Tags: Đông Bắc Á, Nga – Trung, Nga – Mỹ, Nga – EU, Đông Nam Á
Trong năm 2021 vừa qua, về mặt đối nội, nền kinh tế Nga dần có những khởi sắc sau thời gian súy thoái dưới tác động của đại dịch. Song song, tình hình xã hội trong nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề dài hạn. Về mặt đối ngoại, trong bối cảnh quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, Nga đang có những điều chỉnh chiến lược đối với các khu vực quan trọng. Bài viết sẽ tổng hết tình hình nước Nga 2021 ở 3 lĩnh vực chính: (1) Kinh tế – Xã hội, (2) Quân sự – Quốc phòng, (3) Chính trị – Ngoại giao.
Tình hình Kinh tế – Xã hội nước Nga 2021
Về khía cạnh kinh tế, nền kinh tế Nga đã dần vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh và từng bước phục hồi trở lại. Theo Tổng cục thống kê Nga, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 4.8%. Nền kinh tế đã trở lại mức trước đại dịch và đi vào quỹ đạo tăng trưởng. Trong quý hai của năm 2021, GDP của Nga đã tăng mạnh 10.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 11, Tổ chức tín nhiệm quốc tế Moody’s đã dự báo tăng trưởng của Nga trong năm 2021 sẽ lên tới 4.8% thay vì mức dự báo 3.2% được đưa ra hồi tháng 8 khi nhận thấy sức tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh bảo tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Nga còn duy trì ở mức thấp, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh. Tháng 10.2021, Nga ghi nhận có 986 ca tử vong và 31.299 ca nhiễm mới – mức cao nhất kể từ đầu dịch cho đến thời điểm tháng 10. Các chuyên gia Nga chỉ ra rằng nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại khi tiêm ngừa vaccine của người dân, cộng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các chứng nhận tiêm chủng giả.[1]
Về mặt xã hội, Nga đang đối diện với khủng hoảng nhân khẩu học kéo dài. Vấn đề này bắt đầu xuất hiện từ sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Từ năm 1993 – 2007, tỷ suất sinh ở Nga giảm xuống dưới mức 1.5, trong khi mức sinh thay thế cần thiết để duy trì dân số ổn định là 2.1.[2] Hiện nay, tỷ lệ sinh ở Nga vẫn đang duy trì ở mức thấp. Trong 10 tháng đầu năm 2021, chỉ có khoảng 1,05 triệu trẻ em được sinh ra ở Nga, thấp hơn 1.8% so với cùng kỳ năm 2020.[3] Dân số Nga đang bị già hóa khi có 33,5 triệu người thuộc nhóm trên 60 tuổi tính tới đầu năm 2021. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi từ tháng 10.2020-09.2021, theo số liệu từ Cơ quan thống kê Nga, có hơn 400000 người tử vong do COVID-19. Trong thông điệp năm mới 2022, tổng thống Putin đã bày tỏ mối lo ngại với vấn đề sụt giảm dân số tự nhiên và khuyến khích người Nga sinh con nhiều hơn. Theo nhận định của tờ Foreign Policy, việc sụt giảm dân số sẽ gây ảnh hưởng đến một số kế hoạch quân sự và chính sách đối ngoại của Nga, điển hình là khả năng tấn công vào Ukraine do sự thiếu hụt về lực lượng quân sự. Ngược lại, nếu Nga leo thang căng thẳng với Ukraine, khả năng cao sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt từ phương Tây và khiến dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi nước này, gây hỗn loạn nền kinh tế. Điều này đặt thêm áp lực lên tỷ lệ sinh vốn thấp của Nga.[4]
Tình hình Quân sự – Quốc phòng:
Năm 2021, Nga thực hiện chỉnh sửa lần đầu bản Chiến lược an ninh quốc gia (NSS), được công bố vào năm 2015. Trong phần an ninh quốc phòng, Nga nhận thấy nguy cơ bất ổn an ninh ngày càng gia tăng do các động thái gây sức ép quân sự từ bên ngoài, khối NATO xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích quân sự gần với biên giới Nga, sự tăng cường của các hoạt động do thám, v.v. Trên cơ sở đó, Điều 40 NSS 2021 đề ra một số nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện như xây dựng năng lực, trang bị cho các lực lượng quân đội với vũ khí, quân trang và thiết bị hiện đại; duy trì vai trò dẫn đầu của Nga trong việc phát triển và sản xuất các tổ hợp, hệ thống vũ khí, quân sự mới.[5]
