Vào ngày 10/8 hằng năm, Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày vì Nạn nhân Chất độc Da cam. Được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam nhằm mục đích phá rừng phát quang, chất độc da cam đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cả về môi trường lẫn về con người. Cho đến nay, việc giải quyết hậu quả chất độc da cam vẫn còn đang tiếp diễn. Cụ thể những năm qua, Mỹ đã có những hành động xử lý hệ quả mà chất độc da cam để lại cho Việt Nam.
1. Chi tiết về Ngày vì Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam
Ngày 25/6/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công nhận ngày 10/8 là Ngày Vì Nạn nhân Chất độc Da cam dựa trên mốc ngày 10/8/1961. Đây là thời điểm Mỹ bắt đầu sử dụng chất độc màu da cam như một loại vũ khí hóa học trên chiến trường miền Nam Việt Nam.[1] Chất độc màu da cam (Agent Orange) là một loại thuốc diệt cỏ hóa học chứa dioxin, có liên quan đến một số loại bệnh như ung thư, dị dạng, rối loạn phát triển và sinh sản ở những nạn nhân tiếp xúc phải. Đây là chất không màu và được chứa trong những thùng được sơn vạch da cam để phân biệt với những thùng chứa chất khác như chất trắng hay chất xanh. Dioxin không tan được trong nước và khó bị phân hủy. Vì thế, sau khi được rải, dioxin sẽ tiếp tục bám lại trong đất làm ô nhiễm đất cũng như lắng đọng dưới đáy các ao hồ rồi gây nhiễm cho các loài động vật như cá, và tiếp đến là đi vào chuỗi thức ăn của con người. Dioxin thậm chí còn chiếm 66% máu và sữa mẹ của người bị nhiễm, từ đó gây nhiều di chứng nghiêm trọng đến tận thế hệ thứ 4.[2][3] Một báo cáo của Quốc hội Mỹ đã ước tính trong số 80 triệu lít chất diệt cỏ được Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam thì có hơn một nửa (tương đương với 42 – 45 triệu lít) là chất độc màu da cam.[4] Lượng chất diệt cỏ này được Mỹ tiến hành rải trong vòng 1 thập kỷ với 19.905 vụ phun xuống khoảng 26.000 thôn bản Việt Nam và gây ô nhiễm trên tổng diện tích là 3,06 triệu hecta đất. Tổng cộng có đến 366 kg dioxin đã bị rải trên 1/4 (24%) diện tích đất của miền Nam, làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân của độc tố này.
Không chỉ thế, chất độc màu da cam cũng ảnh hưởng đến những binh lính Mỹ, Úc, New Zealand và Hàn Quốc đã chiến đấu tại chiến trường Việt Nam. Ước tính có ít nhất 26 triệu binh lính chiến đấu cho Mỹ bị nhiễm chất độc này.[5] Các cựu chiến binh tại Úc cũng đã lên tiếng về sự ảnh hưởng của chất độc này đến tình trạng sức khỏe của họ và gia đình như ung thư hay di chứng đến các thế hệ sau.[6] Riêng tại Hàn Quốc, 32 cựu chiến binh bị khuyết tật hoặc bị bệnh do chất độc màu da cam đã yêu cầu chính phủ Mỹ bồi thường cũng như đâm đơn kiện các công ty hóa chất đã sản xuất ra chất độc này. Hội thương binh vì chất độc màu da cam của Hàn Quốc cũng cho biết có đến 170.000 binh lính Hàn Quốc chiến đấu cho Mỹ đã chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam.[7]
Tuy nhiên, những hành động trên đã bị kháng cự bởi các công ty hóa chất. Đa số các công ty đều từ chối nhận trách nhiệm với vấn đề này và cho biết chỉ sản xuất chất độc màu da cam theo hợp đồng với quân đội Mỹ. Dow Cooperate, một trong những công ty lớn tham gia vào sản xuất chất độc màu da cam và có tên trong danh sách các vụ kiện, nói rằng họ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào trong vấn đề này.[8] Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp các công ty bồi thường thiệt hại để giải quyết vụ kiện như vụ kiện tập thể của các cựu chiến binh Mỹ với Dow Chemical, Monsanto từ năm 1979 – 1984[9] hay vụ kiện của ông Isacson và Stephenson, 2 cựu chiến binh người Úc và New Zealand, đối với công ty Dow Chemical vào năm 2008 (Isaacson v Dow Chemical Co).[10] Tuy nhiên, đa số thương binh trong vụ kiện tập thể nêu trên không nhận được khoản bồi thường như đã được hứa (chỉ có 60.000 người trên gần 2,4 triệu người nhận được bồi thường). Các vụ án khác liên quan đến vấn đề này thì hoàn toàn thất bại.
