5/1/1972, Tổng thống Nixon thông báo rằng nước Mỹ sẽ phát triển một hệ thống tàu con thoi có thể tái sử dụng, tiết kiệm chi phí hơn so với các dạng tên lửa phóng một lần trước đây. Đây được xem là một bước nhảy vọt trong ngành công nghệ du hành vũ trụ, với tham vọng biến các hoạt động đi vào không gian trở nên dễ tiếp cận hơn, với chi phí ít tốn kém. Tàu con thoi đầu tiên mang tên Columbia được NASA phóng vào vũ trụ năm 1981.
Dự án tàu con thoi này là một phần của cuộc chạy đua vào không gian diễn ra giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ này, cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra trong mọi lĩnh vực, với công nghệ vũ trụ cũng không phải là một ngoại lệ. Sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên Sputnik I vào quỹ đạo trái đất năm 1957 đã gây ra nỗi lo lắng cho chính quyền Eisenhower rằng Liên Xô đã vượt qua những thành tựu công nghệ của Mỹ. Kết quả là năm 1958, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) được thành lập, với mục tiêu nghiên cứu và phát triển lĩnh vực hàng không. Những phát minh trong lĩnh vực không gian đã gián tiếp làm leo thang cuộc chạy đua vũ trang và chạy đua hạt nhân ở giai đoạn sau của chiến tranh Lạnh