Tháng 7/2021, Nga đã cho ra mắt tiêm kích tàng hình thế hệ 5 có tên là “Checkmate” (tạm dịch: Chiếu tướng) do hãng Sukhoi[6] chế tạo. Đây là loại máy bay chiến thuật hạng nhẹ một động cơ thế hệ thứ 5 với chi phí vận hành tính theo giờ chỉ bằng 1/7 so với tiêm kích Lockheed Martin của Mỹ. Một số quan điểm cho rằng với khả năng và giá cả của mình, Checkmate có thể thay thế cho F-35, tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ. Ở chiều ngược lại, cựu chuyên gia Lầu Năm Góc Kris Osborn cho rằng tiêm kích tàng hình của Nga vẫn “chưa thực chất” do chưa có chuyến bay đầu tiên và do đó, chưa thể đánh giá tiêm kích này ngang bằng với F-35.[7]
Ngoài tiêm kích tàng hình, Nga cũng đang cho phát triển tên lửa hành trình siêu thanh với tốc độ di chuyển khoảng 6.200km/giờ. Tổng thống Putin cũng tỏ ra lạc quan với chương trình phát triển loại vũ khí này khi cho rằng Nga đang dẫn đầu thế giới về tên lửa siêu thanh và sẽ sớm phát triển công nghệ chống lại loại vũ khí này khi các quốc gia khác chỉ mới bắt đầu sở hữu. Tháng 11.2021, tổng thống Putin cho biết nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa tấn công thế hệ mới Zircon với đặc điểm: vận tốc nhanh gấp 9 lần vận tốc âm thanh, chỉ mất 5 phút để bay tới mục tiêu khi nhận được lệnh. Được biết loại tên lửa này sẽ được trang bị cho hải quân Nga vào đầu năm 2022. Ngoài ra, Nga đã thành lập một trung đoàn hàng không riêng biệt được trang bị MiG-31 và tên lửa siêu thanh Kinzhal.[8]
Về mặt xuất khẩu vũ khí, Nga là một trong năm nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới năm 2021 (bên cạnh Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc). Theo Dmitry Litovkin, biên tập viên của tờ “Independent Military Review”, kể từ năm 2021 các thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài sẽ được xem là bí mật quốc gia. Do đó, Rosoboronexport (công ty chuyên trách việc chuyển giao vũ khí của Nga ra nước ngoài) sẽ chỉ cho biết những loại vũ khí nào được bán ra trong khu vực khi thông tin của những thương vụ đó đã bị rò rỉ thông qua truyền thông nước ngoài.[9]
Tính đến cuối năm 2021, tổng trị giá các hợp đồng vũ khí của Nga đạt mức 55 tỷ USD, bao gồm việc bán máy bay, hệ thống phòng không và súng trường tấn công AK. Các thương vụ lớn được thực hiện chủ yếu với đối tác Ấn Độ, Mỹ, La-tinh và Nam Mỹ, các nước thuộc khối Liên Xô cũ (CIS) (chi tiết về giá trị và loại vũ khí cung cấp cho khu vực này không được tiết lộ). Trong đó, tập đoàn vũ khí Nga Kalashnikov Concern và quân đội Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá 590 triệu USD về sản xuất súng trường tấn công AK-203. Nga ký kết thỏa thuận 1,7 tỷ USD với 17 quốc gia châu Phi, tuy nhiên chi tiết về những loại vũ khí cung cấp cho khu vực này không được tiết lộ. Đối với Mỹ, Nga chủ yếu là nhà cung cấp đạn. Theo số liệu từ Mỹ, được trích dẫn bởi nhật báo kinh doanh RBK (Nga), trong 10 tháng đầu năm 2021, các công ty Mỹ đã nhập khẩu vũ khí, đạn dược cỡ nhỏ trị giá 157,9 triệu USD của Nga, trong đó có khoảng 7,7 triệu viên đạn dành cho súng AK trên thị trường dân sự. Tại khu vực La-tinh và Nam Mỹ, Venezuela là nhà nhập khẩu chính với các hợp đồng mua xe bộ binh bọc thép, hệ thống pháo binh, hệ thống tên lửa, xe tăng, hệ thống phòng không, máy bay trực thăng chiến đấu và vận tải.[10]
Tình hình Chính trị – Ngoại giao:
Quan hệ Nga – Trung:
Năm 2021, Nga – Trung nhất trí gia hạn thêm 5 năm Hiệp định hợp tác hữu nghị và láng giềng thân thiện, ký kết vào năm 2001. Hiệp định này bao gồm các điều khoản, nguyên tắc quan trọng điều chỉnh quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày ký kết Hiệp định, các nhà lãnh đạo đã dành những lời nhận xét tích cực về mối quan hệ này, nhưng cũng khẳng định rằng quan hệ Nga – Trung không tạo thành một liên minh quân sự và chính trị.