2. Phản ứng của Mỹ về việc khắc phục hậu quả chất độc màu da cam
Chính phủ Mỹ đã né tránh việc công khai nhận trách nhiệm trong vấn đề chất độc màu da cam tại Việt Nam. Điều đó có thể được thấy khi Mỹ lập luận rằng chất độc màu da cam là một chất làm rụng lá cây chứ không phải là một dạng vũ khí hóa học. Theo họ, vũ khí hóa học được định nghĩa là chất độc hóa học được sử dụng với chủ đích để gây thương tích hoặc tử vong.[11] Ngoài ra, vào tháng 8/2000 trong một cuộc họp song phương ở Hà Nội, trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lúc đó là Gary Vest đã nhấn mạnh việc Chính phủ Mỹ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào để giải quyết ô nhiễm bên ngoài nước Mỹ.[12] Bên cạnh đó, các tòa án của Mỹ từ Tòa án Quận đến tòa Phúc thẩm đều đã bác bỏ đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với lập luận rằng họ không tìm thấy bất kỳ nghĩa vụ pháp lý quốc tế nào cấm Mỹ sử dụng thuốc diệt cỏ trong chiến tranh ở Việt Nam và thuốc diệt cỏ được sử dụng với mục đích giết thực vật chứ không phải giết người. Họ cho rằng nguyên đơn đã không chứng minh được hành vi vi phạm luật pháp quốc tế vì chất độc màu da cam được sử dụng để bảo vệ quân đội Mỹ khỏi bị phục kích chứ không phải là vũ khí chiến tranh chống lại loài người.[13][14] Ngoài ra, cách Mỹ gọi tên các chương trình, dự án liên quan đến việc khắc phục hậu quả của chất độc da cam là “hỗ trợ người khuyết tật”, “xử lý môi trường ô nhiễm dioxin” cũng phần nào thể hiện sự tránh né của chính phủ Mỹ trong việc công khai nhận trách nhiệm cho vấn đề này.
Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Việt Nam và Mỹ đã có nhiều hợp tác trong việc nghiên cứu hậu quả của chất độc da cam cũng như triển khai các chương trình, dự án “hỗ trợ” y tế và phục hồi môi trường các nơi bị nhiễm chất độc này. Một ví dụ điển hình có thể thấy là vào tháng 6/2007, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật cho phép Chính phủ chi 3 triệu đô la Mỹ để khắc phục hậu quả ô nhiễm dioxin tại Việt Nam và “hỗ trợ” y tế cho người dân sống gần các khu vực đó.[15] Đến năm 2012, Chính phủ Mỹ đã đồng ý việc xử lý ô nhiễm tại sân bay Đà Nẵng để loại bỏ dioxin tại đây. Dự án được khởi công vào tháng 8/2012 và hoàn tất 6 năm sau đó với tổng cộng hơn 32,4 hecta đất đã được xử lý trong tổng số 3,06 triệu hecta đất bị nhiễm dioxin. Đây cũng là cột mốc chính thức xóa tên sân bay Đà Nẵng khỏi danh sách điểm nóng về ô nhiễm dioxin.[16][17] Tiếp theo đó, vào ngày 20/01/2021, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam đã ký Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại về hỗ trợ khuyết tật do chất độc màu da cam với Trung tâm Hành động quốc gia. Theo thỏa thuận, dự án được thực hiện với nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Mỹ là 65 triệu đô la Mỹ cùng một phần vốn ngân sách nhà nước khoảng 75 tỉ đồng và được xác định sẽ có tác động tích cực nhất định đến ít nhất 100.000 người khuyết tật cũng như gia đình họ ở 8 tỉnh Việt Nam bao gồm Quảng Nam, Bình Định, Quảng Trị, Huế, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh.