nga/785046.vnp
[15] (2022, April 10) 日本政府、対ロ包囲網の拡大難しく 東南アジア、制裁には慎重. Jiji. https://www.jiji.com/jc/article?k=2022040900359&g=pol
[16] Hòa, Đ. (2022, April 1). Đằng sau việc Trung Quốc tập trận cả ngày lẫn đêm dọc biển Hoa Đông, Biển Đông. Pháp luật. https://plo.vn/dang-sau-viec-trung-quoc-tap-tran-ca-ngay-lan-dem-doc-bien-hoa-dong-bien-dong-post673922.html
[17] Hương, L. (2022, April 16). Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông, cả ngày lẫn đêm. Tuoitre. https://tuoitre.vn/trung-quoc-lien-tuc-tap-tran-o-bien-dong-ca-ngay-lan-dem-20220415230935613.htm
[18] (2022, March 14)【マレーシア】安倍元首相、特使として訪問[政治] 東方政策40周年、さらなる連携へ. NNA. https://nordot.app/875786209822359552?c=39546741839462401
[19] (2022, March 18). インド、カンボジアを訪問へ ウクライナ情勢を協議―岸田首相. Jiji. https://www.jiji.com/jc/article?k=2022031800317&g=pol
[20] (2022, April 9).ウクライナ危機「アジアにも影響」 中国の海洋進出、懸念共有―日比2プラス2. Jiji. https://www.jiji.com/jc/article?k=2022040900149&g=pol
[21] (2022, April 18). 外国首脳、続々来日へ 岸田首相、危機に実績づくり狙う. Jiji. https://www.jiji.com/jc/article?k=2022041700176&g=pol
[22] (2022, April 14). 欧米・アジアの橋渡し役狙う 対ロ連携でタイなど歴訪へ―岸田首相. Jiji. https://www.jiji.com/jc/article?k=2022041301060&g=pol
[23] Nhương, H. (2022, January 1). Không ngừng vun đắp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Thông tấn xã Việt Nam. https://baotintuc.vn/chinh-tri/khong-ngung-vun-dap-quan-he-viet-namnhat-ban-20220130081810730.htm
[24] Hạnh, N. (2022). Post-Abe, Vietnam-Japan Relations Have Nowhere to Go But Up. The diplomat. https://thediplomat.com/2020/09/post-abe-vietnam-japan-relations-have-nowhere-to-go-but-up/
[25] Anh, P. (2022, April 17). Toan tính của Nhật Bản sau khủng hoảng Nga-Ukraine. VTC News. https://vtc.vn/toan-tinh-cua-nhat-ban-sau-khung-hoang-nga-ukraine-ar672837.html
[26] Như chú thích 19
[27] Như chú thích 22
[28] Như chú thích 22
[29] (2022, April 10). 日本政府、対ロ包囲網の拡大難しく 東南アジア、制裁には慎重. Jiji. https://www.jiji.com/jc/article?k=2022040900359&g=pol
[30] Như chú thích 29
[31] Như chú thích 19
[32] Như chú thích 29
[33] Như chú thích 29
[34] Ngọc D., Thụy, L. Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật. https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/mo-ra-giai-doan-moi-trong-quan-he-viet-nhat-20220429073155729.htm