Về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhận xét quan hệ ngoại giao Nga – Trung tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho cộng đồng quốc tế. Theo Tân Hoa Xã dẫn lời, ông Tập cho rằng việc gia hạn Hiệp định là thực tiễn sinh động về việc xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới và cộng đồng với vận mệnh chung cho nhân loại.[11] Về phía Nga, ông Putin nhận định Hiệp định đã đưa quan hệ hai nước lên một “tầm cao chưa từng có”, góp phần đảm bảo ổn định trong các vấn đề toàn cầu và đánh giá Hiệp định có vai trò là một tài liệu pháp lý quốc tế cơ bản. Cũng trong khuôn khổ 20 năm kỷ niệm ngày Hiệp định được ký kết, Nga – Trung thống nhất mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và ký kết lộ trình hợp tác quốc phòng giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, hai bên đã tiến hành nhiều cuộc tập trận với sự tham gia của số lượng lớn máy bay, hệ thống vũ khí và phương tiện. Trong đó, cuộc tập trận Sibu diễn ra từ ngày 9-13.08.2021, tại khu vực Ninh Hạ thuộc Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên các binh sĩ Nga sử dụng vũ khí Trung Quốc, có sự tham gia của hơn 10.000 lính mặt đất và không quân.
Trước các động thái trên, nhiều học giả đánh giá quan hệ Nga – Trung đang phát triển tốt đẹp với các lợi ích song trùng. Ông Nigel Gould-Davies, chuyên gia cao cấp về Nga và Trung Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London (Anh), bình luận rằng, đây là thời điểm Nga và Trung Quốc có được mối quan hệ tốt đẹp nhất, thân thiết nhất và vững mạnh nhất kể từ giữa những năm 1950 và có thể là trong cả trong lịch sử.[12] Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh gia tăng động thái cứng rắn, phản đối các hoạt động của Nga, Trung, hai quốc gia này càng có thêm động lực để xích lại gần nhau nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược của đôi bên và chống lại chính sách cô lập của Mỹ.[13]
Quan hệ Nga – Mỹ – Liên minh Châu Âu (EU):
Quan hệ Nga – Mỹ – EU trong năm 2021 tiếp tục chuyển biến xấu do vấn đề Crimea và Ukraine. Tháng 04 năm 2021, Ukraine thông báo Nga đã đưa khoảng 85000 quân đến bán đảo Crimea và khu vực gần biên giới với Ukraine. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh lực lượng Nga gần biên giới Ukraine, trong giai đoạn này, ở mức lớn nhất từ năm 2014 – thời điểm cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine nổ ra.[14] Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Ukraine. Trước tình hình căng thẳng đó, chính quyền Ukraine đã nhiều lần thúc đẩy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhanh chóng thông qua việc gia nhập khối của nước này. Tuy nhiên, Nga liên tục bác bỏ các cáo buộc trên và cho rằng việc luân chuyển quân đội trong nội bộ là một hoạt động bình thường. Nga cũng phản đối gay gắt việc Ukraine sẽ trở thành thành viên của khối NATO và cảnh báo các nước phương Tây không nên mở rộng về phía Đông hay đưa vũ khí đến gần biên giới Ukraine.