[18] Sau đó, vào năm 2019, USAID cũng nhận bàn giao mặt bằng từ Bộ Quốc phòng để xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Đây là một trong những trụ sở chính của Mỹ trong thời gian chiến tranh với tổng lượng chất hóa học được ước tính là 27.500 lít. Quá trình này cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực với hơn 30.000 mét vuông đất sạch đã được bàn giao lại cho chính quyền vào năm 2021.[19] Cùng năm đó, Hội Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ (VFP) đã trình Quốc hội Mỹ 5 Dự luật Cứu trợ nạn nhân chất độc da cam, trong đó, Hạ nghị sĩ Babara Lee đã trình Quốc hội Dự luật Cứu trợ nạn nhân chất độc da cam 2021 (H.R.3518).[20] Vào năm 2022, Chính phủ Mỹ cũng đưa ra Đạo luật Phân bổ ngân sách tổng hợp nhằm cho phép hỗ trợ 15 triệu đô la Mỹ cho các chương trình hỗ trợ sức khỏe cho những người bị mất khả năng vận động trầm trọng hoặc những khuyết tật có liên quan đến chất độc màu da cam và phơi nhiễm dioxin.[21]
Sự tiến triển trong hợp tác Việt – Mỹ về khắc phục hậu quả chất độc màu da cam thông qua các dự án và chương trình kể trên đã phản ánh sự phát triển của mối quan hệ song phương. Theo ông Lê Kế Sơn, Chủ tịch Ủy ban cố vấn hỗn hợp Mỹ – Việt về chất độc da cam, kiêm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, từ việc không hợp tác gì đến hợp tác khoa học, sau đó lấy mẫu dioxin để xác định nồng độ ô nhiễm, xây dựng phương pháp xử lý và giúp đỡ nạn nhân, chính là các bước đi tích cực trong quan hệ hai nước và Việt Nam ghi nhận sự tích cực đó từ phía Mỹ. Như vậy, có thể thấy, dù vẫn chưa có sự thừa nhận chính thức nhưng chính phủ Mỹ cũng đã có những hành động tích cực nhằm khắc phục hậu quả của chất độc màu da cam tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1] Tuấn Anh . (2018). Ngày này năm xưa: Mỹ rải chất độc da cam ở Việt Nam. VietNamNet News. https://vietnamnet.vn/ngay-nay-nam-xua-my-rai-chat-doc-da-cam-o-viet-nam-469203.html
[2] Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. (2024, June 1). 120 câu hỏi & đáp về chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. https://vava.org.vn/120-cau-hoi-dap-ve-chat-doc-da-camdioxin-do-my-su-dung-trong-chien-tranh-o-viet-nam
[3] U.S. – Vietnam dialogue group on Agent Orange/ Dioxin & The Asspen Institute. (n.d.). Tác hại của Chất độc Da cam và Dioxin tới sức khỏe con người. Retrieved August 12, 2024 https://www.aspeninstitute.org/wp-content/uploads/2016/06/aovp-health.pdf
[4] Congressional Research Service. (2020). U.S. Agent Orange/Dioxin Assistance. https://crsreports.congress.gov/product/pdf/R/R44268/22
[5] 50 years of agent orange/dioxin disaster in Vietnam. (n.d.). https://mod.gov.vn/en/intro/detail/!ut/p/z0/dYqxDoIwFEW_xvHltVigHWFwMMZEYwx0MYUWqEIr2Bg-X6KTMU73nJOLEguUTj1tq4L1TvWLlzK5bLL9kec0I-S0i8ghZ-dYiHTNRIpblG3vq8_VXsdRZihr74KZAxaD1yvyULAsGPdG48CHzkxfAn5qfwJo62fr_nWoOzPYWvUrIlTc0CihYCreAIspAy60Al3phpCUC0YTvN9k-QLs57D7/
[6] Agent Orange and other chemicals in the Vietnam War. (2023, October 24). Anzac Portal. https://anzacportal.dva.gov.au/wars-and-missions/vietnam-war-1962-1975/events/aftermath/agent-orange
[7] Vietnam Agent Orange Campaign | Home. (2006.). https://www.vn-agentorange.org/skrao_20060824.html
[8] Agent Orange. (n.d.). Issues | Dow Corporate. https://corporate.dow.com/en-us/about-dow/company/issues/agent-orange.html