Trước tình hình căng thẳng leo thang, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã gửi đi các thông điệp ngoại giao mang tính răn đe và cân nhắc gia tăng các lệnh trừng phạt. Tháng 12, nhóm ngoại trưởng G7 chỉ trích việc Nga tăng cường quân sự gần Ukraine và kêu gọi giảm leo thang. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết nước này đang cân nhắc mọi biện pháp trả đũa nếu Nga đưa quân vào Ukraine và nhắc lại việc từng sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế thời điểm 2014. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng khí đốt sẽ khó có thể đi qua đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nếu Nga tiếp tục các hành động gây hấn nhằm vào Ukraine. Mỹ cũng để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp mạnh hơn là cô lập Nga khỏi hệ thống thanh toán tài chính quốc tế SWIFT.[15] [16] Trước đó vào tháng 4, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc nhằm ngắt Nga khỏi SWIFT. Năm 2014, EU cũng từng có những động thái tương tự. Tuy nhiên, đây sẽ là một biện pháp khó thực hiện bởi SWIFT là một tổ chức tư nhân quốc tế và EU không có thẩm quyền ngắt kết nối các thành viên của tổ chức này. Ngày 13.12, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết khối này đang thảo luận với Mỹ và Anh về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga, song chưa có quyết định nào được đưa ra.[17]
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cũng là một vấn đề nan giải trong mối quan hệ Nga – EU – Mỹ. Đối với Nga, đây là một dự án trọng điểm hiện thực hóa tham vọng thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nước trung gian khi xuất khẩu khí đốt đi quốc tế và gia tăng tầm ảnh hưởng tại châu Âu nhờ vào vị thế nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu. Dự án đã được hoàn thành vào tháng 09.2021, tuy nhiên chưa thể đi vào hoạt động do một số nước EU như Đức còn chần chừ, làm chậm tiến độ cấp phép. Hiện nay, EU đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế các nước châu Âu. Do đó, Nga đã gửi đi tín hiệu rằng nước này sẽ siết lại nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu nếu không được cấp phép vận hành Dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Chính quyền Mỹ không ủng hộ dự án này và đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh châu Âu không tham gia. Khi căng thẳng tại Ukraine gia tăng, Dòng chảy phương Bắc 2 đã được Mỹ tận dụng nhằm gây sức ép lên Nga. Tháng 08.2021, Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với tàu cá Ostap Sheremeta và 2 cá nhân liên quan đến dự án bao gồm công ty JSC Nobility và công ty Konstanta. Đến tháng 11.2021, Mỹ tiếp tục mở rộng lệnh trừng phạt lên 2 tàu và 1 công ty vận tải biển có liên quan tới Nga là Transadria Ltd. Theo ông Blinken, với động thái mở rộng này, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tổng cộng 8 cá nhân và 17 tàu liên quan tới dự án Dòng chảy phương Bắc 2.[18] Tuy nhiên, việc Mỹ gia tăng áp lực lên Dự án này cũng đồng thời khiến các đồng minh châu Âu khó xử hơn, làm chậm tiến độ phê duyệt cho vận hành dự án.
Riêng đối với Mỹ, tổng thống Putin đã có 2 cuộc gặp thượng đỉnh theo cả hình thức trực tiếp (06.2021 tại Geneva) và trực tuyến (12.2021) với tổng thống Joe Biden. Trong cuộc hội đàm trực tuyến vào tháng 12.2021, cuộc xung đột tại Ukraine cùng các vấn đề NATO mở rộng về phía Đông, dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” là những chủ đề trọng tâm được bàn thảo. Tuy nhiên, hội nghị đã kết thúc mà không có kết quả đột phá nào, phản ánh mối quan hệ căng thẳng, phức tạp giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng việc hai nhà lãnh đạo sẵn sàng tham dự đối thoại như thế này là một tín hiệu tích cực. Chuyên gia Andrey Bystritskiy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ phát triển và hỗ trợ, Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai, nhận định trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ căng thẳng như hiện nay, thông điệp quan trọng nhất qua cuộc hội đàm chính là hai bên sẵn sàng đối thoại, đàm phán, tham vấn. Điều đó giúp Mỹ – Nga có thể thiết lập phương thức đối thoại trong mọi lĩnh vực để giải quyết bất đồng.[19] Một điểm sáng khác trong quan hệ hai nước là việc gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) vào tháng 02.2021. Động thái này nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực từ phía cộng đồng quốc tế.
Quan hệ Nga – ASEAN:
Trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây ngày càng xấu đi, Đông Nam Á đang dần trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga. Trong năm 2021, Nga đã thực hiện một số chiến lược thúc đẩy quyền lực mềm với các quốc gia ASEAN.
Năm 2021 đánh dấu 30 năm ASEAN – Nga thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm, Tổng thống Putin đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nga – ASEAN lần thứ 4 (10.2021). Tại đây, ông Putin khẳng định Nga và ASEAN đang có những cơ hội thực sự để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, và mở rộng các mối quan hệ nhân đạo. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng cả hai bên đều ủng hộ sự phát triển của quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn.
Trong tuyên bố chung của hội nghị, Nga – ASEAN nhất trí đảm bảo an ninh hàng hải và an ninh hàng không ưu tiên các nguyên tắc và mục tiêu được nêu trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN (AOIP).[20] Các nước cũng nhất trí chọn năm 2022 là Năm Hợp tác Khoa học-Kỹ thuật và Công nghiệp ASEAN-Nga, cam kết sẽ phối hợp cùng thúc đẩy thương mại, đầu tư, khôi phục và ổn định các chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) với ASEAN.[21]
Cũng nhân dịp này, vào tháng 06.2021, Hội nghị trực tuyến tham vấn về an ninh giữa Nga – ASEAN lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev và những người đồng cấp của các nước thành viên ASEAN. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thực hiện các chuyến thăm đến Lào, Indonesia và Brunei (bị hủy do dịch Covid) vào tháng 07.2021. Tại Indonesia, ông Lavrov tuyên bố ủng hộ cách tiếp cận của ASEAN đối với vấn đề tại Myanmar và cho rằng việc ASEAN bổ nhiệm một đặc phái viên về Myanmar cũng góp phần giải quyết vấn đề. Ngày 6.7, ngoại trưởng Nga cùng với Bộ trưởng Bộ ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đồng chủ trì Hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN – Nga, diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tại đây, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong việc đối phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế và duy trì sự hòa bình, ổn định của khu vực.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ngoại giao vaccine cũng giúp Nga thắt chặt mối quan hệ với các nước ASEAN. Nga đã viện trợ vaccine và tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất cho một số quốc gia thành viên ASEAN.
Tính đến tháng 01.2021, chính phủ nước này đã viện trợ 1000 liều Sputnik V cho Lào. Nga tiếp tục tài trợ thêm 30.000 liều vào tháng 9 để Lào sớm hoàn thành chương trình tiêm chủng quốc gia.[22] Vào tháng 03.2021, Nga đã viện trợ 1000 liều Sputnik V cho Việt Nam. Trong cuộc gặp giữa bộ trưởng Bộ quốc phòng hai nước vào tháng 09.2021, Nga cũng cam kết sẽ sớm viện trợ thêm 20 triệu liều vaccine cho Việt Nam.[23] Philippines đã tiếp nhận 170.000 liều Sputnik V vào tháng 07.2021 sau khi đã nhận được 180.000 liều trước đó. Ngoài các lô vaccine viện trợ, các quốc gia ASEAN cũng đặt mua thêm vaccine Sputnik V.
Không chỉ dừng lại ở đó, Nga còn thực hiện chuyển giao công nghệ và mở rộng việc sản xuất vaccine ở nước ngoài. Tháng 06.2021, Nga – Việt Nam ký thỏa thuận về việc đóng ống vaccine Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng, biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất Sputnik V ở Đông Nam Á. Tổng thống Putin tuyên bố Nga là quốc gia duy nhất cho tới nay sẵn sàng làm điều này.[24] Theo nhận định của Chris Devonshire-Ellis, đối tác sáng lập công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, chiến lược cung cấp vaccine Sputnik V giúp Nga quảng bá năng lực và ngành thương mại đến các chính phủ và các cá nhân tại khu vực Nam và Đông Nam Á, giúp gia tăng độ tin cậy và tình hữu nghị giữa Nga với khu vực.[25]
Về mặt hợp tác quốc phòng, Nga đã tiến hành hai cuộc tập trận với ASEAN nói chung và các thành viên nói riêng. Tháng 08.2021, Lào và Nga tập trận chung chống khủng bố mang tên Laros 2021 ở Primorsky thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Đây là lần đầu tiên quân đội Lào tập trận trên lãnh thổ Nga và là lần thứ hai quân đội hai nước tập trận chung. Tháng 12.2021, lần đầu tiên hải quân Nga và ASEAN tiến hành tập trận chung ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia. Cuộc tập trận có sự tham gia của các nước thành viên ASEAN. Indonesia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Brunei đã đưa tàu chiến hoặc máy bay tới tham gia, trong khi Philippines tham gia với tư cách quan sát viên trực tuyến.