[9] 16. In re Agent Orange Product Liability Litigation, 689 F. Supp. 1250 (E.D.N.Y. 1988). https://scholar.google.com/scholar_case?q=In+re+Agent+Orange+Product+Liability+Litigation&hl=en&as_sdt=806&case=17649867407892903886&scilh=0
[10] Isaacson v. Dow Chemical Co., 517 F.3d 129 | Casetext Search + Citator. (2008.). https://casetext.com/case/isaacson-v-dow-chemical-co-2
[11] Dung, P. X. (2022, April 14). Agent Orange in Vietnam: legality and US insensitivity. The Diplomat. https://thediplomat.com/2022/04/agent-orange-in-vietnam-legality-and-us-insensitivity/
[12] Vietnam Victims of Agent Orange and U.S. – Vietnam Relations. (2012). Congressional Research Service. https://sgp.fas.org/crs/row/RL34761.pdf
[13] International Crimes Database. (2005, March 28). Vietnam Association for Victims of Agent Orange v. Dow Chemical Co. International Crimes Database. Retrieved August 8, 2024, from https://www.internationalcrimesdatabase.org/Case/896/Vietnam-Association-for-Victims-of-Agent-Orange-v-Dow/
[14] International Crimes Database. (2008, February 22). Vietnam Association for Victims of Agent Orange v. Dow Chemical Co. International Crimes Database. Retrieved August 8, 2024, from https://www.internationalcrimesdatabase.org/Case/196
[15] Hội nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam. (2024). Major progress in the U.S – Vietnam relations on overcoming the consequences of toxic chemicals. vava.org.vn. https://www.vava.org.vn/major-progress-in-the-us-vietnam-relations-on-overcoming-the-consequences-of-toxic-chemicals
[16] Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân Bay Đà Nẵng | Vietnam | Fact Sheet | U.S. Agency for International Development. (n.d.). U.S. Agency For International Development. https://www.usaid.gov/vi/vietnam/fact-sheets/environmental-remediation-dioxin-contamination-danang-airport-project
[17] Đông, N. (2019, February 11). Đà Nẵng được “xóa tên” khỏi danh sách điểm nóng dioxin.vnexpress.net. https://vnexpress.net/da-nang-duoc-xoa-ten-khoi-danh-sach-diem-nong-dioxin-3835306.html
[18] Báo Người Lao Động Online. (2021, January 20). Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại 65 triệu USD hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Báo Người Lao Động. https://nld.com.vn/thoi-su/my-vien-tro-khong-hoan-lai-65-trieu-usd-ho-tro-nan-nhan-chat-doc-da-cam-tai-viet-nam-20210120174128218.htm
[19] Tuan, P. (2023, March 22). Part of former US airbase in Vietnam clean of dioxin. VnExpress International – Latest News, Business, Travel and Analysis From Vietnam. https://e.vnexpress.net/news/environment/30-000-m2-of-southern-vietnam-airport-cleansed-of-dioxin-4578559.html
[20] Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (2021). Hạ nghị sĩ Mỹ: “Hoa Kỳ có trách nhiệm đạo lý trong việc bồi thường cho các nạn nhân của chiến dịch phun rải chất độc da cam.” https://vufo.org.vn/Ha-nghi-si-My-Hoa-Ky-co-trach-nhiem-dao-ly-trong-viec-boi-thuong-cho-cac-nan-nhan-cua-chien-dich-phun-rai-chat-doc-da-cam-52-8602.html?lang=vn
[21] Consolidated Appropriations Act. (2022). United States Congress. https://docs.house.gov/billsthisweek/20220307/BILLS-117HR2471SA-RCP-117-35.pdf