Đánh giá chung về mối quan hệ Nga – ASEAN, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu phương Đông, ông Dmitry Mosyakov cho rằng từ sau sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991, các nhà lãnh đạo Nga không chú trọng đến khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, những thách thức trong quan hệ với các nước phương Tây đã làm thay đổi xu hướng này. Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và nằm ở vị trí chiến lược giữa Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các chính sách của Nga.[26]
Tổng kết lại, năm 2021, về mặt đối nội, nền kinh tế Nga chứng kiến những dấu hiệu khởi sắc trở lại, nhưng xã hội Nga lại đối diện với tình trạng suy giảm nhân khẩu học. Về mặt đối ngoại, mối quan hệ Nga – Trung và Nga – ASEAN trên đà phát triển theo chiều hướng tích cực, trong khi quan hệ Nga với Mỹ và EU vẫn duy trì ở tình trạng căng thẳng.
Một số dự báo về năm 2022:
Về mặt kinh tế, dù được đánh giá đã vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh tuy nhiên nếu tỷ lệ tiêm vaccine của Nga còn thấp thì điều này sẽ gây cản trở các kế hoạch mở cửa trở lại và cản trở đà phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.[27]
Về mặt quân sự, năm 2022 dự kiến quân đội Nga sẽ được trang bị thêm 3 vũ khí mới là máy bay chiến đấu mang tên lửa siêu thanh MiG-31, tên lửa siêu thanh Zircon và xe tăng T-14 Armata.[28] Trong thông điệp Liên bang vào ngày 21.04.2021, ông Putin khẳng định tỷ lệ các vũ khí và phương tiện tiên tiến được sử dụng trong quân đội nước này sẽ chiếm khoảng gần 76% vào năm 2024.[29]
Về quan hệ Nga-Trung, hướng tới năm 2022, ông Alexander Gabuev, thành viên cấp cao, giám đốc Chương trình Nga ở Châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định quan hệ Nga – Trung sẽ ngày càng sâu sắc hơn khi chứng kiến tổng giao dịch thương mại hai chiều tăng mạnh trong năm 2021. Theo đại sứ Trương Hán Huy, đại sứ Trung Quốc tại Nga, từ tháng 1 đến tháng 11.2021, kim ngạch thương mại Trung – Nga ghi nhận mức 130,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, số liệu chính thức về tổng thương mại hai chiều của Nga – Trung sẽ đạt trên 140 tỷ USD tính cho cả năm.[30] Theo ông Gabuev, số liệu này không chỉ phản ánh việc trao đổi hàng hóa ngày càng tăng mà còn là sự gia tăng các lô hàng khí đốt tự nhiên thông qua qua đường ống Power of Siberia (tạm dịch: Sức mạnh của Siberia)[31] và sự gia tăng lượng than xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc. Dự kiến, xu hướng này vẫn sẽ duy trì trong năm tiếp theo.[32]
Về quan hệ Nga-Mỹ, sẽ khó thấy được sự tiến triển tích cực trong năm 2022. Theo ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, phát biểu trước thềm đàm phán an ninh Nga – Mỹ diễn ra vào ngày 10.1.2022, cả Nga và Mỹ sẵn sàng lắng nghe vấn đề của nhau nhưng sẽ khó có sự tiến triển tích cực nào trong quan hệ song phương, khi tình hình Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng.[33]
Cũng theo ông Andrey Kortunov, chủ tịch Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, quan hệ Nga – Ukraine sẽ khó có sự tiến triển trong năm 2022. Vấn đề Ukraine sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Biden do Mỹ còn đang tập trung vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Do đó, khó có thể kỳ vọng Mỹ sẽ đóng vai trò chủ động trong việc làm giảm căng thẳng leo thang tại khu vực này.[34]
Đối với EU, mối quan hệ giữa hai bên cũng sẽ khó đoán định. Tình hình chính trị nội bộ của một số nhân tố quan trọng trong khối này như Đức, Pháp cũng sẽ có khả năng có những chuyển biến: Chính quyền thủ tướng mới của Đức chưa định hình ổn định đường lối đối ngoại với Nga; trong khi đó Pháp cũng sẽ có khả năng có tổng thống mới trong kỳ bầu cử sắp tới.
Danh sách tài liệu tham khảo:
[1] Tuan Son. (2021, October 15). Tại sao tỷ lệ nhiễm và tử vong bởi Covid-19 tại Nga tăng đột biến?. Quân đội Nhân dân. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/tai-sao-ty-le-nhiem-va-tu-vong-boi-covid-19-tai-nga-tang-dot-bien-674304
[2] Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống. Tổng tỷ suất sinh (TFR) trong khoảng 2,1 con được coi là mức sinh thay thế. TFR là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đưa ra các dự báo dân số, từ đó hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
[3] Van Thuong. (2021, December 29). Dân số giảm kỷ lục là một trong những thách thức chính với Nga. VOV. https://vov.vn/the-gioi/dan-so-giam-ky-luc-la-mot-trong-nhung-thach-thuc-chinh-voi-nga-post914847.vov
[4] Peabody, P. (2022, January 3). Russia Doesn’t Have the Demographics for War. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2022/01/03/russia-demography-birthrate-decline-ukraine/
[5] Sapmaz, A. (2022, July 21). The Russian Federation’s National Security Strategy of 2021: THE INCREASING IMPORTANCE OF INTERNAL SECURITY. TASAM Organization. https://tasam.org/en/Icerik/70118/the_russian_federations_national_security_strategy_of_2021_the_increasing_importance_of_internal_security
[6] Một trong những hãng sản xuất máy bay quân sự lớn của Nga
[7] Hoang Pham. (2021. August 10). Tiêm kích Checkmate của Nga có thể đánh bại F-35 trong một cuộc không chiến?. VOV. https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/tiem-kich-checkmate-cua-nga-co-the-danh-bai-f-35-trong-mot-cuoc-khong-chien-881168.vov
[8] Denisov, A. (2021, December 21). Trung đoàn máy bay chiến đấu MiG-31 trang bị tên lửa “Kinzhal” đầu tiên được thành lập ở Nga. Sputnik News. https://vn.sputniknews.com/20211221/bo-truong-quoc-phong-nga-da-thanh-lap-o-nga-trung-doan-khong-quan-gom-mig-31-voi-ten-lua-kinzhal-12964736.html
[9] Rozin, I. (2022, January 6). Which countries buy weapons from Russia?. Russia Beyond. https://www.rbth.com/science-and-tech/334617-which-countries-buy-weapons-from-russia
[10] Giống chú thích số 9
[11] (2021, June 29). Xi, Putin announce extension of China-Russia friendly cooperation treaty. Xinhua. http://www.xinhuanet.com/english/2021-06/29/c_1310032860.htm
[12] Minh Hai. (2021, November 29). Quan hệ Nga – Trung đang nồng ấm “chưa từng có”. Công an Nhân dân. https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/quan-he-nga-trung-dang-nong-am-chua-tung-co-i636311/
[13] (2021, November 20). Quan hệ ngoại giao Nga – Trung Quốc giai đoạn từ 2014 đến nay. IR Analytica, https://iranalytica.com/quan-he-ngoai-giao-nga-trung-quoc-giai-doan-tu-nam-2014-den-nay/
[14] (2021, April 9). Russian force on Ukraine border larger than any time since 2014, U.S. says. Reuters, https://www.reuters.com/article/us-ukraine-crisis-usa-idUSKBN2BV2Z3
[15] Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) bao gồm các thành viên là các ngân hàng và tổ chức tài chính. Hiệp hội này giúp các thành viên chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin. Hầu hết các ngân hàng trên thế giới đều sử dụng hệ thống truyền tin này. Sử dụng SWIFT sẽ tuân theo tiêu chuẩn thống nhất trên toàn thế giới. Đây là điểm chung của bất cứ ngân hàng nào tham gia SWIFT có thể hòa đồng vào với cộng đồng ngân hàng trên thế giới.
[16] Madhani, A. (2021, December 4). US intelligence finds Russia planning Ukraine offensive. AP News. https://apnews.com/article/joe-biden-europe-russia-ukraine-vladimir-putin-9ef2a191af25e2920a0a1c75ccbe4c13
[17] Hoang Ha. (2021, December 13). Tin thế giới 13/12: Phương Tây tổng lực chĩa mũi dùi vào Nga; Ukraine ‘than thở’ về chính phủ cũ ở Đức; tín hiệu mới ở Syria?. Thế giới và Việt Nam. https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-1312-phuong-tay-tong-luc-chia-mui-dui-vao-nga-ukraine-than-tho-ve-chinh-phu-cu-o-duc-tin-hieu-moi-o-syria-167826.html
[18] Blinken, A. (2021, November 22). Imposition of Further Sanctions in Connection with Nord Stream 2. U.S Department of States. https://www.state.gov/imposition-of-further-sanctions-in-connection-with-nord-stream-2/
[19] Hai Van. (2021, December 12). Thế giới tuần qua: Thượng đỉnh Mỹ – Nga chưa đạt đột phá; Mỹ – Trung căng thẳng quanh Olympic Bắc Kinh. Báo tin tức. https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-tuan-qua-thuong-dinh-my-nga-chua-dat-dot-pha-my-trung-cang-thang-quanh-olympic-bac-kinh-20211211172734770.htm
[20] Phuong Oanh. (2021, October 28). ASEAN-Nga ra tuyên bố chung đảm bảo an ninh hàng hải và hàng không. Vietnam Plus. https://www.vietnamplus.vn/aseannga-ra-tuyen-bo-chung-dam-bao-an-ninh-hang-hai-va-hang-khong/749608.vnp
[21] (2022, October 28). ASEAN-Nga tăng hợp tác khoa học-kỹ thuật và công nghiệp trong năm 2022. Vietnam Plus. https://www.vietnamplus.vn/aseannga-tang-hop-tac-khoa-hocky-thuat-va-cong-nghiep-trong-nam-2022/749568.vnp
[22] Tran Tuan. (2021, October 24). Nga viện trợ 30.000 liều vaccine Sputnik Light cho Lào. VOV. https://vov.vn/the-gioi/nga-vien-tro-30000-lieu-vaccine-sputnik-light-cho-lao-893170.vov
[23] (2021, September 4). Nga sẽ cung cấp cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine trong năm 2021. Bộ y tế. https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/nga-se-cung-cap-cho-viet-nam-20-trieu-lieu-vaccine-trong-nam-2021
[24] Bao Anh. (2021, June 7). ‘Thế chân vạc’ ngoại giao vắc xin của Mỹ – Trung – Nga. Tuổi Trẻ, https://tuoitre.vn/the-chan-vac-ngoai-giao-vac-xin-cua-my-trung-20210607002412865.htm
[25] (2021, July 13). Russia courts ASEAN caught between US and China. Asia Nikkei. https://asia.nikkei.com/Spotlight/Asia-Insight/Guns-and-jabs-Russia-courts-ASEAN-caught-between-US-and-China
[26] Giống chú thích 25
[27] Quang Vinh. (2021, November 6). Moody’s nâng dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nga. Vietnam Plus. https://www.vietnamplus.vn/moodys-nang-du-bao-tang-truong-gdp-cua-nen-kinh-te-nga/752358.vnp
[28] Rozin, I. (2021, December 27). TOP 3 new era weapons that will appear in the Russian army in 2022. Russia Beyond. https://www.rbth.com/science-and-tech/334564-top-3-new-era-weapons
[29] Karpukhin, S. (2021, April 21). Putin says advanced weaponry in Russia’s nuclear triad to exceed 88% in 2021. Tass. https://tass.com/defense/1280975
[30] Phan An. (2021, December 30). Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga năm 2021 dự báo cao kỷ lục. Báo tin tức. https://baotintuc.vn/the-gioi/kim-ngach-thuong-mai-giua-trung-quoc-va-nga-nam-2021-du-bao-cao-ky-luc-20211230120015744.htm
[31] đây là hệ thống truyền dẫn khí đốt lớn nhất nằm ở phía Đông của Nga. Đường ống này dẫn khí đốt từ từ vùng mỏ Chayandinskoye của Nga tới miền Bắc Trung Quốc.
[32] (2022, January 3). Foreign Policy Experts Map Russia’s Plans for 2022. The Moscow Times. https://www.themoscowtimes.com/2022/01/03/foreign-policy-experts-map-russias-plans-for-2022-a75845
[33] Ellyat, H. (2022, January 10). ‘Zero trust’ and mutual dislike: Why hopes to resolve U.S.-Russia tensions are low as talks kick off. CNBC News. https://www.cnbc.com/2022/01/10/us-russia-talks-in-geneva-hopes-for-resolution-to-ukraine-tension-low.html
[34] Giống chú thích 32